Bóng đá Việt Nam: Khoảng trống không kỳ hạn
Bóng đá Việt Nam đang phải đối mặt với một khoảng trống không kỳ hạn khi đội tuyển quốc gia thiếu lớp cầu thủ kế cận xuất sắc. Chúng ta có thể mất 3, thậm chí 5 đến 10 năm để tái lập những thành công đã đạt được hôm nay nếu không thay đổi kịp thời và dứt khoát.
Nỗi lo không của riêng ai
Sau trận thua tuyển Nhật Bản tại Mỹ Đình vừa qua, HLV Park Hang-seo có cơ hội công khai nỗi trăn trở của ông về con đường phát triển tương lai của bóng đá Việt Nam. Kể từ khi dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, HLV người Hàn Quốc chỉ biết đến thành công và liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên, điều đó không còn xảy ra tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ở sân chơi được xem là khắc nghiệt nhất và thực chất nhất châu lục, tuyển Việt Nam đã toàn thua 5 trận đầu tiên, qua đó đi vào lịch sử với tư cách đội tuyển có kết quả tệ nhất… lượt đi của giai đoạn đấu loại này.
Sau lễ bốc thăm, không ít người đã kỳ vọng tuyển Việt Nam sẽ đánh bại tuyển Trung Quốc, Oman và thậm chí mơ mộng có điểm trước Nhật Bản, Úc hay Saudi Arabia. Thế nhưng, thực tế cho thấy chúng ta có khoảng vênh quá lớn với các đối thủ cùng bảng. Vấn đề không đơn giản nằm ở trình độ. Có những trận đấu, tuyển Việt Nam thua chỉ vì kém sức, như thất bại trước Trung Quốc và Oman.
Chính vì vậy, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc làm cách nào và bao giờ bóng đá Việt Nam có thể bắt kịp trình độ của các đối thủ tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, HLV Park Hang-seo lập tức dốc bầu tâm sự. “Chúng ta nên xây dựng kế hoạch, đưa ra các phương án làm sao để có kết quả tốt, để lọt vào vòng loại thứ 3 trong tương lai”, HLV Park Hang-seo chia sẻ. “Những cái đó cần sự đầu tư từ bóng đá trẻ”.
“Việt Nam cần có một hệ thống, từ đó mới đào tạo trẻ, mới phát triển được. Còn cứ tập trung vào đội người lớn và trông chờ vào họ thì không được. Còn mấy năm mới rút ngắn khoảng cách với các đối thủ, tôi cũng không thể nói được, vì chúng ta đang có vấn đề ở lứa trẻ”, HLV người Hàn Quốc nhấn mạnh. “Chính phủ và VFF cần phải có kế hoạch cụ thể. Làm bóng đá trẻ phải có từ lứa tuổi trẻ, phải làm từng giai đoạn, phải kết hợp từ nhiều bên. Tôi ở đây 4 năm rồi, nhưng tiền đạo Việt Nam không có thêm một ai. Sau Anh Đức, Đức Chinh và Tiến Linh, chúng ta không có ai hơn”.
Không chỉ ví dụ về vị trí tiền đạo, HLV Park Hang-seo thậm chí đánh giá tuyển U23 Việt Nam không có gương mặt nào sáng giá. Lý do ông đưa ra cũng rất hợp lý: các cầu thủ trẻ có rất ít cơ hội chơi bóng ở V.League để phát triển tài năng và tích lũy kinh nghiệm.
Thực ra, những gì ông Park Hang-seo nói đều không phải chuyện mới. Thành công của ĐTQG hiện tại có phần đóng góp lớn từ lứa U23 tạo ra kỳ tích tại Thường Châu 2018. Đáng chú ý, đó cũng là lứa cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp đồng đều đầu tiên trên cả nước, xuất phát từ các lò đào tạo mạnh như Hoàng Anh Gia Lai, VFP, Viettel, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An…
Tuy nhiên, sự xuất hiện cùng giai đoạn của những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức, Đình Trọng, Tiến Linh… mang tính chất ngẫu nhiên hơn là kết quả của một dự án lớn, bao trùm cả nước như HLV Park Hang-seo mong đợi.
Với một việc mang tính ngẫu nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng nó sẽ xảy ra liên tục. Ngay cả với các nền bóng đá lớn và phát triển mạnh trên thế giới, chu kỳ xuất hiện một thế hệ vàng hoàn chỉnh cũng kéo dài từ 5 đến 10 năm. Điều này có thể nhìn rõ qua thành tích của họ. Tây Ban Nha thống trị thế giới với 3 chức vô địch liên tiếp (EURO 2008, 2012 và World Cup 2010) nhưng lao dốc suốt một thập niên vừa qua. Việc lọt vào bán kết EURO 2020 mới chỉ là dấu hiệu cho thấy sự trở lại của họ. Thế hệ vàng tiếp theo của Tây Ban Nha thực chất mới đang hình thành, với những ngôi sao trẻ đang lên như Ansu Fati, Pedri, Gavi, Diaz, Torres… Tương tự như vậy, tuyển Brazil, Italia và tuyển Đức đều đã đánh mất mình sau khi vô địch World Cup và trải qua những giai đoạn khốn đốn trước khi xây dựng được một đội hình mới đủ mạnh để cạnh tranh danh hiệu.
Với những nền bóng đá mạnh như vậy, việc tiếp nối thế hệ đã là chuyện khó khăn. Với Việt Nam, mọi chuyện chắc chắn còn khó khăn hơn.
Khoảng trống không kỳ hạn
Nhiều chuyên gia và người hâm mộ đã ngán ngẩm lắc đầu khi theo dõi đội U23 Việt Nam thi đấu tại vòng loại U23 châu Á 2022 vừa qua. Chỉ phải gặp các đối thủ yếu như U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar, nhưng chúng ta chỉ thắng được với tỷ số tối thiểu 1-0 và trải qua phần lớn thời gian thi đấu bế tắc.
