Châu Âu, thời “toàn cầu hóa khí đốt”

Thứ Tư, 23/08/2023, 17:04

Sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc xung đột với Ukraine, phần lớn các quốc gia EU vẫn có thể lấp đầy kho dự trữ, để phục vụ nhu cầu sưởi ấm của người dân trong mùa đông 2022, thông qua các nguồn cung mới hay những nỗ lực tiết kiệm năng lượng và một phần còn nhờ thời tiết dễ chịu.

Tuy nhiên, một mùa đông khắc nghiệt mới đã lại lấp ló ở chân trời…

Một thị trường biến động

Phiên ngày 14/8, giá khí đốt giao sau giao dịch trên sàn TTF dao động gần mức 37 euro/megawatt giờ. Trước đó, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng gần 40% trong phiên giao dịch ngày 9/8. Giá khí đốt trên sàn TTF - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - tăng lên mức hơn 43 euro/megawatt giờ - mức giá cao nhất kể từ trung tuần tháng 6.

Châu Âu, thời “toàn cầu hóa khí đốt” -0
Diễn biến giá khí đốt tại thị trường châu Âu từ đầu năm tới nay.

Chất xúc tác cho lần tăng giá này là thông tin công nhân tại các nhà máy khí đốt hóa lỏng (LNG) quan trọng ở Australia đang có kế hoạch đình công đòi tăng lương, cũng như cải thiện chế độ phúc lợi. Mức độ biến động của giá khí đốt được đẩy cao thêm, khi một số nhà giao dịch đóng trạng thái bán khống - đặt cược vào sự giảm giá khí đốt - mà họ theo đuổi trước đó. Theo tờ Financial Times, các nhà phân tích cho rằng mức độ biến động giá đặc biệt mạnh, bởi nhiều nhà giao dịch vốn đã đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của khí đốt tại thị trường châu Âu, nên khi giá tăng, họ buộc phải mua vào để đóng trạng thái, nhằm tránh thua lỗ. Việc đóng trạng thái bán khống ồ ạt khiến giá khí đốt càng tăng mạnh.

Diễn biến này cho thấy: Dù dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đang tạm thời bình ổn gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng (vốn đã khiến khu vực này “điêu đứng” trong gần hai năm) đến hiện tại vẫn chưa thực sự kết thúc. Trong khi đó, thị trường vẫn còn bất an, bởi tính chất dễ thương tổn của nguồn cung.

Năm ngoái, châu Âu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG. Dòng chảy năng lượng nhập khẩu bằng đường biển đã giúp EU bù đắp nguồn cung khí đốt qua đường ống bị Nga mạnh tay cắt giảm - hệ quả cuộc đối đầu giữa Moscow với châu Âu, liên quan tới xung đột quân sự Nga - Ukraine.

Từ chỗ phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu Âu chuyển sang phụ thuộc vào LNG, và điều này khiến cho giá năng lượng ở châu Âu càng nhạy cảm hơn với sự gián đoạn nguồn cung từ mọi nơi trên thế giới, thậm chí là ở Australia.

Trước khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, những gì xảy ra trên thị trường khí đốt ở khu vực châu Á chỉ có ảnh hưởng hạn chế ở châu Âu - nơi dòng chảy khí đốt giá rẻ dồi dào từ Nga bảo đảm cho châu Âu chỉ phải nhập khẩu một lượng rất nhỏ LNG. Năm 2021, LNG chỉ chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu khí đốt của EU, theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Bruegel. Khí đốt Nga khi đó chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của khu vực này.

Châu Âu, thời “toàn cầu hóa khí đốt” -0
LNG đang là mặt hàng mà châu Âu phải tranh giành.

Song, chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga đã khiến cán cân dịch chuyển mạnh mẽ. LNG chiếm 34% tổng nhập khẩu khí đốt của châu Âu trong năm ngoái, và tỷ trọng này được dự báo sẽ tăng lên mức 40% trong năm nay, nghĩa là LNG nhập khẩu đường biển sẽ có tầm quan trọng đối với EU như khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống trước đây.

Theo giới phân tích, biến động giá gần đây xác nhận một thực tế mới mà châu Âu phải đối mặt: Cũng giống như nguồn cung dầu lửa, nguồn cung khí đốt (mà châu Âu giờ đây trở nên phụ thuộc) thực sự là một dạng sản phẩm mang tính chất toàn cầu.

LNG từ Australia hiếm khi được xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu, vì quãng đường vận chuyển quá dài dẫn tới chi phí vận chuyển tốn kém. Tuy nhiên, nếu các khách hàng nhập khẩu truyền thống LNG từ Australia ở khu vực châu Á phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, họ sẽ cạnh tranh gay gắt với châu Âu. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tên trong danh sách những nước nhập khẩu nhiều LNG nhất thế giới.

“Khả năng xảy ra đình công ở các nhà máy LNG xuất khẩu ở Australia, một lần nữa, nhấn mạnh sự thật rằng chúng ta đang ở trong một thị trường khí đốt toàn cầu hoá. Không có gì là khó hiểu khi châu Âu thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng nguồn cung LNG linh hoạt. Nhưng chính sự linh hoạt đó lại làm gia tăng mức độ biến động của giá”, nhà phân tích Tom Marzec-Manser của công ty tư vấn năng lượng ICIS nhận định với Financial Times.

