Cầu lông Việt Nam: Bụt chùa nhà không thiêng?

Thứ Tư, 20/11/2024, 21:05

Cuối năm 2024, người hâm mộ Việt Nam có dịp theo dõi 2 giải cầu lông quốc tế liên tiếp được tổ chức tại Bắc Giang và Ninh Bình. Nhưng ở cấp độ cao hay thấp, các giải cầu lông quốc tế của Việt Nam hiếm khi chứng kiến đại diện chủ nhà đăng quang. Vì sao lại thế?

Vận động viên quốc tế, họ là ai?

Trong 2 tuần giữa tháng 11/2024, Việt Nam trở thành điểm đến của 2 giải cầu lông quốc tế. Đó là Vietnam International Series I (tại Bắc Giang, do Li-Ning tài trợ) và Vietnam International Series II (tại Ninh Bình, do Felet tài trợ). Người dân ở 2 địa phương trên cũng dần làm quen với hàng trăm VĐV, HLV quốc tế có mặt tại đây.

anh1.jpg -0
Đôi nam nữ Nguyễn Đình Mạnh và Phạm Thị Khánh là đại diện chủ nhà hiếm hoi vào chung kết Vietnam International Series I.

Với hệ thống thi đấu của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), 2 giải đấu trên ở cấp độ tương đối thấp. Các giải International Series thuộc cấp độ 2 (thứ 2 từ dưới lên) của nhóm 3, chỉ đứng trên hệ thống Future Series. Nhưng các giải đấu cấp độ thấp không có nghĩa là VĐV Việt Nam có thể tiến sâu và giành ngôi vô địch.

Trên thực tế, Vietnam International Series I đã chứng kiến nhiều đại diện chủ nhà sớm dừng bước. Ngày thi đấu chung kết giải chỉ có 2 đại diện Việt Nam góp mặt, ở các nội dung đôi nam và đôi nam nữ. Ở chiều ngược lại, nhiều đội tuyển quốc tế lại chứng kiến hàng loạt VĐV tiến sâu.

Vì sao VĐV Việt Nam khó vô địch giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam? Thông tin trên nghe qua có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại là sự thật hiển nhiên. Lý do bởi những tay vợt đến Việt Nam tranh tài có trình độ rất cao, không hề thấp như người hâm mộ thường nghĩ.

anh2.jpg -1
Pratiwi mới 18 tuổi nhưng đã có danh hiệu Super 100.

"Với những tay vợt như chúng tôi, Vietnam International Series I và II là cơ hội lớn để thể hiện bản thân". Đó là chia sẻ của một tay vợt Indonesia bên lề giải đấu. Người này cho biết thêm, anh hiện thuộc đội tuyển "tuyến 3" của Indonesia. Thành tích tốt tại Vietnam International Series I có thể giúp anh được đôn lên "tuyến 2".

Bên cạnh Indonesia, những cường quốc cầu lông trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng duy trì nhiều tuyến đội tuyển như vậy. Bên cạnh việc tập luyện, đấu tập hàng ngày, họ coi việc thi đấu quốc tế là dịp tốt để đánh giá tiềm năng phát triển. Qua đó, VĐV tốt sẽ được thăng hạng, còn người thi đấu kém bị đánh tụt hạng, thậm chí buộc phải rời khỏi đội tuyển.

Một HLV Việt Nam dẫn quân tham dự Vietnam International Series I chia sẻ thêm, mặt bằng chung VĐV quốc tế dự giải cao hơn các đại diện Việt Nam rất nhiều. Họ có thể được xếp hạng thấp trên BXH cầu lông thế giới, nhưng thứ hạng đó không phản ánh đúng với thực lực. Bởi, nhiều tay vợt coi các giải đấu như Vietnam International Series I là điểm khởi đầu trên hành trình vươn ra thế giới.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho nhận định trên là tay vợt Kim Min Ji. Cô gái 18 tuổi tham dự giải đấu ở Bắc Giang mà chưa hề có thứ hạng quốc tế. Đây cũng là giải đấu đầu tiên của Kim Min Ji trên phương diện VĐV trưởng thành (Elite). Cô không được xếp hạt giống, thậm chí không có thứ hạng, nhưng đã vào chơi trận chung kết.

