Căng thẳng Trung Đông đẩy tăng giá vàng
Giá dầu mỏ và giá vàng thế giới trong tuần qua đã tăng nhẹ khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới kênh trú ẩn an toàn và giới kinh doanh đánh giá các dấu hiệu cho thấy tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu mỏ trong ngắn hạn.
Giá dầu mỏ tăng nhẹ
Giá dầu mỏ ngày 21/2 đã tăng nhẹ 1% khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang và giới đầu tư đánh giá các dấu hiệu cho thấy tình trạng thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 87 cent (tương đương 1,1%) lên 77,91 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent tăng 69 cent (tương đương 0,8%) lên 83,03 USD/thùng.
Chênh lệch giá giữa các hợp đồng dầu mỏ giao trong ngắn hạn với các hợp đồng có thời hạn giao muộn hơn đang ở mức cao nhất trong vòng vài tháng qua, một cấu trúc thị trường được gọi là “bù hoãn bán” (hay “đường cong kỳ hạn giảm”) và được coi là dấu hiệu của một thị trường bị thắt chặt nguồn cung.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết chiến lược dàn trải kì hạn cho thấy các thị trường đang thắt chặt, đồng thời lượng dầu mỏ của các kho dự trữ dầu thô tại trung tâm giao dịch Amsterdam-Rotterdam-Antwerp đang giảm. Trong khi đó, tồn kho các chế phẩm dầu mỏ cũng giảm tại Fujairah vào tuần trước.
Thêm một yếu tố hỗ trợ thị trường đó là các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang có dấu hiệu trở lại hoạt động sau thời gian bảo trì, khi công suất hoạt động giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, thúc đẩy việc dự trữ dầu thô.
Nhà phân tích năng lượng Alex Hodes tại công ty dịch vụ tài chính StoneX nêu rõ: “Việc nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động trong thời gian gần đây đã khiến lượng dầu thô tồn kho tăng trên toàn cầu, nhưng khi những nhà máy này có thể hoạt động trở lại, điều đó sẽ gây áp lực lên mức chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu”.
Vàng giữ vững mức giá cao
Căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Trung Đông cũng khiến các nhà đầu tư tìm tới kênh trú ẩn an toàn là vàng. Trong khi đó, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã làm giảm hy vọng về việc ngân hàng này sớm cắt giảm lãi suất.
Cuối phiên giao dịch ngày 21/2, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 2.026,21 USD/ounce. Đầu phiên, giá kim loại quý này có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/2. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3%, xuống mức 2.034,30 USD/ounce.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại chuyên trang thị trường vàng Kitco Metal, cho biết cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn căng thẳng, khiến vàng giữ vững mức giá cao.
Vàng được coi là hàng rào chống lại những bất ổn kinh tế và địa chính trị, trong khi lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời. Phần lớn các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp gần đây nhất của FED đều lo ngại về rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá sớm, với sự không chắc chắn về việc chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu. Điều đó đã làm giảm hy vọng về việc FED sớm cắt giảm lãi suất. Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures, nhận định: “FED sẽ không cắt giảm lãi suất hoặc tăng lãi suất, vì vậy tôi nghĩ vàng có tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn”.
Cũng trong ngày 21/2, chỉ số đồng USD giảm nhẹ, khiến vàng - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Kịch bản giá vàng và dầu mỏ tăng mạnh
Các nhà phân tích của Ngân hàng Citi (Mỹ) mới đây đã đưa ra nhận định rằng giá vàng có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce và giá dầu sẽ đạt mức 100 USD/thùng trong vòng 12 đến 18 tháng tới, nếu bất kỳ một trong ba chất xúc tác nào sau đây xuất hiện: các ngân hàng trung ương tăng mạnh hoạt động mua vào vàng, nguy cơ lạm phát đình trệ hoặc kinh tế toàn cầu suy thoái sâu.
Aakash Doshi, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa Bắc Mỹ tại Citi và các cộng sự nhận định: "Con đường có khả năng xảy ra nhất để giá vàng đạt 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của một xu hướng hiện có nhưng diễn biến chậm: phi đôla hóa ở ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng đôla Mỹ".
Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên mức kỷ lục trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng, trong khi Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Tháng 1 vừa qua, Hội đồng Vàng thế giới ước tính rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì 2 năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng. Ông Doshi dự kiến nếu con số này tăng gấp đôi lên 2.000 tấn, giá vàng sẽ nhận được lực đẩy mạnh mẽ.
Một yếu tố khác có thể khiến giá vàng lên mức 3.000 USD/ounce là một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu, vốn sẽ thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất nhanh chóng. Song, ông Doshi lưu ý đây là một kịch bản có xác suất thấp. Giá vàng có xu hướng tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn sẽ mang lại lợi nhuận thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.
Lạm phát đình trệ (chỉ tình trạng lạm phát ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng) có thể là một chất xúc tác khác khiến giá vàng tăng vọt. Dù vậy, ông Doshi cho rằng khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp.
Một viễn cảnh khác được nhắc tới trong báo cáo của Citi là giá dầu trở lại mức ba con số. Ông Doshi cho biết các chất xúc tác khiến giá dầu đạt 100 USD/thùng gồm: rủi ro địa chính trị cao hơn, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác cắt giảm sản lượng và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất dầu quan trọng. Tuy nhiên, ông Doshi dự báo giá dầu sẽ ở mức khoảng 75 USD/thùng trong năm nay.