Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mạch nguồn sáng tạo bất tận
Sau 70 năm, trang sử vàng của dân tộc – Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là mạch nguồn cảm xúc dồi dào cho các nghệ sĩ. Không chỉ có các sáng tác mới, nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ đã đi cùng năm tháng tiếp tục được giới thiệu rộng rãi đến công chúng với những “diện mạo” mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Đánh thức các trang sử ký bằng nghệ thuật
Những ngày này, du khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội có dịp chiêm ngưỡng 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 -2009 của 34 tác giả trong triển lãm “Đường lên Điện Biên”. Bằng phương pháp trưng bày truyền thống, kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác trải nghiệm, ngay từ khi mới khai mạc, triển lãm thu hút nhiều du khách, trong đó có không ít bạn trẻ.
Người xem như được sống lại những khoảnh khắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa với những tác phẩm kinh điển về tinh thần anh dũng chiến đấu như “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng; “Bế Văn Đàn” lấy thân làm giá súng” của họa sĩ Lê Vinh; “Kéo pháo Điện Biên” của họa sĩ Trần Đình Thọ...
Nhiều tác phẩm khắc họa sinh động những trận đánh oanh liệt tại chiến trường như “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của tác giả Nguyễn Thế Vị; “Điện Biên năm ấy” của tác giả Cao Trọng Thiềm… Tình cảm quân và dân gắn bó khăng khít, đùm bọc lẫn nhau trong thời chiến được các họa sĩ diễn tả qua các tác phẩm “Tình quân dân” của họa sĩ Nguyễn Sáng; “Đường lên Điện Biên” của họa sĩ Trần Khánh Chương.
Sự hỗ trợ đóng góp công sức của hàng chục ngàn dân công cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được khắc họa rõ nét qua tác phẩm “Việt Bắc” của tác giả Đào Đức; “Tiễn nhau đi dân công” của tác giả Lưu Văn Sìn; “Cả nước ra trận” của tác giả Lưu Danh Thanh. Chùm ký họa chiến trường Điện Biên Phủ của danh họa Tô Ngọc Vân trước lúc hy sinh là một điểm nhấn quý giá của triển lãm này.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những ngày tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều nghệ sĩ, họa sĩ trực tiếp lên đường ra trận, hòa cùng những đoàn quân hướng về Điện Biên. Bằng ngôn ngữ tạo hình phong phú, họ khắc họa chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Triển lãm “Đường lên Điện Biên” không chỉ thể hiện sự trân trọng và tự hào về những trang sử vàng của dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, mà còn là sự tri ân sâu sắc tới thế hệ các anh hùng, liệt sĩ, những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực tế, 70 năm qua, Điện Biên Phủ vẫn là đề tài hấp dẫn với nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có các họa sĩ, kể cả những người chưa từng trải qua lửa đạn của chiến trường. Họa sĩ Lưu Danh Thanh, tác giả của tác phẩm “Cả nước ra trận” cho biết, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông mới 14-15 tuổi nên không cảm nhận, hiểu được gì nhiều về chiến thắng đặc biệt này. Mãi đến năm 2004, khi Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đi thực tế lên Điện Biên, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông mới lên Điện Biên lần đầu tiên.
Điện Biên thời điểm ấy còn hoang sơ, quanh hầm Đờ Cát, giao thông hào còn đầy cỏ mọc. Nhìn chiến trường xưa rộng lớn và cập nhật thêm nhiều thông tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông luôn băn khoăn tự hỏi, với hàng vạn con người tập trung lên Điện Biên, thời điểm ấy, chắc chắn chiến trường này cần một lượng lương thực khổng lồ. Để chuyển tải được tinh thần của Điện Biên Phủ, ông quyết định chọn chiếc xe thồ như là biểu tượng cho tinh thần “Cả nước ra trận”.
Năm 2005, tác phẩm này được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, sau đó được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại. Đến tận năm nay, trong dịp triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ, ông mới có dịp gặp lại đứa con tinh thần của mình. Ngắm tác phẩm “Cả nước ra trận”, ông cũng không hiểu tại sao ngày ấy mình lại sáng tác được tác phẩm như thế, chỉ trong 2 tháng.
Chờ đợi nhiều kỳ tích mới về Điện Biên Phủ sau 70 năm
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định, những tác phẩm ra đời trong khói lửa khốc liệt của chiến tranh, trong kháng chiến chống Pháp là những trang sử ký đẹp đẽ nhất được lưu giữ lại bằng ngôn ngữ của mỹ thuật. Chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh người chiến sĩ, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ chưa bao giờ cũ. Đây là nguồn mạch chảy mãi, luôn tạo nên những cảm xúc mới, đặc biệt, cảm hứng sáng tạo vô tận cho các thế hệ sau.
Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tiếng nói của nghệ thuật đã và đang cho thấy tấm lòng, tình cảm vô bờ của nghệ sĩ thế hệ hôm nay với Điện Biên Phủ, với những cống hiến, hy sinh của cha ông. Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên” hơn 3.000m2 tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang thu hút đông đảo du khách đến Điện Biên những ngày này là một kỳ tích của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian đa chiều, với hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng hùng vĩ của Tây Bắc…, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, tác phẩm tái hiện sống động toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên không gian vừa thực, vừa ảo.
