Bóng chuyền Việt Nam ở SEA Games 31: Vượt khó giữa muôn trùng vây
Dịch COVID-19 bùng phát trong đội tuyển không phải mối lo duy nhất của bóng chuyền Việt Nam trước thềm SEA Games 31. Ở giải đấu diễn ra trên sân nhà, thật khó cho đội tuyển bóng chuyền nam và nữ Việt Nam hướng đến mục tiêu cao nhất.
Tìm lại chính mình
Ở kỳ SEA Games 1999 diễn ra tại Brunei, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam bất ngờ giành huy chương vàng. Đó là thời điểm chúng ta đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh để bước lên ngôi vương của bóng chuyền Đông Nam Á. Nhưng kể từ đó, bóng chuyền nam Việt Nam chưa thể tìm về quá khứ vàng son thuở nào.
Đến năm 2007, bóng chuyền nam Việt Nam trình làng gương mặt xuất chúng có một không hai: Chủ công Ngô Văn Kiều. Với chiều cao 1m96 cùng sải tay dài, sức bật tốt và lực đập mạnh khác thường, Ngô Văn Kiều được ví như oanh tạc cơ của bóng chuyền Việt Nam. Anh khiến giới mộ điệu phải chú ý đến mình ở trận bán kết thắng Thái Lan 3-0, nơi Kiều ghi hàng loạt điểm từ những cú đánh sau vạch 3m.
Đáng tiếc là hiện tượng Ngô Văn Kiều vẫn không thể giúp bóng chuyền nam Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games thêm lần nữa. Ở trận chung kết năm đó, Kiều bị đối thủ Indonesia tập trung bám chắn và tìm cách vô hiệu hóa. Những năm tiếp theo, bóng chuyền nam Việt Nam giành thêm 1 HCB và 3 HCĐ. Mọi thứ dường như vẫn ổn cho đến giai đoạn chuyển giao thế hệ tại SEA Games 30.
Ở kỳ SEA Games trên đất Philippines năm 2019, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã trải qua một giải đấu rất đáng quên. Chúng ta kết thúc vòng bảng ở vị trí cuối cùng với 3 trận toàn thua, xếp dưới cả Campuchia. Phải đến lượt vé vớt tranh hạng 5 chung cuộc, các tay đập của Việt Nam mới thể hiện đúng phong độ và giành 2 chiến thắng liên tiếp.
Điều gì đã xảy ra ở kỳ SEA Games 3 năm trước? Chẳng ai biết rõ thực hư ngoài chuyện đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam để thua chóng vánh 0-3 trước Indonesia và Philippines ở 2 lượt trận đầu tiên. Đến trận đấu cuối cùng của vòng bảng, chúng ta tiếp tục để thua Campuchia 2-3. Nhưng 4 ngày sau đó, ở trận đấu tranh hạng 5, Việt Nam thắng Campuchia áp đảo với tỷ số 3-0.
Kết thúc chiến dịch SEA Games 30, nguyên nhân dẫn đến thất bại của bóng chuyền nam Việt Nam được đem ra bàn luận. Một trong số đó là việc nhiều vận động viên (VĐV) giàu kinh nghiệm không được triệu tập lên tuyển, phải nhường chỗ cho những gương mặt trẻ. Tuy nhiên, họ lại không thể hiện được nhiều trong giải đấu quan trọng như SEA Games.
Người duy nhất thi đấu đúng với phong độ ở SEA Games 30 là "oanh tạc cơ" Từ Thanh Thuận. Khả năng ghi điểm của đối chuyền này gần như gồng gánh cả đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam suốt nhiều năm qua. Nhưng điều đáng tiếc là trước thềm SEA Games 31, Từ Thanh Thuận bất ngờ bị gạch tên khỏi đợt tập trung lên đội tuyển. Cơ hội để anh tham dự SEA Games gần như không còn.
