Các thị trường mới nổi trước cú sốc lãi suất từ FED

Thứ Hai, 24/10/2022, 17:44

Trong đợt thắt chặt tiền tệ đang diễn ra của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhiều thị trường mới nổi cho thấy sự thích ứng khá tốt ngoài dự đoán.

Đầu những năm 1980, khi ông Paul Volcker, khi đó là Chủ tịch FED, thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, các nước Mỹ Latinh đã rơi vào khủng hoảng, chật vật vì các khoản nợ bằng đồng USD của mình. Một thập kỷ sau đó, việc người Mỹ tăng lãi suất đã dẫn đến cuộc khủng hoảng rượu tequila ở Mexico. Và vào năm 2013, nỗ lực của FED nhằm thu hẹp quy mô mua trái phiếu đã dẫn đến một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy khỏi các nền kinh tế mong manh bao gồm Brazil, Ấn Độ và Indonesia.

Các thị trường mới nổi trước cú sốc lãi suất từ FED -0
Nhiều thị trường mới nổi đang thích ứng khá tốt trước “bão” lãi suất của FED.

Nhưng lần này, mặc dù, FED đã tăng lãi suất với tốc độ dữ dội nhất kể từ thời kỳ cựu Chủ tịch Volcker nhưng phần lớn những căng thẳng của thị trường lại tập trung chủ yếu vào các nước giàu, hơn là các nước mới nổi. Ngân hàng Trung ương Anh, chứ không phải Brazil, đang cố gắng ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu.

Nền tảng tốt hơn

Một phần khả năng phục hồi này là bằng chứng cho thấy rằng các thị trường mới nổi ngày nay đang có “sức khỏe” tốt hơn. Nền tảng kinh tế cơ bản tại các thị trường mới nổi đã được cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng trưởng khá, dự trữ lớn hơn và thị trường vốn nội địa sâu hơn có thể giúp hấp thụ các cú sốc. Đây là những thay đổi tích cực nhờ nỗ lực của nhiều quốc gia sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 nhằm khắc phục những thiếu sót và tránh lặp lại những sai lầm đáng tiếc.

Thay vì để lạm phát lao vào vòng xoáy, ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã nhanh chóng tăng lãi suất trước các đồng nghiệp trong giới giàu có. Ngày nay, chính Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank), chứ không phải Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hay Ngân hàng Trung ương Brazil (Banco Central do Brasil), đang phải cạnh tranh chống lạm phát khi chạy đua để theo kịp FED. Các nền kinh tế mới nổi cho đến nay cũng chỉ can thiệp vào thị trường tiền tệ một cách khiêm tốn. Mục đích của họ là ngăn chặn sự mất giá và giảm tác động lạm phát khi đồng USD mạnh hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các quốc gia mới nổi không nên hạ thấp cảnh giác. FED có ý định tăng lãi suất cho đến khi thấy "bằng chứng thuyết phục" rằng lạm phát đang giảm. Các nhà đầu tư kỳ vọng thể chế này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm khoảng 1,5 điểm phần trăm đến mùa Xuân tới. Nỗi đau kinh tế từ việc lạm phát cao hơn được cho là vẫn chưa thật sự ập đến. Trong các dự báo được công bố vào ngày 11-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán rằng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm tới, với tăng trưởng ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc bị đình trệ.

Điều này sẽ dẫn đến số lượng các đơn đặt hàng ít hơn đối với các dây chuyền gia công tại các nước đang phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế tại các nước này. Và khi hệ thống tài chính toàn cầu điều chỉnh từ môi trường tiền rẻ sang chi phí đi vay cao hơn và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hệ thống này sẽ đối mặt với nguy cơ bị rối loạn. Ngoài ra, sự hoảng loạn của nhà đầu tư cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Phát biểu vào ngày 10-10, ông chủ của JPMorgan Jamie Dimon đã cảnh báo rằng quy mô của lần tăng lãi suất tiếp theo của FED sẽ khó khăn hơn lần đầu tiên.

Vai trò của các ngân hàng trung ương

Khi FED tăng lãi suất mạnh mẽ và phát đi tín hiệu sẽ còn có thêm nhiều đợt tăng như hiện nay, đồng USD đã lập tức tăng giá trị so với các đồng tiền trên toàn cầu. Các đồng tiền trên thị trường mới nổi thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình huống này, khi các nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ các tài sản rủi ro hơn để chuyển sang những lựa chọn như trái phiếu Mỹ.

Việc mất giá của một số đồng tiền, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, không hoàn toàn là xấu. Đồng nội tệ yếu có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Do đó, ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi không nhất thiết muốn ngăn đồng tiền của họ giảm giá, nhưng họ sẽ không muốn chúng giảm quá nhanh và gây ra hoảng loạn.

Giải pháp phổ biến là điều chỉnh lãi suất. Malaysia và Indonesia đều đã tăng 75 điểm cơ bản lãi suất. Đây là mức tăng khá khiêm tốn so với những gì FED đang làm và được hỗ trợ bởi vị thế tài khoản vãng lai mạnh mẽ nhờ xuất khẩu hàng hóa bùng nổ. Tuy nhiên, khi nhu cầu toàn cầu đối với dầu cọ và than đá hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương ở Malaysia và Indonesia có thể phải đối mặt với những lựa chọn chính sách phức tạp hơn trong năm tới nếu thị trường vốn vẫn biến động.

Tăng lãi suất không phải là công cụ duy nhất. Các ngân hàng trung ương cũng sẽ khai thác khoản dự trữ ngoại hối của họ để làm chậm tốc độ mất giá. Theo ước tính của Nomura Holdings, Ấn Độ và Thái Lan đã lần lượt sử dụng 75 tỷ USD và 27 tỷ USD để can thiệp vào thị trường trong năm nay, tương đương với ít nhất 10% dự trữ ngoại hối của hai nước này. 

Trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn trong khu vực, Philippines đã hành động quyết liệt nhất, tăng lãi suất chuẩn từ mức thấp 2% trong tháng 5 lên 4,25% vào tháng 9. Điều này phản ánh vị thế của quốc gia này tương đối yếu hơn, với dự trữ ngoại hối ít hơn Thái Lan, nợ công tăng do đại dịch COVID-19 và thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn. Đồng peso đã giảm khoảng 20% so với đồng USD kể từ năm 2021 và điều này có thể sẽ đặt ra một thách thức đối với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr trong năm đầu tiên cầm quyền.

Tất cả các đồng tiền của khu vực ASEAN đều đang cảm thấy áp lực từ việc đồng USD tăng giá. Điều này không có gì ngạc nhiên và dự kiến biến động sẽ tiếp tục với nhiều đợt tăng lãi suất trong những tháng tới. Tuy nhiên, hầu hết các đồng tiền vẫn giữ giá khá tốt và không phải ở một tốc độ có thể kích động một cuộc tháo chạy vốn lớn hoặc gây ra khủng hoảng cán cân thanh toán.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.