Cần chấm dứt “loạn chiến thần review”

Thứ Hai, 15/05/2023, 11:00

Công kích, đánh giá nhà hàng, quán ăn kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các cơ sở ẩm thực chỉ dựa trên cảm nhận chủ quan, cảm tính khiến hàng loạt tiktoker nổi tiếng bị lên án. Việc dễ dàng kiếm được mức thu nhập cao cùng những danh xưng mĩ miều mà cộng đồng mạng khoác cho các tiktoker đang tạo ra một bộ phận người trẻ “ngáo quyền lực mạng xã hội”.

Khi “chiến thần review” lên ngôi

Đã có khoảng thời gian nghề review quán ăn, nhà hàng, khách sạn, địa điểm ăn chơi trở thành một nghề “hốt bạc” cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Rất nhiều bạn trẻ nhanh chóng trở thành cái tên hot, được các tín đồ hâm mộ săn đón, được các nhà hàng quán ăn thuê về review với mức giá quảng cáo “khủng”. Không cần bằng cấp, không cần chuyên môn, chỉ cần có lượng fan theo dõi đông đảo là giới trẻ có thể trở thành những reviewer chuyên nghiệp, kiếm tiền như nước. Cũng từ đó những danh xưng “chiến thần review”, “chuyên gia ẩm thực”, “thánh ăn”, “reviewer xéo xắt” tràn ngập mạng xã hội.

Cần chấm dứt  “loạn chiến thần review” -0
“Chiến thần review” Hà Linh bị nhiều nhà hàng tuyên bố cấm cửa.

Có lẽ việc kiếm tiền quá dễ dàng trên nền tảng mạng xã hội cùng những lời ca tụng “trên mây” của fan hâm mộ  khiến giới trẻ dần ngộ nhận về bản thân và quyền lực mạng xã hội của mình. Thay vì đánh giá tích cực, review đơn thuần bằng cảm xúc chủ quan, hay bằng cách nhận tiền thuê thì giờ đây, các “chiến thần review” lại lợi dụng sự nổi tiếng sẵn sàng mưu toan bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác. Đó cũng là biểu hiện của thói “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội.

Thậm chí, không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để đưa ra những phán xét vô căn cứ, phô trương “quyền lực ảo” để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình. Đáng nói hơn, nhiều hành vi cho thấy các TikToker cố tình review “bôi bẩn” để tấn công vào uy tín, thương hiệu của các đơn vị kinh doanh ẩm thực.

Thực tế ghi nhận, không ít tiktoker "đánh sập" quán ăn, nhà hàng chỉ sau một video bình luận, đánh giá như một chuyên gia ẩm thực đầu ngành. Độ ngon của món ăn có thể phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người, tuy nhiên, nhiều món ăn của các nhà hàng, quán ăn qua bàn tay review của các TikToker đều bỗng chốc có thể biến thành món ăn thị phi - bất chấp việc review này là quan điểm cá nhân và tùy gu từng người.

Võ Hà Linh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất những ngày qua. Nổi tiếng với các video review mỹ phẩm, đồ ăn, Võ Hà Linh sở hữu hơn 3,6 triệu lượt theo dõi trên nền tảng Tiktok.  Cô nổi tiếng với biệt danh "chiến thần review" vì thường xuyên lên những video đánh giá mỹ phẩm, ẩm thực. Hầu hết phiên livestream của cô đều thu hút tới hàng trăm nghìn lượt xem và bán hết sạch hàng. Nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội, tần suất xuất hiện của nữ TikToker này dày đặc cũng là lúc Linh thể hiện quyền lực mạng bằng cách ra sức chê bai các quán ăn, nhà hàng Linh từng đến mà không cần biết thực sự quán ăn đó làm ăn, kinh doanh ra sao.

Cần chấm dứt  “loạn chiến thần review” -0
Hà Linh bị antifan tẩy chay trên nhiều hội nhóm.

Những video của Linh bị khán giả chỉ trích vì quá cảm tính phiến diện và đánh giá cô không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review. Chẳng hạn khi ăn thử món súp hải sản, cô liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua…

Đỉnh điểm trong buổi livestream đầu tháng 4/2023 quảng cáo sản phẩm dầu gội của một công ty dược, Linh dùng những từ khoá như “18 cành”, “11 cành”, “dọn kho” làm mọi người hiểu nhầm sản phẩm được bán ra với mức giá này. Các nhà phân phối lớn nhỏ của công ty dược nọ kịch liệt phản ứng, bởi vì họ cho rằng nhãn hàng đang tự phá giá sản phẩm, họ sẽ trở thành những người đôn giá gấp mấy lần giá thật của sản phẩm...Sau đó, phía công ty và Hà Linh phải lên tiếng xin lỗi các nhà phân phối, nhà thuốc và người tiêu dùng.

Sau lần livestream này, làn sóng chỉ trích Hà Linh tăng chóng mặt khiến Hà Linh phải chính thức xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán. Đỉnh điểm của sự phản đối còn thể hiện trong phiên livestream mới nhất ngày 5/5/2023. Lần này cộng đồng antifan kêu gọi cùng nhau "chốt đơn" trên livestream, song không nhận khi hàng được gửi tới. Đây là hành động gây ảnh hưởng trực tiếp lên nhãn hàng và là cách gián tiếp để người dùng bày tỏ sự phản đối với việc nhãn hàng hợp tác cùng Võ Hà Linh. Hiện chưa thể đo lường thiệt hại đến từ làn sóng “bom” hàng của antifan nhưng con số này là không hề nhỏ khi nhóm người phản đối thường chọn đặt đơn hàng giá trị cao, có thể lên tới con số hàng chục triệu đồng.