"Thuận bị loại vì tôi cảm thấy cậu ấy không còn khát khao cống hiến cho đội tuyển quốc gia nữa". Đó là nhận định của chuyên gia Li Huan Ning, huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tay đập mạnh nhất của bóng chuyền Việt Nam kể từ sau thời của Ngô Văn Kiều sẽ không còn đồng hành cùng đội tuyển nữa. Thiếu vắng Thuận, kế hoạch giành huy chương của bóng chuyền nam Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Vượt qua khó khăn
20 năm qua, Thái Lan vững vàng chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á ở bộ môn bóng chuyền nữ. Việc bám đuổi những cô gái người Thái dường như quá khó khăn cho những đội tuyển còn lại, nhất là khi Thái Lan đã tiệm cận trình độ châu Á và dần vươn tầm thế giới. Đội tuyển duy nhất có thể bám đuổi họ khi ấy là những cô gái Việt Nam.
Ở SEA Games 2003 diễn ra trên sân nhà, bóng chuyền nữ Việt Nam suýt chút nữa đã lật đổ Thái Lan thành công. Ở trận chung kết, chúng ta chỉ để thua đối thủ với tỷ số sát nút 2-3. Đến những kỳ SEA Games tiếp theo, trong khi Thái Lan vững vàng ở vị trí số 1 thì Việt Nam cũng không có đối thủ cho ngôi Á quân. Nhưng đến SEA Games 29 (2017), thế cân bằng đó đã bị phá vỡ.
Indonesia, đội tuyển thường xuyên đứng sau Việt Nam ở những kỳ SEA Games trước đó đã bất ngờ vùng lên tại giải đấu trên đất Malaysia. Việc Indonesia tập trung lực lượng chuẩn bị cho ASIAD, cộng thêm việc đội tuyển Việt Nam chuyển giao thế hệ đã khiến chúng ta mất vị trí thứ 2 vào tay đối thủ.
Cho đến giờ, trận thua Indonesia ở bán kết SEA Games 29 vẫn khiến nhiều tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam cảm thấy khó quên. Đó là trận đấu mà chúng ta ghi điểm nhiều hơn đối phương (111 so với 102), nhưng cuối cùng lại để thua chung cuộc sau 5 set đấu. Thất bại đó cùng những biến động của đội tuyển trước thềm SEA Games 30 khiến giới mộ điệu dự đoán bóng chuyền nữ Việt Nam khó có huy chương, nhưng phép màu đã diễn ra.
Ở 2 trận đấu mở màn gặp Philippines và Indonesia tại SEA Games 30, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đều có thời điểm bị đối phương dẫn trước. Nhưng bằng bản lĩnh của những cựu binh cùng sức trẻ của gương mặt tiêu biểu Thanh Thúy, bóng chuyền nữ Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục để giành chiến thắng.
Tấm huy chương bạc ở SEA Games 30 của bóng chuyền nữ Việt Nam, vì thế, được đánh giá là quý hơn cả một tấm huy chương vàng. Dù vậy, xét đến những trận đấu ở giải năm đó, có thể thấy việc giữ vững vị trí thứ 2 chung cuộc là nhiệm vụ khá khó khăn với Việt Nam. Trong khi Thái Lan vẫn tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại thì Philippines, Indonesia cũng đang tiến bộ không ngừng theo thời gian.
Câu chuyện của Thanh Thúy
Với mục tiêu bảo vệ tấm huy chương bạc giành được ở Philippines 3 năm trước, ưu tiên hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam là giữ vững bộ khung VĐV từng mang về thành công cho đội tuyển. Trong số họ, gương mặt sáng giá nhất là chủ công Thanh Thúy đang được cân nhắc về nước sớm để tập trung cùng đội tuyển quốc gia.
Ở thời điểm hiện tại, Thanh Thúy đang khoác áo CLB PFU Blue Cats thi đấu tại giải vô địch quốc gia Nhật Bản. Điều không may mắn cho Thúy là ở đội bóng hạng trung này, cô bị xếp thi đấu ở vị trí phụ công chứ không phải chủ công sở trường. HLV đội lựa chọn Thúy vào vị trí đó do cô sở hữu chiều cao lý tưởng, đồng thời có khả năng bám chắn phòng ngự khá tốt.
