Chuyển đổi số ngành sách: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau!

Thứ Hai, 10/10/2022, 14:28

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay, cả nước có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản sách điện tử. Từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử. Tuy nhiên, xuất bản điện tử mới chỉ là một phần trong chuyển đổi số ngành sách và ngay xuất bản điện tử cũng còn nhiều vấn đề.

Xu thế của thời cuộc

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Sau đại dịch COVID-19, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử và sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm thông qua phương thức mua hàng trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến ngành sách. Theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka thì nhiều thống kê đã chỉ ra, trên thế giới, kênh bán sách online vượt kênh bán sách truyền thống. Sách điện tử hiện nay cũng không đơn giản chỉ là phiên bản của sách in và sách điện tử cũng có nhiều định dạng. Các công ty, đặc biệt là công ty nhỏ bắt buộc phải dùng công nghệ để cạnh tranh.

Chuyen_doi_so_nganh_sach_3-1665372568327.JPG
Vấn đề công nghệ là yếu tố quan trọng đối với câu chuyện chuyển đổi số ngành sách.

Từ cách thức bán hàng đến cách thể hiện nội dung, sách của họ cũng thay đổi. Ngành xuất bản đa số nhập khẩu sách ở nước ngoài về cho nên khi nguồn cung cấp thay đổi thì các đơn vị trong nước cũng phải thay đổi để tiếp nhận các định dạng mới này. Thực tế, hoạt động chuyển đổi số có khi rất khó nhìn thấy. Với sách nói, khâu đầu tiên là biên tập viên dịch. Để tăng số lượng và giảm thời gian vận hành một cuốn sách, có thể sử dụng dịch tự động. Giai đoạn đầu, máy dịch xong, người biên tập sẽ hiệu chỉnh trên máy. Máy dịch càng nhiều, người biên tập hiệu chỉnh càng nhiều thì máy sẽ thông minh hơn, lần sau ít lỗi hơn. Sách nói dùng giọng trí tuệ nhân tạo nhưng ban đầu nghe rất cứng, rất buồn ngủ vì cứ đều đều. Người làm phải hiệu chỉnh từng chút, đưa thông số vào điều chỉnh dần dần. Nếu 1 năm chưa tốt thì 2-3 năm sẽ tốt. Như thế, đơn vị phải duy trì được ít nhất trong 3 năm và khối lượng, số lượng sách thực hiện phải đủ nhiều thì hệ thống máy lọc mới có giá trị và lúc đấy mới coi là được hưởng một số thành quả của chuyển đổi số.

Cũng theo ông Hoàng, quy trình đưa sản phẩm sách điện tử tiếp cận bạn đọc đòi hỏi nhiều nỗ lực của đơn vị phát hành. Vì chuyển đổi số không chỉ số hóa sách giấy mà còn từ nhiều nguồn khác và chuyển đổi số trong xuất bản không phải chỉ ở sáng tạo nội dung mà còn ở khâu phân phối, quản trị chuỗi cung ứng thị trường. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều đơn vị kinh doanh sách điện tử hơn nhưng vẫn còn khiêm tốn vì còn hạn chế về chính sách.

Nan giải câu chuyện bảo mật và bản quyền

Vấn đề bảo mật – bảo vệ bản quyền sách trên không gian số cũng là bài toán nan giải. Để bảo đảm về bản quyền thì phải có giải pháp đảm bảo về kỹ thuật. File cung cấp cho người dùng là file mã hóa, người dùng phải kết nối Internet. Nhiều đơn vị không cho đọc offline vì sợ mất bản quyền nhưng khi tham gia “sân chơi” rộng lớn của Internet thì phải trả cho người dùng theo nguyên tắc, kỹ thuật quốc tế.

Chuyển đổi số ngành sách: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau! -0
Xu hướng chuyển đổi số là tất yếu của ngành xuất bản sách.

Mặt khác, các đơn vị có bản quyền không chia sẻ thì vẫn bất lợi vì nhu cầu là có thật nên các trang lậu sẽ scan báo giấy để đưa lên, người dùng sẽ tìm đến các trang lậu và chia sẻ. Nếu các đơn vị có bản quyền cung cấp cho các đối tác tin cậy phục vụ bạn đọc càng nhiều thì việc lậu sẽ giảm đi. Tất nhiên, khi đơn vị làm sách, chia sẻ, bán lấy thu bù chi thì sẽ khó cạnh tranh với các trang cung cấp sách lậu vì họ không cần dịch, chỉ scan đưa lên và cho đọc miễn phí, lấy doanh thu từ quảng cáo…

Về chuyển đổi số ngành sách, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia sự thật ví von vui là lăn lộn với chuyển đổi số như leo cột mỡ, leo lên tụt xuống nhiều lần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chuyển đổi số trong ngành sách mang lại nhiều tiện ích và có thể ứng dụng công nghệ, dùng các thuật toán để tính toán để đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, không phải các công ty cung cấp giải pháp công nghệ đã nắm rõ nhu cầu của ngành xuất bản. Vì vậy các nhà xuất bản phải nghĩ và đặt đầu bài để họ đưa những giải pháp đúng với nhu cầu. Cũng theo ông Tuấn, hiện nay, xu thế người đọc đến nhà sách mua sách ít và đến nhà sách để tìm các dịch vụ giải trí thêm. Nhiều người đọc thực sự thường mua sách trên sàn giao dịch điện tử, trong khi lợi nhuận của nhà xuất bản thấp, khó xây dựng được sàn giao dịch này.

