Cannes 2023: Gọi tên Châu Á!

Thứ Hai, 05/06/2023, 19:00

Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes lần thứ 76 diễn ra từ ngày 16 - 27/5, tại thành phố biển Cannes, Pháp. Đại tiệc điện ảnh trong mùa hè nước Pháp năm nay tiếp tục có nhiều sắc màu châu Á đa dạng và ấn tượng. Trong đó, chiến thắng của Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân đem lại niềm vui và sự phấn khích cho giới mộ điệu ở quê nhà.

Cannes bất ổn và ảnh hưởng của lạm phát

Trước khi LHP Cannes diễn ra, ông Thierry Frémaux - Giám đốc LHP tuyên bố: “LHP Cannes 2023 là thánh đường của nghệ thuật và chỉ thuần túy nghệ thuật, không thị phi, không ồn ào đời tư”. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng, lễ hội điện ảnh đình đám này vẫn không tránh khỏi ồn ào không đáng có. Hầu như không có kỳ liên hoan nào, Cannes không có một câu chuyện nào đó khiến truyền thông và công chúng quốc tế phải tranh luận trái chiều.

Cannes 2023: Ca -0
Thảm đỏ Liên hoan phim Cannes 2023 quy tụ dàn mỹ nhân đình đám khắp thế giới.

Chiếm trọn sự chú ý và ồn ào nhất mùa LHP năm nay là sự xuất hiện của tài tử Johnny Depp, sau 3 năm diễn ra vụ kiện ly hôn chấn động với Amber Heard. Anh tái xuất ở LHP cùng dự án điện ảnh "Jeanne Du Barry". Theo Page Six, không ít khán giả tranh luận, cho rằng Johnny Depp không xứng đáng được trở lại trên thảm đỏ của LHP danh giá này. Nguyên nhân là do ngôi sao "Cướp biển vùng Caribe" vướng phải phiên tòa ồn ào nhất Hollywood kéo dài 6 tuần liên quan tới vợ cũ Amber Heard. Mặc dù thắng kiện nhưng Johnny Depp vẫn vấp phải nhiều chỉ trích khi hồ sơ ghi nhận anh từng có nhiều hành động và lời nói miệt thị tới vợ cũ. Trên nền tảng mạng xã hội, bạn thân của Heard là nhà hoạt động xã hội Eve Barlow mở chiến dịch phản đối sự có mặt của Depp tại Cannes 2023 kèm hashtag #CannesYouNot và cho rằng sự kiện ủng hộ những kẻ bạo hành.

Đáp lại những tranh luận của khán giả, ông Frémaux công khai bảo vệ Johnny Depp, đồng thời nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Đây là do người Pháp không tẩy chay nam tài tử. "Tôi sống theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tuân thủ luật pháp. Do đó, không có lý do gì để không công chiếu "Jeanne du Barry", trừ khi Depp bị cấm đóng phim hoặc phim của anh ấy bị cấm ra mắt. Tôi không quan tâm về cuộc tranh luận này. Tôi chỉ đánh giá Depp dưới vai trò của một diễn viên.

Cannes 2023: Ca -0
Johnny Depp được khán giả Pháp và truyền thông vây kín. Ảnh-Reuters

“Nếu Johnny Depp bị cấm tham gia các dự án phim hoặc bộ phim đó bị cấm phát sóng, chúng ta sẽ không ở đây để nói về điều này. Chúng tôi đã xem phim của đạo diễn Maiwenn (phim do Johnny Depp thủ vai) và phim hoàn toàn có khả năng tranh giải", ông Frémaux nói với báo giới trước thềm lễ khai mạc.

Trái ngược quan điểm của dư luận Mỹ, Depp lại được người Pháp săn đón ở Cannes như chưa từng bị tẩy chay. Theo Variety, Depp liên tục rơi vào trạng thái xúc động khi chứng kiến sự chào đón nồng nhiệt. Tài tử “Cướp biển vùng Caribbe” đã lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục, từ phòng xử án cho tới những bước đi gây dựng lại sự nghiệp sau bê bối khủng hoảng.

Ngoài lùm xùm liên quan đến Depp, LHP Cannes lần thứ 76 còn bị diễn viên Adele Haenel cáo buộc bao che cho những kẻ ấu dâm. Theo Variety, cô từng bị đạo diễn Christophe Ruggia lạm dụng trong giai đoạn 12 đến 15 tuổi. Trong bức thư gửi tờ Telerama (Pháp), cô viết: "Tôi dừng đóng phim bởi sự bao che của nền điện ảnh với những kẻ xâm hại tình dục. Họ sẵn sàng dung túng cho Gerard Depardieu hay Roman Polanski và gây tổn thương sâu sắc đến các nạn nhân".

