Châu Phi cần làm gì để hưởng lợi nhiều hơn từ Trung Quốc?
Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 9 diễn ra tại Bắc Kinh tuần trước không chỉ giúp nước chủ nhà gia tăng ảnh hưởng ở “lục địa đen” mà còn là cơ hội để các nước châu Phi tìm kiếm thêm lợi ích từ mối quan hệ với nền kinh tế số 2 thế giới.
Một diễn đàn quan trọng với cả hai phía
Trong những năm gần đây, một số nhà quan sát cho rằng sự tham gia của Trung Quốc vào lục địa châu Phi được thúc đẩy bởi mong muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của lục địa này hoặc giải tỏa công suất dư thừa của nền kinh tế số hai thế giới. Nhưng thực tế, mối quan hệ đó đang trở nên phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Châu Phi giờ đây còn đóng vai trò quan trọng với nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và xây dựng vị thế dẫn dắt của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới.
Bắc Kinh muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước ở “Nam bán cầu” trong đó có châu Phi, lấy phát triển làm trục chính, tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực này hoặc các nước có bề dày lịch sử sâu sắc và các quốc gia có bản sắc chiến lược tại châu Phi.
Ngược lại, đối với châu Phi thì Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất và là nguồn đầu tư quan trọng nhất của lục địa này, đặc biệt là những khoản đầu tư cho phát triển hạ tầng mà Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính dao động từ 130-170 tỷ USD mỗi năm. Do đó, Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) có tầm quan trọng rất lớn đối với cả hai bên.
Dù FOCAC được thành lập theo sự thúc giục của các nhà ngoại giao châu Phi vào năm 2000, Trung Quốc cũng có lý do riêng để cùng cho ra đời diễn đàn hợp tác này, bao gồm thành lập một tổ chức để đảm bảo ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong tương lai ở châu Phi trong bối cảnh các cường quốc lớn và đang trỗi dậy khác thành lập những tổ chức tương tự.
Trong cơ chế hợp tác của FOCAC, Hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn, được tổ chức ba năm một lần, tạo ra một nền tảng quan trọng để Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng toàn cầu của mình và để các quốc gia châu Phi - cả riêng lẻ và tập thể - hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về các vấn đề chính trị và kinh tế.
Sự quan tâm mà các quốc gia châu Phi đặt vào sự kiện này, vì thế, cũng rất rõ ràng: Năm nay, 53 nước châu Phi đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Bắc Kinh từ 4 đến 6/8/2024. Ngoại lệ duy nhất là Eswatini, quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan (TQ), là không được mời tham dự.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay là cơ hội để châu Phi tìm ra cách vượt qua những thách thức của thời kỳ hậu COVID. Các hội nghị thượng đỉnh trước đã mang lại lợi ích hữu hình cho các quốc gia châu Phi. Ví dụ, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi lần thứ 8 tại Dakar năm 2021, Kenya đã trở thành nước xuất khẩu hoa lớn nhất sang Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 800 triệu USD.
Một tác động tích cực khác liên quan đến việc mở ra giao thương mới giữa các nước châu Phi và Trung Quốc kể từ năm 2021 là thúc đẩy thương mại điện tử, mà việc mở đường cho cà phê Ethiopia xuất khẩu sang Trung Quốc là ví dụ. Và, thông qua Quỹ Hòa bình và An ninh Trung Quốc - châu Phi, một lượng lớn tài chính cũng như trang thiết bị của Trung Quốc đã được chuyển hướng đến Kiến trúc Hòa bình và An ninh châu Phi (APSA) - một cơ chế hợp tác của các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) mà trong đó hướng đến ba mục tiêu chính: phòng ngừa xung đột, quản lý xung đột và xây dựng hòa bình.
Hội nghị thượng đỉnh năm 2024 của FOCAC diễn ra tại Bắc Kinh vì thế là sự kiện ý nghĩa đối với cả Trung Quốc và châu Phi, có ảnh hưởng đến hướng đi tương lai của quan hệ hợp tác giữa hai phía. Hội nghị quan trọng đối với Trung Quốc và các ưu tiên toàn cầu của nước này, đồng thời cũng quan trọng với châu Phi trong việc tận dụng những tương tác với Trung Quốc để phát triển.
Chiến lược toàn diện của Trung Quốc với châu Phi
Kế hoạch của Trung Quốc với châu Phi rất rõ ràng. Bắc Kinh đã vạch ra các chiến lược toàn diện vào năm 2006, 2015 và 2021. Những chiến lược này nêu chi tiết vị thế của Trung Quốc trong mối quan hệ với các quốc gia châu Phi, như một phần trong tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh với tư cách là một cường quốc toàn cầu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh FOCAC lần trước vào năm 2021, 4 văn kiện đã được thông qua. Trong số đó, nổi bật là “Tầm nhìn 2035 về hợp tác Trung Quốc - châu Phi”. Văn bản này phác thảo khuôn khổ hợp tác chung trong 15 năm, được Trung Quốc và các nước châu Phi cùng nhau xây dựng nhưng các nhà quan sát lưu ý rằng khía cạnh nổi bật nhất của nó là khung thời gian trùng với kế hoạch 2035 của chính Trung Quốc: “Tầm nhìn 2035”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh FOCAC lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định Trung Quốc đang tận hưởng mối quan hệ “tốt nhất trong lịch sử” với các quốc gia châu Phi, đồng thời cam kết sẽ tài trợ 360 tỷ NDT (khoảng 51 tỷ USD) cho châu Phi trong vòng 3 năm tới. Ông cũng cho biết Trung Quốc muốn tạo ra một triệu việc làm tại châu Phi và cùng các nước ở lục địa này triển khai 10 hành động đối tác lớn thúc đẩy hiện đại hóa.
