Bóng chuyền Việt Nam và sức mạnh của xã hội hóa thể thao
Bóng chuyền là bộ môn cho thấy sức mạnh của xã hội hóa thể thao tại Việt Nam lớn như thế nào. Rất nhiều bộ môn khác hoàn toàn có thể tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng và đi sâu vào đời sống nhân dân nếu áp dụng thành công cách làm của bóng chuyền.
Xã hội hóa bóng chuyền
Nhằm phát huy các nguồn lực của xã hội cho công tác thể dục thể thao (TDTT) và khuyến khích phát triển các hoạt động thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Việc ban hành, đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển; đồng thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT.
Trong số các bộ môn “lột xác” nhất trong vòng 10 năm qua, bóng chuyền nổi lên như “điểm sáng” đầy thú vị. Khả năng xã hội hóa rất tốt của bóng chuyền Việt Nam được minh chứng khi giải vô địch quốc gia thường xuyên được tổ chức tại các địa phương chưa quá phát triển như Đắk Nông, Hà Tĩnh hay Bình Phước. Đây đều là những tỉnh chưa có sân bay. Trong đó, Đắk Nông, Hà Tĩnh thậm chí xa những trung tâm địa chính lớn của đất nước và giao thông không quá thuận tiện.
Vòng 1 giải vô địch quốc gia bóng chuyền nữ được tổ chức tại Bình Phước đã diễn ra tốt đẹp. Nhà thi đấu Bình Phước luôn chật kín khán giả. Các chuyên gia khẳng định việc mở cửa miễn phí không phải yếu tố quyết định, bởi lẽ người hâm mộ bóng chuyền nữ luôn đông đảo ở bất cứ địa phương nào.
Thực tế, nhà thi đấu Hà Tĩnh - nơi tổ chức giải vô địch quốc gia bóng chuyền nam chứng minh điều đó. Xét về sức hút, bóng chuyền nam không bằng bóng chuyền nữ. Ấy vậy mà nhà thi đấu Hà Tĩnh vẫn chật cứng cho dù ban tổ chức bán vé tại cửa (giá 50 ngàn đồng/vé). Khi đội chủ nhà thi đấu, vé luôn cháy từ rất sớm và xuất hiện “phe vé”, cho thấy sức nóng của môn thể thao này.
Đại diện Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ “người dân Hà Tĩnh rất mê bóng chuyền. Đặc biệt nếu trận nào có đội chủ nhà thi đấu thì tất thảy mọi người đều muốn vào coi”. Nhà quản lý vui khi người hâm mộ nô nức vào theo dõi, cổ vũ. Còn người đam mê bóng chuyền ở địa phương cho rằng môn thể thao này lành mạnh, có tính cạnh tranh cao và không mấy khi được cơ hội xem giải vô địch quốc gia trên sân nhà do đó sẵn lòng tới tận nơi mua vé vào cổ vũ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, bóng chuyền cũng là môn thể thao xuất hiện ở hội làng nhiều nhất cả nước, nhiều hơn cả bóng đá. Việc tổ chức các giải đấu bóng chuyền đơn giản hơn, ít tốn kém hơn và thu hút sự quan tâm của nhiều lứa tuổi hơn. Nếu như bóng đá là sân chơi của thanh niên, bóng chuyền có thể kéo cả người trung niên, người cao tuổi đến xem. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu vào chỉ để tổ chức các giải hội làng gói gọn trong 2 đến 3 ngày.
Nhiều vận động viên tên tuổi, có người là tuyển thủ quốc gia cũng sẵn sàng về thi đấu ở hội làng. Nói cách khác, bóng chuyền đã “xã hội hóa” theo đúng nghĩa đen. Không chỉ thu hút nguồn lực từ xã hội, bộ môn này còn đi vào các ngóc ngách để tiếp cận người hâm mộ và tạo ra vị thế vững vàng từ làng quê đến thành thị.
Tiềm năng to lớn
Bóng chuyền Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn chưa được khai thác triệt để. Mùa giải năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Ngay cả khi có một số ông bầu không còn quá mặn mà với bộ môn, hệ thống giải vô địch quốc gia vẫn diễn ra đầy hấp dẫn và khó lường. Các ngoại binh hàng đầu khu vực cũng ùn ùn kéo về Việt Nam thi đấu.
Nhiều ngoại binh Thái Lan góp mặt tại Giải Bóng chuyền quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Hà Tĩnh. Vòng 1 giải đấu năm nay diễn ra từ ngày 16/3 đến 22/3 tại Bình Phước ở nội dung nữ và từ 30/3 đến 6/4 tại Hà Tĩnh ở nội dung nam.
Điều lệ về ngoại binh giải năm nay vẫn không thay đổi, mỗi câu lạc bộ tham dự được phép đăng kí 2 ngoại binh, nhưng chỉ 1 người được thi đấu trên sân. Tính đến thời điểm này, đã có 20 vận động viên (VĐV) nước ngoài được đăng kí danh sách thi đấu (10 VĐV ở bảng nam và 10 VĐV ở bảng nữ) Giải Bóng chuyền VĐQG năm nay. Trong đó, có 3 đội nữ (Hóa chất Đức Giang Lào Cai, Binh chủng Thông tin, Than Quảng Ninh) và 2 đội nam (LP Bank Ninh Bình và Sanest Khánh Hòa) thuê tới 2 ngoại binh.
