Chuyện cười ra nước mắt của vận động viên thể thao thành tích cao

Thứ Năm, 14/12/2023, 16:30

Trung bình mỗi năm, các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao của Việt Nam sẽ tham dự ít nhất 2-3 giải đấu cấp độ quốc gia. Mỗi lần tham dự của họ là một câu chuyện vượt khó, nơi VĐV, cũng như huấn luyện viên (HLV) phải tìm cách thoát khỏi nghịch cảnh để đạt mục tiêu đã đề ra.

Bài toán chi phí

Với nhiều địa phương, việc phải tham dự các giải đấu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc các thành phố du lịch là ác mộng. Bởi, nếu thi đấu ở những thành phố lớn, khoản chi phí ăn, ở của đoàn thường bị đội lên rất cao. Họ không thể liệu cơm gắp mắm để đương đầu với bài toán lộ phí khi khả năng không cho phép.

Chuyện cười ra nước mắt của vận động viên thể thao thành tích cao -0
Giải điền kinh quốc gia mới đây được tổ chức ở Miếu Môn, thay vì Mỹ Đình vì Ban tổ chức không có kinh phí thuê sân bãi.

"Năm nay, tôi dẫn đội tham dự 3 giải đấu. Một giải trong số đó diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh tiền vé máy bay để VĐV di chuyển từ địa phương vào nơi thi đấu, chúng tôi còn phải tính đến chi phí lưu trú, ăn ở hàng ngày cho các em", HLV trưởng một đội tuyển thể thao ở khu vực phía Bắc bộc bạch.

Tại TP Hồ Chí Minh, tiền thuê nhà nghỉ trung bình ở mức 400.000 đồng/ngày/phòng 2 người. Các chủ trọ cũng khá khắt khe trong việc cho phép VĐV ở ghép, khi thu phí ở mức 150-180.000 đồng cho mỗi người ở thêm. Con số này chưa bao gồm tiền ăn uống của VĐV, trung bình ở mức 150-200.000 đồng mỗi ngày.

Nếu cộng cả tiền vé máy bay 2 chiều, mỗi VĐV khi đi thi đấu trong nước tiêu tốn không dưới 8 triệu đồng cho một giải đấu kéo dài 10 ngày. Tổng chi phí của đoàn sẽ được nhân lên tương ứng với số VĐV. Với một đoàn có số lượng VĐV khiêm tốn khoảng 9-10 người, cộng thêm HLV, tổng kinh phí xấp xỉ 100 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Quy trình thành lập đoàn, cũng như xin kinh phí thi đấu của các đội tuyển thể thao địa phương cũng hàm chứa không ít khó khăn. Căn cứ vào điều lệ giải, cũng như lịch tổ chức giải đấu dự kiến được Cục Thể dục thể thao đưa ra đầu năm, HLV, hoặc chuyên viên phụ trách bộ môn sẽ làm kế hoạch thi đấu trước 2-3 tháng.

Tại sao HLV phải lập kế hoạch từ sớm? Theo chia sẻ của nhiều HLV, đó là cách duy nhất để kinh phí tham dự được giải ngân đúng hạn. Nếu tiền giải ngân chậm, HLV phải tính đến hai khả năng. Thứ nhất, họ chấp nhận không tham dự giải, cất toàn bộ "quân tinh nhuệ" ở nhà tiếp tục tập chay, thay vì tham gia thi đấu.

Thứ hai, HLV vẫn cho đội tham gia thi đấu, nhưng với nguồn kinh phí do đích thân họ ứng trước. Trong trường hợp xấu nhất, HLV sẽ phải bỏ tiền túi ra chi trả toàn bộ cho chuyến đi. Đây là lý do giải thích vì sao, nhiều HLV khẳng định họ chỉ theo đuổi nghiệp huấn luyện thể thao "khi thu nhập gia đình thực sự ổn".

1001 kiểu tiết kiệm

Trong những năm gần đây, nhiều giải đấu thể thao thành tích cao cấp độ quốc gia thường được đăng cai bởi các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa. Ở góc độ nhà quản lý, họ kỳ vọng việc đưa giải đấu về các địa phương này sẽ giúp thúc đẩy bộ môn phát triển. Với VĐV và HLV, họ cũng thích điều này, nhưng ở một khía cạnh khác.

