“Chìa khóa” cho sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ở châu Á
Theo giới phân tích, chuỗi cung ứng giữa Mỹ và phương Tây không hẳn là “tách biệt” (decoupling) khỏi Trung Quốc mà thực chất là sự chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc và tìm đến những quốc gia mới, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á. Để thành công trong quá trình này, Mỹ và phương Tây cần nắm giữ hai “chìa khóa” quan trọng hiện nay là CPTPP và RCEP.
Sự dịch chuyển diễn ra như thế nào?
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ hồi năm 2018, Mỹ và một số nước phương Tây phát triển đã nỗ lực thúc đẩy quá trình “phân tách” chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Điều này từng gây quan ngại về nguy cơ đổ vỡ các chuỗi cung ứng ở Châu Á. Nhưng trên thực tế, các chuỗi cung ứng không đổ vỡ mà chỉ chuyển dịch từ nước này sang nước kia.
Mặc dù rủi ro chính sách khiến các công ty phải đánh giá lại những địa điểm sản xuất song chưa hề có một cuộc “tháo chạy” nào ra khỏi Trung Quốc. Trái lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này lại gia tăng. Thương mại song phương Mỹ-Trung tiếp tục tăng. Thay vì giảm sự lệ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Châu Á, Mỹ nhập khẩu nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á.
Việc nhập khẩu nhiều hơn từ ASEAN không đồng nghĩa với việc mua ít hơn hoặc tách biệt hẳn với Trung Quốc về thương mại. Thay vào đó, xu hướng này là chỉ dấu cho thấy Mỹ và một số nước phương Tây đang triển khai chiến lược đa dạng hóa rủi ro, hay còn gọi là “Trung Quốc+1”. Theo đó, các công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đồng thời dịch chuyển sang một nước khác, đặc biệt là ASEAN. Sự thay đổi trong quá trình hội nhập và tích hợp chuỗi cung ứng đã giúp mở rộng “công xưởng thế giới” để bao gồm cả Trung Quốc và Châu Á. Sự dịch chuyển một phần này cũng là cách quản lý sự đứt gãy chuỗi cung ứng do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế và tác động của dịch bệnh.
Theo số liệu phân tích do tập đoàn ngân hàng quốc tế BNP Paribas của Pháp cung cấp, xu hướng dòng chảy FDI gia tăng ở các nước ASEAN cũng cho thấy sự mở rộng của chiến lược “Trung Quốc+1”. Điều đáng lưu ý là phần lớn dòng chảy FDI đổ vào ASEAN lại xuất phát từ Trung Quốc, vốn hiện chiếm 40% tổng vốn FDI so với chỉ 10% cách đây vài năm. Như vậy, rõ ràng, điều này chứng minh rằng xu hướng phân tách khỏi Trung Quốc (decoupling) thực chất đang diễn ra theo cách thức khác.
Cách thức khác này được diễn giải như sau: Trước đây, các bộ phận và thành phần được vận chuyển từ ASEAN đến Trung Quốc, nơi chúng sẽ được lắp ráp thành những sản phẩm hoàn thiện để được bán ra thị trường thế giới. Chu trình này khiến Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” như lâu nay chúng ta vẫn được nghe đến. Thế nhưng, giờ đây, quá trình này dường như đang đảo ngược, tức Trung Quốc đang cung cấp cho ASEAN những sản phẩm góp phần củng cố năng lực xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Châu Á nói riêng cho thế giới.
Ở một góc độ khác, xu hướng dịch chuyển nói trên cũng góp phần củng cố sự hội nhập và gắn kết chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc. Trên thực tế, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vượt quá cả quy mô thương mại Mỹ-Trung. Điều này không chỉ cho thấy tiềm năng gắn kết kinh tế to lớn giữa hai bên mà còn cho thấy khả năng hợp tác trong thời kỳ trong và sau đại dịch.
Tóm lại, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra một cách tinh tế ở Châu Á, khiến khu vực này, đặc biệt là ASEAN, trở thành một trung tâm sản xuất mới nổi cho các thị trường thế giới. Có rất ít bằng chứng về sự tách biệt chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc khu vực ra khỏi Trung Quốc, quốc gia vẫn giữ vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
CPTPP và RCEP: “Chìa khóa” cho Mỹ và phương Tây
Giới phân tích cho rằng quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á sẽ tăng tốc sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do gồm 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, có thể có hiệu lực vào năm 2022.
Mới đây, Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi hồi năm 2017. Hiện chưa biết chắc Bắc Kinh sẽ được phê duyệt tham gia vào hiệp định những “tiêu chuẩn cao và nguyên tắc vàng” này hay không. Song nếu được, thì Trung Quốc sẽ nắm giữ ba chìa khóa quan trọng gồm RCEP, BRI và CPTPP để có thể đóng vai trò nhất định hoặc chi phối các chuỗi cung ứng của Châu Á.
Trong khi đó, khi đang không nắm hai “chìa khóa” CPTPP và RCEP, chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ chỉ thành công một phần, thậm chí chỉ mang tính chắp vá mà không đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Nhận định trên tờ Straits Times của Singapore hồi đầu tháng 9, ông Vikram Khanna, Phó tổng biên tập đồng thời là cây bút chuyên về kinh tế của báo này cho rằng, lựa chọn chính sách khôn ngoan nhất sẽ là Mỹ gia nhập trở lại CPTPP. Đây là khuôn mẫu sẵn có tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc mối quan hệ thương mại với Châu Á, và cũng có thể là với Anh, nước đã xin gia nhập CPTPP. Mục tiêu cố gắng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng ở Châu Á mà không can dự kinh tế rộng rãi hơn với khu vực sẽ là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Mới đây, khi cảnh báo các nước CPTPP cần “thận trọng” khi xem xét đơn xin gia nhập của Trung Quốc, Nhà Trắng đã không hoàn toàn loại bỏ khả năng Washington sẽ quay trở lại liên minh thương mại này.