Cần có giải pháp để cứu Đà Lạt khỏi ngập nặng

Thứ Năm, 29/09/2022, 11:21

Mức độ ngập lụt ở thành phố Đà Lạt xảy ra ngày càng thường xuyên, nghiêm trọng hơn. Ở một số nơi, cứ vào mùa mưa, người dân còn chuẩn bị tâm lý để “sống chung với lũ”.

Đà Lạt quá tải về mọi mặt

Khi người Pháp phát hiện ra Đà Lạt (năm 1893) và đem tới thành phố này một đồ án bài bản để xây dựng thành “tiểu Paris”, khi đó theo quy hoạch Đà Lạt có sức chứa tối đa khoảng 60.000 người. Dĩ nhiên, với dân số ít ỏi đó, chỉ có những người thuộc giới tinh hoa bấy giờ mới có đủ điều kiện để cư trú hợp pháp trên thành phố này.

Cần có giải pháp để cứu Đà Lạt khỏi ngập nặng -0
Nhà kính ở khu vực ngoại ô Đà Lạt.

Ngày nay, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có diện tích tự nhiên gần 400km2, trong đó khoảng một nửa là đất rừng nhưng dân số đã lên tới trên dưới 250.000 người, đó là chưa tính những người từ các địa phương khác tới đây tạm trú để học tập, làm việc. Hằng ngày, thành phố này còn phải đón một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đổ lên tham quan, nghỉ dưỡng. Gần đây, dân số TP Đà Lạt tăng trưởng mạnh theo sức nóng của thị trường bất động sản và hoạt động du lịch. Việc gia tăng dân số đã tạo nên vô vàn áp lực, nhất là cơ sở hạ tầng, nhà cửa, giao thông và các dịch vụ kèm theo.

Những khối nhà lớn tại vùng trung tâm xuất hiện ngày một dày đặc cùng với đó là sự gia tăng dân số nhưng lại thiếu quỹ đất thông thoáng dành cho hoạt động công cộng, hệ thống thoát nước. Điều này đã khiến mỗi khi có mưa lớn, chỉ cần kéo dài khoảng 30 phút thì nhiều khu vực trũng, thấp và các kênh, suối lập tức xảy ra cảnh ngập lụt cục bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, mật độ xây dựng quá lớn ở nội ô Đà Lạt, sự bê tông hóa đến mức đất không còn một “khoảng thở” là yếu tố khiến mưa cực đoan ở chỗ nào thì chỗ đó ngập rất nhanh.

Gần đây, chính quyền địa phương bắt đầu quan tâm hơn về công tác quy hoạch, kiến trúc cho từng khu vực. Tuy nhiên, không ít khu quy hoạch đã và đang được triển khai lại có quá nhiều bất cập, thậm chí gặp phải phản ứng của người dân. Tình trạng hàng loạt dự án treo, kéo dài suốt nhiều năm qua cũng đã khiến hàng trăm gia đình lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”. Không ít gia đình có diện tích đất lớn nhưng vẫn phải sống trong cảnh khó khăn vì đất trong vùng quy hoạch bị “đóng băng” suốt nhiều năm, không thể sang nhượng, thế chấp, thừa kế…

Điển hình là khu quy hoạch dân cư số 1 TP Đà Lạt với diện tích 87 ha, có liên quan tới đất đai của hàng trăm hộ dân. Dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng kêu gọi đầu tư từ năm 2004. Trải qua 18 năm, dự án được giao cho một số nhà đầu tư nhưng không doanh nghiệp nào có đủ năng lực để triển khai. Năm 2018, những gia đình trong vùng bị ảnh hưởng đã nhận được thông báo thu hồi đất của UBND TP Đà Lạt để giao cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư đô thị Đất Việt triển khai dự án. Tuy nhiên, một lần nữa doanh nghiệp lại phải “bỏ của chạy lấy người”.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi dự án của công ty trên. Điều lạ là dù dự án của doanh nghiệp đã bị thu hồi nhưng hàng trăm thông báo thu hồi đất của người dân do UBND TP Đà Lạt phát hành trước đó thì vẫn treo “lơ lửng”, tức không bị thu hồi. Do đã có thông báo thu hồi nên đất đai của người dân lâm cảnh đóng băng, không thể sang nhượng, thế chấp để vay vốn, trao tặng, thừa kế cho con cái.

Cần có giải pháp để cứu Đà Lạt khỏi ngập nặng -0
Cần có giải pháp để cứu Đà Lạt khỏi ngập nặng -1
Cần có giải pháp để cứu Đà Lạt khỏi ngập nặng -2
Đà Lạt cứ mưa lớn 30 phút là ngập lụt cục bộ nhiều nơi.

Quy hoạch treo kéo dài hàng chục năm trong khi nhu cầu phát triển là một quy luật tất yếu ắt sẽ xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, sang nhượng, xây dựng nhà cửa trái phép. Tại TP Đà Lạt lại đang xảy ra tình trạng quy hoạch thường phải chạy theo các khu dân cư tự phát. Có nghĩa, khi đang còn là đất nông nghiệp, chưa hình thành các khu dân cư tự phát, việc lập quy hoạch hoặc cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở cùng với đó là hệ thống giao thông, đất phục vụ công cộng còn tương đối dễ thì rất ít khi được lập khu quy hoạch để triển khai một cách bài bản. Khi đã hình thành các khu dân cư tự phát, người dân làm nhà sinh sống dày đặc với hàng nghìn nhân khẩu thì các cơ quan chức năng mới loay hoay lập quy hoạch, cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở với những điều kiện ràng buộc. Điều này đã khiến cho các khu quy hoạch mới rất khó thực hiện vì liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hoặc có thực hiện được cũng gặp vô vàn khó khăn, dẫn đến các dự án không được triển khai theo đúng nội dung đã được phê duyệt.

Cần có chiến lược quy hoạch, đầu tư phát triển

Thật khó có thể tin được một nơi có địa hình cao như TP Đà Lạt lại thường xuyên xảy ra những trận lũ lụt cục bộ, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và du khách. Với độ cao trung bình đạt 1.500m so với mặt nước biển, Đà Lạt được xem là khu vực an toàn, không nằm trong những vị trí được cảnh báo có nguy cơ cao về lũ quét, nhưng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng lũ quét, ngập lụt cục bộ ở đây xảy ra thường xuyên hơn.

da_lat_ngap_lut_2-1664331898103.jpg
Khu vực nội đô Đà Lạt.

Không cần phải mưa quá lớn và kéo dài, chỉ cần mưa nặng hạt trên diện rộng khoảng 1 tiếng đồng hồ, những vùng trũng, thấp, nhất là dọc theo thượng nguồn suối Phan Đình Phùng, hồ Xuân Hương, suối Cam Ly… lập tức “có biến”. Nước lũ đổ về, dâng cao, thường quét qua các khu vực này rất nhanh khiến hầu hết người dân không kịp trở tay. Mới đây nhất là cơn mưa chiều 1-9. Mặc dù mưa lớn chỉ tập trung ở một số khu vực và kéo dài chưa tới 1 giờ đồng hồ nhưng hậu quả lại quá rõ ràng. Nước lũ đổ về, chỉ trong giây lát đã dâng qua dòng suối Phan Đình Phùng, tràn vào các khu dân cư. Ở một số khu vực trũng, thấp trong các con hẻm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường 8, TP Đà Lạt, nước lũ dâng cao gần 1m so với mặt đường khiến nhiều xe cộ của người dân bị chết máy. Tốc độ nước dâng quá nhanh khiến người dân không kịp di tản đồ đạc dẫn đến thiệt hại nặng.

Ngoài việc bùng nổ về dân số khiến Đà Lạt quá tải và việc quy hoạch, phát triển đô thị ở thành phố này đang còn không ít bất cập thì một nguyên nhân lớn nữa khiến Đà Lạt lâm cảnh cứ “mưa là ngập” cục bộ là diện tích nhà kính trong sản xuất nông nghiệp quá lớn. Hiện nay, Đà Lạt có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thì phần lớn trong số này đã làm nhà kính. Các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung ở những phường có địa hình cao. Hàng nghìn hecta nhà kính gần như không có kẽ hở để nước mưa ngấm xuống lòng đất nên dù mưa lớn hay nhỏ, toàn bộ nguồn nước đều được đổ dồn ra các con suối, kênh thoát nước, từ đó chảy về khu vực trũng, thấp gây nên cảnh ngập lụt cục bộ ở trung tâm thành phố.

Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, mật độ xây dựng quá lớn ở nội ô, sự bê tông hóa quá mức của Đà Lạt là yếu tố khiến mưa cực đoan ở chỗ nào thì chỗ đó ngập rất nhanh. Nhà kính tràn lan là nguyên nhân chính khiến hệ thống thoát nước của TP Đà Lạt bị quá tải.Theo ông Long, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo nhà kính đang phá hủy cảnh quan mộng mơ và sức khỏe hệ sinh thái của Đà Lạt. Hiện nay, vành đai xanh đã lùi quá xa thành phố, vùng trắng nhà kính càng lúc càng lớn.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cũng cho biết, ngập ở Đà Lạt có nhiều nguyên nhân liên quan đến nhiều vấn đề mà thành phố đang xử lý như hệ thống thoát nước, nhà kính. Tuy nhiên, theo ông Trình, gần đây chuyện ngập có liên quan đến mưa cực đoan ở từng khu vực cụ thể. Mưa cực đoan ở khu vực nào, khu vực đó ngập cục bộ chứ không ngập trên diện rộng. Thời gian ngập rất ngắn, khi mưa giảm thì việc ngập cũng giảm và chấm dứt theo cơn mưa.

Khắc Lịch
.
.