Cần minh bạch bản quyền tác giả trên thị trường nhạc số
Sự việc nhạc sĩ Giáng Son bị kiện vi phạm bản quyền từ chính tác phẩm “Giấc mơ trưa” của mình khi chị đưa bản phối do ca sĩ Khánh Linh hát lên kênh cá nhân một lần nữa báo động về vấn đề bản quyền tác giả trên thị trường nhạc số tại Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của riêng nhạc sĩ Giáng Son mà rất nhiều nhạc sĩ Việt đang gặp phải. Đã đến lúc chúng ta cần một chế tài để minh bạch quyền tác giả trên thị trường nhạc số.
Nhạc sĩ bị tố vi phạm bản quyền tác phẩm của mình
Ngày 14-10, nhạc sĩ Giáng Son thể hiện sự bức xúc qua Facebook sau khi bị BH Media khiếu nại về bản quyền của bài Giấc mơ trưa, mặc dù chị là chủ sở hữu toàn bộ từ sáng tác cho đến bản ghi và chỉ ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tức VCPMC, chứ chưa hề làm việc với BH Media hay Hồ Gươm Audio - đơn vị đã ủy quyền cho BH Media khai thác các bản ghi trên mạng.
Đại diện BH Media khẳng định việc bản ghi của Giáng Son nhận được thông báo về bản quyền là do có một vài chỗ trùng khớp với bản ghi của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh do chế độ quét tự động (Content ID) phát hiện. Đây không phải là một cảnh cáo vi phạm bản quyền. Và bên gửi thông báo là YouTube chứ không phải BH Media. Thông báo này không ảnh hưởng đến trạng thái tài khoản của Giáng Son, tức clip “Giấc mơ trưa” do Giáng Son đưa lên vẫn tồn tại trên Youtube.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Giáng Son khẳng định, BH Media đổ lỗi cho Youtube quét tự động là sai. Youtube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật công cụ và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị đính xác nhận bản quyền từ BH Media. Ngay sau đó, đại diện của nhạc sĩ Giáng Son là Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng có văn bản phản hồi. Việc BH Media sử dụng các thuật ngữ không nằm trong Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là “bản quyền” và “quyền bản ghi” đã gây hiểu nhầm cho người đọc.
Theo quy định tại Điều 4, Luật sở hữu trí tuệ (LSHTT), chỉ có quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó, “quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa” (khoản 2 Điều 4 LSHTT). Vì thế, việc BH Media xác nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền” đối với bản ghi âm, ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất chắc chắn là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả.
Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định, chị chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai. Vì thế, BH Media cho rằng trên Youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nhau là sai so với quy định của pháp luật Việt Nam. Bởi theo khoản 2, Điều 6 của LSHTT, ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào có quyền sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa”. Vậy vấn đề đặt ra là bản ghi mà BH Media sử dụng để Youtube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son hay không, hay bản ghi này đang bị chiếm hữu một cách trái phép? Nhạc sĩ Giáng Son cho biết, chị đã làm việc với luật sư của VCPMC và đang chờ kết quả.
Tràn lan vi phạm bản quyền
Thực tế, không chỉ nhạc sĩ Giáng Son mà có rất nhiều nhạc sĩ bất bình khi không được sử dụng bài hát của mình sáng tác dù họ chưa bán bản quyền cho bất cứ đối tác nào.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ: “Tôi cũng bị BH Media đăng ký bậy bạ bản ghi 15 tác phẩm bao gồm cả “Bà tôi” và “Giọt sương bay lên” khiến tôi không thể up lên kênh Youtube Nguyễn Vĩnh Tiến Oficial Channel của mình. Điều này chắc ai cũng thấy phẫn nộ. Hồ Gươm Audio cùng tác giả đồng sản xuất nghĩa là tôi có quyền về sản xuất và là chủ sở hữu tác phẩm. Sao một công ty đâu đâu lại đi đăng ký quyền khai thác tác phẩm của tôi? Các ca sĩ cũng không có quyền làm điều đó. Họ chỉ xin 1 lần quyền sử dụng chứ họ không phải là cha sinh mẹ đẻ của tác phẩm”.