Trước lời cáo buộc trên, giám đốc LHP Cannes 2023 nói: "Nếu các bạn cho rằng chúng tôi ủng hộ những kẻ ấu dâm, các bạn đã không ngồi đây nghe tôi nói và bỏ tiền mua vé xem phim". Ông Fremaux cũng cho rằng nếu Haenel thật sự cảm thấy khó chịu, cô đã không xuất hiện tại Cannes 2019 để quảng bá cho phim "Portrait of a Lady on Fire".

LHP Cannes vốn được coi là sự kiện giúp các dịch vụ ăn theo “hốt bạc”. Sự kiện năm nay chào đón lượng người tham gia kỷ lục đến tham dự, với khoảng 13.500 người (hơn kỷ lục trước đó của năm 2019 là 12.500 người). Tờ Public (Pháp) nhận định, sự hấp dẫn của Cannes không chỉ là sự xa hoa của váy áo, trang sức trên thảm đỏ, những bộ phim hấp dẫn, mà sự kiện còn kéo theo sự bùng nổ về du lịch địa phương.

Hiện, chưa có thống kê cụ thể về đóng góp của LHP Cannes với ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng theo ước tính, LHP Cannes 2019 (trước dịch COVID-19) đã giúp thị trấn French Riviera - nơi diễn ra sự kiện, thu về 196 triệu euro. Năm đó, sự kiện thu hút 125.000 khách mời và 12.000 chuyên gia điện ảnh, hơn 90.000 lượt lưu trú qua đêm và tạo 2.200 việc làm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát kinh tế, những nhà làm phim lại chật vật trong các thương vụ làm ăn. Năm nay, hàng tá phim có sẵn được chờ mua ở Cannes với giá cao ngất ngưởng nhưng số lượng các hãng phim đồng ý bỏ tiền để sở hữu là không nhiều.

Điện ảnh châu Á trỗi dậy

Từ nhiều năm nay, điện ảnh châu Á ngày càng có vai trò quan trọng tại LHP Cannes và nhiều LHP danh tiếng khác của thế giới. Năm nay cũng không ngoại lệ khi Cannes một lần nữa chứng kiến sự trỗi dậy của điện ảnh châu Á. Trong vòng khoảng 2 thập niên trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc thay thế Nhật Bản và Trung Quốc trở thành "con cưng" tại LHP danh giá số 1 thế giới. Tuy nhiên, năm nay, các đại diện đến từ xứ Phù Tang đang dần lấy lại phong độ khi liên tục tỏa sáng. Đạo diễn Kore-Eda Hirokazu đã dành chiến thắng ở hạng mục dành cho phim về đề tài "giới tính thứ ba," với tác phẩm "Monster". Nam diễn viên Koji Yakusho cũng "rinh" về giải cho nam chính xuất sắc nhất, với phần thể hiện ấn tượng và có phần bí ẩn trong "Perfect Days" của Wim Wenders (Đức).

Cannes 2023: Ca -0
Đạo diễn Trần Anh Hùng được tôn vinh tại Cannes 2023.

Trong khi đó, sau 30 năm với giải Camera d'Or (Camera vàng) của “Mùi đu đủ xanh”, đạo diễn Trần Anh Hùng (người Pháp, gốc Việt) một lần nữa được vinh danh tại Cannes ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, với tác phẩm "La passion de dodin bouffant". Lần này, chiến thắng của anh đáng giá hơn nữa vì đã vượt qua nhiều đạo diễn cừ khôi của thế giới như: Ken Loach, Wes Anderson, Todd Haynes...

Đáng chú ý, sau 76 mùa giải, năm nay, điện ảnh Việt có tác phẩm đầu tiên thắng giải Camera d'Or, đó là "Inside the yellow cocoon shell" (tựa Việt: "Bên trong vỏ kén vàng") của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Phim kể về Thiện, một người đàn ông phải mang xác chị dâu mình về quê khi cô này bị tai nạn xe và qua đời. Trong hành trình, Thiện phải mang theo Đạo, đứa cháu trai về quê. Chuyến đi đã dấy lên trong Thiện nhiều suy tư về ý nghĩa của cuộc đời và đức tin.

Giới phê bình phim phương Tây dành rất nhiều lời khen cho phim về kỹ thuật làm phim lẫn những đề tài mà Phạm Thiên Ân chạm tới qua từng khung hình. Trang IndieWire (Mỹ) có bài viết dài bình luận về tác phẩm với nhan đề: "Bộ phim chính kịch đầy thôi miên của Việt Nam trên con đường tìm kiếm sự siêu việt". Trang này cũng chấm cho phim số điểm B+. "Một thiên anh hùng ca sâu sắc dài ba giờ với nhịp điệu được tính toán một cách thận trọng. Tác phẩm đầu tay của nhà văn kiêm đạo diễn người Việt Nam Phạm Thiên Ân là một câu chuyện đầy mê hoặc về khao khát không thể nhìn bằng mắt thường của linh hồn đối với thế giới bên kia. Bản thân câu chuyện đã gần như một sự siêu việt trong cuộc sống", IndieWire nhận xét.