Tại Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, Hà Nội, triển lãm chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức cũng đã phần nào cho thấy nguồn mạch sáng tạo vô tận từ Điện Biên Phủ. Với 70 tác phẩm tranh, tượng của các họa sĩ, nhà điêu khắc được trưng bày, triển lãm giúp công chúng yêu nghệ thuật nhìn lại trang sử vàng của dân tộc, thấu hiểu và trân trọng hơn những cống hiến, hy sinh của cha ông vì độc lập, tự do cho tổ quốc.
Không chỉ có mỹ thuật, Điện Biên Phủ trở thành mạch nguồn cảm xúc bất tận cho nhiều văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác. Hàng trăm tác phẩm hưởng ứng Tháng Âm nhạc “Bài ca Điện Biên”, trại sáng tác âm nhạc chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức là thành quả không khó nhận thấy trong thời gian qua.
Kho tàng âm nhạc với nhiều tác phẩm đã đi cùng năm tháng về đề tài Điện Biên Phủ tiếp tục được khai thác, giới thiệu đến công chúng với những sắc màu mới, lạ, hấp dẫn hơn qua những sáng tạo không ngừng của nghệ sĩ nhiều thế hệ. Sự thăng hoa của 300 nghệ sĩ trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm tổ chức trong ngày 2-3/5 là một điển hình.
Đây cũng là chương trình hiếm hoi tập trung dàn dựng, biểu diễn các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc viết về Điện Biên Phủ của các nhạc sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, các tác phẩm xuất sắc được trao Giải thưởng tại Đại hội Văn công Toàn quốc lần thứ nhất, năm 1954. “Giải phóng Điện Biên” – ca khúc được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay trong đêm 7/5/1954, đã rất quen thuộc với người yêu âm nhạc, nhưng vẫn tạo nhiều bất ngờ cho khán giả khi vang lên trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm với dàn kèn đồng của Đoàn Nghi lễ CAND.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - “Giải phóng Điện Biên” là giai điệu đặc biệt của chiến thắng, không chỉ của riêng Chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn là chiến thắng của toàn dân tộc. Ngoài ý nghĩa chính trị, đáp ứng yêu cầu thời sự, tác phẩm đã khẳng định được giá trị lâu dài về mặt nghệ thuật. 70 năm qua, “Giải phóng Điện Biên” vẫn vang lên trong nhiều chương trình lớn ở trong nước và nước ngoài. Bản phối tác phẩm này sử dụng trong chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” được ông thực hiện cho dàn nhạc kèn.
Trước đó, ông từng thực hiện bản phối tác phẩm này cho dàn nhạc giao hưởng và cũng từng được nhiều dàn nhạc khác nhau ở trong nước và nước ngoài biểu diễn. Điều đáng quý nhất là qua các chương trình, tác phẩm vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần ban đầu. Bản phối được ông thực hiện cho dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn cũng giữ đúng theo tinh thần như thế.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi, tổng đạo diễn kiêm chỉ huy dàn nhạc chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” cũng cho hay, bản phối các tác phẩm được biểu diễn trong chương trình này đều do các nhạc sĩ đương đại thực hiện, có nhiều sáng tạo mới, nhưng đều tuân thủ tiêu chí chung là phải giữ vẹn nguyên tinh thần ban đầu của tác phẩm. Lê Phi Phi trưởng thành khi đất nước đã không còn cảnh bom rơi, đạn nổ, nhưng cha anh – nhạc sĩ Hoàng Vân, cũng là một người lính, một nhạc sĩ chiến trường. Trong đó, “Hò kéo pháo” đã trở thành thương hiệu của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Tác phẩm đồ sộ “Điện Biên Phủ” gồm 4 chương, được cha anh viết cho hợp xướng, lĩnh xướng và dàn nhạc giao hưởng. Tuy nhiên, không chỉ với riêng các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà với toàn bộ các tác phẩm của các nhạc sĩ được biểu diễn trong chương trình nói chung, các nghệ sĩ đều thực hiện bằng cả trái tim, sự tự hào của những người con, người cháu đối với cha ông. Các nghệ sĩ đã nỗ lực sáng tạo với tinh thần, quyết tâm cao nhất nhằm đưa những di sản âm nhạc nói chung, di sản âm nhạc gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng đến với công chúng nhiều hơn nữa.
Theo sát con gái - nữ nghệ sĩ piano tài năng Bích Trà - trong suốt những ngày chuẩn bị cho chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, NSND Trà Giang xúc động chia sẻ rằng, bà thật sự bất ngờ. Những gì mà người làm nghệ thuật thuộc thế hệ của bà và thế hệ trước đó nữa chưa làm được, từng mơ ước, đến nay, những người trẻ đang dần biến thành hiện thực. Nữ nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh cách mạng cũng bày tỏ tin tưởng, với những điều kiện ngày càng đủ đầy, với những nghệ sĩ trẻ đầy say mê, nhiệt huyết và tài năng như hiện nay, chúng ta sẽ có ngày càng nhiều tác phẩm xuất sắc hơn về Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, về lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung.