Cần “bịt lỗ hổng” trong quản lý phim phát hành trên nền tảng mạng

Thứ Sáu, 09/06/2023, 09:07

Lượng khán giả xem phim chiếu trên nền tảng mạng trả phí ngày một gia tăng, trong đó chiếm phần lớn là giới trẻ với độ tuổi ngày một mở rộng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong thời gian qua, không ít bộ phim bị phát hiện truyền tải thông điệp bạo lực, tiêu cực, thậm chí bao hàm thông tin sai về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng và các nhà quản lý cần “dọn sạch” phim chiếu trên mạng có nội dung thiếu lành mạnh và vi phạm pháp luật…

Nhiều sai phạm từ các phim chiếu trên mạng

Trên nền tảng Netflix, nhiều vụ liên quan đến việc chiếu những bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra. Bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” bị yêu cầu gỡ vì chứa hình ảnh bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong tập 9. Sau đó, bộ phim “Madam Secretary” (Bà Ngoại trưởng) buộc phải gỡ bỏ vì chú thích địa danh Hội An của Việt Nam thành Phù Lăng, Trung Quốc. Tiếp đó, Netflix lại phải gỡ bỏ bộ phim truyền hình “Pine Gap” có độ dài 6 tập do có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

1.jpg -0
Trên nền tảng Netflix, không ít bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền biển đảo, lãnh thổ Việt Nam

Trao đổi về thực trạng này, ông Dy Khoa, Chuyên gia truyền thông, cho biết: “Một số phim chiếu mạng gây ra vấn đề nhức nhối khi phản ánh sai về thông tin chủ quyền, lịch sử và chính trị tại Việt Nam, dẫn đến không ít người xem hiểu sai lệch về các thông này. Bên cạnh đó, những dòng phim “giang hồ” lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ nhỏ, thậm chí mang tính cổ xúy hành vi bạo lực, ảnh hưởng trị an của đất nước”.

Trong giai đoạn đầu, phim chiếu mạng phát triển ồ ạt trên các nền tảng trực tuyến miễn phí, điển hình là trên YouTube. Khán giả gần như bội thực với loạt nội dung về giang hồ, các tập phim ngập tràn “cảnh nóng”. Điều lo ngại là khác với các nền tảng có thu phí, việc truy cập theo dõi các bộ phim trên YouTube cực kỳ dễ dàng, thiếu những cảnh báo phân loại độ tuổi.

Việc khán giả trẻ, thậm chí trẻ em, tiếp cận những nội dung 18+ này sẽ để lại nhiều rủi ro về nhận thức. Điều khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà cả người làm phim bức xúc là từng có giai đoạn những nền tảng chiếu phim xuyên biên giới lại nằm “ngoài vòng quản lý” của Luật Điện ảnh, tức đang buông lỏng trách nhiệm biên tập, kiểm tra của nền tảng phát hành khi đưa phim vào lãnh thổ Việt Nam.

Đạo diễn Danny Đỗ thừa nhận: “Chúng tôi với vai trò sáng tạo cũng nhận ra sự chưa bình đẳng trong các tác phẩm phát hành. Phim chiếu trên môi trường mạng nếu từ nhà sản xuất Việt Nam đương nhiên phải tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt theo Luật Điện ảnh, nhưng có giai đoạn những bộ phim nước ngoài có tính bạo lực, cảnh “nóng” nhiều hơn lại được dễ dàng phát hành trong nước thông qua các nền tảng ngoại. Điều này tạo kẽ hở để những nội dung thiếu kiểm duyệt tiếp cận đến khán giả Việt Nam”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có các chế tài để quản lý các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp phim vào Việt Nam phát sinh doanh thu như: Phải tuân thủ các điều kiện biên tập nội dung, đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Các trường hợp không đăng ký hoạt động đều coi là không hợp pháp. Có như vậy mới xử lý chặn dịch vụ được khi vi phạm. Ngoài ra, Luật Điện ảnh cần quy định phân loại phim thì đơn vị cung cấp phim vào Việt Nam phải làm việc đó. Chủ thể biên tập là phải từ phía Việt Nam, tuân thủ theo quy định của Việt Nam.

Trong khi đó, theo một số liệu thì doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ truyền hình OTT (Over The Top - đây là cụm từ chỉ những nội dung phim và truyền hình được cung cấp qua đường truyền internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống như truyền hình cáp hay truyền hình vệ tinh…) đạt 1.550 tỷ đồng. Số thuê bao OTT đạt 5,5 triệu đơn vị, tăng 26,2% so với cách đây 5 năm.

Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới. Theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới chiếm tới 80% thị phần tại Việt Nam, vì vậy không ít đơn vị sản xuất phim trong nước ngay từ đầu chọn liên kết với các nền tảng nước ngoài này để tăng độ tiếp cận với khán giả.

Đạo diễn - nhà sản xuất phim Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Khi công nghệ phát hành phim, thưởng thức phim đi rất nhanh, thu hút đầu tư, sau đó phát sinh một số vấn đề nên yêu cầu luật định phải được ban hành để quản lý. Nhưng rõ ràng phim chiếu mạng đang được đón nhận mạnh mẽ tại Việt Nam, có những bộ phim trước đây nghĩ rằng phải đến rạp mới được xem thì giờ đây với công nghệ, hoàn toàn có thể thưởng thức tại nhà”.

Tuy nhiên, trước năm 2023, các OTT TV xuyên biên giới hoạt động tại thị trường Việt Nam thường không có giấy phép, không có văn phòng đại diện, không kiểm duyệt - biên tập, không đóng thuế, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam… Đặc biệt, cạnh tranh bằng giá thấp đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam lao đao.

Nhiều chuyên gia truyền thông, chuyên gia văn hóa nhận định phim chiếu mạng kém chất lượng nở rộ sẽ kéo theo những hệ lụy về nhận thức, giáo dục văn hóa. Các phim chiếu mạng khán giả được xem miễn phí hoặc trả một khoản phí mỗi tháng không cao nên dễ dàng tiếp cận. Giữa số ít tác phẩm chất lượng thì vẫn tồn tại loạt nội dung câu khách bằng những đề tài 18+ dung tục, hài nhảm và xã hội đen…

Hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh, xử lý nghiêm vi phạm

Trước thực trạng như trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định 71 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và được đánh giá là hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng, đảm bảo quản lý hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam; tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Cần “bịt lỗ hổng” trong quản lý phim phát hành trên nền tảng mạng -0
Cảnh trong phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" có hình bản đồ đường lưỡi bò phi pháp.

Nghị định chia các dịch vụ phát thanh truyền hình thành 3 nhóm: Nhóm chương trình tin tức, thời sự; các chương trình phát thanh truyền hình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ. Nhóm phim, doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng đủ các điều kiện và phải chịu trách nhiệm về kết quả. Trong trường hợp doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị cơ quan quản lý phân loại hoặc cấp quyết định phát sóng. Nhóm chương trình thể thao, giải trí cho phép doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghị định số 71 đã khẳng định, quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Các nhà sản xuất phim và công ty dịch vụ đã lên tiếng ủng hộ nghị định này để lành mạnh hóa thị trường, hạn chế những vi phạm về nội dung.

Theo Đạo diễn - nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp: “Các nền tảng phát hành mạng nói chung, OTT nói riêng không còn là câu chuyện tương lai như lúc trước chúng ta bàn luận mà đang là xu hướng hiện tại. Khi độ phổ biến của phim chiếu mạng càng cao thì yêu cầu không chỉ cơ quan quản lý mà người sáng tạo, nhà phát hành phải cập nhật theo, về ngôn ngữ, về cách phát hành, về việc tuân thủ các quy định pháp luật”.

Trong Nghị định 71, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn doanh nghiệp kinh doanh không phép. Sự bình đẳng hóa nghĩa vụ và trách nhiệm giữa nền tảng phát hành phim chiếu mạng nước ngoài và nội địa cũng đang nhận được sự đồng thuận cao.

Ông Hoàng Quân - Giám đốc Điều hành Công ty sản xuất phim ProductionQ cho rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ các quy định của Nghị định này, bởi nó mang lại lợi ích chung cho toàn thị trường, từ nhà phát hành, nhà sản xuất đến người dùng, cuối là khán giả. Tôi tin rằng với bất kỳ hoạt động văn hóa nào nếu có hướng dẫn và luật định cụ thể, điều gì được làm và không được làm sẽ giúp nhà làm phim hiểu rõ. Khán giả hưởng thụ cũng biết được rằng những nội dung được phân loại, kiểm duyệt đúng với nhu cầu”.

Bên cạnh việc Nghị định 71 đi vào thực thi đã siết chặt công tác quản lý,  biên tập, tiền kiểm nội dung, tăng nghĩa vụ của các nền tảng phát hành đối với các bộ phim chiếu mạng thì công tác hậu kiểm - xử lý những bộ phim sai phạm là rất quan trọng để làm sạch môi trường phim chiếu mạng. 

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Tổ công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng. Tổ công tác có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Điện ảnh và nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Sự ra đời của Tổ công tác này là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp hoàn thiện các yêu cầu của Nghị định 71/2022.

Ông Trần Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thực tế ở nhiều quốc gia, việc tham gia vào phổ biến phim, dù là bên cung hay bên cầu trên các môi trường như rạp chiếu phim, sóng truyền hình hay không gian mạng đều thuộc đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước hay xã hội với nhiều phương thức có thể trực tiếp hay gián tiếp. Phân loại phim chiếu mạng theo quy định hành chính hay phân loại phim theo hình thức tự nguyện thì phim chiếu mạng vẫn đang có tác động rõ rệt lên kinh tế, lên ngành điện ảnh, vì vậy thu hút sự quan tâm quản lý của các cơ quan, bộ ngành”.

Theo Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, khi đã có quy định và các hướng dẫn nội dung liên quan phân loại độ tuổi thì trách nhiệm của nhà làm phim cũng như đội ngũ biên tập là thực hiện đúng theo những phân loại đó. Vì phim phát hành mạng và OTT rất dễ được khán giả nhỏ tuổi tiếp cận nên nghĩ cần phải có bình đẳng trách nhiệm trong vấn đề này.

Bên cạnh những nhiệm vụ cụ thể theo Luật Điện ảnh, Tổ công tác còn có khung pháp lý vững chắc để kiểm tra, xử lý vi phạm - đó là Nghị định số 128/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Nghị định này vừa có hiệu lực từ ngày 15/2 vừa qua, quy định các hành vi vi phạm về phổ biến phim trên không gian mạng sẽ bị xử phạt từ 20 đến 100 triệu đồng. Xử phạt nặng nhất là hành vi không bảo đảm một trong các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định, với mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc gỡ bỏ phim trên không gian mạng…

Thực tế, điện ảnh đang là lĩnh vực nghệ thuật có nguồn doanh thu cao, nền tảng mạng đang trở thành kênh phát hành quan trọng, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như khán giả cùng tham gia. Với đà phát triển này, sự ra đời của các nghị định mới, cập nhật theo xu hướng thưởng thức 4.0, cùng hành động quyết liệt của Tổ công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng sẽ tạo nên thế trận vững chắc, làm trong sạch và bình đẳng môi trường này.

Quang Huy - Phú Lữ
.
.