Châu Âu và kế hoạch tái cơ cấu sử dụng năng lượng

Thứ Bảy, 16/07/2022, 11:51

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, năng lượng đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia châu Âu. Các nước châu Âu đã đưa ra một loạt chính sách năng lượng quốc gia để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao.

Bản kế hoạch “REPowerEU” – tạm hiểu là Tái cơ cấu năng lượng châu Âu – nhằm tìm cách giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng về nhiều mặt, trong đó có năng lượng.

Các quốc gia thành viên EU đã phân bổ gần 180 tỷ euro để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước tình trạng giá năng lượng tăng đột biến và có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Các ước tính cho thấy trong thời gian tới, những nước này sẽ tăng ngân sách thêm 75 tỷ euro nữa để giúp các công ty xây dựng lại các cơ sở dự trữ khí đốt, cũng như trang trải chi phí bổ sung cho các nguồn cung cấp không phải từ Nga và khâu tổ chức phân phối trong EU. Dự kiến chi phí tổng thể sẽ nhanh chóng đạt gần 2% GDP của EU. Hãy so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thời điểm đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu, trong đó chỉ khuyến nghị các quốc gia thành viên triển khai gói kích thích kinh tế tương đương 1,5% GDP của EU.

Châu Âu và kế hoạch tái cơ cấu sử dụng năng lượng -0
Châu Âu đau đầu với bài toán năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Đối với một số vấn đề mà các nước đều quan tâm, chẳng hạn như giảm thuế và hỗ trợ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương, biện pháp mà các chính phủ đưa ra cũng có sự khác biệt cả về lượng và chất. Trong giai đoạn từ tháng 9-2021 đến tháng 5-2022, để ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với người dân, các nước EU đã chi ngân sách ở mức tương đương 0,1 – 3,6% GDP của mỗi nước. Tương tự, các quốc gia cũng áp dụng các biện pháp khác nhau. Ví dụ, có 6 quốc gia áp thuế đối với năng lượng từ gió, 4 quốc gia yêu cầu các công ty nhà nước cung cấp điện với mức giá nhất định và 2 quốc gia đưa ra quy định về giá bán buôn.

Tương tự, tác động của khủng hoảng năng lượng tới các hộ gia đình rất khác nhau về điều này phụ thuộc vào quốc gia nơi họ đang sống. Một phân tích của Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD) cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các nước EU ngay cả khi những nước này có cùng mức thu nhập và không phải các hộ gia đình thu nhập thấp đều là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có lẽ những người giàu ở châu Âu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho vận tải và luôn muốn sở hữu một chiếc ôtô hạng sang với mức chi phí lớn. Trong khi đó, nhu cầu về điện và sưởi ấm chiếm tỷ trọng cao hơn trong chi phí hàng tháng của các hộ thu nhập thấp. Mặt khác, vị trí địa lý nơi các hộ gia đình đang sinh sống cũng là yếu tố quyết định mức độ ảnh hưởng và điểm giống nhau là những người sống ở khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn những người sống tại các thành phố lớn ở tất cả các nước EU trong diện trên. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các quốc gia lại cao hơn nhiều so với mức chênh lệch giữa các hộ gia đình theo địa lý. Ví dụ, những người sống ở vùng nông thôn của Hà Lan bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng gấp 9 lần so với những người sống ở vùng nông thôn của Hungary.

Việc nước Nga “vũ khí hóa” – theo cách gọi của phương Tây - xuất khẩu khí đốt sang EU dẫn đến sự chênh lệch về mức độ ảnh hưởng giữa các quốc gia thành viên và điều này bắt nguồn từ sự phụ thuộc của các nước vào khí đốt Nga. Các quốc gia ở phía Đông có xu hướng dễ bị tổ thương hơn các quốc gia ở phía Tây bởi họ sử dụng cơ sở hạ tầng từ thời Liên Xô và do đó bị ràng buộc với Nga. Những quốc gia mà khí đốt chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện hoặc vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chẳng hạn như Đức và Italy cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn các quốc gia khác.

Trên thực tế, sự thống nhất của châu Âu chính là sức mạnh. Xét một cách riêng lẻ, nhiều nước EU sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng từ việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nếu thị trường năng lượng EU được coi là một khối thống nhất và các nước cùng nhau đối phó với sự gián đoạn nguồn cung, thì mối đe dọa từ việc thiếu hụt năng lượng sẽ giảm đi nhiều. Điều này đòi hỏi sự phối hợp ở mức độ cao hơn giữa các quốc gia thành viên, cũng như sự sẵn sàng chia sẻ những tổn thất mà các quốc gia khác phải gánh chịu. Tương tự, các quốc gia cần  phối hợp phản ứng ở mức độ cao hơn so với thời điểm hiện tại.

Việc thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính phối hợp là điều hết sức quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả về kinh tế và các vấn đề kỹ thuật của EU. Điều quan trọng nữa là tránh gây chia rẽ chính trị trên mặt trận cả trong và ngoài khối. Theo khuyến nghị của OECD, các chính phủ cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất, đồng thời lưu ý đến tính bền vững về tài chính và môi trường. Tình trạng giá năng lượng tăng cao một cách bất thường có thể tiếp tục kéo dài. Giờ đây, các quốc gia thành viên nên bắt đầu xây dựng các chính sách riêng với giả định rằng những mức giá này sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Điều quan trọng là không được làm sai lệch hoặc làm nhiễu tín hiệu về giá. Việc giới hạn giá và cắt giảm thuế có thể làm sai lệch tín hiệu về giá và do đó làm giảm động lực tiết kiệm năng lượng của các hộ gia đình. Hơn nữa, nếu biện pháp giới hạn giá được áp dụng ở cấp quốc gia, thì điều này sẽ dẫn tới tình trạng phân mảnh thị trường năng lượng của EU, vì nếu áp dụng đối với thị trường bán buôn châu Âu, thì biện pháp này có thể ngăn cản việc phân bổ khí đốt một cách hiệu quả giữa các quốc gia thành viên.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.