Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31

Thứ Năm, 12/05/2022, 12:39

Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam, Ban tổ chức đã cho sản xuất 60.000 linh vật Sao la bằng thú nhồi bông để tặng cho các Đoàn thể thao, vận động viên và bán lẻ phục vụ người hâm mộ làm quà tặng.

Người đã “chuyển thể” hình tượng Sao la thành linh vật độc đáo này là họa sĩ Ngô Xuân Khôi, khi ông đã vượt qua hơn 1.400 tác phẩm dự thi để được lựa chọn đồng hành với hai đại hội thể thao lớn nhất khu vực là SEA Games 31 và ASEAN Paragames 11. Sau đại hội thể thao này, Sao la được biết đến nhiều hơn, nhưng ít ai biết rằng, để phát hiện ra loài vật này, cũng như hành trình theo dấu để bảo tồn, cứu vãn khỏi nguy cơ tuyệt chủng, là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Sao la được công bố phát hiện lần đầu tiên trên thế giới là tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1992. Từ đó đến nay, loài vật này được cho là đã xuất hiện thêm một vài lần ở Nghệ An và Quảng Nam.

Ký ức Sao la của những người làm công tác bảo tồn

Đầu tháng 5-2022, tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), diễn ra chương trình trình diễn bay khinh khí cầu với chủ đề “Cuộc dạo chơi của Sao la - Kỳ lân châu Á”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hành trình các sự kiện chào mừng SEA Games 31. Trong số hàng vạn người dân trên địa bàn đã tham gia chiêm ngưỡng màn trình diễn khinh khí cầu nói trên, có một người đàn ông tóc đã hoa râm, cũng có mặt để tận mắt chứng kiến hình ảnh Sao la qua phác họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Đó là ông Trần Bỉnh Tự, nguyên cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang, người đã bỏ ra nhiều năm để theo đuổi việc tìm kiếm loài vật này ngoài đời thực.

Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31 -0
Hình ảnh Sao la qua nét vẽ của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Ông Tự kể rằng, năm 1990 Viện Điều tra, quy hoạch thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) có cuộc khảo sát về đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang (nay là Vườn quốc gia Vũ Quang). Ông Tự được cử tham gia hỗ trợ đoàn vì thông thạo địa bàn. Quá trình đó, đoàn khảo sát phát hiện tại nhà một người dân trên địa bàn lưu giữ một cặp sừng rất lạ và đẹp, không hề giống với bất cứ cặp sừng của loài vật nào đã công bố trước đó nên đã mua lại để đưa về nghiên cứu. Theo cách người bản địa gọi, thì đây là sừng của một loài dê núi, song qua một thời gian nghiên cứu, đến tháng 5-1992, đoàn khảo sát đã công bố cặp sừng này chính là của con Sao la, thuộc họ bò và lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới.

Ngay sau đó, Bộ Lâm nghiệp và WWF đã quyết định thành lập Trạm Nghiên cứu, bảo tồn Sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Mục đích là để bẫy, bắt được con Sao la để đưa về nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên, đằng đẵng nhiều năm sau đó, dù các nhà nghiên cứu đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức, ăn sương nằm gió trong rừng sâu, len lỏi khắp nơi chốn đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới Việt-Lào nhưng vẫn không một lần tận mắt nhìn thấy Sao la.

Điều mà đợt nghiên cứu này làm được, là từ những mẫu vật về dấu chân và thức ăn được cho là của Sao la, các nhà khoa học đã cho rằng Vườn quốc gia Vũ Quang chính là ngôi nhà của Sao la. Về xuất xứ của tên gọi Sao la, do cặp sừng của loài động vật này rất giống với cái se sợi dệt vải của người dân tộc Thái, có tên gọi là Sao la, nên được chọn để đặt tên, thay vì tên dê rừng như người địa phương vẫn quen gọi.

Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31 -0
Sao la bằng thú nhồi bông – Linh vật tại SEA Games 31

Trong khi đó, một người dân Vũ Quang khác được cho là may mắn hơn khi đã từng bẫy được một số con Sao la, và cũng là người đã sở hữu cặp sừng tại thời điểm đoàn khảo sát làm việc tại đây là ông Lê Ngọc Thanh, trú tại thị trấn Vũ Quang. Ông Thanh nhớ lại, thời điểm đó là vào khoảng những năm 1976 – 1980, ông và nhiều người khác thường rủ nhau vào rừng đặt bẫy, săn bắt thú rừng và đã bắt được nhiều con dê sừng dài (tức Sao la).