Trang Screen Daily (Anh) dành lời khen không ngớt cho sự kết hợp ăn ý giữa đạo diễn Phạm Thiên Ân và quay phim Đinh Duy Hùng. "Phim có những hình ảnh đẹp về rừng đêm, thác nước ào ạt, cây cối lộng gió và những con tằm trong lồng với những chiếc kén màu vàng rực rỡ. Ngoài ra còn có một cảm giác chuyển động tuyệt vời trong những cú lia máy nhịp nhàng. Có cảm giác rằng, đạo diễn đã làm chủ được cách kể chuyện của mình. Nhan đề xuất hiện sau 30 phút của bộ phim, tiếng đàn cello ai oán hoặc tiếng guitar leng keng mang đến những khoảnh khắc đệm nhạc hiếm hoi, có những đoạn kể mờ dần rồi khung hình chìm vào đen kéo dài. Tất cả đều được triển khai cẩn thận, nhấn mạnh cách thể hiện tự tin của đạo diễn", cây viết Allan Hunter của Screen Daily bày tỏ.

Kỳ vọng gì ở điện ảnh Việt sau chiến thắng?

Trước thành công của đạo diễn Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân, đạo diễn Võ Thanh Hòa coi “đây sẽ là động lực lớn cho ngành phim ảnh Việt Nam”. Còn đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ: "Lần đầu tiên một đạo diễn Việt đã chính thức đoạt giải thưởng ở Cannes một cách đoàng hoàng, một bộ phim Việt Nam đúng nghĩa và "sân chơi Cannes" - một trong những LHP lớn được xếp hạng trên thế giới có thể ví như những "sân chơi World Cup” đẳng cấp thế giới. Chúng ta cũng nên vui mừng và chào đón đạo diễn Thiên Ân như một người mang niềm vinh hạnh của điện ảnh Việt ra quốc tế. Không phải cho riêng Thiên Ân mà là cho một thế hệ điện ảnh trẻ tương lai nhìn vào, điện ảnh được trân trọng như vốn có và sức mạnh của nó tác động đến thế giới con người để tạo nguồn cảm hứng vô tận để họ cống hiến cho điện ảnh đất nước".

Đồng quan điểm, biên kịch- chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước cho rằng, sự kiện này có tác dụng truyền cảm hứng rất lớn đến những người làm phim trong nước. "Tuy nhiên, thành công mới của Trần Anh Hùng hay thành công bước đầu của Phạm Thiên Ân, nói cho cùng vẫn chỉ là thành công riêng của từng cá nhân người làm phim. Hai tác phẩm đều là thành quả của phần lớn hoặc tất cả các nhà sản xuất, các quỹ đầu tư nước ngoài. Do đó, điều này không thực sự liên quan gì mấy về cái gọi là bước tiến của điện ảnh Việt", ông Phước nhận định.

Một lần nữa, câu chuyện quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được đặt ra từ mấy chục năm về trước, tưởng chừng như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chính bản thân Thiên Ân sau khi nhận giải đã tâm sự trên báo Pháp rằng: "Giải thưởng phim ngắn tôi có được tại Cannes 2019 giúp ích rất nhiều cho việc thực hiện “Bên trong vỏ kén vàng”. Quan trọng nhất, nó giúp tôi nhận được những khoản kinh phí quý báu cho sản xuất bộ phim, đặc biệt ở giai đoạn tiền kỳ. Tôi được các quỹ điện ảnh biết tới và rót kinh phí cho dự án làm phim. Trong đó, rót nhiều nhất là 1 quỹ tại Singapore với tổng cộng khoảng 30% kinh phí bộ phim. Tiếp đến là 2 quỹ khác, mỗi quỹ khoảng 10-15%. Còn lại cộng gộp từ nhiều đơn vị khác ở Việt Nam".

Trong khi đó, ở các nền điện ảnh phát triển trên thế giới, sự tồn tại của các quỹ đầu tư phim là hết sức ý nghĩa trong việc phát hiện, nâng đỡ các tài năng điện ảnh mới. Từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc…, có thể thấy không có nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh nếu phía sau không có sự hỗ trợ từ chính phủ, từ cơ chế cho đến các nguồn quỹ. Ở chiều ngược lại, phía sau những bộ phim đoạt giải của Việt Nam, nguồn vốn hỗ trợ phần lớn đều từ các quỹ nước ngoài hoặc hiếm hoi là các quỹ từ cộng đồng điện ảnh độc lập của Việt Nam.

Chẳng vậy mà, sau chiến thắng của Phạm Thiên Ân, đạo diễn Dũng Nghệ, biên kịch Trịnh Thanh Nhã và đông đảo giới làm phim Việt đều đồng ý cho rằng: Chúng ta hoàn toàn có khả năng hội nhập và cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nền điện ảnh khác trong khu vực, cũng như trên sân khấu của các LHP đẳng cấp quốc tế nếu được đầu tư một cách đích đáng.

Thảo Dung
.
.