Chuyện bản quyền tác giả âm nhạc thời công nghệ

Thứ Hai, 20/01/2025, 19:11

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã, đang mang lại nhiều thuận lợi, trong đó có nguồn doanh thu lớn, nhưng nhiều khi cũng mang đến những rắc rối đến khó tin với chính nhạc sĩ.

Thống kê của Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) năm 2024 cho thấy, Trung tâm đã thu được trên 393 tỷ tiền bản quyền, trong đó, 78% số tiền này đến từ kỹ thuật số. Tuy nhiên, số vụ rắc rối phải giải quyết cũng không ít.

Vui vì bản quyền, và liêu xiêu vì bản quyền

Theo Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện nay, có những nhạc sĩ sống rất tốt bằng bản quyền tác giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Có nhạc sĩ “bỗng dưng” thấy mình được trả bản quyền hàng tỷ đồng từ nước ngoài. Bản thân nhạc sĩ Đức Trịnh cũng có nguồn thu thường xuyên từ bản quyền, thậm chí không khó để nhận thấy nguồn thu này thay đổi theo từng thời điểm trong năm, như các tháng 7, tháng 8, mùa xuân, số tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc thường cao hơn nhiều thời điểm khác. Thực tế là mức chi trả này rất sòng phẳng.

ban quyen 2.jpg -1
Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tác giả có tác phẩm được sử dụng càng nhiều thì có nguồn thu càng nhiều. Chất xám của nhạc sĩ được bảo vệ. Cuộc sống của người sáng tạo ngày càng tốt hơn. Thậm chí, thân nhân của các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm nổi tiếng, được sử dụng nhiều như nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Trần Hoàn… cũng có nguồn thu, ngay cả khi các nhạc sĩ đã khuất núi. Nhưng mặt khác, tác giả cũng có khi vướng vào những rắc rối khó lường. Bản thân nhạc sĩ Đức Trịnh cũng từng gặp tình huống dở khóc dở cười khi ông sử dụng tác phẩm của chính mình nhưng kênh YouTube vẫn bị sập với thông báo vi phạm bản quyền mà không biết cách nào lấy lại được.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc của VCPMC cũng cho biết, năm 2024, Trung tâm đã thu được trên 393 tỷ đồng tiền bản quyền tác giả âm nhạc, trong đó, 78% doanh thu từ lĩnh vực kỹ thuật số, trên không gian mạng là chính. Để có kết quả này, Trung tâm đã có sự chuẩn bị từ rất lâu trước đó. Năm 2024, Trung tâm tăng cường cử người đi nước ngoài, tham gia các khoá đào tạo và hợp tác với nhiều quốc gia của châu Á, Đông Nam Á và toàn giải quyết các vấn đề về công nghệ. Trung tâm xác định, năm 2025, công nghệ là vấn đề “sống còn” trên không gian mạng. Không chỉ có VCPMC mà nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của quốc tế cũng xác định như thế. Có những sự kiện quốc tế kéo dài liên tục nhiều ngày mà VCPMC tham gia chỉ toàn nói về trí tuệ nhân tạo và các vấn đề liên quan cần kịp thời giải quyết trong lĩnh vực bản quyền.

ban quyen 1.jpg -0
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Cũng theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, thời gian qua, số vụ rắc rối mà VCPMC phải giải quyết cũng tỷ lệ thuận với doanh thu mang về. Trên 3.000 văn bản kể cả bản giấy và bản điện tử, hàng ngàn email đã được phát đi với đủ các nội dung: yêu cầu thực hiện, trả tiền, yêu cầu tái ký, gia hạn sử dụng, giải thích pháp luật, cảnh báo vi phạm, đòi các khoản nợ tiền bản quyền đến hạn mà chưa thanh toán… Cứ 2-3 ngày lại ký văn bản ra tòa. Trung tâm xác định không còn con đường nào khác ngoài con đường này, mặc dù có những vụ việc rất tốn kém.

Có những cuộc biểu diễn lớn, đối tác không trả tiền bản quyền, Trung tâm phải chi tiền mua 2-3 vé vào xem chương trình để bố trí luật sư, người của Trung tâm, mang theo thiết bị và ghi lại tất cả âm thanh, hình ảnh, sau đó mang về chạy dữ liệu, phân tích xem cái nào của VCPMC, sau đó lập vi bằng, kiện ra tòa và thắng kiện liên tục. Có những trường hợp rất đau xót, như vụ kiện của nhạc sĩ Bảo Chấn với một công ty tư nhân. Thời điểm đó, nhạc sĩ Bảo Chấn có nguy cơ mất luôn tác phẩm khi ký văn bản mà chưa hiểu rõ nội dung. Phải sau 2 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện với sự nhập cuộc tích cực của bộ phận pháp chế của VCPMC, nhạc sĩ Bảo Chấn mới thắng kiện, lấy lại toàn bộ tài sản.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho hay, thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ giải quyết khá nhiều trường hợp gặp phải rủi ro pháp lý, mất quyền, mất tác phẩm do ký chuyển giao nhưng không xem kỹ điều khoản hợp đồng, không lưu giữ hợp đồng, danh sách tác phẩm để đối chiếu, kiểm tra lại khi cần thiết. Nhiều nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ lớn tuổi bị công ty mua đứt tác phẩm với số tiền không lớn. Tiền bản quyền tác phẩm, công ty được hưởng rất lớn. Thực tế, nếu quyền tác giả được bảo lưu và tác phẩm đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả thì không chỉ có nhạc sĩ được bảo vệ quyền lợi mà những người trong gia đình sẽ được thừa hưởng tài sản/di sản là tác phẩm của họ thêm 50 năm nữa.