Ngoài Nguyễn Hai Long, không có ngôi sao nào ở U23 Việt Nam tạo cảm giác họ có thể thay thế các đàn anh trong tương lai, chưa nói đến việc cạnh tranh vị trí ở ĐTQG lúc này. Đó là thực tế rất đáng buồn, đồng thời là vấn đề mà VFF phải xem xét thay đổi.
Không phải ngẫu nhiên mà HLV Park Hang-seo “đòi hỏi” VFF có chính sách cụ thể để tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thi đấu nhiều hơn tại V.League. Ông lo sợ lứa U23 Việt Nam hiện tại khó lòng bảo vệ HCV SEA Games nếu tiếp tục phải ngồi mòn mỏi trên ghế dự bị tại V.League 2022.
Nhưng ngay cả khi VFF chiều HLV Park Hang-seo bằng một quy định áp đặt số lượng cầu thủ U23 trong đội hình xuất phát của mỗi đội, tương lai bóng đá Việt Nam có tươi sáng hơn hay không? Câu trả lời là không. Cả nền bóng đá đi lên không chỉ nhờ một vài quy định đơn giản, mà cần một tập hợp các quy tắc vừa đầy đủ, vừa đúng đắn. Chưa kể, sẽ có những đội lách luật để tăng cơ hội chiến thắng, ví dụ như thay cầu thủ U23 ra sân ngay trong hiệp một.
Đó là câu chuyện mang tính chất vĩ mô, đòi hỏi nhiều yếu tố mà không ai có thể diễn giải chỉ bằng vài câu. Chỉ có một điều chắc chắn: khoảng trống trong tương lai của ĐTQG đang hình thành và ngày càng mở rộng hơn. Nó sẽ là khoảng trống không có kỳ hạn, tức không rõ khi nào chúng ta mới có một đội tuyển có tầm vóc như hiện tại.
Đội tuyển Việt Nam lúc này có tầm vóc, vị thế như thế nào? Chúng ta là đương kim vô địch Đông Nam Á, là một trong 8 đội mạnh nhất Asian Cup, là một trong 12 đội lọt vào vòng loại cuối cùng tranh vé đến World Cup. Ở cấp độ trẻ, chúng ta đã giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 4 lần liên tiếp, trong đó 1 lần giành ngôi á quân. Chúng ta cũng lọt vào bán kết ASIAD và giành HCV SEA Games.
Có lẽ trước khi nghĩ đến việc san lấp khoảng cách với các đội tuyển ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam cần nghĩ đến việc duy trì các thành tích nói trên. Chúng ta đã và đang đi giật lùi - ít nhất ở cấp độ trẻ, khi lứa U23 ở giải U23 châu Á 2020 bị loại ngay từ vòng bảng với vị trí cuối bảng.
Nếu bóng đá Việt Nam không thể bảo vệ chức vô địch AFF Cup và HCV SEA Games trong vòng 6 tháng tới, thì cũng gần như là quy luật tất yếu của bóng đá. Khi bạn đạt đỉnh, bạn sẽ phải đi xuống. Bóng đá Việt Nam đã đi đến điểm tới hạn cao nhất của thế hệ này. Chúng ta không có đủ nhân tố mới tạo đột biến trong suốt 4 năm qua - đúng như những gì HLV Park Hang-seo than phiền, trong khi các trụ cột sẽ dần già đi, chững lại hoặc xuống phong độ. Đó đều là chuyện khách quan, không thể tránh khỏi.
Chính vì vậy, nếu muốn có một lần dự vòng loại thứ 3 World Cup khác trong tương lai cũng như tiến xa hơn ở Asian Cup, bóng đá Việt Nam sẽ cần một cuộc cách mạng từ gốc rễ ngay bây giờ.
Giàu thâm niên ở tuyển U23 coi như… hỏng?
Bóng đá Việt Nam đang đi ngược với cách thức phát triển thông thường của các nền bóng đá lớn trên thế giới. Với các quốc gia hàng đầu châu Á cũng như các châu lục khác, tuyển U23 không bao giờ là cánh cửa quan trọng nhất để lên tuyển quốc gia.
Những cầu thủ càng có thâm niên, càng nhiều lần khoác áo ở tuyển U23 thì càng… ít cơ hội lên tuyển. Lý do rất đơn giản, với các nền bóng đá mạnh, các tuyển trẻ như U21, U23 chỉ là nơi cho các tài năng trẻ chưa đủ tầm lên tuyển cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Những ngôi sao xuất sắc, nổi bật sẽ được triệu tập thẳng vào ĐTQG ngay cả khi họ mới 17, 18 tuổi. Và đương nhiên, họ không bao giờ phải trở lại đội trẻ - trừ khi sa sút phong độ hoặc nước nhà cần một thành tích gì đặc biệt như tranh huy chương ở ASIAD hay Olympic.
Đó là câu chuyện hoàn toàn trái ngược ở Việt Nam. Đoàn Văn Hậu từng có thời điểm phải phân thân thi đấu liên tiếp cho ĐTQG, tuyển U23 và thậm chí là tuyển U19. Tất nhiên, để có thể phân định rạch ròi lực lượng các đội trẻ và ĐTQG như các quốc gia khác, chúng ta cần có nguồn cầu thủ chuyên nghiệp dồi dào từ lứa trẻ. Vấn đề quay lại với công tác và chính sách đào tạo trẻ trên toàn quốc. Đến khi nào người hâm mộ không cần theo dõi tuyển U23 để tìm kiếm niềm hy vọng mới cho ĐTQG, chúng ta coi như có thành tựu.