Châu Á khó đuổi kịp kinh tế toàn cầu

Thứ Ba, 17/10/2023, 10:22

Sau khi gặt hái được những lợi ích từ toàn cầu hóa và lãi suất cực thấp trong hơn một thập kỷ, các nền kinh tế châu Á giờ đây phải đối mặt với một thế giới rất khác. Hàng loạt cú sốc và đứt gẫy đã xảy ra trong những năm gần đây mà ít ai có thể lường trước.

Trong số đó có nhiều rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ, một đại dịch toàn cầu, việc định hình lại các chuỗi cung ứng, tình trạng lạm phát gia tăng dẫn tới việc thắt chặt chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng và hà khắc, thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu nhiều hơn, sự giảm tốc kinh tế có thể kéo dài ở Trung Quốc, và gần đây nhất là sự tăng tốc của tự động hóa được thúc đẩy bởi việc ứng dụng nhanh chóng AI. Tất cả những điều này đang gây ra nhiều thay đổi mang tính kiến tạo trong nền kinh tế toàn cầu. Đối với châu Á, đó là nguồn gốc của những mối đe dọa và cơ hội, cũng là nguồn gốc của sự bất trắc lớn.

1.jpg -0
Tính đến quý cuối cùng của năm 2022, châu Âu đã nhận được lượng đầu tư lớn gấp đôi châu Á.

Ít nhất là trong năm tới, triển vọng sẽ bị che mờ bởi sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Trong cập nhật 7 tháng về Triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm từ 3,5% năm 2022 xuống 3,0% vào cả năm 2023 và 2024. Theo tiêu chuẩn lịch sử, tốc độ này yếu hơn rõ rệt so với tăng trưởng trung bình 3,6% trong giai đoạn 2010 - 2020.

Mặc dù suy thoái toàn cầu dường như khó có thể xảy ra, đặc biệt là khi tăng trưởng của Mỹ vẫn mạnh mẽ, nhưng nó không thể bị loại trừ, do việc thắt chặt tiền tệ - hoạt động này vẫn chưa kết thúc - phải mất 12 - 18 tháng mới tác động đầy đủ đến nền kinh tế thực, và do sự giảm tốc kinh tế ở Trung Quốc. Lạm phát đã giảm trên toàn cầu trong năm nay, nhưng nó vẫn là một ẩn số. Giá lương thực và năng lượng tăng trong những tháng gần đây sau khi Nga từ chối nối lại thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7 và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Trong khi đó, những tuyên bố gần đây của Saudi Arabia và Nga về việc cắt giảm nguồn cung dầu đã đẩy giá nhiên liệu tăng cao.

Tăng trưởng thương mại thế giới, mà các nền kinh tế của châu Á phụ thuộc nhiều, đang chậm lại - thậm chí còn chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ước tính về mặt khối lượng, thương mại hàng hóa sẽ chỉ tăng 1,7% trong năm 2023, so với mức trung bình 2,6% trong 12 năm qua, kể từ sau khi nó sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sự chậm lại một phần là kết quả của thương mại được thúc đẩy bởi chính trị nhiều hơn là bởi các yếu tố cơ bản về kinh tế và các quy tắc thương mại, dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu các loại hàng hóa và công nghệ khác nhau, chủ nghĩa bảo hộ nhập khẩu gia tăng - bao gồm cả ở Mỹ và châu Âu - và tình trạng nội địa hóa hơn nữa các chuỗi cung ứng. Thế nhưng, các lực lượng kinh tế cũng đóng vai trò nhất định. David Lubin - người đứng đầu bộ phận kinh tế thị trường mới nổi tại Citigroup - đã chỉ rõ, bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP ảm đạm tự động dẫn đến thương mại chậm hơn, thế giới vẫn đang phải hứng chịu “tàn tích thương mại” sau đợt bùng phát đại dịch khi mọi người vung tiền mua sắm hàng hóa, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến.

Giờ đây, họ đã chuyển chi tiêu sang dịch vụ, những mặt hàng ít giao dịch hơn so với hàng hóa. Tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc cũng làm giảm nhu cầu đối với cả hàng hóa và hàng tiêu dùng. Sự chậm lại ở Trung Quốc, nước chiếm gần một nửa GDP của châu Á, có thể là sự gián đoạn lớn đối với khu vực, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài.

Nguyên nhân chủ yếu của nó chủ yếu là ở trong nước. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, vốn chiếm 25-30% nền kinh tế nước này, đang bị khủng hoảng. Giá bất động sản ở đây, vốn đắt nhất trên thế giới tính theo thu nhập, đang giảm xuống, cùng với doanh số bán. Người tiêu dùng đang hạn chế chi tiêu vì phải trả nợ và đối mặt với tình trạng giảm phát. Điều này không khuyến khích tiêu dùng.

Cùng với đó, dòng vốn FDI vào châu Á trong các ngành quan trọng chiến lược như chất bán dẫn tiên tiến, một số loại dược phẩm và công nghệ liên quan đến pin bắt đầu suy giảm vào năm 2019, và đến quý cuối cùng của năm 2022, châu Âu đã nhận được lượng đầu tư lớn gấp đôi châu Á. Phân biệt giữa FDI “ngang” - đề cập đến các công ty nước ngoài đầu tư vào một quốc gia để phục vụ thị trường nội địa - và FDI “dọc” - các công ty đầu tư để sản xuất đầu vào cho xuất khẩu, IMF cho rằng FDI “dọc” dễ bị tổn thương hơn do sự gián đoạn trong một thế giới bị phân mảnh. Điều này cho thấy các nhà xuất khẩu linh kiện châu Á sẽ thua các nước có thị trường nội địa lớn.

Bên cạnh những diễn biến thương mại và đầu tư, một số quốc gia Đông Á còn phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến dân số già. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động đang giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và dẫn đến áp lực gia tăng đối với dịch vụ tài chính công do chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe và lương hưu cao hơn, cũng như cơ sở thuế đang thu hẹp. Một trong những giải pháp có thể là tăng cường triển khai tự động hóa và AI. Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2023 về Xu hướng triển vọng tuyển dụng và xã hội thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo rằng AI và các hình thức tự động hóa khác chỉ có thể ảnh hưởng tích cực đến năng suất khi người lao động có trình độ học vấn và kỹ năng sử dụng chúng. Điều này sẽ đặt ra thách thức, đặc biệt đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.