Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Ba, 12/04/2022, 12:43

Lãi suất cao, kì hạn linh động, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người. Thế nhưng, sau vụ việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng các đồng phạm bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi phát hành trái phiếu sai mục đích thì nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng thị trường trái phiếu đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, cần phải có những quy định pháp luật chặt chẽ, để tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính?

Liên tiếp sai phạm

Ngày 5-4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng 6 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sáu bị can này gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông; Lê Văn Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp -0
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam

Vụ án khiến dư luận chấn động, bởi sau vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị bắt vì tội thao túng chứng khoán, nhiều người vẫn không thể tin được tội danh mà ông Đỗ Anh Dũng bị bắt cũng liên quan đến thị trường trái phiếu, chứng khoán. Bởi Tân Hoàng Minh và FLC là hai tập đoàn lớn kinh doanh bất động sản. Trước khi bị bắt, ông Đỗ Anh Dũng và tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đã khiến dư luận dậy sóng vì vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm và viết “tâm thư” gửi các lãnh đạo cấp cao. Nhiều người cũng đã đồn đoán khả năng ông Dũng bị bắt vì liên quan đến vụ bỏ cọc này. Nhưng thực tế lại không phải như vây.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 7-2021 đến tháng 3-2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên (Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông) và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, với tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngay sau đó Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty thuộc tập đoàn này, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt Công ty cổ phần tập đoàn Apec Group đối với hành vi tương tự.

Nhận định về vụ việc Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng: “Mức độ ảnh hưởng với thị trường chứng khoán là có. Nhưng chủ yếu là ảnh hưởng về tâm lý và ảnh hưởng đến các cổ phiếu liên quan đến các công ty có hoạt động huy động trái phiếu, những công ty bất động sản. Tâm lý nhà đầu tư là né tránh rủi ro và xu hướng là bán các cổ phiếu đó ra. Thực tế trong nhiều phiên vừa qua cổ phiếu bất động sản đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đó chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn vì yếu tố tâm lý. Còn sau này ai đúng ai sai phải xem rõ từng sự vụ bởi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng họ tuân thủ mọi quy định của pháp luật và phát hành không sai trái, sử dụng đúng mục đích vốn. Nhà đầu tư thường đánh đồng các doanh nghiệp đó với nhau nhưng bản chất có sự khác biệt lớn. Vụ việc Tân Hoàng Minh góp phần làm trong sạch thị trường, nhà đầu tư sẽ có niềm tin hơn vào thị trường trái phiếu. Đồng thời cũng là lời cảnh báo đến cả nhà đầu tư và các doanh nghiệp, công ty phát hành trái phiếu. Sau sự việc này, những quy định về phát hành trái phiếu càng phải chặt chẽ hơn nữa, công khai, minh bạch hơn nữa, đặc biệt là yếu tố bắt buộc phải công bố thông tin đầy đủ và nêu rất rõ quyền của nhà đầu tư, để họ đọc và tìm hiểu rõ những nội dung quan trọng trước khi bỏ tiền mua trái phiếu đồng thời họ sẽ phải cam kết đã tìm hiểu tất cả các thông tin và đồng ý mua trái phiếu. Còn các đơn vị phát hành trái phiếu sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Rủi ro cần tránh

Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô vốn huy động liên tục tăng lên qua các năm. Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sức hút của trái phiếu doanh nghiệp đó là lãi suất cao. Hiện bình quân lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) thường ở mức khoảng 9,9%/năm; riêng lĩnh vực bất động sản, lãi suất trái phiếu có thể dao động từ 9,5%-11%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 12 tháng khoảng 5,5% - 6,5%/năm. Lãi suất trái phiếu của các đơn vị thành viên thuộc Tân Hoàng Minh đưa ra luôn ở mức cao 11,5-12%/năm.

Nhiều hội nhóm, những môi giới mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao. Một tài khoản còn quảng cáo lãi suất 36 tháng lên đến 24%/năm.

Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp -0
Tân Hoàng Minh gây rúng động khi bỏ cọc 600 tỉ lô đất vàng Thủ Thiêm

Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì mức lợi nhuận này đã khiến cho số người lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư ngày càng nhiều.

Xét về bản chất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là việc huy động vốn, trong đó doanh nghiệp vay nợ nhà đầu tư, bao gồm nợ gốc và nợ lãi trái phiếu. Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn. Khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, trái chủ (người nắm giữ trái phiếu) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty. Do vậy, chất lượng tài sản bảo đảm tỷ lệ nghịch với tỷ lệ rủi ro của nhà đầu tư. Nói cách khác, chất lượng tài sản bảo đảm của đơn vị phát hành trái phiếu càng thấp thì tỷ lệ rủi ro đối với nhà đầu tư càng cao.