Liên kết, nỗ lực ứng dụng công nghệ để bảo vệ quyền lợi của tác giả

Số liệu công bố mới đây của VCPMC cũng cho thấy, năm 2024, bộ phận pháp  lý của VCPMC đã thực hiện 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) vẫn đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm.

ban quyen 3.jpg -2
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Cũng theo VCPMC, hiện nay đang có nhiều vấn đề nổi cộm trong hoạt động cấp phép. Do sự phát triển của công nghệ cũng như sự thay đổi của thị trường âm nhạc, thị hiếu công chúng, thói quen người nghe nhạc nên nguồn thu từ nhóm quyền lĩnh vực kỹ thuật số, media chiếm tỷ trọng cao hơn các nhóm quyền còn lại. Mặc dù có thể dùng biện pháp công nghệ để hỗ trợ chủ sở hữu trong việc tự bảo vệ quyền, nhưng ở lĩnh vực này vẫn còn tồn đọng khá nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả.

Thậm chí, một số đơn vị còn phản ứng thiếu tích cực, vi phạm kéo dài, cố ý hiểu lệch lạc về quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm, nhằm lôi kéo các kênh, nhà sáng tạo/sản xuất nội dung vào hệ thống mạng đa kênh (net) của mình, tự ý cam kết bảo đảm bản quyền để vi phạm một cách có hệ thống, lợi dụng cơ chế, công cụ của nền tảng để né tránh trả tiền bản quyền, đồng thời thu lợi bất chính, tước đoạt lợi ích. Do đó, thời gian qua, VCPMC đã tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả thành viên, bao gồm cả các biện pháp công nghệ và khởi kiện dân sự.

Trong lĩnh vực biểu diễn (live) nghệ thuật, việc thu tiền bản quyền cũng khó khăn. Mặc dù thị trường trong nước khá sôi động nhưng số tiền bản quyền giảm hơn so với năm 2023, chỉ chiếm 3% trong tổng doanh thu mang về. Nguyên nhân là do còn nhiều show diễn vẫn tìm cách né tránh trả tiền bản quyền, viện cớ thỏa thuận để gây chậm trễ, khó khăn, áp đặt mức giá không phù hợp, cố ý tìm mọi cách để vô hiệu hóa quyền định đoạt tài sản, quyền độc quyền của tác giả. Nhiều show diễn/sân khấu biểu diễn vẫn chưa trả tiền bản quyền trong một thời gian dài và VCPMC đã tiến hành khởi kiện ra Tòa án.

ban quyen 4.jpg -3
Tỷ lệ doanh thu từ biểu diễn trực tiếp thấp hơn so với kỹ thuật số.

Lĩnh vực phát sóng/phát thanh - truyền hình, năm 2024, VCPMC và các đài, đơn vị truyền hình tiếp tục đàm phán, thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng âm nhạc trong lĩnh vực phát sóng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2022) và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị truyền hình trả tiền chưa thực hiện nghĩa vụ, chậm trễ việc thỏa thuận trả tiền và gây khó khăn cho VCPMC, chưa thống nhất việc áp dụng Biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP để thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Trong tổng nguồn thu của VCPMC thì lĩnh vực phát sóng vẫn là một trong những lĩnh vực có tỉ trọng thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nguồn thu tiền bản quyền, giảm đi so với năm trước 21%.

Liên quan đến câu chuyện bản quyền tác giả âm nhạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, trong thời đại bùng nổ về công nghệ như hiện nay, không chỉ có lĩnh vực âm nhạc mà các lĩnh vực khác như văn học, sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh cũng đều có vấn đề về bản quyền. Để giải quyết tốt hơn nữa, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, những cá thể sáng tạo cần liên kết thành mặt trận, lá chắn để bảo vệ quyền của các tác giả trong các lĩnh vực, từ đó tạo điều kiện, sự hứng khởi cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều hơn với lòng tin là tác phẩm của mình sẽ được lan tỏa, bảo vệ và đi tới công chúng đích thực.

Riêng với âm nhạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ nhiều kỳ vọng về việc song song đẩy mạnh bảo vệ quyền tác giả và quyền tồn tại của tác phẩm âm nhạc. Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, hiện nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang lưu giữ hàng ngàn tác phẩm âm nhạc không lời, các bản hòa tấu, hàng vạn ca khúc. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm này vẫn tồn tại dưới bản in và đang dần mai một vì nhiều lý do.

Nhiều gia đình, con cháu nhạc sĩ không hoạt động trong lĩnh vực này và không lưu giữ được. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, cùng với công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số, toàn bộ kho tàng, thành quả của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam sẽ được vĩnh viễn giữ lại, để những giá trị của nền âm nhạc dân tộc và nền âm nhạc cách mạng Việt Nam sẽ trường tồn, phát huy ngày càng tốt hơn nữa.

Minh Hà
.
.