Cầu mưa trên đỉnh núi thần
Người chủ lễ đưa hai tay lên trời, tiếng hú gọi vang cả ngọn đồi nơi đang làm lễ cầu mưa cho dân làng. Từng tràng tiếng Gia Rai bật ra tự trong tâm khảm hướng tới Yang trời Yang đất cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng bình an, khỏe mạnh, ấm no trên vùng cao nguyên này.
Người cầu mưa trên đỉnh núi thiêng
Trên đỉnh núi thiêng Chư Tao Yang, già Siu Phơ (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chậm rãi làm những thủ tục cần thiết để rồi cùng già Rah Lan Hieo (phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) thực hiện lễ cúng cầu mưa theo truyền thống. Lâu rồi, ông Siu Phơ vẫn theo già Rah Lan Hieo làm công việc ấy, cái việc cầu mưa cho khắp vùng thung lũng Ayun này thôi khô khát mùa nắng hạn.
Những năm trước, và cũng từ rất nhiều đời trước, người Gia Rai ở thung lũng Ayun này vẫn thường cầu mưa như thế. Tổ tiên cha ông đã làm thế, để mong Yang cho cái mưa xuống vùng đất này, cho cây lúa tốt tươi, cho con thú con kiến có nước để uống, cho con người có cái nước chảy trên sông và cái bụng người Gia Rai được no hơn. Ông Siu Phơ bảo thế, khi đang cần mẫn chuẩn bị từng thứ đồ lễ bên cạnh tảng đá lớn trên đỉnh núi Chư Tao Yang.
Núi này, với người Gia Rai là núi thiêng, nơi mà những Vua Lửa mười mấy đời qua cất giữ gươm báu cùng những bảo vật để làm lễ cầu mưa. Mười mấy đời truyền lại, Vua Lửa (Yang Pơtao Apui) là người kết nối của lũ làng và thần, người có sự tôn kính bậc nhất của cộng đồng Gia Rai trên cao nguyên này. Trên vương quốc của Vua Lửa bây giờ, dù không còn nhiều huyễn hoặc, nhưng Vua Lửa vẫn như là niềm tin bất diệt của người Gia Rai.
Từ nhiều ngày trước, người trong Plei Ơi (tiếng Jrai có nghĩa là “Làng Ông”) đã rộn rã chuẩn bị cho lễ cầu mưa rất lớn này, bởi lễ này trúng vào kỳ nghỉ lễ và diễn ra trong 2 ngày 30/4-1/5/2023. “Lễ lớn lắm! Cả làng trong và làng ngoài, rồi những làng xung quanh cũng đến góp công góp sức, góp của để cùng tổ chức lễ. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ rất nhiều để buổi lễ diễn ra tốt nhất theo đúng nghi thức truyền thống của đồng bào mình!” - Siu Phăm, người thanh niên của Plei Ơi tự hào khi lễ cầu mưa diễn ra.
Anh Siu Phăm cùng những người khác đã chờ đợi khá lâu cho mùa lễ hội này. Siu Phăm bảo mấy ngày qua bà con dân làng luôn hối hả chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa. Dưới những bóng cây Kơnia, quanh những ngôi nhà là từng tốp người chia nhau phụ trách từng công đoạn cho lễ cúng. Phụ nữ trong làng được tập hợp, chia tổ chuẩn bị cho công tác nấu nướng.
Thanh niên có nhiệm vụ đi chặt tre nứa, lồ ô, đi suối mò ốc, bắt cá, phụ giúp già làng những công việc nặng cho lễ cúng của làng. Những nhóm nghệ nhân luyện lại những bài chiêng, luyện lại những nhịp xoang cho rộn rã nhất. Ai ai cũng đều được tham gia trong lễ cúng của làng nên rất hồ hởi, hăng hái.
Già Rah Lan Hieo - chủ tế của lễ cúng cũng tất bật đi ra đi vào kiểm tra, đôn đốc các khâu chuẩn bị. Ngày diễn ra lễ cúng, từ sớm già đã đóng khố, khoác chiếc áo thổ cẩm truyền thống và quấn chiếc khăn trên đầu. Lễ cúng quan trọng của làng nên già lo lắm, dù đã rất nhiều lần già theo phụ việc cúng cầu mưa cho Vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh (đã mất năm 1999). Mặc dù không chính thức được “phong”, nhưng trong tâm trí của người Gia Rai khắp vùng này, thì Già Rah Lan Hieo mặc định được coi là Vua Lửa đời thứ 15. Năm nào già cũng được dân làng tin tưởng phụ trách khâu cúng bái.
Già Rơ Lan Hieo đã 70 tuổi, tóc bạc trắng như cước, thân hình nhỏ và màu da nâu như con người xứ Thượng nghìn đời qua. Phụ việc cho già là ông Siu Phơ cũng đã già. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già, trẻ, gái trai trong làng mặc trang phục truyền thống, tụ hội tại nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa. Những già làng khác cũng nhanh chóng thay trang phục. Đúng 9 giờ, lễ cúng cầu mưa bắt đầu.
