Cầu lông Việt Nam sẽ ra sao khi thế giới đổi luật?

Thứ Tư, 12/02/2025, 13:34

Trong năm 2025, Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) đã tính đến một cuộc cách mạng trong thi đấu quốc tế. Số điểm mỗi hiệp sẽ được rút ngắn, đồng nghĩa với những trận đấu diễn ra theo tốc độ nhanh hơn. Việc này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi đấu của những vận động viên (VĐV) Việt Nam sắp tới.

Những vấn đề của thể thức cũ

Thể thức tính điểm chạm 15 mỗi hiệp không còn là ý tưởng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) nữa. Hội đồng chuyên môn của BWF đã chính thức thông qua việc thử nghiệm trong năm 2025. Theo đó, một số giải cấp độ châu lục, và giải quốc tế nhóm 3 sẽ áp dụng từ tháng 4 đến tháng 10/2025.

anh1.jpeg -0
Mỗi trận đấu giữa Vitidsarn và Naraoka luôn kéo dài trên dưới 90 phút, có thể lên tới gần 2 giờ đồng hồ.

Trên thực tế, thể thức tính điểm chạm 15 mỗi hiệp từng tồn tại khá lâu trong hệ thống thi đấu của BWF trước đây. Các giải cầu lông quốc tế trước năm 2006 từng áp dụng quy định này. Khi đó, mỗi hiệp đấu cũng chỉ kéo dài đến điểm thứ 15, cách biệt 2 điểm và điểm số cao nhất chỉ trên dưới 20.

Nguyên nhân chính khiến BWF điều chỉnh luật thi đấu từ 20 năm trước xuất phát từ những lý do khách quan khi ấy. Ở thời điểm đó, các giải cầu lông quốc tế chưa xuất hiện nhiều như bây giờ. Số giải đấu mỗi năm BWF có thể tổ chức khá ít, nên họ nghĩ đến phương án bổ sung bằng số lượng.

Ở thời điểm 20 năm trước, những nhà quản lý hàng đầu của BWF coi tennis như một hình mẫu để phát triển. Vì thế, họ nhắm đến những trận đấu có thời gian tranh tài nhiều hơn. Nhưng áp dụng thể thức đấu 5 set thắng 3 lại không phù hợp với VĐV, nên phương án kéo dài hiệp đấu được tính đến.

Việc nâng điểm số mỗi hiệp từ 15 đến 21 giúp thời lượng mỗi trận đấu cầu lông quốc tế có thể dài thêm 40% so với trước đây. Chừng đó thời gian là đủ để thu hút người hâm mộ theo dõi lâu hơn. Nhưng theo thời gian, thể thức trên dần không còn phù hợp nữa, đồng thời vô tình tạo ra những VĐV dị biệt.

Trong 3 năm gần đây, cầu lông thế giới chứng kiến 2 tay vợt có lối đánh dựa nhiều vào những đường cầu bền: Kunlavut Vitidsarn (Thái Lan) và Kodai Naraoka (Nhật Bản). Họ thường xuyên đưa trận đấu sang set 3, nơi thời lượng thi đấu có thể lên tới 1 giờ 30 phút. Khi họ gặp nhau tại trận chung kết vô địch thế giới 2023, cả hai đã thi đấu gần 2 giờ đồng hồ.

Kunlavut Vitidsarn và Kodai Naraoka có công thức giành chiến thắng của riêng mình. Nhưng cách họ thi đấu vô tình khiến ban tổ chức gặp khó trong việc xếp lịch đấu. Chẳng ai muốn thi đấu sau 2 tay vợt kể trên, khi họ không biết mình phải chờ đợi, khởi động trong bao lâu để vào sân tranh tài.

Đáng chú ý hơn, Vitidsarn và Naraoka lại đang đại diện cho xu thế chung của cầu lông quốc tế. Họ thường bắt nhịp trận đấu khá chậm, sử dụng nhiều đường cầu thăm dò và "đọc vị" đối phương. Rất ít tay vợt trong nhóm đầu thế giới có lối thi đấu thiên nhiều về tấn công, vốn có khá nhiều rủi ro.

