Cần nói không với nhạc phái sinh chế lời dung tục, phản cảm
Có thể nói, việc biến tấu một ca khúc cũ thành một “phiên bản mới” từ phần lời đến phần nhạc đã và đang trở thành “trend” của nhiều người trẻ. Họ coi đó là sự sáng tạo. Tuy nhiên, dù có sáng tạo đến đâu thì việc đầu tiên cần làm là tôn trọng quyền tác giả, nhưng có vẻ nhiều người đã quên mất điều này nên “cái sự sáng tạo” của họ đã đi quá xa.
Thích là… phái sinh, không quan tâm tới bản quyền
Được biết, luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi nó không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc (được dùng để làm tác phẩm phái sinh).
Theo điều 20 luật Sở hữu trí tuệ, làm tác phẩm phái sinh là quyền độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này có nghĩa là chỉ có chính tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện tác phẩm phái sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế những người làm nhạc phái sinh dường như chưa từng quan tâm tới chuyện bản quyền. Viết nhạc phái sinh với phong cách “mình thích thì mình làm thôi” còn mặc kệ tác giả bản gốc. Thế mới có chuyện, thời gian gần đây gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên đã rất bức xúc khi bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” phái sinh lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
Chị Phạm Hồng Tuyến, con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ với báo chí rằng: “Ca khúc đã bị điều chỉnh từ giọng trưởng sang giọng thứ mà chưa hề được sự chấp thuận của nhạc sĩ. Bố tôi và cả gia đình đều cảm thấy khó chịu vì không có ai xin phép tác giả để ra bài hát biến thể (phái sinh) này. Thậm chí, nhiều người khi hát bài này vẫn nghĩ là của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đến ca sĩ chuyên nghiệp khi được đề nghị biểu diễn “Chú voi con ở Bản Đôn” lại hát bản phái sinh, như một sự mặc nhiên”.
Chị Phạm Hồng Tuyến cũng cho biết thêm, đây không phải là lần đầu bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” bị làm sai lệch phần nhạc và phần lời. Trong số những ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” phái sinh đang lan truyền, nhiều người nghe nhạc đặc biệt chú ý đến phiên bản do Ahu thể hiện. Trong video đăng tải phần lời và phần nhạc bị biến tấu hoàn toàn khác so với bản gốc. Phiên bản này xuất hiện cách đây 3 tháng, hiện có khoảng 23.000 lượt nghe/xem với ý kiến có khen lẫn chê.
Trước đó, phiên bản do Hoài Long thể hiện cách đây 3 năm có đến hơn 300.000 lượt xem. Ngoài ra, những phiên bản do Vũ Nguyên Thảo, Duyên Lê, Lê Anh thể hiện cách đây 1 năm hay Bách Nguyễn trình bày cách đây 3 tháng… đều có khoảng vài chục ngàn lượt xem.
Một trong số các bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” phái sinh có lời như sau: “Voi con ơi, voi con ơi/Mau lớn lên có đôi ngà to/ Lấy sức đi muôn miền rừng xa/ Kéo gỗ cho buôn làng của ta/ Này là voi con, voi con ở bản Đôn/ Này là voi con, voi con ở bản Đôn… Voi cha ở Tây Nguyên này/ Voi anh ở Gia Lai này/ Voi con ơi, voi con voi con voi con voi con/ Này là voi cha, voi cha ở bản Đôn/ Này là voi anh, voi anh ở bản Đôn/ Bản Đôn, bản Đôn, sao quá nhiều voi ở bản Đôn/ Bài này là voi con, voi con, voi con ở Bản”. Tiếp theo là đoạn version: “Chú voi con ở bản Đôn/ Thiếu bóng mẹ khi còn trẻ con/ Từ rừng già lạc đến với người/ Rất bơ vơ nên chẳng ham chơi/ Chú voi con ở bản Đôn/ Chưa có ngà vì còn trẻ con/ Mà già rồi chú cũng mất ngà/ Vẫn còn hơn mất mạng voi ta”.
Điều khiến gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm tư là việc không thấy ai xin phép ông để phái sinh ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn”. Như vậy, họ đã “vi phạm bản quyền” sáng tác. Cũng theo lời chia sẻ của chị Phạm Hồng Tuyến thì nhạc sĩ Phạm Tuyên ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo, làm mới tác phẩm của ông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi ca khúc mà không hề xin phép tác giả hoặc làm mất đi tinh thần tác phẩm gốc.
Trước đó, vào giữa năm 2023, trên các nền tảng mạng xã hội lan truyền chóng mặt bản nhạc chế bài thơ “Lượm” của cố nhà thơ Tố Hữu. Lượm là nhân vật văn học nổi tiếng, xuất hiện ở bộ môn Ngữ văn trong chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trong bài thơ “Lượm”, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa hình ảnh “chú bé loắt choắt” làm công tác giao liên đã hy sinh trong một lần chuyển thư “thượng khẩn” thời kháng chiến chống Pháp.
Một hình tượng anh dũng là thế, vậy mà khi phái sinh lại trở thành một hình ảnh méo mó với lời lẽ phản cảm như: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi. Gió đưa cành trúc thật Prada. Trên mạng đang hot trend gì vậy ta. Họa hổ họa bì gian nan họa cốt. Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương. Cười người hôm trước hôm sau người cười. Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10. Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Bản nhạc lan truyền trên TikTok có đến hàng chục triệu lượt xem trên nền tảng này, nó được sử dụng cho hàng loạt video. Có video trong số đó lên tới 10 triệu lượt xem. Đáng nói, trong nhiều video, người dùng tạo dáng phản cảm, thậm chí đứng lên bàn ghế, mặc áo dài nhưng có tư thế không phù hợp hoặc mặc bikini.
Được biệt, tác giả của đoạn rap chế lời nói trên là của 2see. Sau khi vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dùng TikTok, 2see đã lên tiếng xin lỗi tác giả Tố Hữu và khán giả. Cụ thể, anh này nói: “Đầu tiên tôi xin lỗi tác giả Tố Hữu và khán giả. Ca khúc được viết từ hai năm trước, lúc mạng xã hội nổi tiếng trào lưu chế thơ. Tôi có lấy bình luận trên mạng chế thành bài nhạc. Lúc đăng tải, tôi chỉ nghĩ đó là ca khúc vô thưởng vô phạt, tôi không nghĩ mọi chuyện đi xa đến thế”. Nam nhạc sĩ cũng cho biết thêm, anh không nghĩ có người phối nhạc và biến thành trào lưu trên TikTok, đẩy sự việc đi quá xa. Hiện 2see đã ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa trên mọi nền tảng.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của 2see cũng nhận về luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng chính tác giả cũng muốn ca khúc trở nên viral, chỉ gỡ khi nhận được về quá nhiều chỉ trích. Dù bản gốc được gỡ xuống khỏi các nền tảng, nhưng vẫn còn đó hàng trăm bản nhạc được đăng lại, dùng lại gây bức xúc cho người nghe.
Tràn lan những bản nhạc chế dung tục
Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm đã từng nhận về nhiều lời chỉ trích của khán giả khi thể hiện đoạn nhạc chế từ các nhân vật trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon của Nhật Bản. Cụ thể, đoạn nhạc chế có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobito chào đời”.
Đoạn nhạc trên đã từng nổi tiếng và được sử dụng làm nhạc nền cho hàng loạt video trên mạng xã hội. Riêng đoạn video ghi lại phần thể hiện của Lê Dương Bảo Lâm cũng nhận hàng triệu lượt xem, bất chấp nội dung phản cảm. Phần lời chế của Lê Dương Bảo Lâm được nhận xét không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Câu chuyện Chaien lấy Nobita làm chồng và sinh con trong phần nhạc chế cũng bị chỉ trích phản cảm, lố lăng. Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản.
Nếu bầu “Vua nhạc chế” có lẽ cái tên Vanh Leg sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất. Trước đó Vanh Leg đã từng làm mưa làm gió với những bài nhạc chế dựa trên những bài hát gốc đang nổi. Mỗi khi Vanh Leg ra MV, MV ít cũng có vài chục triệu lượt xem, nhiều có khi lên tới vài trăm triệu lượt xem như: “Đại ca lớp 12A” (dựa theo nền nhạc bài “Túy âm” và “Save me”, 326 triệu lượt xem). “Chuyện tình thợ xây” (dựa theo bài “Nơi này có anh”, 105 triệu lượt xem); “Đời anh xem ôm” (dựa theo bài “Despatino”, 133 triệu lượt xem)…
Trong MV “Chuyện tình thợ xây” với nhiều lời lẽ tục tĩu như: “Em là ai bước đến nơi đây mà đẹp như tiên? Em là con mẹ Hiên bán miến gần hầm Kim Liên. “Miến” em thật ngon, “nước nôi” cũng rất ngọt, đắm say từ phút đó, định sờ tay em nhưng không cho…” hay MV “Đại ca lớp 12A” kể về một nam học sinh thường xuyên đi học muộn, khi bị cô giáo phạt thì các bạn hùa vào chửi theo: “Chết mẹ mày chưa, cái tội ngu, thức đêm thẩm du xong đ. dậy được, sau này mày làm gì cho đất nước”. Đỉnh cao của sự phản cảm trong các sáng tác chế của Vanh Leg phải kể đến “Thương quá Việt Nam” với lời lẽ rất dung tục.
Không chỉ chế lời những bản nhạc đang hot mà ngay cả những tác phẩm mang tính lịch sử cũng được “biến tấu” không thương tiếc. Cụ thể, trước đó mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nhóm người trẻ hô hào thêm thắt, sửa đổi một số câu từ, biến Nam Quốc Sơn Hà trở thành một bài thơ chế dùng khi đi nhậu.
Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà có tác dụng khích lệ tinh thần quân sĩ trong cuộc chiến chống quân xâm lược Tống. Đây còn được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Thế nên, việc đem bài thơ ra chế lời, thành khẩu hiệu hô to trong bữa tiệc, bàn nhậu, thậm chí còn đẩy lên mạng xã hội như một trend mới là việc làm không thể chấp nhận được. Đó chẳng khác nào một sự phỉ báng lịch sử dân tộc.
Bài hát “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng cũng bị mang ra chế lời với những ngôn từ nhảm nhí: “Hết tiền tiêu người yêu anh cũng bán/ Bán năm trăm để lấy tiền tiêu, tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ ba năm về chuộc người tình…”, hay ca khúc “Huyền thoại mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chịu chung cảnh bị chế lời: “Đêm chong đèn ngồi đếm bạc, tờ năm chục màu xanh, mẹ cầm súng đứng canh, con cầm dao ngồi cạnh…”.
Sự bùng nổ của nhạc phái sinh với những lời lẽ dung tục, phản cảm, không những không tôn trọng bản quyền tác giả mà còn tạo nên những trào lưu độc hại, ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận giới trẻ. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa để loại bỏ những thứ “rác văn hóa” này.