Chật vật bản quyền phim trên môi trường số

Thứ Hai, 11/12/2023, 18:24

Phát triển điện ảnh - một trong những lĩnh vực được xác định phải được quan tâm đầu tư trong phát triển công nghiệp văn hóa - không thể không đẩy mạnh bảo vệ bản quyền điện ảnh. Thế nhưng, đến nay, đây vẫn là vấn đề nan giải, thậm chí, ngày càng phức tạp hơn.

Nhà sản xuất than trời vì video trích đoạn phim, review phim

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến OTT đã tạo nên nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức cho bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh. Trong khi tình trạng phim bị các trang web lậu đăng tải, gây thiệt hại cho nhà sản xuất vẫn chưa được giải quyết  hiệu quả, nhiều nhà làm phim tiếp tục than trời vì nhiều trích đoạn phim bị quay lén và tung lên Tiktok, Youtube. Mặc dù chỉ là các phân đoạn, trong đó rất nhiều phân đoạn chỉ có thời lượng dưới 10 phút, nhưng nếu ghép lại, người xem có thể đoán được nội dung chính, thậm chí cả kết phim mà không cần mua vé vào rạp.

Chật vật bản quyền phim trên môi trường số -0
Nhiều phim Việt Nam được chiếu toàn bộ trên các trang web lậu.

Khi phim “Con nhót mót chồng” của đạo diễn Vũ Ngọc  Đãng vừa ra mắt được ít ngày, bị người xem quay lén và tung lên Tiktok quá nhiều, diễn viên Thu Trang phải lên tiếng van xin mọi người không lan truyền phim trên mạng, vì các tài khoản đưa quá nhiều, nhà sản xuất không có thời gian tìm và gỡ xuống.

Nhà sản xuất phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” cũng từng phải lên tiếng, xin người xem đừng quay và đăng tải các trích đoạn phim, ngay khi phim mới khởi chiếu. Trước đó, “Chị chị em em” của Vũ Ngọc Đãng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với nhiều web lậu, hiện nay, không khó để tìm xem  phim Việt Nam, nhất là phim ăn khách, phim đang được chú ý, đạt giải cao, từ phim chiếu rạp đến phim truyền hình nhiều tập, phim được sản xuất phát sóng trực tuyến như: “Tro tàn rực rỡ”, “Tết ở làng địa ngục”…

Bên cạnh đó, rất nhiều video ngắn review phim được chia sẻ trên trên Youtube hay Facebook watch, Tiktok... tóm tắt nội dung, tiết lộ nội dung chính khiến giảm sức hút, nhất là với người xem mua vé vào rạp. 

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa còn cho biết, trước đây, phim “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn từng bị một số đối tượng tung lên mạng trước thời gian công chiếu. Khẳng định tình trạng vi phạm bản quyền đang là một trong những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến nền điện ảnh Việt, gây ảnh hưởng nặng nề đến tập thể ekip phim, gây thất thu không nhỏ, nhưng đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng thừa nhận, giải quyết vi phạm bản quyền phim hiện nay vô cùng khó khăn. Vì các đối tượng này thường sử dụng các trang web bằng tên miền quốc tế, sau khi bị nhận ra sẽ thay đổi tên miền. Chúng ta còn chưa có những giải pháp thiết thực trong việc sử dụng các biện pháp mềm để ngăn chặn.

Hơn một nửa những người sử dụng Internet hiện nay đã và đang sử dụng các trang web phim lậu vì nhu cầu xem phim lậu hầu như lúc nào cũng có. Bên cạnh đó, các chế tài chưa đủ sức răn đe, thủ tục xử lý còn rườm rà, phức tạp, khó tìm hiểu, quy định tại nhiều văn bản khác nhau. Vì thời gian tiếp nhận hồ sơ và xử lý quy trình vi phạm phức tạp, tốn nhiều tuần và chưa mang đến hiệu quả như mong muốn nên hầu như các đơn vị nắm giữ bản quyền đều không mấy mặn mà.

Chật vật bản quyền phim trên môi trường số -0
Luật sư Phan Vũ Tuấn.

Về vấn đề này, luật sư Phan Vũ Tuấn của văn phòng Luật sư Phanlaw từng chỉ ra rằng, với công nghệ kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, các hành vi xâm phạm bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng diễn ra vô cùng dễ dàng. Số lượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng rất lớn, với đa dạng thủ đoạn, hình thức từ cung cấp miễn phí cho đến thu phí giá rẻ, trải rộng trên các kênh website, mạng xã hội, Youtube, Facebook, Tiktok...

Hầu như không thể dùng biện pháp công nghệ để xử lý vi phạm được hết. Do đặc thù của không gian mạng, việc vi phạm của kênh này rất dễ dàng được sao chép và truyền đạt sang kênh khác. Cho nên, dù cảnh báo và yêu cầu gỡ bỏ trên kênh này, thì việc vi phạm vẫn có thể tiếp tục trên kênh khác. Chưa kể quá trình để yêu cầu các kênh gỡ bỏ vi phạm cũng mất thời gian, như bắt cóc bỏ dĩa, không thực sự mang tính răn đe.