Em gái sinh đôi của Kim Min Ji, tay vợt Kim Min Sun từng gây bất ngờ khi thắng Nguyễn Thùy Linh tại giải cầu lông Korea Masters (Super 300). Khi đó, Thùy Linh từng nhận chỉ trích vì để thua một đối thủ vô danh xếp hạng 400 thế giới. Nhưng khi Kim Min Sun đến Bắc Giang, người hâm mộ mới hiểu vì sao cô đánh bại tay vợt nữ số 1 Việt Nam.

Tương tự người chị sinh đôi của mình, Kim Min Sun cũng lọt vào trận chung kết nội dung đơn nữ. Cả hai chị em thể hiện trình độ vượt trội so với phần còn lại của giải đấu. Một gương mặt khác cũng đáng chú ý là Ni Kadek Dhinda Amartya Pratiwi. Tay vợt nữ người Indonesia mới 18 tuổi, nhưng đã có danh hiệu ở cấp độ Super 100.

Việt Nam, điểm đến lý tưởng

Có nhiều lý do khiến những tay vợt như Pratiwi, hay chị em nhà Kim Min Ji, Kim Min Sun chọn Việt Nam để thi đấu quốc tế. Họ được ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đặt ra lộ trình thi đấu, thường là xung quanh một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hoặc Đông Á. Đông Nam Á thường được lựa chọn vì có chi phí sinh hoạt tương đối rẻ.

anh3.jpg -2
Thet Htar Thuzar, tay vợt Myanmar tham dự 2 kỳ Olympic, cũng đến Việt Nam thi đấu

Sau ngày thi đấu bán kết Vietnam International Series I, nhiều thực khách tại một cửa hàng ở Bắc Giang chứng kiến tuyển cầu lông Myanmar dùng bữa. Các thành viên trong đội không có quá nhiều tiền để du đấu quốc tế, nên họ chọn việc ăn uống đơn giản để tiết kiệm. Thet Htar Thuzar, tay vợt đã tham dự 2 kỳ Olympic, cũng nằm trong số đó.

Là một trong những VĐV có lượng người theo dõi trên mạng xã hội lớn nhất Myanmar, Thet Htar Thuzar sở hữu hơn 1 triệu fan chỉ riêng qua trang Facebook cá nhân. Nhưng giống như những đồng đội của mình, cô ăn những bữa ăn đơn giản, lưu trú kham khổ cùng mọi người. Ở nhiều giải World Tour khác, tay vợt này thậm chí phải đi một mình.

Khác những chuyến đi châu Âu, tại Vietnam International Series I, Thet Htar Thuzar có đồng đội và huấn luyện viên sát cánh bên cạnh. Việc thi đấu tại Việt Nam có nhiều lợi thế thiết thực cho các đội tuyển quốc tế. Việc tích lũy điểm số cần thiết cùng khoản kinh phí không quá tốn kém giúp giải đấu có nhiều đội tuyển mạnh tham dự.

Chúng ta hãy hình dung cụ thể bài toán chi phí trong câu chuyện của Thet Htar Thuzar. Tại châu Âu, một mình cô tiêu tốn khoảng 3.000 USD cho chuyến đi kéo dài 1 tuần. Số tiền đó đủ để cô và các đồng đội dư dả chi tiêu trong 2 tuần thi đấu 2 giải tại Việt Nam, sau đó tiếp tục đến Thái Lan tranh tài trong thời gian tới.

Số đội tuyển mạnh đến với Vietnam International Series I tăng lên, cũng đồng nghĩa cơ hội tay vợt chủ nhà tiến sâu giảm đi. Vũ Thị Trang đã có một giải đấu đạt phong độ cao. Tuy nhiên, tay vợt kỳ cựu này không thể vượt qua Kim Min Ji, người đang khao khát khẳng định bản thân và tìm chỗ đứng tại đội tuyển cầu lông Hàn Quốc.

Những tay vợt Hàn Quốc khác đến với Vietnam International Series I cũng mang suy nghĩ tương tự. Phía đội tuyển của họ không quá hào phóng, bất chấp những tranh cãi vừa qua. Đội tuyển Hàn Quốc chỉ có 3 VĐV đến dự giải cùng 1 HLV. Nếu họ không chứng tỏ được bản thân, tương lai tại đội tuyển sẽ rất u ám. Vì thế, cả 3 tay vợt Hàn Quốc đến Vietnam International Series I đều lọt vào chung kết.