Giá khí đốt tăng vọt cũng như cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành giật các lô hàng LNG đã mang lại một bài học tức thì về sự ổn định của nguồn cung. Một phần trong nỗ lực thúc đẩy an ninh năng lượng của Trung Quốc là đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm nhằm phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.

Một số nước nhập khẩu khí đốt khác, bao gồm cả Ấn Độ, cũng đang tìm cách ký kết thêm nhiều thỏa thuận hơn để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai, và hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường khí đốt giao ngay. Tuy nhiên, Trung Quốc đang chốt hợp đồng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Cho đến nay, 33% khối lượng LNG trong các hợp đồng dài hạn được ký kết thuộc về Trung Quốc - theo tính toán của Bloomberg.

Trong vòng một tháng trở lại đây, Tổng công ty Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận 27 năm với Qatar và thâu tóm cổ phần trong một dự án mở rộng xuất khẩu khí đốt quy mô lớn của Qatar; trong khi một doanh nghiệp Trung Quốc khác là ENN Energy Holdings Ltd. ký một hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với công ty dầu khí Cheniere Energy Inc của Mỹ. Việc cung cấp khí đốt từ cả hai hợp đồng dự kiến ​​sẽ bắt đầu ngay từ năm 2026.

Nhiều thỏa thuận khác đang chuẩn bị được ký kết, với các cuộc đàm phán diễn ra trong các phòng họp từ Singapore đến Houston. Các doanh nghiệp quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ, trong khi các công ty nhỏ hơn như Tập đoàn Năng lượng tỉnh Chiết Giang và Tập đoàn Khí đốt Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận - giới thương nhân tiết lộ.

“Một lượng lớn LNG Mỹ, hiện đang được xuất sang châu Âu, có thể sẽ chuyển hướng sang châu Á, đặt ra nguy cơ một cuộc chiến giành giật các lô LNG giữa các khu vực”, ông Kaushal Ramesh, trưởng bộ phận phân tích thị trường LNG tại công ty tư vấn Rystad Energy, nhận định.

Giới phân tích đánh giá: Thị trường vẫn bị ám ảnh bởi nguy cơ xảy ra sự gián đoạn nguồn cung, dù giá khí đốt bây giờ đã thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục thiết lập vào mùa hè năm ngoái - thời điểm mà sự gián đoạn nguồn cung từ Nga đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu vượt mốc 340 euro/megawatt giờ.

Đầy những âu lo

Goldman Sachs, một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thị trường hàng hóa cơ bản, cảnh báo rằng giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba trong mùa đông năm nay.

Châu Âu, thời “toàn cầu hóa khí đốt” -0
Người dân châu Âu sẽ lại đối diện khó khăn chồng chất, nếu xảy ra khủng hoảng năng lượng vào mùa đông.

Dự trữ khí đốt của EU - nguồn cung cấp quan trọng trong những tháng mùa đông - hiện đạt gần 90% và có thể đạt 100% vào khoảng tháng tới, vài tuần trước khi khu vực bước vào mùa cần sưởi ấm. Dù vậy, các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ Citigroup cho rằng: Nếu xảy ra đình công tại các nhà máy khí đốt ở Australia, và nếu đình công kéo dài trong mùa đông, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng gấp đôi.

Nhà phân tích Samantha Dart của Goldman Sachs nói rằng nếu cuộc đình công ở Australia diễn ra như kế hoạch, thì “thời tiết không cần quá lạnh cũng đủ để khiến cho mức dự trữ khí đốt của châu Âu đến tháng 3/2024 giảm xuống mức thấp hơn bình thường”. Ngoài ra, chỉ riêng khí đốt dự trữ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu trong mùa đông, và các nước trong khu vực sẽ tiếp tục phải nhập lượng lớn LNG. Bởi vậy, giá khí đốt ở châu Âu cần phải cao hơn ở châu Á, để khuyến khích các nhà giao dịch bán LNG cho châu Âu.

Châu Âu, thời “toàn cầu hóa khí đốt” -0
Việc công nhân nhà máy LNG ở Australia đình công khiến nỗi lo nguồn cung gián đoạn gia tăng.

Cũng theo bà Dart, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan có thể sẽ dao động trong khoảng 68-97 euro/megawatt giờ trong mùa đông năm nay, “cho tới khi chúng ta biết rõ hơn về nhiệt độ mùa đông”.

Năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã có những phiên tăng đột biến như vừa rồi, nhưng lại giảm nhanh trong những phiên sau đó. Tuy nhiên, phiên tăng giá này của khí đốt ở châu Âu diễn ra khi giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2023, là 87,65 USD/thùng trong phiên cùng ngày.

Giá năng lượng tăng, hiển nhiên, sẽ làm gia tăng thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu dưới áp lực của lãi suất tăng cao. Vậy nên, có thể khẳng định rằng, dù “cái được” khí đốt Nga thì châu Âu cũng không chắc đã có thể cảm thấy “dễ chịu”, như mong đợi.

Đỗ Tiến
.
.