Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt một nhà văn Mỹ

Thứ Tư, 15/05/2024, 07:10

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Trên thế giới không có lãnh tụ nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gặp lại chúng tôi tại Hà Nội vào đầu tháng 5 khi cả nước đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà văn người Mỹ Lady Borton cho biết, ngoài việc hoàn tất bản thảo cho cuốn sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond”, bà cũng đang tìm kiếm tư liệu để bổ sung cho cuốn sách bằng tiếng Anh về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

anh 1.jpg -0
Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton.

Nữ nhà văn Mỹ kể với chúng tôi rằng, bà gắn bó với dải đất hình chữ S từ năm 1969 khi tới Quảng Ngãi làm việc cho một tổ chức thiện nguyện. “Với tư cách là một quản lý, tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân Việt Nam để hiểu được nỗi đau của người dân trong chiến tranh. Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát, đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, dù Việt Nam lúc đó phải chịu cảnh chia cắt nhưng không ít người dân miền Nam bằng nhiều cách vẫn biết được tin này và thậm chí, bất chấp sự ngăn cản của chế độ cũ, họ bày tỏ công khai sự tiếc thương với vị lãnh tụ kính yêu. Thời điểm đó, tôi cũng biết tin này qua một người bạn Việt Nam. Những người dân tôi biết đều ủng hộ mục tiêu giành lại "Độc lập - Tự do" cho Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi thực sự ấn tượng khi chứng kiến tình cảm mà người dân tại Quảng Ngãi dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bà Lady Borton nhớ lại.

anh 6jpg.jpg -0
Nhà văn Lady Borton ở núi Thiên Ân, Quảng Ngãi năm 1969. Ảnh: NVCC.

Những năm sau đó, để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, bà Lady Borton bắt đầu tự học tiếng Việt rồi tìm cách chuyển ngữ các cuốn sách Việt Nam sang tiếng Anh, trong đó có những cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Đồng thời, bà Lady Borton cũng tìm kiếm tư liệu để cho ra đời những cuốn sách về đề tài Việt Nam đặc biệt là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chia sẻ về động lực cho hoạt động trên, bà Lady Borton cho biết, muốn đem đến cho độc giả toàn thế giới, đặc biệt là độc giả Mỹ cái nhìn của người Việt Nam về cuộc chiến trong thế kỷ 20.

Để hoàn thành cuốn sách “Hồ Chí Minh – a journey”, nhà văn Mỹ này đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức tìm kiếm tư liệu, trong đó có những tư liệu rất hiếm. Đơn cử như sự kiện Bác Hồ bị bắt và bị xét xử ở Hong Kong (Trung Quốc), trong đó bà Lady Borton phát hiện mối quan hệ thú vị giữa luật sư Francis Henry Loseby, đại diện cho Bác Hồ và luật sư Stafford Cripps, đại diện cho Bộ Thuộc địa Anh. Hay như mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Thủ tướng Neru của Ấn Độ… Đối với nhà văn Lady Borton, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công việc rất thú vị. Cảm động nhất là khi bà tiếp cận lá thư cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Nixon đang được lưu trữ tại Washington, Mỹ. Bức thư được viết chỉ 8 ngày trước khi Người qua đời.

anh 4.jpg -0
Bác Hồ trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi (Ảnh tư liệu).

Càng tìm hiểu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Lady Borton càng khẳng định chưa từng thấy một lãnh tụ nào trên thế giới giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Bác Hồ là Chủ tịch nước đầu tiên thông thạo nhiều ngôn ngữ đồng thời sở hữu kiến thức uyên thâm trong một loạt các lĩnh vực khác nhau. Tôi đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến 9 năm (từ 1945-1954). Thời gian đó đất nước các bạn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng bản lĩnh và quyết tâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã chèo lái Việt Nam đến với chiến thắng cuối cùng tại Điện Biên Phủ. Cần khẳng định, những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua đó có thể khiến nhiều người bỏ cuộc nhưng sự kiên định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp Cách mạng Việt Nam vượt qua và đi đến đích cuối cùng chính là Độc lập - Tự do", bà Lady Borton nhấn mạnh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới

Chia sẻ về lý do muốn bổ sung tư liệu cho cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Lady Borton cho biết, trước đây, Mỹ cũng từng có một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng nội dung có nhiều chi tiết sai sót, cũng như không cung cấp cho độc giả đầy đủ thông tin. Vì vậy, bà viết sách để mang lại cái nhìn chân thực và để độc giả quốc tế, nhất là độc giả Mỹ hiểu đúng, hiểu rõ hơn về lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Khi hợp tác với Nhà xuất bản Thế giới để cho ra mắt cuốn sách “Việt Nam’s people’s war: Điện Biên Phủ and beyond” (tạm dịch là "Cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam: Điện Biên Phủ và những điều bên ngoài"), một lần nữa, bà lại dành sự ngưỡng mộ rất lớn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

anh 5.jpg -0
Bìa một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng tiếng Anh của nhà văn Lady Borton.

Cũng theo nữ nhà văn Mỹ, không chỉ để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc kháng chiến 9 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặt nền móng cho nền ngoại giao nhân dân của chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm điều này từ rất lâu, trước cả khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945.

“Trong quá trình hoạt động phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì xây dựng các mối quan hệ cá nhân với nhân dân, lãnh tụ phong trào Cách mạng tại rất nhiều quốc gia. Chính những mối quan hệ này đã tạo tiền đề để nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ có thể xây dựng quan hệ với bạn bè quốc tế. Những điều này đã được Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hiệp định Paris áp dụng để tạo ra một mặt trận đấu tranh ngoại giao quy tụ được đông đảo người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo ra sức ép dư luận lên giới cầm quyền Mỹ khi đó, buộc họ phải rút quân và việc này góp phần không nhỏ cho chiến thắng cuối cùng vào ngày 30/4/1975”, bà Lady Borton khẳng định. 

anh 2.jpg -0
Ở tuổi 82, bà Lady Borton vẫn say mê nghiên cứu về Việt Nam và viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ để lại dấu ấn trong những sự kiện trọng đại của đất nước, những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Việt Nam ở thế kỷ 20, trong mắt của nhà văn Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là vị lãnh tụ gần gũi với nhân dân. Bà Lady Borton coi những bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu nhi, phụ nữ, hay những gia đình thương binh – liệt sĩ là minh chứng rõ ràng cho điều này. “Các quốc gia khác muốn thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc thường gặp khó khăn bởi có rất nhiều phe phái khác nhau, do đó khó tập hợp lực lượng. Nhưng tại Việt Nam, các bạn đã may mắn có Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhà Cách mạng có tên tuổi đủ khả năng tập hợp lực lượng để thực hiện công cuộc giành lại độc lập cho đất nước mình. Nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam sẽ rẽ sang một hướng khác và nhân dân Việt Nam sẽ còn lâu mới biết tới khái niệm “Độc lập - Tự do”, bà Lady Borton nhận định.

Nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, bà Lady Borton còn có tên tiếng Việt là Út Lý. Với rất nhiều công việc như viết báo, viết sách, dịch giả, làm từ thiện, bà không có mong muốn gì hơn là giúp thế giới hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Rất nhiều người biết nữ nhà văn Mỹ này qua những tên gọi: “Sứ giả đem văn hóa Việt sang Mỹ và thế giới”, “Người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam cặn kẽ nhất”, “Nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm về Việt Nam”…

Sông Thương - Minh Thư
.
.