Chống gian lận thương mại trên mạng xã hội

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1)

Thứ Hai, 27/03/2023, 21:31

Thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu, nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho những hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng cấm. Mặc dù cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, khung pháp lý tương đối đầy đủ nhưng những chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái vẫn bán tràn lan trên mạng, chặt đứt cái này lại mọc ra cái khác…

Mảnh đất màu mỡ cho kinh doanh hàng giả

Không chỉ người tiêu dùng mà cả cơ quan quản lý đều không phủ nhận việc phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đang tồn tại nhiều mặt trái. Các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng chuyên nghiệp với nhiều chiêu thức tinh vi. Nếu hoạt động tại những vị trí cụ thể như: shop, chợ... thường bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, thì thời gian gần đây, các đầu nậu của hàng giả, hàng nhái tìm cách bán online.

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1) -0
Vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng đang rất khó kiểm soát.

Thực tế, kênh mua bán này đang bị buông lỏng về mặt quản lý và thiếu sự kiểm định về chất lượng. Công tác phát hiện, xử lý cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Những kẽ hở này vô tình khiến hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên mạng.

Lướt Facebook, chúng ta thường dễ dàng bắt gặp những shop “hàng hiệu chính hãng” livestream với những lời mời gọi có cánh. Điều đáng nói, những sản phẩm gắn các thương hiệu nổi tiếng như L.V, Channel, Hermes… thường được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá của hãng(!) Tuy nhiên, shop nào cũng cam kết đó là hàng hiệu chuẩn, lý do bán rẻ là nhờ sự chia sẻ livestream của khách hay do săn được hàng sale?

Một shop “hàng hiệu” có tên Christian Le Squer đã mời một cô gái trẻ, đẹp để livestream bán hàng. Thương hiệu mà cô gái nhắc đến là chiếc đồng hồ danh giá Hublot, tuy nhiên khi chốt giá, cô gái này đưa ra một cái giá mà khiến tất cả người xem livestream đều ngỡ ngàng: “Sản phẩm siêu hot, siêu sang chảnh này có giá chưa đến 300 nghìn đồng nhé mọi người. Mọi người chốt nhanh không mất lượt ạ”, người bán hàng nói. Điều đáng nói, rao bán bất kể sản phẩm nào, cô gái cũng khẳng định chắc nịch có hẳn “giấy” của thương hiệu chính hãng, nhưng thực tế đó chỉ là tờ giấy chứng nhận rất… giả.

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1) -0
Kiểm tra cửa hàng của Trang Nemo.

Không chỉ cá nhân, các shop bán online những mặt hàng như áo quần, túi xách, kính mát, giày dép được làm nhái thương hiệu nổi tiếng ngay trên các trang bán hàng được hợp thức như Lazada, Shopee... cũng ngang nhiên rao là hàng hiệu với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Việc các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đúng chuẩn thời công nghệ, nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái và thực tế cho thấy tình trạng này đang diễn biến một cách vô tội vạ.

Có nhu cầu tìm mua loại nước hoa Touch of pink của hãng Lacoste, phóng viên đã lên Shopee để tìm hiểu sản phẩm. Cùng 1 sản phẩm nhưng giá rao bán tại mỗi quầy hàng trên sàn thương mại điện tử lại rất khác nhau. Giá cao nhất xấp xỉ 2 triệu đồng (giá này tương đương với giá bán tại Thế giới nước hoa – pv), giá thấp nhất chỉ là 390 nghìn đồng? Dù không đặt mua nhưng chỉ nhìn qua giá hơn 300 nghìn đồng so với giá bán chuẩn gần 2 triệu đồng cũng có thể đánh giá đây chỉ là loại hàng Fake. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được giao bán công khai trên Shopee.

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1) -0
Một người mẫu rao bán hàng hiệu giá rẻ trên trang cá nhân.

Qua đó cho thấy, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường đang ngày càng khó kiểm soát. Chưa kể, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng khi sử dụng.

Việc mua bán trên mạng xã hội thật - giả lẫn lộn, có trường hợp dùng hàng nhái tinh vi để lừa khách hàng mua với đúng giá trị hàng thật và cũng có kiểu kinh doanh công khai là hàng fake, hàng siêu cấp giả thương hiệu nổi tiếng bán với giá vài trăm, vài triệu đồng. Lân la trên “chợ” mạng rất dễ dàng tìm mua các sản phẩm được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci, Louis Vuitton... với giá chả khác nào ở chợ Ninh Hiệp.

Kiểm soát cách nào?

Những năm vừa qua, khi cả thế giới trải qua đại dịch COVID -19, thương mại điện tử có cơ hội tăng trưởng bứt phá, hỗ trợ lớn cho sự phát triển kinh tế. Bộ Công thương mới đây đã thống kê, tổng số bán lẻ hàng hóa trên môi trường trực tuyến năm 2021 đạt 13,5 – 13,7 tỷ USD,  năm 2022 là 16,5 tỉ USD và đến năm 2025 có thể đạt 38 - 39 tỉ USD. Nước ta nằm trong nhóm 3 nước có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Khi mà nhu cầu mua sắm trực tuyến bùng nổ sẽ kéo theo những thủ đoạn mới của người bán hàng. Các thủ đoạn thường thấy là người bán hàng lập nhiều tài khoản mạng xã hội và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp nhưng không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); hay việc một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1) -0
Túi Gucci giá vài trăm nghìn đồng được rao trên shopee.

Trong một diễn đàn về “Ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử”, Ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) đã phải thừa nhận rằng, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, việc phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…

Để tăng lượng tương tác, doanh số bán hàng, nhiều shop online còn trả phí cho các nhà mạng để quảng cáo, thu hút người xem. Bên cạnh đó, có không ít bài báo, video clip… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam bị các đối tượng ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên trên các nền tảng để trục lợi quảng cáo gây ảnh hưởng uy tín nặng nề cho các đơn vị này. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã liên tục vào cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường điện tử, phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử.

Tháng 12/2022, một thống kê đáng chú ý của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nên tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém.

Trong khi đó việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch TMĐT cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.

Chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái (bài 1) -0
Nước hoa Lacoste giá vài trăm nghìn đồng.

Với tâm lý sính hàng hiệu, nhưng người tiêu dùng lại thiếu thông tin về hàng giả và hàng chính hãng nên khách hàng vẫn đặt mua sản phẩm. Cũng có người tiêu dùng biết sản phẩm đó là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận dùng vì giá rẻ, lại thỏa mãn tâm lý thích dùng hàng hiệu. Điển hình là việc tiêu dùng tùy tiện theo ý thích của giới trẻ đối với nhóm hàng mỹ phẩm, thời trang quần áo, giầy dép, túi xách và đồ dùng sinh hoạt gia đình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những nỗ lực của cơ quan chức năng không đạt hiệu quả.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ: “Các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử còn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Như Dior thì viết thành D.I.O.R hoặc DIO, Gucci thành Guc.ci…. Khi cơ quan chức năng phát hiện những từ khóa này là hàng vi phạm thì các đối tượng lại nghĩ ra từ khóa khác. Do đó việc kiểm soát người bán hàng hóa vi phạm đang gặp nhiều khó khăn. Chính điều này đã góp phần cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có cơ hội hoành hành, cơ quan chức năng càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này”.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam... Ngoài ra, Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, cũng đã bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch TMĐT chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào, mức độ thật giả gần như không thể kiểm chứng. Trong khi, các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT có rất nhiều cách để lách chính sách và lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.

(Còn tiếp)

Trâm Anh
.
.