Một lý do khác khiến BWF thay đổi luật là tình trạng "vỡ trận" của nhiều giải cầu lông quốc tế cấp thấp. Không ít giải đấu chứng kiến VĐV phải ra sân vào lúc 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng. Họ phải thi đấu vào thời điểm lẽ ra đã đi ngủ, và chỉ có ít giờ nghỉ ngơi trước khi vào trận tiếp theo. Việc này rõ ràng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích VĐV.

Thời thế đổi thay

Sau 2 thập niên, BWF giờ đây đã phát triển với quy mô lớn hơn rất nhiều. Số giải đấu quốc tế, cũng như tiền thưởng mỗi giải, dần tăng lên theo thời gian. Thật khó để BWF trao tiền thưởng cho VĐV giống như các giải Grand Slam trong tennis, nhưng số tiền các tay vợt cầu lông hàng đầu nhận được không hề thấp hơn so với nhiều môn thể thao khác.

anh2.jpg -0
Những vận động viên thi đấu thiên về tốc độ như Lee Zii Jia có thể hưởng lợi.

BWF đã nâng tầm cái "chất" của mình, và giờ là lúc họ tính đến phương án thay đổi "lượng" để tiếp tục tạo "chất" cho các giải đấu quốc tế. Sau 2 thập niên nhường chỗ cho hệ thống tính điểm chạm 21, BWF quay lại với thể thức chạm 15. Tham vọng của họ đương nhiên là muốn đẩy cao tốc độ các trận đấu, đồng thời rút ngắn thời gian tranh tài mỗi trận.

Những năm gần đây, sự bùng nổ của video ngắn và phim ngắn tất yếu khiến thói quen theo dõi thể thao thay đổi. BWF trước đó đã thông qua nhiều quy định mới. Họ không cho phép VĐV xin tạm dừng thi đấu để điều trị y tế giữa trận, đồng thời cấm mọi hành vi câu giờ nhằm làm gián đoạn thời gian giao cầu. Quy định điểm chạm 15 chỉ là động thái mới hơn.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi trận đấu cầu lông quốc tế thường kéo dài trên dưới 40 phút. Trong các giải đấu diễn ra vào năm 2025, thời lượng trung bình đã tăng lên 45-50 phút vì các VĐV có xu hướng thi đấu chậm hơn. Nhưng nếu áp dụng thể thức chạm 15, thời gian thực tế có thể xuống còn 30 phút.

Với thể thức mới, ban tổ chức các giải cầu lông có thể rút ngắn thời gian thi đấu mỗi ngày. Số ngày thi đấu mỗi giải cũng được giảm bớt, đặc biệt với những giải đấu cấp thấp. Điều đó còn giúp giảm áp lực cho đội ngũ ban tổ chức, trọng tài, vốn phải làm việc liên tục trong nhiều ngày liền.

Bên cạnh việc trận đấu kết thúc sớm, thể thức chạm 15 sẽ tạo nhiều đất diễn hơn cho những VĐV có thiên hướng thi đấu tấn công. Nhóm VĐV hàng đầu thế giới vì thế cũng phải điều chỉnh lối chơi nhằm phù hợp xu thế mới. Họ không thể để đối phương dẫn trước vài ba điểm như trước, vì khoảng cách từ điểm 7, điểm 8 lên tới 15 là rất gần, không giống khi lên điểm 21.

Từ góc độ thương mại, quy định mới của BWF có thể giúp họ tăng trưởng số lượng người xem và doanh thu. Khác với những độc giả từ 20 năm trước, người xem ngày nay muốn theo dõi những trận đấu có tốc độ cao, kết thúc nhanh. Đó cũng là lý do giúp những tay vợt như Lee Zii Jia có lượng người hâm mộ lớn hơn rất nhiều so với Vitidsarn hay Naraoka.

Việt Nam hưởng lợi hay không?

Quy định mới của BWF có thể khiến cầu lông rẽ sang một hướng khác, cả với VĐV Việt Nam và quốc tế. Những người có thiên hướng thi đấu dùng sức mạnh sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn. Ở chiều ngược lại, lối chơi phòng thủ thiên về những đường cầu bền, đồng thời kéo dài trận đấu để chờ đợi đối phương xuống sức sẽ không còn hiệu quả như trước nữa.

anh3.jpg -1
Đức Phát có thể hưởng lợi nhờ luật mới, nhưng chỉ tại các giải trong nước.