Làn sóng phản đối dữ dội này không chỉ dừng lại ở việc bom hàng, antifan của Võ Hà Linh liên tục tràn vào trang Google Maps để đánh giá 1 sao với các nhãn hàng liên quan tới phiên livestream ngày 5/5 của Hà Linh.

Hay như Nờ Ô Nô từng là “cơn ác mộng” từ hàng quán cho đến người xem trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo. Người này có cách đánh giá ẩm thực sử dụng những lời lẽ, hành vi thô tục, thậm chí phản cảm.

TikToker “Cô gái có râu” từng gây xôn xao khi đưa ra những nhận xét tiêu cực về một quán chè C.H. Sau đó, hai bên liên tục đấu tố qua lại và đẩy sự việc căng thẳng trong một thời gian dài.

Ngoài những TikTokerchuyên review quán ăn, nhà hàng, mỹ phẩm... thời gian qua, cộng đồng mạng được phen xôn xao khi xuất hiện nhiều “thánh chửi”, những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok ăn vận dị hợm chen vào các sự kiện nghệ thuật nhằm gây sự chú ý, thu hút thêm lượt theo dõi.

Ảo tưởng quyền lực mạng và cái kết đắng

Quả thật mạng xã hội biến những con người không có gì trở thành người nổi tiếng chỉ trong phút chốc. Từ anh xe ôm, bà nông dân, chị lao công, bà bán trà đá đến giáo sư, tiến sĩ… khi đã lên mạng xã hội đều có cơ hội nổi tiếng như nhau. Không cần biết họ đến từ đâu, làm nghề gì, nhưng khi những quan điểm cá nhân của họ phút chốc được chia sẻ, tung hô trên mạng, được dân mạng khoác cho những danh xưng mỹ miều như “nhà sáng tạo nội dung”, “chiến thần”, “bà trùm”, họ bắt đầu ngộ nhận và ảo tưởng về quyền lực của mình.

Cần chấm dứt  “loạn chiến thần review” -0
Tiktoker Nờ Ô Nô diễn màn đập phá đồ ăn khi review quán ăn.

Từ đó, họ tự cho mình cái quyền được đến những sự kiện riêng tư của người khác rồi ngang nhiên ghi hình, phát livestream, thậm chí lao vào tận quan tài của người chết để quay hình, bất chấp nỗi đau, sự khó chịu từ phía người thân của người mới nằm xuống.

Các "chiến thần" nghênh ngang bước vào các nhà hàng, quán ăn của người khác, rồi tự cho mình cái quyền của một reviewer nổi tiếng để soi mói, bình luận, chê bai các món ăn, chỉ trích chủ quán. Thậm chí có người còn tự cho mình là bề trên, là tầng lớp tinh hoa của xã hội lên mạng phê phán, bôi nhọ, vu khống người khác mà không cần bằng chứng, chỉ là thích thì nói, thích thì chê bai. Thậm chí livestream cảnh mình hành hung người khác để chứng tỏ quyền lực.

Nhiều người không hiểu rằng, thế giới mạng và thế giới ngoài đời thực là khác nhau. Mạng ảo nhưng hậu quả là thực. Trên mạng có thể họ nổi tiếng được nhiều người “tung hô”,  nhưng ngoài đời họ không là gì cả, thậm chí là những kẻ thất bại. Ranh giới giữa sự nổi tiếng và vi phạm pháp luật rất mong manh, nếu không làm chủ được bản thân, làm chủ được cảm xúc thì việc bị xử phạt là điều khó tránh khỏi.

Cần chấm dứt  “loạn chiến thần review” -0
Công an Cần Thơ xử phạt một tiktoker vì đưa tin sai sự thật.

Mới đây ngày, 14/4/2023, Công an TP Cần Thơ cũng vừa phối hợp Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với T.P.K.D. (sinh năm 1994, ngụ tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” trên không gian mạng. Quá trình làm việc xác định, vào các ngày 24/2, 3/3, 9/3, T.P.K.D. đã sử dụng tài khoản TikTok cá nhân để đăng tải, chia sẻ các đoạn video có nội dung bình luận, đánh giá các món ăn của một quán ăn trên đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trong đó, có những video mang tính chất phê phán quán, đề cập nhiều thông tin chưa chính xác về quán, nhằm tạo scandal để nhiều người biết đến “dịch vụ review” của T.P.K.D. với mục đích thu hút nhiều quảng cáo hơn. Đặc biệt, có video bình luận, phê phán, cho rằng quán bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sử dụng hàng đông lạnh cùng với việc sử dụng nhiều lời bình trên mạng để dẫn chứng và cho rằng quán đã sử dụng nguyên liệu không tốt để chế biến món ăn, bán cho khách hàng…

Theo Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư Bắc Giang, các nhà sáng tạo nội dung có thể tự do sáng tạo, review sản phẩm, nhà hàng, thương hiệu... trên mạng xã hội. Nhưng, họ không được thực hiện các hành vi bị pháp luật cấm và không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (điểm d, khoản 1, Điều 8).

Bên cạnh đó, theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022) cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trong buổi họp báo sáng ngày 5/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về việc tổ chức Đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Dự kiến đoàn kiểm tra trực tiếp tại TikTok sẽ làm việc từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động TikTok tại Việt Nam. Về nội dung kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét, bao gồm cả hình ảnh, video; phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok shop tại Việt Nam…

Đặc biệt, lần kiểm tra này sẽ tập trung vào kiểm tra cách thức, quy trình thuật toán phân phối nội dung rộng ảnh hưởng tới người xem, mạng xã hội, trở thành trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ.

Mai Ngọc
.
.