Các lệnh trừng phạt đã thay đổi nền kinh tế Nga như thế nào?

Thứ Hai, 05/06/2023, 18:43

Một kỷ lục không mấy dễ chịu mà nước Nga đang phải nắm giữ, đó là số lượng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nước này sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nổ ra.

Hơn 13.000 hạn chế được áp đặt - nhiều hơn số biện pháp trừng phạt áp đặt với Iran, Cuba và CHDCND Triều Tiên cộng lại. Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm 2022, và ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vốn rất thận trọng, cũng dự đoán nó sẽ tăng trưởng trong năm 2023, điều hoàn toàn khác ngay so với dự báo của nền kinh tế Anh hiện tại.

Các lệnh trừng phạt đã thay đổi nền kinh tế Nga như thế nào? -0
Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước Nga.

Kém hiệu quả, đó là điều mà Điện Kremlin có thể dùng để mô tả về các biện pháp trừng phạt đó, nhưng bên cạnh các tác động định lượng, còn có những tác động định tính. Các biện pháp trừng phạt đã thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của khối kinh tế trong Chính phủ Nga, và không theo chiều hướng tốt nhất. Trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, chính sách kinh tế của Nga nhìn chung hướng tới phát triển công nghệ, đa dạng hóa xuất khẩu và tương đối tự do về vốn.

Và bây giờ thay vì điều này, Chính phủ Nga kiểm soát vốn, phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện, nhân dân tệ hóa tài khoản và quân sự hóa chi tiêu. Nga thực hiện tất cả những điều này trong một thời gian dài. Nghịch lý là các biện pháp trừng phạt củng cố pháo đài Nga trong ngắn hạn, bảo vệ Nga khỏi những cú sốc toàn cầu, lại bị cho là sẽ làm suy yếu Nga trong trung và dài hạn.

Kiểm soát vốn

Vào đầu năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đã ngay lập tức sử dụng các con át chủ bài trong bộ bài trừng phạt: đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng của Ngân hàng Trung ương Nga đối với đồng USD và euro. Không có gì đáng ngạc nhiên khi giới kinh doanh Nga bị sốc và hầu hết các quan chức cũng tin vào sự sụp đổ sắp xảy ra của nền kinh tế Nga.

Các lệnh trừng phạt đã thay đổi nền kinh tế Nga như thế nào? -0
Quá trình phi USD hóa nền kinh tế Nga đang chuyển thành quá trình đồng Nhân dân tệ hóa.

Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của khối kinh tế trong Chính phủ Nga cho phép giảm thiểu tác động tiêu cực. Trên thực tế, những hạn chế về dòng vốn và lệnh cấm phát hành tiền mặt đã phong tỏa những chủ thể không cư trú trong hệ thống tài chính Nga. Và việc tăng lãi suất cơ bản ngay lập tức lên 20% đã ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, vốn trong 2 tuần đầu tiên của cuộc chiến đã vượt quá 2.000 tỷ ruble, tương đương 30 tỷ USD. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã đình chỉ quy định về toàn bộ lãi suất cho vay, hỗ trợ các ngân hàng trước nhu cầu thanh khoản gia tăng. Và việc tăng lãi suất tiền gửi ngắn hạn và lệnh cấm phát hành tiền mặt đã buộc người Nga phải nộp trở lại gần 90% số tiền đã rút vào tài khoản của họ vào cuối tháng 4.

Việc không để xảy ra các vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng và việc phong tỏa tài khoản của những người không cư trú tại Nga đã ngăn nền kinh tế sụp đổ và ổn định kỳ vọng ở Nga. Nhưng thành công trong ngắn hạn này cũng có một nhược điểm - những hạn chế đối với sự di chuyển của vốn - được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina gọi là “một thành tựu quan trọng của chính sách kinh tế”. Kiểm soát vốn, từ lâu được coi là một công cụ không hiệu quả của chính sách kinh tế, giờ đây sẽ tồn tại ở Nga trong một thời gian dài. Hơn nữa, luôn có nguy  cơ rằng biện pháp này sẽ còn được thắt chặt hơn nữa.

Bạn hay thù?

Còn một phản ứng khác của Nga đối với các biện pháp trừng phạt là sự phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện. Điều này đã được vạch ra ngay cả trước chiến tranh, nhưng ban đầu danh sách các quốc gia “không thân thiện” chỉ bao gồm Mỹ và Cộng hòa Czech và chỉ giới hạn số lượng nhân viên trong các đại sứ quán của họ. Sau khi chiến tranh nổ ra, chính phủ đã phê duyệt một danh sách dài với các quốc gia thù địch, và đối với những quốc gia này, các thanh toán chỉ có thể được trả bằng đồng ruble vào các tài khoản đặc biệt. Sau đó, Chính phủ Nga tiếp tục bổ sung danh sách này nhiều lần.