Tuy nhiên, việc điều chuyển một chuyên gia ghi điểm như Thúy vào vị trí phòng ngự lại không tốt cho cô và đội tuyển Việt Nam. Phải đến khi các chủ công hàng đầu bị bắt bài hoặc gặp chấn thương, PFU Blue Cats mới chuyển Thanh Thúy trở lại vị trí chủ công sở trường. Cô không mất nhiều thời gian để chứng minh mình là tay đập hàng đầu châu Á khi liên tục giữ vị trí VĐV ghi điểm nhiều nhất ở các trận đá đấu.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như từ khi chuyển Thanh Thúy ra làm chủ công và phục vụ mục tiêu ghi điểm, PFU Blue Cats lại... để thua liên tục. Trong thời gian được thi đấu ở vị trí sở trường, việc phải chứng kiến hết thất bại này đến thất bại khác cùng toàn đội có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự tự tin của Thúy, qua đó khiến cô không thể hiện được hết khả năng tại SEA Games.
Tại SEA Games 31, Thanh Thúy không chỉ là tay đập chính của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, mà còn được cả đội tín nhiệm bầu làm đội trưởng. Đó là vị trí xứng đáng với những gì Thúy đã thể hiện nhiều năm qua, nhưng vô tình cũng là áp lực đè nặng lên đôi vai chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam. Khi có hàng triệu cổ động viên dõi theo, Thúy không được phép mắc một sai lầm nào.
Điều may mắn duy nhất về Thúy là cô đã có kinh nghiệm xuất ngoại vô cùng phong phú ở tuổi 25. Kinh nghiệm cọ xát, tìm hiểu những nền bóng chuyền hàng đầu châu lục sẽ giúp Thúy trưởng thành hơn rất nhiều so với những vận động viên cùng trang lứa. Thúy có quyền mơ về một kỳ tích với tấm huy chương vàng bóng chuyền, bởi cô có đẳng cấp để xốc dậy toàn đội trong thời điểm khó khăn này.
Từ Thanh Thuận mất suất ở tuyển vì bị ganh ghét?
Trái với tuyên bố "Từ Thanh Thuận không được gọi lên đội tuyển quốc gia vì hết động lực thi đấu" của ban huấn luyện, những người bạn lâu năm với tay đập này lại không nghĩ như vậy. Theo chia sẻ của một người quen với Thuận, "oanh tạc cơ" này hoãn lên tập trung đội tuyển quốc gia vài tháng trước do anh chưa hoàn toàn bình phục chấn thương tay. Anh không muốn vừa chữa vừa tập luyện bởi điều đó có thể mang lại di chứng lâu dài.
Một lý do khác có thể liên quan đến việc Thuận mất suất đội tuyển quốc gia là việc anh từng phản ứng lại trợ lý, khi người này dùng lời lẽ thiếu văn hóa mạt sát các thành viên trong đội. Đôi bên lời qua tiếng lại, dẫn tới kết quả là Thuận trở thành mục tiêu bị người này công kích mỗi khi lên tuyển. Thuận lẳng lặng coi như không có chuyện gì, nhưng dần dần anh bị cô lập, xa lánh.
Trái với phong cách máu lửa của một "oanh tạc cơ" trên sân bóng chuyền, Từ Thanh Thuận khá kín tiếng ngoài đời thực cũng như mạng xã hội. Anh chỉ cập nhật bài đăng mới một khi muốn quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp tài trợ đội bóng, hoặc chia sẻ để mọi người ủng hộ đồng nghiệp kinh doanh. Phần lớn các bài đăng trên trang cá nhân của Thuận là do bạn bè gắn tên anh vào.
Lần theo những bài viết cũ trên trang Facebook cá nhân của Từ Thanh Thuận, có thể thấy tấm hình gần nhất anh đăng lên là vào tháng 3 năm ngoái, khi tay đập này chụp hình cùng một người bạn lâu năm. Số hình Thuận chia sẻ công khai trên mạng xã hội 7 năm qua là... 11 tấm, con số quá ít ỏi với một VĐV nổi tiếng.