Các đội chưa hoặc không thuê ngoại binh gồm đội bóng nam/ nữ Hà Nội và đội nữ Geleximco Thái Bình. Trong danh sách các ngoại binh, không còn nhiều những tay đập đến từ châu Âu, thay vào đó, các VĐV đến từ Thái Lan được nhiều đội ở Việt Nam tin tưởng. Cụ thể, có đến 13 VĐV Thái Lan dự giải, nội dung nam gồm: Wanchai, Kittithad Nuwadee, Assanaphan Chantajorn, Anut Promchan, Thanathat Thaweerat, Chaiwat Thungkham; nội dung nữ gồm: Warisara Seetaloed, Sasipapron Janthasiwut, Tichaya Boonlert, Pleumjit Thinkaow, Siriwan Deekaew, Natthanicha Jaisaen, Sutadta Chuewulim.
Đây là điều dễ hiểu, bởi Thái Lan sở hữu nền bóng chuyền mạnh nhất Đông Nam Á, đặc biệt ở nội dung nữ. Bóng chuyền nữ Thái Lan đã vươn tầm thế giới từ lâu và các VĐV đều có chuyên môn rất tốt trong khi chi phí thuê thấp.
Bên cạnh đó, giải bóng chuyền Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện ngoại binh từ Trung Quốc, Cuba và Brazil. Đây đều là các nền bóng chuyền mạnh trên thế giới và “xuất khẩu” nhiều VĐV. Điều đó ít nhiều cho thấy khả năng phát triển của các CLB cũng như giải vô địch quốc gia lớn đến đâu.
Sức mạnh từ xã hội hóa
Vòng 2 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 chứng kiến các đội có nguồn lực xã hội hóa và nguồn đầu tư mạnh đang chiếm ưu thế. Trong 10 đội bóng chuyền nam, 10 đội bóng chuyền nữ dự giải vô địch quốc gia 2023, có các đội do doanh nghiệp quản lý là: nữ Hóa chất Đức Giang tia sáng, nữ Ngân hàng Công thương (Vietinbank).
Còn lại các đội bóng đều do Sở Văn hóa Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc đơn vị vũ trang (Quân đội) quản lý trực tiếp. Nguồn lực từ các doanh nghiệp là điều kiện để các đội bóng có sự phát triển tốt nhất, từ đó tạo ra sức cạnh tranh lớn.
Năm ngoái, đội nữ Hóa chất Đức Giang tia sáng là đội bạo chi nhất và thuê ngoại binh Polina (quốc tịch Azerbaijan) trở lại Việt Nam thi đấu. Kết thúc vòng một và vòng hai giải vô địch quốc gia 2023, đội bóng này thắng tuyệt đối các trận và không thua trận nào. Tuy nhiên, họ vẫn mất chức vô địch vào tay Ninh Bình, đội nhận sự đầu tư từ ngân hàng LPBank.
Hầu hết các đội bóng chuyền tham gia giải vô địch quốc gia đều có nhà tài trợ lớn. Đơn cử các đội bóng chuyền nam Long An, nữ VTV Bình Điền Long An; nam Thể Công - Tân Cảng; nam Lienvietbank Ninh Bình; nữ Lienvietbank Ninh Bình; nữ Binh chủng Thông tin Trường Tươi Bình Phước; nữ Geleximco Thái Bình; nữ Xi măng Long Sơn Thanh Hóa; nam Sanest Khánh Hòa...
Binh chủng Thông tin Trường Tươi Bình Phước được nhà tài trợ cam kết đồng hành 10 tỉ đồng/năm. Hay hai đội bóng chuyền nam, nữ của Ninh Bình được nhận tài trợ từ đơn vị đồng hành là 5 tỉ đồng/đội/năm. Các đội như nữ VTV Bình Điền Long An hay nam Sanest Khánh Hòa đang là nơi trả lương, thưởng rất hậu hĩnh cho cầu thủ nếu giành được thành tích cao trong các giải chính thống.
Minh chứng là đội nữ Hà Nội - không có sự đầu tư nào đáng kể đã đứng bét bảng nội dung nữ ở vòng 1. Quảng Ninh và Thái Bình cũng bị loại sớm cùng Ngân hàng Công thương.
Đội tuyển quốc gia bóng chuyền Việt Nam chưa được lưu tâm
Ngay sau vòng 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024, dự kiến các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam được tập trung. Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết: “Công tác tìm nhà tài trợ cho các đội tuyển bóng chuyền quốc gia không phải Liên đoàn bóng chuyền không thực hiện. Chúng tôi đã và đang triển khai những năm qua. Phải nhìn nhận thực tế, tìm được nhà tài trợ cho thể thao không dễ dàng. Các đội tuyển bóng chuyền quốc gia có một số đơn vị tài trợ nhưng chỉ theo thời điểm cụ thể. Chúng tôi rất chờ đợi sẽ có nhà tài trợ dài lâu bởi khi có thêm nguồn xã hội hóa thì các hoạt động tập huấn, thi đấu của đội tuyển quốc gia được tốt hơn”.
Cho dù được đánh giá là bộ môn ảnh hưởng thứ hai - chỉ sau bóng đá, nhưng các đội tuyển quốc gia bóng chuyền lại không được các doanh nghiệp quan tâm. Liên đoàn đang kỳ vọng mọi chuyện sẽ thay đổi trong thời gian tới khi hai đội tuyển nam, nữ tiếp tục gặt hái thành công ở các đấu trường quốc tế.
“Năm 2023, chúng tôi ghi nhận đội tuyển bóng chuyền nữ đã đạt những kết quả hiệu quả về thành tích. Từ đó, công tác vận động tài trợ cho các đội tuyển bóng chuyền quốc gia hy vọng cải thiện hơn trong những năm tới đây”, ông Trường bày tỏ.