Chợ phiên Tết quê

Thứ Hai, 31/01/2022, 17:11

26 Tết. Mẹ dậy lúc trời vẫn đậm đặc bóng tối rồi thúc giục: “Nào, con có dậy đi chợ Sa không?”. Thật khó để chui ra khỏi tổ ấm trong ngày đông rét cắt da cắt thịt, nhưng cái mùi chợ Tết như phảng phất đâu đây đã lôi tôi dậy. Hôm nay là phiên chợ cuối cùng trong năm.

Vội vã mặc thêm mấy lần áo ấm, chụp mũ len kín tai rồi vuốt tí nước lạnh buốt lên mắt cho tỉnh ngủ, tôi run run leo lên gác-ba-ga xe đạp mẹ đã đặt trên đó chiếc áo cũ ngồi cho êm. Gió vẫn ù ù trên ngọn cây hồng bì trước sân. Trong lòng háo hức.

bo xung.jpg -0

Tôi chẳng nhớ Tết đó là năm nào, khi tôi còn rất bé, tức là đã gần bốn mươi năm rồi. Từ nhà đến chợ khoảng 3 cây số nhưng với đứa trẻ con thời chỉ biết cái xe đạp là phương tiện hiện đại duy nhất, tôi thấy thật xa. Hết con đường làng khấp khểnh lát gạch nghiêng lồi sống trâu là đến đoạn đường đất nhẵn thín ngày nào bọn trẻ chúng tôi cũng đi bộ tới trường. Rồi lại qua những quãng đồng gió gào qua tai như ma trêu. Tôi nhích gần yên xe, ôm mẹ lấy thêm hơi ấm. Cuối cùng thì cũng nghe tiếng chợ trước khi nhìn thấy những bóng người lụi cụi xếp nông sản, hàng hóa. Rồi mùi nồng nồng, tanh tanh của bùn đất nền chợ, của vật nuôi được mang ra mua bán, trao đổi. Tiếng gà con, vịt con liếp chiếp, mấy con lợn khoọc khoọc trong chiếc lồng tre nằm lăn lóc. Phía kia, các bà, các mẹ vây quanh một đám lá dong chất cao ngang người, lựa chọn những bó lá to, xanh và lành lặn. Trời bắt đầu sáng...

Chợ Sa nằm ngay trong vùng di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Xưa, đây là nơi giao thương của cả vùng gồm nhiều xã như: Đông Hội, Cổ Loa, Mạch Tràng, Xuân Canh... Chợ họp 6 phiên một tháng, vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Chẳng ai biết chợ có từ bao giờ. Theo cuốn “Địa chí Cổ Loa” của Nhà xuất bản Hà Nội, cái tên chợ Sa có từ rất lâu đời. Trong văn bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) đã có địa danh chợ Cầu Sa, địa bạ xã Mạch Tràng lập năm 1805 cũng nhắc đến địa danh chợ Cầu Sa: “Chợ Sa nằm trên bãi Sa của sông Thiếp (Hoàng Giang) bên tả ngạn, phía Nam, ngoài Thành Ngoại. Chợ họp ngay trên khu đất cao mỗi tháng 6 phiên...”.

Phiên chợ cuối năm ngày 26-12 âm lịch là đặc biệt nhất. Cả vùng, ai cũng chờ đến ngày này để sắm Tết, từ thực phẩm, bánh trái cho đến tấm áo mới. Thứ bán bạt ngàn ở chợ ngày này là lá dong và lạt buộc bánh chưng, thịt lợn, gà trống cúng đêm giao thừa, măng, miến, chuối xanh, bưởi... Mẹ tôi thường mua kẹo lạc, kẹo vừng và chè lam mời khách ngày Tết. Những miếng kẹo lam dẻo dẻo, thơm mùi gừng, lũ trẻ con thích mê.

Chợ phiên nổi tiếng Hà thành phải kể đến chợ Bưởi, chợ Mơ... nhưng giờ chỉ riêng chợ Sa vẫn mang nét xưa cũ. Thi thoảng tôi đi chợ phiên để ngắm nghía, mua mớ trám đen của bà cụ Khiêm ở xóm Vang, hỏi chuyện chị Thảo người Từ Sơn có “thâm niên” 30 năm bán quà vặt ở đây, từ khi chị còn là thiếu nữ theo mẹ đi bán hàng... Chợ đặc biệt ở chỗ, mỗi phiên lại có người bán hàng mới. Nhà nào trồng được gì, nuôi được gì thì mang bán thứ đó. Người đan rổ rá, người trồng rau, người nuôi chó mèo, lợn, gà... Mỗi đận lại có bất ngờ mới. Thế nên, có đi nhiều cũng không chán.