Rõ ràng, hiện nay, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng những kẽ hở trên môi trường nhạc số để lách luật, nhận “vơ” quyền sở hữu về mình nhằm mục đích kiếm tiền. Mới đây, nhạc sĩ Lã Văn Cường chia sẻ, ông có hơn 30 tác phẩm bị đánh dấu vi phạm bản quyền Youtube. Đó đều là những bài hát ông bỏ tiền hòa âm, phối khí ghi âm, ghi hình và ca sĩ hát nhưng lại bị các tổ chức, cá nhân đưa lên mạng mà không xin phép. Bức xúc vì những hành vi xâm phạm bản quyền, ông đã gửi đơn lên Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam (đơn vị mà ông ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm). Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một phương thức xử lý nào.
Nhạc sĩ Minh Châu cũng từng bị cảnh báo vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của mình. Khi ông phản ứng, đại diện của công ty “tố” ông vi phạm bản quyền đã xin lỗi và gỡ cảnh báo trên Youtube. Ông cho rằng, các nhạc sĩ đang bị lợi dụng bởi thực tế rất nhiều nhạc sĩ không sử dụng công nghệ, nên không biết tình trạng tác phẩm của mình đang bị ăn cắp một cách trắng trợn. Các nhạc sĩ cần lên tiếng để bảo vệ tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng chia sẻ rằng mới đây, cần lấy một ca khúc từ kênh Youtube cá nhân để làm việc thì lập tức bị cảnh báo vi phạm bản quyền. Ông mở tài khoản kiểm tra thì thấy có 37 video trong tổng số 269 video trong kênh của ông bị đánh dấu vi phạm bản quyền, trong đó có bài nổi tiếng “Hà Nội mùa thu vắng em”... Đấy là những video do ông sáng tác, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sĩ, thu âm và đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho VCPMC. Thế nhưng các video các tác phẩm của ông lâu nay lại bị một số tổ chức, cá nhân nhận vơ để kiếm tiền.
Cần lên tiếng để ngăn chặn
Rõ ràng, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang là một vấn đề gây bức xúc trong giới nhạc sĩ. Lâu nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã nhận vơ và ngang nhiên kiếm tiền trên chất xám của người khác. Đó là chưa kể rất nhiều nhạc sĩ không sử dụng công nghệ, họ không biết số phận các tác phẩm của mình hiện đang nằm ở đâu. Được biết, trước đây VCPMC từng ký một thỏa thuận với BH Media về việc khai thác bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số, nhưng hợp đồng đã chấm dứt.
Cùng với sự phát triển của âm nhạc trên nền tảng số, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều đơn vị, cá nhân nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này. Họ đưa bản ghi lên Youtube. Điều đáng nói là nhiều bản ghi đã ngang nhiên bị đổi tên hoặc trở thành sở hữu của họ mà chính người sáng tác không hề hay biết. Vì thế, mới có tình huống dở khóc dở cười khi các nhạc sĩ đưa bài hát của mình lên kênh cá nhân lại bị đánh dấu vi phạm bản quyền.
Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, cách đây mấy năm, Hồ Gươm Audio đã bán cho BH Media hàng trăm CD và BH Media từ nhiều năm nay đã khai thác hàng trăm CD với hàng nghìn bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam trên nền tảng số như Youtube mà chủ sở hữu không hề hay biết.
Theo luật sư, hiện nay có rất nhiều đơn vị đưa các tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, bản thu lên Youtube nhưng thực tế là những đơn vị này không có quyền. Họ đã âm thầm khai thác các quyền tác giả và thu lại một nguồn lợi rất lớn mà các tác giả không hề biết. Việc khai thác này cứ thế diễn ra. Vì thế, các tác giả - chủ sở hữu quyền tác giả, cần rà soát lại phạm vi thuộc quyền của mình để ngăn chặn hành vi vi phạm đó. Nếu một đơn vị chỉ sở hữu quyền liên quan bản thu của mình trên youtube nhưng lại tận dụng cách thức rà soát của youtube để đánh bản quyền tràn lan có thể coi là hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, chị sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng sự việc này, đó không còn là câu chuyện của cá nhân nhạc sĩ mà của môi trường âm nhạc Việt Nam đang trắng đen lẫn lộn. Vì thế, trước khi có một thị trường minh bạch, các nhạc sĩ hãy vào cuộc, tìm hiểu và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ đứa con tinh thần của mình.