Các lệnh trừng phạt đã thay đổi nền kinh tế Nga như thế nào? -0
Chính sự cô lập của Mỹ và đồng minh đã khiến nền kinh tế Nga ít bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ thị trường.

Không có tiêu chí rõ ràng quy định một cách công khai một quốc gia có thể bị tuyên bố là “không thân thiện”, điều này mở ra khoảng trống để sáng tạo ra các quy định. Các nghị sĩ đặc biệt tích cực đã đề xuất cấm mọi hình thức tương tác với các quốc gia không thân thiện này: từ việc đổi đồng ruble lấy tiền tệ của họ và bán một số hàng hóa cho họ, cho đến việc công dân của các quốc gia này nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Cũng có những lời kêu gọi đưa vào danh sách này và loại bỏ khỏi danh sách các quốc gia láng giềng, tùy thuộc vào mức độ tích cực mà họ hỗ trợ Nga. Và dường như cách làm này được giới lãnh đạo đất nước đồng tình.

Nếu trước năm 2022, Nga cố gắng xây dựng quan hệ thương mại một cách thực dụng, chủ yếu dựa trên lợi ích kinh tế, thì sau ngày 24/2, “sự thân thiện” đã trở thành tiêu chí chính cho chính sách kinh tế đối ngoại. Điều này đã mang lại cho Moscow những đối tác mới. Ví dụ, các công ty Nga hiện đang tích cực củng cố mối quan hệ với Iran và thậm chí đã tham gia vào một tập đoàn cơ sở hạ tầng ở Afghanistan, hiện đang do Chính quyền Taliban kiểm soát. Moscow cũng đẩy mạnh hợp tác thương mại với Myanmar và các nước châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã trở thành trung tâm hậu cần và thương mại lớn nhất của Nga.

Tuy nhiên, cả Ankara và Dubai, vốn kiếm tiền nhờ sự phụ thuộc của Nga, đều khá chú ý đến việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Không dễ để các công ty Nga mở tài khoản ở các quốc gia này, và các cơ quan quản lý và ngân hàng địa phương xem xét các giao dịch từ Nga dưới kính hiển vi. Đây phần lớn là lý do tại sao các nhà chức trách Nga đã ngừng từ chối tiền mặt trong ngoại thương, đang phát triển cơ chế thanh toán ngoại thương bằng tiền điện tử và thông qua trao đổi hàng hóa, thậm chí còn tích hợp vào hệ thống thanh toán Hawala, vốn được công nhận là bất hợp pháp ở một số quốc gia.

Trong tương lai gần, địa chính trị sẽ tiếp tục quyết định hướng thương mại của Nga. Các chuỗi sản xuất mà Nga tham gia sẽ không dựa trên hiệu quả kinh tế mà dựa trên các ưu tiên chính trị. Và kết quả là người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí tăng, trong khi chất lượng giảm.

Chính sách hướng Đông

Sự thay đổi quan trọng vào năm 2022 là sự chuyển hướng triệt để của nền kinh tế Nga sang phương Đông, nơi tình bạn với Trung Quốc biến thành sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, thương mại với Nga vào năm 2022 đã tăng gần 1/3 và đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD. Nga có thặng dư đáng kể ở đây: nước này nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc 76 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc 114 tỷ USD.

Hơn 2/3 trong cơ cấu xuất khẩu là nguồn cung cấp năng lượng: Nga là quốc gia thứ 2 sau Saudi Arabia về cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc và thứ 4 về cung cấp khí hóa lỏng LHG. Nhược điểm của hợp tác năng lượng với Trung Quốc là người mua độc quyền có cơ hội tốt để tác động đến giá cả và vị thế của Nga trong các cuộc đàm phán trở nên yếu đi nhiều.

Ở Nga, Trung Quốc không chỉ đưa hàng tiêu dùng vào thị trường Nga mà còn cung cấp một phần đáng kể hàng nhập khẩu công nghệ cao. Vào năm 2022, nhập khẩu xe tải, máy xúc và xe ôtô, cũng như linh kiện ôtô từ Trung Quốc vào Nga đã tăng đáng kể. Các công ty Trung Quốc là nhà cung cấp chính các thiết bị điện tử, thiết bị và chất bán dẫn.