Chuyện cười ra nước mắt của vận động viên thể thao thành tích cao -1
Vận động viên, huấn luyện viên thường khá kín tiếng về chuyện ăn, ở khi thi đấu, vì tất cả phải đồng cam cộng khổ vượt khó.

"Chúng tôi thích giải đấu được tổ chức ở các tỉnh thành thuộc khu vực Tây Nguyên, hoặc Nam Trung Bộ. Tiền thuê nhà nghỉ tại đây rất rẻ. Một phòng đôi có giá thuê chỉ ở mức 140.000 đồng mỗi ngày, phòng điều hòa là 180.000. Nếu VĐV ở ghép, chủ nhà nghỉ chỉ thu thêm 50.000 đồng mỗi người/ngày", một HLV chia sẻ.

HLV này nói thêm, với giải đấu tổ chức tại các tỉnh thành lớn, anh có thể phải chấp nhận "huấn luyện từ xa" trong thời gian thi đấu. Thay vì ở cùng đội sau giờ tập, anh tiết kiệm chi phí lưu trú bằng cách ở nhờ nhà người quen. Đổi lại, quãng đường di chuyển hàng ngày giữa hai nơi có thể lên tới hàng chục km.

Tiền thuê phòng nhà nghỉ rẻ cũng đồng nghĩa chất lượng lưu trú có thể không tốt. Nhà nghỉ Ban Mai (đã đổi tên) tại Đắk Lắk được nhiều đơn vị lựa chọn khi tham dự các giải thể thao vì gần nhà thi đấu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ở đây nhiều ngày.

Chuyện cười ra nước mắt của vận động viên thể thao thành tích cao -2
Mỗi giải đấu thể thao thành tích cao luôn đi kèm áp lực về chỉ tiêu.

Thang máy của nhà nghỉ Ban Mai không nằm ở tầng trệt. Thay vào đó, chủ nhà nghỉ "cơi nới" một phần khu thang bộ để làm thang máy. Tầng cuối cùng của thang máy, vì thế là khoảng giữa cầu thang từ tầng trệt lên tầng tiếp theo. Không gian của thang máy cũng khá nhỏ, khi chỉ có thể chứa tối đa 3 người cùng lúc.

Mỗi lần thang máy đóng mở, âm thanh cọt kẹt của cánh cửa vang lên nặng nề, cảm giác như thiết bị này có thể gặp trục trặc bất cứ lúc nào. Nhiều phòng nghỉ tại Ban Mai cũng không có cửa sổ. Một phòng tại tầng 5 thậm chí còn có vết nứt "chia đôi" nền nhà. Lời đảm bảo an toàn duy nhất về điều kiện ăn ở tại đây là cam kết của chủ nhà nghỉ, người sống ở tầng trệt.

Với những VĐV, HLV chọn nhà nghỉ Ban Mai làm nơi cư trú dài ngày, họ khẳng định mình không có lựa chọn khác. Nếu mọi người muốn ở nhà nghỉ có chất lượng tốt hơn, họ buộc phải chi thêm tiền. Nhưng với khoản kinh phí đi lại, ăn ở bị giới hạn, việc tiết kiệm được một vài triệu đồng trong mỗi chuyến đi là điều vô cùng quý giá.

"Ở các tỉnh thành vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực vùng ven, chúng tôi còn tiết kiệm được một chút tiền ăn uống. HLV có thể dẫn toàn đội đi ăn cơm, nơi mỗi bữa ăn có giá trung bình khoảng 40-45.000 đồng một người. Nếu ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, tiền ăn mỗi bữa là 50-60.000 đồng. Thế là chúng tôi có thể tiết kiệm được vài chục ngàn cho mỗi người trong ngày", HLV nói.

Chỉ tiêu, nhường nhịn và tranh chấp

Hãy thử lấy một ví dụ: Đơn vị A đăng ký chỉ tiêu giành 1 HCV, 1 HCB tại giải vô địch quốc gia. A có 2 vận động viên An và Bình cùng lọt vào chung kết. Nếu An thua trận đầu tiên, áp lực buộc phải thắng sẽ đè nặng lên vai Bình. Bởi, nếu Bình thua, điều đó cũng có nghĩa đơn vị A sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra.