Cá nhân ông Thanh đã bẫy bắt được 6 con, giữ lại 3 cặp sừng làm kỷ niệm. Những cặp sừng này sau đó ông Thanh đã bàn giao cho cán bộ kiểm lâm huyện để lưu giữ, đến nay cũng đã thất lạc. “Sao la trưởng thành cao 0,9 m, dài 1,2 m - 1,5 m, nặng 80-100 kg, con nhỏ nặng 4-5 kg. Loài này mã đẹp, lông màu nâu sẫm mượt như nhung lụa, sừng nhọn hoắt dài 50-70 cm. Dấu chân chúng như dấu chân bò, chúng khá nhút nhát, thường đi ăn vào buổi tối, nếu nghe tiếng động hoặc ngửi thấy hơi người thì lập tức bỏ chạy vào rừng sâu”, ông Thanh nhớ lại.

Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31 -0
Đoàn khảo sát, nghiên cứu về Sao la của Bộ Lâm nghiệp và WWF tại huyện Vũ Quang vào đầu thập niên 90

Ông Nguyễn Đình Tiến, nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Quang, huyện Vũ Quang cho biết thêm, chính ông là người đã mua lại cặp sừng Sao la của người dân trên địa bàn, sau đó bàn giao lại cho đoàn khảo sát của Bộ Lâm nghiệp và WWF. Hai năm sau đó, vào năm 1994, phát hiện một người dân trên địa bàn bẫy được 1 con vật giống Sao la, nhưng chỉ tầm 4-5 tháng tuổi, ông đã bỏ tiền túi ra mua về rồi giao cho Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp) nuôi để nghiên cứu, nhưng chỉ được mấy tháng sau nó đã chết. Từ đó đến nay, Sao la hầu như vắng bóng tại núi rừng Hà Tĩnh.

Biểu tượng của đại ngàn Trường Sơn

Việc phát hiện ra Sao la đã làm chấn động cả giới bảo tồn trên toàn thế giới bởi trong vòng 100 năm trước đó, chỉ có năm loài thú lớn được tìm thấy. Chính vì vậy, không chỉ ở Hà Tĩnh, đến những năm 1996 – 1997, khi phát hiện loài này vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thành lập Khu bảo tồn Sao la.

Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31 -0
Khu bảo tồn Sao la tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) năm 1992

Tuy nhiên, mọi nỗ lực tiếp cận một con Sao la bằng xương bằng thịt vẫn là mong ước xa xỉ của các nhà bảo tồn. Năm 1998, loài vật này được cho là xuất hiện tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), và đến năm 2013 – một năm sau thời điểm thành lập Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam - thông qua một chiếc bẫy ảnh được đặt ở trong rừng, hình ảnh về loài này được ghi nhận có xuất hiện tại địa phương này. Từ đó đến nay, loài vật được cho là “kỳ lân châu Á” đã không còn xuất hiện, dù mọi điều kiện để bảo tồn, nhân giống đã sẵn sàng tại Trung tâm nhân giống Sao la đầu tiên trên thế giới, được đặt tại Vườn quốc gia Bạch Mã.

Từ năm 2016, ngày 9-7 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế Sao la. Cũng từ năm này, WWF-Việt Nam đã chính thức công bố dự án “Cứu Sao la – đứa em cùng Đất Mẹ” – một chiến dịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này, một niềm tự hào của thiên nhiên Việt Nam, đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Ngày 9-7-2021, nhân ngày Quốc tế Sao la, Google phối hợp với WWF Việt Nam khởi động chiến dịch “Giữ lại dấu chân Sao la”. Đây là loài động vật quý hiếm đầu tiên ở Việt Nam được Google số hóa với mô hình AR 3D.

Chuyện chưa kể về Sao la, linh vật SEA Games 31 -0
Hình ảnh Sao la in trên khinh khí cầu bay trên bầu trời Vũ Quang (Hà Tĩnh) chào mừng SEA Games 31

Trở lại với câu chuyện về “cha đẻ” của Sao la - Linh vật tại SEA Games 31 đang diễn ra tại Việt Nam, chia sẻ với phóng viên báo chí, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, sở dĩ ông chọn loài vật này làm biểu tượng, không chỉ Sao la là linh hồn của dãy Trường Sơn, là loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà hình tượng Sao la còn mang ý nghĩa thân thiện, nhanh nhẹn và hoạt bát, vừa phù hợp với tính chất của thể thao, vừa mang đặc trưng của đất Việt. Thông qua việc lựa chọn Sao la làm linh vật SEA Games 31, bạn bè trong khu vực và quốc tế có cơ hội biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là quà tặng, mà 60.000 con thú nhồi bông Sao la kỳ vọng sẽ giúp cho kỳ Đại hội đặc biệt trong lịch sử của Thể thao Việt Nam sẽ có sức sống bền bỉ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Đây cũng là thông điệp ý nghĩa về bảo vệ các loài động vật hoang dã mà Việt Nam muốn gửi đến bạn bè quốc tế.

Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis hay còn được gọi là “kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Loài vật này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5-1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng mức nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN) và trong Sách Đỏ của Việt Nam.

Thiện Thành
.
.