Trong giới cầu lông Việt Nam, những VĐV thi đấu theo 2 trường phái kể trên cũng hoàn toàn tách biệt. Lê Đức Phát, và phần nào đó là Nguyễn Thùy Linh, Vũ Thị Trang thuộc nhóm VĐV thiên về tấn công. Ngược lại, Nguyễn Tiến Minh hay Nguyễn Hải Đăng lại thuộc nhóm VĐV thi đấu thiên về những đường cầu bền, dựa trên thể lực dẻo dai để tranh tài.

Theo quy định mới được BWF đưa ra, Đức Phát và Thùy Linh rõ ràng là những người hưởng lợi. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trong phạm vi của cầu lông Việt Nam. Trên khía cạnh quốc tế, các VĐV có thể điều chỉnh lối chơi rất nhanh. Bên cạnh đó, nhóm VĐV châu Âu vốn có lợi thế về tốc độ và sức mạnh cũng được hưởng lợi theo thể thức điểm chạm 15.

anh4.jpg -2
Những tay vợt trẻ của Việt Nam như Thu Huyền chưa có cơ hội tham dự nhiều giải quốc tế.

Một chi tiết đáng chú ý khác của BWF là họ chỉ mới thí điểm thể thức chạm 15 điểm từ tháng 4 đến tháng 10/2025. Ngoài ra, BWF cũng chỉ áp dụng tại một số giải đấu quốc nội và quốc tế. Việc này chủ yếu nhằm thăm dò ý kiến của các VĐV, HLV, sau đó mới quyết định có chính thức áp dụng hay không.

Trên thực tế, BWF đã thất bại trong khá nhiều thử nghiệm trước đây về điều chỉnh thời gian thi đấu. Họ từng nghĩ đến thể thức đấu 5 set thắng 3, mỗi set thi đấu đến điểm 11 giống như bóng bàn. Thể thức này được áp dụng tại một số giải quốc tế dành cho VĐV trẻ trong giai đoạn 2024-2025.

Vì lý do trên, khả năng quy định thi đấu đến điểm 15 được áp dụng trong thời gian dài vẫn có thể không diễn ra. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để mỗi VĐV, HLV làm mới bản thân. Họ cần học cách thích nghi theo thời thế mới, nơi mỗi người phải tự điều chính mình để hợp với hoàn cảnh đổi thay.

Các tay vợt Việt Nam bận rộn trong năm 2025

Theo lịch thi đấu mới được BWF cập nhật, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của 4 giải cầu lông quốc tế trong năm nay. Lịch trình thi đấu và địa điểm các giải quốc tế tại Việt Nam không khác so với năm 2024. Điều đó giúp các VĐV có thể sớm thu xếp lịch tập luyện, cũng như thi đấu để hướng đến kết quả tốt nhất trong năm 2025, với tâm điểm là SEA Games.

Bên cạnh 4 giải đấu quốc tế, các tay vợt Việt Nam có thể tham dự 8-10 giải trong nước. Năm nay, tần suất các giải cầu lông quốc nội diễn ra liên tục từ tháng 4 đến tháng 9-10, trung bình 2 giải mỗi tháng. Điều đó giúp các VĐV được liên tục thử lửa, chạm trán với những đối thủ mạnh.

Một HLV đội tuyển quốc gia từng nói, Việt Nam sở hữu không ít VĐV cầu lông có tố chất tốt. Tuy nhiên, họ lại thiếu môi trường tập luyện, cũng như sân chơi để nâng cao bản thân. Đó cũng là lý do nhiều VĐV có thể thắng đối thủ cùng lứa lúc ở cấp độ trẻ, nhưng sau đó lại thua, thậm chí thua rất sâu khi bước lên độ tuổi trưởng thành.

Minh chứng rõ nhất cho việc thiếu sân chơi của VĐV Việt Nam diễn ra vào cuối năm 2024. Sau 2 giải đấu quốc tế tại Việt Nam, nhiều tay vợt Indonesia và Đài Bắc Trung Hoa đến Hàn Quốc dự một giải trẻ quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam khi đó lại không thể cử VĐV nào tham dự, với lý do kinh phí hạn chế, qua đó bỏ lỡ một giải đấu tích lũy kinh nghiệm quý giá.

Đơn Ca
.
.