Chuyện cười ra nước mắt của vận động viên thể thao thành tích cao -3
Mỗi kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc được các địa phương chuẩn bị trong 4 năm.

"Việc không đạt chỉ tiêu ở các đội thể thao địa phương có thể dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước. Chúng tôi phải đương đầu với nguy cơ bị cắt kinh phí tập luyện, thi đấu trong năm tới. Số VĐV được tuyển mộ vào đội cũng có thể bị bớt đi. Viễn cảnh xấu hơn là bộ môn bị giải tán, HLV rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải chuyển sang làm môn khác", một HLV chia sẻ.

Nếu Bình có khả năng tranh  HCV, Bình sẽ được động viên, công tác tư tưởng hết mức để toàn đội đạt chỉ tiêu. Nhưng nếu Bình không có khả năng thắng trong trận chung kết thì sao? Khi đó, HLV đội A có thể phải tính tới việc "đi cửa sau", khi nhờ đội đối thủ trong trận chung kết "nhường" để Bình vô địch.

Câu chuyện "nhường" HCV không phải chuyện quá lạ trong các môn thể thao thành tích cao. Bởi, một đơn vị không phải lúc nào cũng thuận lợi trong việc đạt chỉ tiêu đề ra. Nếu đơn vị đó chấp nhận "nhường", "cho" đơn vị khác có HCV để đạt chỉ tiêu, họ sẽ dễ dàng hơn nếu lần tới cần "xin" HCV.

Tuy nhiên, chuyện "nhường" và "xin" HCV thực sự là một quả bom nổ chậm với thể thao thành tích cao Việt Nam. Trong câu chuyện An và Bình của đơn vị A, mọi chuyện sẽ ra sao nếu người được A "xin nhường cho Bình thắng" là một VĐV giàu tiềm năng? Nếu bị ép phải nhường, hoặc bỏ cuộc, VĐV đó có thể sẽ chán nản, thậm chí muốn nghỉ thi đấu ngay lập tức.

"Theo thời gian, các HLV không muốn nhường huy chương nữa. Bởi, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ của VĐV tại địa phương. VĐV giành HCV quốc gia có đãi ngộ kiện tướng rất khác với VĐV chỉ giành HCB hoặc HCĐ. Các địa phương giờ đây càng chú trọng nhiều hơn đến đãi ngộ cho VĐV, vì thế, mọi thứ dần phải thay đổi theo thời gian" - Đó là điều được nhiều HLV thừa nhận.

Tầm nhìn 3-4 năm

Vào thời điểm Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 khép lại, nhiều đội tuyển thể thao cấp địa phương đã tất bật với kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Toàn quốc 2026. Chỉ tiêu huy chương, với nhiều đội thể thao, cũng sớm được đề ra. Đó chính là kim chỉ nam để các đội tuyển rèn luyện, hướng đến tương lai 3-4 năm tới.

Khác với các giải thể thao khác ở cấp độ quốc gia, Đại hội Thể thao Toàn quốc được ví như "Olympic Việt Nam" khi chỉ diễn ra 4 năm một lần. Sự khốc liệt trong việc tranh chấp thứ hạng và huy chương, vì thế, cũng ở mức độ hoàn toàn khác. Nếu các đội tuyển thể thao không sớm bắt tay rèn quân, họ không thể hướng đến chỉ tiêu đã đề ra với cấp trên.

"Sau 4 năm, chất lượng VĐV có thể sẽ rất khác. Một nhà vô địch có thể sẽ không còn khả năng cạnh tranh HCV nữa, thậm chí nghỉ thi đấu. Nếu HLV không bắt tay sớm vào việc đào tạo lứa VĐV kế cận, địa phương sẽ không thể duy trì thành tích đạt được ở những kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc trước đó", một HLV chia sẻ.

Câu chuyện đạt hay không đạt chỉ tiêu đề ra trước mỗi giải đấu luôn là điều làm cho không ít HLV đau đầu. Họ đương nhiên không muốn thành tích toàn đội thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra. Nhưng ở chiều ngược lại, "vượt chỉ tiêu" cũng là viễn cảnh tiến thoái lưỡng nan mà họ không muốn nghĩ đến. Bởi kết quả "vượt chỉ tiêu" ở giải năm nay hoàn toàn có thể là "chỉ tiêu" trong năm tới.

Đơn Ca
.
.