Về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian

Theo Văn phòng Luật Phanlaw, hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn theo quy định pháp luật. Việc bảo vệ tác phẩm điện ảnh của chủ thể quyền trên không gian mạng đa phần chỉ dừng lại ở việc thực hiện các biện pháp công nghệ, các biện pháp cảnh báo và xử lý hành chính để yêu cầu cơ quan nhà nước hỗ trợ ngăn chặn các hành vi vi phạm diễn ra với quy mô lớn. Tuy nhiên, do đặc thù của tác phẩm điện ảnh, doanh thu và lợi nhuận thường đi kèm với tính thời điểm. Trường hợp phim vừa phát hành, trên các nền tảng mạng xã hội đã có những bản “lậu” trình chiếu tràn lan, gây thiệt hại doanh thu của nhà sản xuất, nhà phát hành.

Chật vật bản quyền phim trên môi trường số -0
Các video review phim cũng làm lộ nội dung chính của phim.

Để được bồi thường thiệt hại, các chủ thể quyền bị xâm phạm phải khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền, nhưng biện pháp này lại không được ưu ái áp dụng. Một trong các lý do là khó khăn trong chứng minh chủ thể quyền và xác định thiệt hại. Trường hợp lượt xem phim giảm hoặc doanh thu bán vé xem phim giảm, sau khi có hành vi xâm phạm của đơn vị xâm phạm, cũng chưa đủ để cho thấy đó là hậu quả từ hành vi xâm phạm, mà phải có những chứng cứ thể hiện trực tiếp hơn, hoặc sâu sắc hơn mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại. Trên thực tế, một tác phẩm điện ảnh bị đánh cắp bản quyền tràn lan rõ ràng sẽ mất đi những cơ hội kinh doanh, khai thác, nhưng sẽ rất khó có đủ chứng cứ, cơ sở để tòa án xem xét giải quyết.

Luật sư Quản Văn Minh, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam cũng nhận định,  hiện nay, một số công ty cung cấp dịch vụ trung gian cho phép người dùng truy cập và đăng tải nội dung nhưng việc kiểm soát nội dung còn lỏng lẻo.

Đối tượng cung cấp dịch vụ xâm phạm thường là các tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm, không phải là nhà sản xuất và cố tình vi phạm nhằm mục đích trục lợi về kinh tế. Chủ thể vi phạm thường là những người có độ tuổi trẻ, có trình độ công nghệ, các kỹ năng tương tác mạng xã hội, có trình độ học vấn hay kiến thức lĩnh vực chuyên môn nhất định nhưng lại thiếu kiến thức hiểu biết pháp luật về sở hữu trí tuệ, không nhận thức được hành vi vi phạm của mình gây ra những tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng, xã hội, mà chỉ nhìn thấy những lợi ích “cá nhân” trước mắt.

Chật vật bản quyền phim trên môi trường số -0
Cảnh trong phim "Con nhót mót chồng" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Ngoài việc thực hiện hành vi cung cấp các dịch vụ xâm phạm, các đối tượng còn thực hiện những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như quảng cáo các trò chơi điện tử, đánh bạc hay quảng cáo cho vay tín dụng, phim người lớn… Hậu quả các hành vi quảng cáo trên đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của cả một thế hệ trẻ khi tiếp cận đã bị tác động xấu, sử dụng các dịch vụ vi phạm đó, làm gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội phạm có độ tuổi trẻ, tuổi thành niên.

Cũng theo ông Minh, các đối tượng cung cấp các dịch vụ xâm phạm thường qua các website tên miền quốc tế và các dịch vụ ẩn giấu thông tin hoạt động công khai, và thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Thời gian gần đây, đặc điểm chung là đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung hay những đoạn dài lên các hội, nhóm như trước kia mà cắt thành nhiều clip ngắn, phát tán trên mạng xã hội.

Hầu hết tài khoản đăng tải phim quay lén đều là tài khoản mới lập. Có hàng trăm tài khoản như vậy cùng đăng tải những video ngắn liên quan tới phim lên mạng. Hiện nay, hầu như chúng ta chỉ xử lý được các tài khoản đưa những video có thời lượng trên 10 phút, còn với các video có thời lượng ngắn thì không thể giải quyết triệt để vì số lượng quá nhiều. Các tài khoản nước ngoài càng khó xử lý; thậm chí để tránh các công cụ quét bản quyền tự động, cứ sau mỗi 3 giây, hình ảnh trên các kênh này lại thay đổi so với hình ảnh gốc bằng việc zoom vào một chi tiết không cụ thể nào đó như một góc tai, một góc mắt diễn viên hay một góc bối cảnh.

Ngoài ra, rất nhiều người làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook Watch, TikTok... nhằm mục đích kiếm tiền. Review phim sử dụng bộ phim gốc để thực hiện hoạt động tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình và giải thích rõ hơn nội dung của bộ phim. Người xem chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim, không còn hấp dẫn để người xem bỏ chi phí xem trọn vẹn bộ phim nữa.

Luật sư Quản Văn Minh cho rằng, căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như công ước quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia thì hiện nay hệ thống pháp luật của chúng ta có đầy đủ các quy định, chế tài để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền tùy từng mức độ theo các biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, thậm chí cả biện pháp hình sự. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn chung trên toàn cầu, khiến tất cả những người chịu ảnh hưởng đều “đau đầu” tìm các phương án để giải quyết. Việc này rất khó nhưng không thể không làm, nhất là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà sản xuất, có tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền điện ảnh đất nước và uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập.

Minh Hà
.
.