Ông Siu Phơ được vinh dự là người “cắm rượu”, một công việc thiêng liêng khởi đầu cho lễ cúng. Đặt tay lên ghè rượu, sau đó già Rơ Lan Hieo đưa hai tay lên trời, tiếng hú gọi vang cả ngọn núi thiêng nơi ông đang làm lễ cầu mưa cho dân làng. Từng tràng tiếng Gia Rai bật ra tự trong tâm khảm, đã ăn sâu vào trong trí nhớ của ông khi hàng chục lần theo Vua Lửa siu luynh làm lễ. Những động tác múa chân và tay linh hoạt, từng câu tiếng Gia Rai vang lên trong gió và nắng cao nguyên, bày tỏ nguyện vọng cầu cho mưa thuận gió hòa. Mong Yang cho bà con một năm làm ăn, sản xuất thuận lợi, người người đều khỏe mạnh, không ai đau ốm.
Bài tế diễn ra trong khoảng 10 phút, sau đó già Rơ Lan Hieo múc nước đựng từ chiếc thau đồng đổ đầy vào ghè rượu, vít cần uống một ngụm rượu. Xong đâu đó, già Rơ Lan Hieo dùng một chiếc lá vẩy nhẹ rượu từ chiếc ghè ra đất. Lễ cúng kết thúc với bài khấn cảm tạ của già Rơ Lan Hieo trên đỉnh núi thiêng. Sau nghi thức đó, dân làng và những người khách lạ sẽ được lần lượt cùng nhau thưởng thức rượu cần.
Đánh thức vùng thung lũng
Cả vùng Ayun xưa bây giờ chia thành nhiều huyện thị như thị xã AyunPa, huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa, huyện IaPa và một phần của huyện KonChro tỉnh Gia Lai. Đây vốn là là “vương quốc” của Yang Pơtao Apui. Đó là vùng thung lũng lòng chảo rộng lớn, với hàng ngàn buôn làng. Với họ, lễ cúng cầu mưa là lễ hội vô cùng quan trọng, sánh ngang với lễ Pơthi tiễn người thân về với Yang Trời mà thôi.
Lúc già làng vừa cúng, thì cồng chiêng đồng thời nổi lên để mở màn cho phần hội. Những tiếng chiêng vang vọng cả một vùng rộng lớn, như gọi như mời người các làng xung quanh cùng đến chung vui. Gái trai Gia Rai mắt sáng da nâu trong trang phục truyền thống cứ thế thi nhau thỏa sức thể hiện vẻ đẹp của mình với từng câu hát, từng bước nhảy điệu múa đầy uyển chuyển. Họ cùng nhảy múa hát ca và uống tiệc rượu mừng cho đến khi mặt trời xuống núi, rượu nhạt, người say... Không chỉ thế, những người khách trong lễ cầu mưa cũng được trang trọng mời.
Từng tay người cứ vít cần khi ghè rượu được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt nồng say lan tỏa khắp nơi. Hương thơm của thịt nướng, của gạo nương, của dòng nước ngọt lành vương vấn trong không gian rộn rã. Người và người uống rượu trong niềm hân hoan say đắm giữa tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên. Những phụ nữ uyển chuyển với điệu xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính.
Có lẽ, với người Gia Rai ở Plei Ơi nơi miền thung lũng Ayun này, lễ cúng cầu mưa năm nay được tổ chức rất lớn. Bởi dịp này UBND huyện Phú Thiện đã tổ chức lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui cùng với hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện lần thứ XIV năm 2023, cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày Di tích Plei Ơi được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia (24/3/1993-24/4/2023). Niềm tự hào của người Plei Ơi càng được nhân lên bội phần, khi mà lễ hội bây giờ không chỉ của người Gia Rai, mà người từ khắp nơi cũng đổ về để chứng kiến buổi lễ, cùng hòa vào với văn hóa và nhịp sống địa phương, cùng trải nghiệm với những đặc sắc của Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, mà hơn thế nữa đó còn là sự quảng bá văn hóa tới du khách và bạn bè năm châu.
Du khách đến đây bên cạnh việc được theo dõi lễ cúng cầu mưa độc đáo, còn được hòa mình vào những hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số với nhiều nội dung như: diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, đẩy gậy, đi cà kheo… hay thưởng thức ẩm thực địa phương như: Cơm lam, gà nướng, canh lá mì, xoài, gà, rượu ghè, chả cá thác lác… tại nhiều gian hàng trưng bày. Đồng thời, tham gia trải nghiệm các hoạt động, tham quan thắng cảnh như hồ thủy lợi Ayun Hạ, chùa Quang Sơn, hồ sen Ia Yeng và làng Plei Rbai dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội cầu mưa năm nay diễn ra trong 2 ngày (30/4 và 1/5) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Lễ hội cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng hết sức độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của người Jrai ở Gia Lai nói chung và tại huyện Phú Thiện nói riêng, được bảo tồn và phát huy nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện, lễ hội là dịp để địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời giới thiệu các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương với du khách gần xa, qua đó thu hút đầu tư để phát triển ngành kinh tế không khói tại địa phương.