TS Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cho rằng chuyển đổi số trong xuất bản phải tổng thể và toàn diện. Ngành xuất bản đang trong quá trình chuyển đổi số rất mạnh. Nền tảng số cho xuất bản là thị trường rất lớn và cũng là một phương thức phát triển để đưa sách đến với người đọc. Tuy nhiên cũng phải xác định, giá trị lớn nhất của chuyển đổi số ngành xuất bản là phải mang lại sách có giá trị cho người đọc. “Giữa kho sách mênh mông của thế giới và trong nước, giữa “biển” thông tin như hiện nay, ngành xuất bản có thể tạo ra nền tảng số tạo ra những giá trị thông minh hơn, để mỗi một cá nhân có thể có một thư viện sách số riêng trên không gian mạng hay không? Nếu doanh nghiệp tạo ra nền tảng số chuyên cho người đọc, tạo ra thư viện số cá nhân, có nhiều ứng dụng công nghệ số, giúp người đọc sách điện tử như đọc sách giấy, đọc đến trang nào đánh dấu trang ấy, chỗ nào hay thì ghi chú ra... thì sẽ có rất nhiều người muốn đọc sách điện tử”, ông Lịch khẳng định.

Bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh an toàn, bảo vệ bản quyền sách, GS.TS khoa học Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học, Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, ngành xuất bản phải hình dung những thứ đang làm bây giờ, trong 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa sẽ như thế nào khi độc giả thay đổi và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng tăng cao lên thì sản phẩm sẽ thay đổi như thế nào...

Chuyển đổi số ngành sách: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau! -0
Xuất bản phẩm điện tử ngày càng phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc.

 Cũng theo ông Bảo, 3 yếu tố quyết định thành bại của chuyển đổi số là con người, chính sách và công nghệ. Về con người, tất cả mọi người trong ngành xuất bản phải có nhận thức rõ về chuyển đổi số, từ đó tạo ra động lực và quyết tâm của mình để làm xuất bản, thay đổi ngành xuất bản. Khi có động lực rồi thì đổi mới sáng tạo dựa vào dữ liệu và kết nối. Hành lang pháp lý cũng cần thay đổi cho phù hợp. Về công nghệ, xuất bản thế giới có nhiều công nghệ nhưng ngành xuất bản Việt Nam cũng cần đo được tỷ lệ sử dụng thực tế, tạo dữ liệu cần thiết để cho ra quyết định chính xác. Các nhà xuất bản cũng cần kết nối tốt hơn với độc giả, dự đoán nhu cầu của họ và đưa ra những gợi ý sản phẩm liên quan…

Phải cùng nắm tay nhau

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của người làm xuất bản đối với chuyển đổi số còn hạn chế. 16 đơn vị đủ điều kiện làm xuất bản điện tử nhưng chưa thực sự chuẩn bị tất cả đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng cho chuyển đổi số thực sự đi vào đời sống một cách mạnh mẽ.

Chuyển đổi số ngành sách: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau! -0
Nhiều độc giả trẻ quan tâm tới định dạng sách nói.

Theo ông Nguyên, ngành xuất bản không tạo ra nhiều lợi nhuận nên khó khăn trong kinh phí đầu tư cho công nghệ. Tổng lợi nhuận toàn ngành năm 2021 chưa đến 300 tỷ đồng. Với con số này, khó có thể tạo ra những nền tảng mượt mà, tiện dụng lớn nhưng không có nghĩa là ngành xuất bản không làm được chuyển đổi số. Khi không có nguồn lực kinh tế lớn, việc chung tay tạo ra nhiều nền tảng chung và cùng chia sẻ thì sẽ giảm giá thành. Hiện nay có 13/16 đơn vị có xuất bản điện tử dùng chung 1 nền tảng nên đã giúp giảm chi phí xuống. Tất nhiên, để các đơn vị thống nhất được với nhau thì phải vượt qua được những cạnh tranh va đập nội bộ, vượt qua lợi ích nhóm.

Ông Nguyên cũng cho hay, từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chuyển đổi số trở thành 1 trong 7 giải pháp trọng tâm của ngành xuất bản. Cục đã xây dựng lộ trình kế hoạch chuyển đổi số của ngành xuất bản và yêu cầu mỗi đơn vị xuất bản xây dựng, lộ trình chuyển đổi số riêng. Cục không thể làm thay các đơn vị được, không cầm tay chỉ việc mà chỉ định hướng cho các đơn vị. Muốn chuyển đổi số thì phải có sự nhận thức, thay đổi nhận thức từ lãnh đạo của các nhà xuất bản, những người chịu trách nhiệm về sự phát triển của đơn vị. Bên cạnh đó là phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và hành lang pháp lý đảm bảo cho cả sự phát triển và an toàn. Như vậy, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng Cục Xuất bản, In và Phát hành mà là sự chung tay nỗ lực của rất nhiều đơn vị, từ cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản, phát hành, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ, các công ty nghiên cứu và cung cấp các ứng dụng công nghệ cho xuất bản.

Minh Hà
.
.