Tuy nhiên, có một thực tế mà các nhà đầu tư nên biết, đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có không ít sản phẩm “trái phiếu 3 không” (không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm). Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém. Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản). Như vậy, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó có thể trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Để đầu tư trái phiếu hiệu quả, nhà đầu tư vẫn phải luôn là nhà thông thái, tự đánh giá được năng lực, tài chính doanh nghiệp trước khi xuống tiền mua trái phiếu. Tránh mọi rủi ro, nguy cơ nếu gặp phải những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khả năng phá sản trong tương lai thì tốt nhất vẫn là đầu tư vào trái phiếu do Nhà nước phát hành.

Nhà đầu tư phải có năng lực tự đánh giá

Để cảnh báo nhà đầu tư tránh được rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cũng đưa ra quan điểm:

Cần xác định chủ thể phát hành của trái phiếu. Công ty đó đã niêm yết hay chưa, vì niêm yết rồi thì mọi thứ sẽ minh bạch hơn. Tình hình tài chính sẽ được công bố theo hàng quý và được kiểm toán 6 tháng, 12 tháng. Thông thường các công ty được niêm yết sẽ công bố thông tin rất đầy đủ, kể cả tình hình kinh doanh và tài chính, cả những hoạt động bất thường khác. Nên sẽ có độ tin tưởng tin cậy cao hơn so với các công ty chưa niêm yết. Đó là yếu tố thứ nhất liên quan đến pháp lý.

Yếu tố thứ 2 liên quan đến chính tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó trong những năm vừa qua. Có khả quan hay không? Doanh thu, lợi nhuận có theo chiều hướng tích cực hay không? Mục đích phát hành trái phiếu là gì. Thông thường việc phát hành trái phiếu có mục đích rất rõ ràng như đầu tư phát triển dự án, hay là mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, người đầu tư phải xem xét xem doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đó có phải là quyết định đúng đắn hay không? Bởi vì họ đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh, và những hoạt động họ đang có lợi thế, thì sẽ khác với việc đầu tư vào các hoạt động đầu cơ, mua bán tài sản. Khi đó nhà đầu tư sẽ đánh giá được việc doanh nghiệp huy động vốn có thực tế hay không?

Dựa trên các yếu tố đó, nhà đầu tư sẽ đánh giá được trái phiếu này có tài sản đảm bảo là tài sản gì. Ví dụ như khi phát triển dự án thì doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chính là dự án đó hoặc những tài sản hình thành sau này trên dự án. Hoặc tiền mặt, hoặc cổ phần của chính doanh nghiệp đó. Nhà đầu tư sẽ đánh giá được chất lượng tài sản đó có đủ giá trị đảm bảo khả năng thanh toán khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cả gốc và lãi hay không? Tài sản đảm bảo phải liên quan đến một đơn vị thứ 3, được định giá bởi một công ty có giấy phép định giá.

Bản thân người dân hoặc những nhà đầu tư không chuyên nghiệp nếu để tìm hiểu kĩ mua bán trái phiếu sẽ rất khó. Bởi vì không hiểu được quyền của mình là gì. Khi mua trái phiếu quyền của người dân là được tiếp nhận thông tin đầy đủ. Ví dụ như bản cáo bạch, trong đó có đầy đủ các phương án, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có thông tin của các đơn vị tư vấn, đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành và thanh toán. Phải có kiến thức tài chính đánh giá tài chính của công ty, phải có hiểu biết về kinh tế xã hội đánh giá về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có khả quan hay không. Phải là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp mới có năng lực làm điều đó. Đa phần những người mua trái phiếu đều không có năng lực đó, chủ yếu là mua do tin tưởng, rằng có ngân hàng bảo lãnh thì mua.

Đặc biệt phải quan tâm đến chủ thể phát hành, những đơn vị phân phối trái phiếu đó cho mình. Chủ thể phát hành cho mình có phải là chủ thể chính hay không. Bởi hiện tại có rất nhiều công ty ví dụ như Tân Hoàng Minh là họ mua lại trái phiếu của những công ty con của họ phát hành để lách quy định liên quan đến phát hành riêng lẻ. Sau đó dựa trên trái phiếu đấy, lại phát hành một loại trái phiếu của chính Tân Hoàng Minh hoặc của công ty mẹ mua lại, rồi bán cho rất nhiều nhà đầu tư, ở đây là trên 100 nhà đầu tư. Trong khi quy định là phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư và phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức đầu tư. Thì ở đây Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu không giới hạn, nhà đầu tư cũng không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Mai Ngọc
.
.