Phát biểu trước hơn 50 nhà lãnh đạo châu Phi cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi xây dựng mạng lưới kết nối Trung Quốc - châu Phi trên bộ, trên biển và tăng cường phối hợp phát triển, đồng thời khuyến khích các nhà thầu Trung Quốc quay trở lại châu Phi sau khi các lệnh hạn chế vì COVID-19 làm gián đoạn các dự án đã được dỡ bỏ. “Chúng ta đã cùng nhau xây dựng đường sá, đường sắt, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp và các đặc khu kinh tế. Những dự án này đã thay đổi cuộc sống và vận mệnh của nhiều người”, ông nói.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, sau lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, các đại biểu đã thông qua “Tuyên bố Bắc Kinh” về xây dựng “tương lai chung trong kỷ nguyên mới”. Bắc Kinh muốn nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược với tất cả quốc gia châu Phi mà họ có quan hệ ngoại giao, qua đó đưa quan hệ Trung Quốc - châu Phi lên tầm cao mới, trở thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Tăng cường vị thế của châu Phi trong hợp tác
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần thứ 9 diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc với lục địa này đang đối mặt với nhiều thách thức. Nợ của châu Phi đối với Trung Quốc là một điểm bế tắc. Ước tính, Trung Quốc đã cung cấp hơn 170 tỷ USD tiền vay cho 49 quốc gia và tổ chức khu vực châu Phi từ năm 2000 đến năm 2022. Angola, Ethiopia, Kenya và Zambia là những nước đang gánh khối nợ đặc biệt cao với Trung Quốc. Họ biết rằng Bắc Kinh khó có thể xóa nợ dễ dàng.
Bất chấp những thách thức này, châu Phi không phải là không có điểm tựa trong các giao dịch với Trung Quốc. Dù toàn bộ các nước châu Phi đều không mạnh về kinh tế, nhưng với 54 trên tổng số 193 ghế thành viên Liên hợp quốc, “lục địa đen” đang nắm giữ sức mạnh địa chính trị đáng kể. Quyền bỏ phiếu của châu Phi trong các vấn đề quốc tế chắc chắn có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc.
Để sử dụng lợi thế này trong mối quan hệ với cường quốc số hai thế giới, châu Phi cần có tầm nhìn rõ ràng và cách tiếp cận chiến lược. Nhưng không giống như Trung Quốc, các quốc gia châu Phi vẫn chưa đưa ra một thỏa thuận hoặc chính sách toàn diện, thống nhất nêu rõ các lợi ích chiến lược của châu lục này và cách thức những lợi ích này phù hợp với “Tầm nhìn hợp tác Trung Quốc - châu Phi 2035”.
Ông Theo Neethling - Giáo sư Khoa học Chính trị của Đại học Free State (Nam Phi), cho rằng, muốn củng cố vị thế của mình, các nước châu Phi phải đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận phối hợp hơn thay vì đàm phán riêng lẻ, khiến sức mạnh mặc cả bị suy yếu.
“Trong trường hợp không có lập trường thống nhất, các nước châu Phi có thể tính đến phương án đàm phán như các cộng đồng kinh tế khu vực”, Giáo sư Neethling phân tích. “Đây là một thách thức lớn. Nhưng các quốc gia hàng đầu châu Phi và các khối khu vực có thể bắt đầu bằng cách xây dựng những chiến lược kết nối, sau đó sử dụng lợi thế cạnh tranh này để tìm kiếm lợi ích nhiều hơn từ mối quan hệ với Trung Quốc. Dưới góc nhìn đó, sự lãnh đạo hiệu quả sẽ là chìa khóa để phát triển một chiến lược thống nhất của châu Phi”.
Ngoài ra, Giáo sư Neethling cũng cho rằng, khu vực tư nhân phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ lợi ích của châu Phi trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc. “Vào tháng 7 vừa qua, đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố những cải cách quan trọng theo định hướng thị trường. Những diễn biến này nối tiếp sự chuyển dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình từ phát triển tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao và dự kiến sẽ đẩy nhanh xu hướng được thấy tại Hội nghị thượng đỉnh Dakar năm 2021: chuyển từ các sáng kiến do nhà nước lãnh đạo sang tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân”, Giáo sư Neethling nhấn mạnh.
Những chiến lược kể trên đặc biệt giá trị khi xét đến việc Trung Quốc là một quốc gia có tinh thần kinh doanh cao và ứng biến linh hoạt. Ông Ovigwe Eguegu, nhà phân tích chính sách của Công ty tư vấn Development Reimagined (Nigeria), cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng, Trung Quốc “luôn rất chủ động trong việc tìm hiểu tư duy của khu vực” nên sẽ có những điều chỉnh kịp thời nếu châu Phi chuyển mình theo hướng tự tin hơn, đoàn kết hơn trong những cuộc thương thảo về sự hợp tác giữa đôi bên.