Các công ty lớn nhất của Trung Quốc như Huawei đang lo ngại về hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ, do đó, họ đang cắt giảm hoạt động ở Nga. Nhưng ngược lại, các công ty cung cấp thứ 2 và thứ 3 đang thâm nhập thị trường Nga. Bất chấp những hạn chế của phương Tây đối với việc cung cấp chất bán dẫn và vi mạch, Nga vẫn tiếp tục nhận được chúng với số lượng lớn từ Trung Quốc.

Các khoản thanh toán với các đối tác Trung Quốc chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ, không phải bằng đồng ruble. Tỷ trọng nhân dân tệ trong thanh toán xuất khẩu của Nga tăng 32 lần, từ 0,5% năm 2021 lên 16% năm 2023; trong thanh toán hàng nhập khẩu - từ 4% đến 23%. Các công ty con của 4 ngân hàng Trung Quốc hoạt động tại Nga đã tăng tài sản lên gấp nhiều lần và lợi nhuận của họ lên gấp hàng chục lần.

Hơn nữa, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga cũng sẵn sàng chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với các quốc gia khác. Điều này có nghĩa là quá trình phi USD hóa nền kinh tế Nga, điều mà Chính phủ Nga rất tự hào, đang chuyển thành quá trình đồng nhân dân tệ hóa nhanh chóng: một loại tiền tệ thống trị chỉ đơn giản là được thay thế bằng một loại tiền tệ khác.

Đồng thời, đồng USD và đồng euro vẫn được sử dụng để định giá và chuyển đổi một phần. Sự cô lập ngày càng tăng đối với đồng ruble, trong khi đồng nhân dân tệ lên ngôi. Chính sự vận động hướng đông của Nga đã góp phần vào quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách tự nhiên, tăng tỷ trọng của đồng tiền này cả trong giao dịch quốc tế và dự trữ. Việc chứng kiến phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và Nga thích ứng với chúng còn cho phép Bắc Kinh chuẩn bị tốt hơn nền kinh tế của mình cho một cuộc đối đầu với Mỹ.

Quân sự hóa và tác động ngoại lai

Có thể tìm thấy điểm cộng trong tình hình kinh tế hiện tại của Nga. Lạm phát cao ở Mỹ và lãi suất của FED tăng theo phản ứng đã dẫn đến việc đánh giá lại danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng Mỹ. Sự sụp đổ trong tháng 3 của các ngân hàng như American Signature Bank, Silicon Valley Bank và Silvergate Bank đã đẩy thị trường lên đỉnh điểm và khiến các nhà phân tích nói về “dư âm của cuộc khủng hoảng toàn cầu”. Trong khi đó, nền kinh tế Nga, vốn đang bị cô lập khỏi thị trường tài chính toàn cầu bởi các biện pháp trừng phạt, lại không cảm thấy bất ổn như thế.

Hiện tại, giá dầu và khí đốt trên thực tế vẫn là kênh duy nhất tác động được từ bên ngoài vào Nga. Nếu có một cuộc suy thoái toàn cầu, thì nền kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, kịch bản về một cuộc khủng hoảng toàn cầu, mặc dù đã xuất hiện trong các dự báo, nhưng vẫn không phải là khả năng xảy ra cao nhất. Ngoài ra, OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng dầu từ tháng 5 đến tháng 10 để hỗ trợ giá năng lượng. Còn Nga, bên cạnh việc tự nguyện cắt giảm sản lượng, thậm chí còn thay đổi công thức tính thuế dầu khí nhằm tránh sụt giảm mạnh nguồn thu ngân sách từ nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, sự cô lập khỏi các cú sốc bên ngoài biến thành sự phụ thuộc vào một số đối tác bên ngoài còn lại. Các biện pháp trừng phạt công nghệ đã tước đi cơ hội phát triển các dự án năng lượng  ngoài khơi mới và các mỏ khó tiếp cận của Nga; khả năng tiếp cận hạn chế với turbin, công nghệ chế tạo tàu chở dầu, đầu máy xe lửa, ôtô, mạng truyền thông thế hệ tiếp theo và các sản phẩm công nghệ cao khác; đã loại bỏ Nga khỏi cuộc thảo luận toàn cầu về trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử. Điều này có nghĩa là Điện Kremlin, bằng cách này hay cách khác, sẽ phải xây dựng các kế hoạch cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai liên quan đến thương mại năng lượng.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.