Chợ phiên Tết quê -0
Những sản phẩm truyền thống bày bán ở chợ phiên

Phiên trước tôi đi mua cây giống về trồng. Phiên sau tôi lang thang ngắm những mèo con, cún con. Bắt gặp bà cụ ôm chú cún con, miệng bỏm bẻm: “Cô mua con cún này đi! Nó ngoan lắm!”. Hỏi cụ năm nay được bao tuổi, bà cười tươi: “60 cô ơi! Cô trông tôi có già không?”. Rồi, không để khách kịp trả lời, cụ tiếp: “Nói đùa cô ấy, chứ tôi hơn 90 rồi...”. Mấy chị xung quanh góp chuyện: Con cụ ấy cũng đã ngoài 60 cả... Cả dãy bán hàng rộn tiếng nói cười thân thiện.

Cô bạn thân của tôi làm việc gần hồ Tây, hằng ngày đi siêu thị, trung tâm thương mại nhưng vẫn giữ thói quen đi chợ phiên mỗi khi trùng với ngày nghỉ cuối tuần. Cô nói cô thích mua hàng của mấy cụ già: “Cụ có một mẹt rau, cụ có mấy quả cà chua, vài cái bắp cải. Có cụ bán một nải chuối, vài quả bưởi. Bán được ít tiền, các cụ quấn chặt, buộc vào cái túi may trong cạp quần chun. Có hôm vừa mua hàng, tôi vừa trêu các cụ:

- Bưởi ngon không cụ?

- Tôi thề với cô là bưởi ngon!

- Cháu không tin.

- Cô mang về ăn đi, không ngon tôi đền gấp 10. Tôi thề! Tôi thề!

Rồi cả người mua và người bán cùng cười, nụ cười xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Có lẽ vì chợ phiên ở đây còn mang nét văn hóa xưa cũ mà có bà, có chị đều đặn từ nội thành lên xe buýt ngược ra Cổ Loa để ngắm nghía, chơi chợ. Người mua, bán đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng cứ như quen biết, cứ như người cùng làng.

Nhớ lại phiên chợ ngày giáp Tết thời ấu thơ, khi mẹ đã mua đủ đồ cho mấy ngày Tết, tôi lẽo đẽo theo mẹ ra chỗ để xe đạp. Trời đã rạng. Tiếng gà gáy cất lên không lanh lảnh mà như khắc khoải từ chiếc lồng của người bán vật nuôi. Tôi giật mình nhớ đến tiếng gà gáy lúc ban mai làm các nàng tiên quăng gánh đất bay về trời, để lại vòng thành xây dở dang trong câu chuyện bà kể. Tôi ngơ ngác nhìn lên bầu trời, mong một áng mây trôi như dải yếm trắng của nàng tiên mà chẳng thấy. Chỉ có vòng thành cổ thì vẫn xanh ngăn ngắt một màu qua hết phiên chợ này đến phiên chợ khác.

Tiếng mẹ gọi giật: “Ơ, ngẩn ngơ gì kìa? Lên xe về nào!”. Tôi luống cuống trèo lên xe. Mẹ dúi cho cái túi đựng mấy viên kẹo bột, cái bánh đa. Tay túm áo mẹ mà lòng vui như Tết đã về.

Tuổi thơ thoáng chốc qua như cơn gió. Giờ đây, nhiều người đến chợ phiên không phải để mua đồ mà là đi ngắm chợ, tìm cái dung dị giữa cuộc sống xô bồ, để nhớ cái quá khứ nhọc nhằn, lam lũ một thời không thể quên. Lứa tuổi tôi giờ đã đi chợ phiên được mấy chục năm, vẫn vô tình gặp nhau ở một hàng nào đó, lúc là hàng xén, lúc ở chỗ bán cây, nơi bán vật nuôi... Gặp nhau vẫn háo hức hẹn phiên sau mời nhau bát bánh đúc, bỏng ngô, cái kẹo vừng, bát bún riêu.

Chợ phiên ở Cổ Loa đã mang trong mình giá trị tinh thần của một vùng đất thiêng cùng với cố đô xưa, với truyền thuyết đánh giặc ngoại xâm và câu chuyện tình lịch sử bi thương. Nhiều lúc, tôi cứ quẩn quanh với tiếng gà gáy, tưởng như âm thanh từ ngàn xưa vọng lại. Nhìn quanh lại cứ ngỡ “bàn chân trắng như ngà, gót đỏ như sen, đạp trên mây trắng, trôi đi trôi lại, khi lên khi xuống” như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng miêu tả các nàng tiên xây thành như vẫn vừa đâu đây.

Truyền thuyết về thành cổ, về lịch sử giữ nước của ông cha từ thuở hồng hoang đã thấm đẫm tâm hồn những đứa trẻ như tôi. Nơi đây vẫn còn nhiều giá trị văn hóa để khám phá, và hẳn là, chợ phiên không chỉ là nơi giao thương mà cũng là một nét văn hóa quyến rũ của vùng đất cố đô này.

Việt Hà
.
.