Cần phải dạy văn hóa giao thông trên cao tốc

Thứ Tư, 18/05/2022, 21:25

Có một giai đoạn những năm 1990 người ta hay nói đùa với nhau rằng “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Xe công nông đầu ngang, hung thần trên các cung đường với tiếng động cơ ồn ào, khói đen mù mịt, gạch cát vương vãi, sắt thép tua tủa…Thật không lạ tại sao người ta sợ hãi loại phương tiện này đến thế, người điều khiển hung hãn, bất chấp mọi luật giao thông cũng như sức khỏe, tính mạng người đi đường.

Ngày nay, công nông đã gần như biến mất khỏi đường phố, loại xe này chỉ còn ở các vùng nông thôn, miền núi với chức năng nhiệm vụ vốn dĩ của nó là phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng giờ đây, ra đường lại sợ nhất các cua-rơ xe đạp nghiệp dư, những tài xế xe ôtô ý thức kém khi họ coi đường cao tốc như… đường làng.

Cần phải dạy văn hóa giao thông trên cao tốc -0
Sự hồn nhiên thái quá hay thiếu hiểu biết khi dừng chụp ảnh trong đường cứu nạn trên cao tốc?

1. Bộ mặt giao thông, văn hóa giao thông có thể nhận thấy có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực trong những năm gần đây. Tất nhiên sự thay đổi lặng lẽ theo năm tháng đó có phần nào khó nhận ra nếu không có những đối chiếu với ký ức cũ. Không ít người tham gia giao thông ngày nay đã biết xấu hổ khi bị nhắc nhở. Có thể cho rằng phần nào đó cũng là kết quả của sự giám sát, bóc “phốt” những hành vi xấu khi tham gia giao thông trên các diễn đàn mạng xã hội, họ không ngại tung hê diện mạo lẫn biển số xe người vi phạm, thiếu văn hóa tham gia giao thông với mật độ camera hành trình dày đặc. Và những hành vi vi phạm luật giao thông bị cộng đồng lên án gay gắt nhất chính là những vi phạm trên đường cao tốc sau một số vụ tai nạn nghiêm trọng.

Nếu có một cuộc bình chọn về những người yêu thể thao nhất thế giới, chắc chắn tôi, người viết bài này sẽ bỏ phiếu tối đa cho một vài nhóm cua-rơ xe đạp tại Hà Nội. Bởi quả thực, thật khó có thể tìm ra ai yêu thể dục thể thao hơn họ, đến mức bất chấp mạng sống của bản thân để hăng hái kéo nhau tập luyện mỗi sáng trên đường… cao tốc. Xuyên suốt tuyến đại lộ Võ Nguyên Giáp hướng đi sân bay Nội Bài hay Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đi Hòa Lạc vào khung giờ sáng sớm, thật dễ dàng bắt gặp từng nhóm hàng chục cua-rơ, quần áo xanh đỏ, mũ mão đầy đủ gò lưng sải chân trên những chiếc xe đạp chuyên nghiệp, núp gió nối đuôi nhau trên làn đường chỉ dành cho ôtô được phép di chuyển với tốc độ tới 80-100 km/h.

Screen_Shot_2022_05_16_at_23_23_-1652840833532.png
Bỏ mặc quy định cấm, nhiều người vẫn cố tình đạp xe vào đường cao tốc.

Đoàn cua-rơ cắm cúi đạp xe luồn lách xen kẹt với xe con, xe tải, xe container ra vào nhịp nhàng cùng nhau uyển chuyển như đàn cá nhỏ bên sườn cá mập. Không ít đoạn video camera hành trình thể hiện rõ vào những ngày mùa đông khi trời còn chưa sáng, vô cùng khó nhận dạng ra nhóm xe đạp  lầm lũi phía trước, bởi ngay cả những trang thiết bị gây chú ý như đèn tín hiệu, dây đeo phản quang họ cũng không có. Nhiều tài xế bức xúc đưa hình ảnh, clip lên mạng nhưng dường như không thể giải thích được chuyện đúng sai với tình yêu thể thao mãnh liệt đó. Đã không ít lần cảnh sát giao thông xuất hiện để ngăn chặn hành vi nguy hiểm kể trên, nhưng tiếp theo như thế nào ít ai có thể hình dung nổi.

Cả đoàn cua-rơ dừng lại từ xa phía trước chốt cảnh sát, hô hào nhau quay đầu bỏ chạy tán loạn và đạp ngược chiều.  Thật ngạc nhiên họ hành xử như những đứa trẻ hư, trái ngược hoàn toàn với những bộ quần áo thể thao đẹp mã, xe cộ chuyên nghiệp. Nếu phải dùng từ ngao ngán, hay kinh hãi trước những hành vi này có lẽ là tiếng Việt vẫn chưa tìm ra được từ mới phù hợp để miêu tả được khớp trạng thái của những người phải chứng kiến.

2. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản là quốc gia có hạ tầng giao thông khá lạc hậu. Với địa hình đặc trưng là đồi núi, lại hay xảy ra động đất nên đường xá tại đây vốn khá nhỏ, hẹp và có tốc độ lưu thông thấp. Sự bùng nổ kinh tế thập niên 70 đã là cơ hội lớn để Nhật Bản thay đổi toàn diện bộ mặt hạ tầng giao thông.

Cùng với đường xá, số xe hơi tại Nhật cũng tăng đột biến nhờ vào thu nhập tăng cao của người dân và sự thịnh vượng của các hãng xe giá rẻ Nhật Bản. Thế nhưng, sự kém thích nghi của người dân Nhật với hệ thống đường cao tốc hết sức hiện đại vào thời điểm đó đã khiến cho Nhật Bản là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) cao hàng đầu thế giới. Bất kể sự hoàn thiện của hệ thống tín hiệu, biển báo và luật giao thông, số người chết vì TNGT vẫn không giảm trong nhiều năm buộc Chính phủ Nhật Bản phải thay đổi cách tiếp cận.

Cần phải dạy văn hóa giao thông trên cao tốc -0
Với hành vi quay đầu trên cao tốc thế này, cần thu bằng lái vĩnh viễn.

Văn hóa và quy tắc giao thông trở thành một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục Nhật Bản ngay từ cấp mẫu giáo. Họ ý thức được rằng, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu là do người tham gia giao thông chưa biết cách ứng xử sao cho đúng và an toàn với những con đường có tốc độ lưu thông nhanh gấp đôi so với các tuyến quốc lộ cũ. Kết quả là, cho tới năm 2008, Nhật Bản là nước có số người chết vì TNGT thấp nhất thế giới. Trong đó, có tới 60% số vụ tai nạn giao thông do người nước ngoài gây ra.

3. Nhưng đấy là chuyện xứ người. Còn ở Việt Nam, sự phát triển hạ tầng đường cao tốc những năm gần đây rất ấn tượng, đường cao tốc cứ liên tục dài ra mỗi năm theo tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng giống như Nhật Bản giai đoạn đang phát triển, số vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc cũng tăng dần đều theo thời gian, bất chấp những nỗ lực hiện đại hóa của các đơn vị quản lý đường cao tốc. Và chúng ta dường như vẫn đang loay hoay chưa tìm ra giải pháp phù hợp “giáo dục” người tham gia giao thông trên cao tốc, ngoài chuyện lên án nhau trên mạng xã hội.

Cần phải dạy văn hóa giao thông trên cao tốc -0
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên do tài xế xe Innova đi lùi.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc do lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên năm 2016 là một câu chuyện đến nay vẫn gây tranh cãi. Ngô Văn Sơn là tài xế chạy lùi trên cao tốc. Nguyên nhân ban đầu gây ra vụ tai nạn  Sơn khai trước tòa là anh ta nhận hợp đồng chở 10 khách bằng ôtô Innova từ Bắc Ninh về thành phố Thái Nguyên vào ngày 19-11-2016. Trưa hôm đó, Sơn có uống rượu nhưng cho rằng không say nên vẫn cầm lái.

15h30’ cùng ngày, do đi quá lối ra khỏi đường cao tốc thuộc khu vực nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Sơn lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội. Trước và trong lúc lùi, Sơn thấy đường khá vắng và không nghe bên ngoài có tiếng còi. Xe lùi với tốc độ khoảng 4 đến 5km/h thì bất ngờ bị ôtô đầu kéo đâm vào đuôi, đẩy bắn ra một đoạn khá xa.

Tai nạn khiến 4 người chết tại chỗ, 1 người tử vong sau hai năm và 5 người bị thương. Vụ án này gây xôn xao dư luận, bởi rất đông các tài xế lên tiếng bênh vực tài xế Lê Ngọc Hoàng, là người điều khiển xe đầu kéo đâm vào phía sau chiếc xe chạy lùi trên cao tốc.

Những tưởng sau vụ việc ồn ào này sẽ là bài học cho các lái xe, nhưng không, cơ quan quản lý đường cao tốc thi thoảng vẫn đưa lên truyền thông hình ảnh từ camera giám sát không ít ôtô vẫn cố tình đi lùi trên đường cao tốc. Và người vi phạm khi bị xử phạt cũng đều đưa ra lý do là bị đi quá lối rẽ. 

Gần đây, những đoạn đường cao tốc có cảnh quan xung quanh đẹp vô tình trở thành nơi chụp ảnh lưu niệm cho khách du lịch. Không rõ bởi sự nài ép của hành khách hay sự hồn nhiên thiếu hiểu biết của tài xế, họ dừng đỗ ven đường cao tốc, hoặc ngay ngắn gọn gàng trong đường cứu nạn để chụp ảnh, tạo dáng vô cùng hoành tráng. Đường cứu nạn là nơi để cứu nguy cho những ô tô bị mất phanh, mất kiểm soát sẽ lao vào khi gặp sự cố, và những con người yêu nhiếp ảnh vô tư dàn hàng ngang đứng đó thì tình yêu đó hình như cũng lớn không kém những cua-rơ xe đạp vẫn coi đường cao tốc làm nơi tập luyện

Tại Thái Lan và Malaysia, những nước Đông Nam Á có hạ tầng giao thông cao tốc khá phát triển, mật độ xe lưu thông trên cao tốc luôn cao hơn rất nhiều tại Việt Nam, nhưng số vụ tai nạn giao thông lại khá thấp. Điều này có được bởi các nước bạn từ lâu đã tự xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa giao thông tốt, nơi các lái xe luôn tôn trọng tuyệt đối các quy tắc giao thông cao tốc đi cùng với thái độ ứng xử chuẩn mực với nhau trên xa lộ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục và nhận thức lâu dài mà các nước này đã tiếp nhận từ Nhật Bản và châu Âu ngay từ khi bắt đầu phát triển hạ tầng cao tốc, những huyết mạch xương sống của kinh tế quốc gia. Hy vọng chúng ta cũng sẽ sớm làm được như vậy.

Trí Minh
.
.