Giá trị của tay trắng

Những tay vợt Việt Nam tham dự Vietnam International Series I đều nhận thức một điều, họ đến với giải không phải để giành huy chương bằng mọi giá. Với nhiều tay vợt, đây là cơ hội quý để họ tiếp xúc, làm quen với phong cách thi đấu của những tay vợt quốc tế. Bởi, không ít VĐV từ giải đấu này đã vươn lên nhóm đầu thế giới hiện tại.

Cùng trong tuần lễ Vietnam International Series I diễn ra, Nhật Bản tổ chức một giải cầu lông quốc tế có cấp độ rất cao là Kumamoto Masters Japan 2024 (Super 500). Ở giải đấu đó, tay vợt Trung Quốc Lei Lan Xi gây bất ngờ khi gây không ít khó khăn cho đương kim vô địch Olympic Paris Viktor Axelsen. Vậy Lei Lan Xi là ai?

Đúng 2 năm trước, vào tháng 11/2022, Lei Lan Xi thi đấu trận chung kết đơn nam Vietnam International. Anh để thua đồng hương Liu Liang trong trận chung kết. Cũng tại giải đấu này, cặp đôi nam nữ Jiang Zhen Bang - Wei Ya Xin lên ngôi vô địch, giờ xếp hạng 3 thế giới. Một số tay vợt Trung Quốc ở giải đấu năm đó cũng đã vươn lên top đầu.

Nhìn chung, Vietnam International Series là nơi để các tay vợt trình độ cao, nhưng chưa có thứ hạng quốc tế, chọn làm điểm khởi đầu sự nghiệp. Nhiều VĐV Việt Nam, vì thế, coi đây là dịp hiếm có để trải nghiệm môi trường đỉnh cao. Không ít địa phương cử các VĐV trẻ đến thi đấu, qua đó tích lũy kinh nghiệm cần thiết.

"Điều quan trọng nhất VĐV cần có không phải là giành chiến thắng. Họ cần vượt qua mỗi thất bại trước những đối thủ mạnh yếu khác nhau. Phá vỡ giới hạn bản thân chính là cách để các VĐV Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai, nơi các giải quốc tế cấp thấp là điểm khởi đầu", một HLV cho biết.

Chị em sinh đôi chạm trán nhau tại giải cầu lông quốc tế Việt Nam

anh4.jpg -0
Chị em sinh đôi Min Ji - Min Sun gặp nhau ở chung kết.

Chung kết đơn nữ Vietnam International Series I không chỉ là màn so tài giữa 2 VĐV Hàn Quốc. Đây còn là trận đấu chứng kiến 2 chị em song sinh Kim Min Ji và Kim Min Sun tranh tài. Họ là những tài năng mới nổi của cầu lông Hàn Quốc, nhưng chưa có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế ở cấp độ trưởng thành trong năm 2024.

"Thứ hạng quốc tế của 2 tay vợt này không phản ánh chính xác trình độ họ sở hữu. Cả hai đều là những tay vợt hàng đầu thế giới ở cấp độ trẻ. Họ từng nằm trong thành phần đội tuyển cầu lông trẻ Hàn Quốc vô địch giải trẻ thế giới, vào chung kết giải trẻ châu Á, thậm chí tham dự các giải đồng đội thế giới", một HLV cho biết.

Cũng theo chia sẻ từ HLV nói trên, thứ hạng quốc tế chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ VĐV. Những tiêu chí còn lại gồm có thành tích thi đấu trong quá khứ và hiện tại, phong độ trong 1 năm gần nhất, thể trạng VĐV, cũng như những gì họ thể hiện trong thời gian giải diễn ra. Đó là cách đánh giá VĐV toàn diện nhất.

Ở góc độ đánh giá trên, chị em sinh đôi Kim Min Ji và Kim Min Sun thực sự là những viên ngọc quý được cầu lông Hàn Quốc tung ra vào thời điểm này. Kim Min Sun thậm chí có phần nhỉnh hơn chị gái, khi cô thể hiện bản thân một cách xuất sắc ở nhiều vai trò khác nhau. Chính Kim Min Sun là người ngồi trong khu huấn luyện, hỗ trợ Min Ji vượt qua trận tứ kết khó khăn trước một VĐV Đài Bắc Trung Hoa.

Đơn Ca
.
.