Chuyện từ những giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam

Thứ Năm, 10/11/2022, 10:02

Trong năm 2022, Việt Nam đã tổ chức thành công 2 giải cầu lông ở cấp độ quốc tế là Vietnam Open và Vietnam International. Nếu không vướng dịch COVID-19, Việt Nam có thể tổ chức 3 giải mỗi năm ở 3 miền đất nước, thu hút không ít vận động viên (VĐV) quốc tế tham gia…

Công nghệ chống vé giả

Là một trong những giải đấu thể thao hiếm hoi ngoài bóng đá tổ chức bán vé, giải cầu lông Vietnam Open 2022 có một loạt hàng rào ngăn ngừa nạn vé giả, phe vé tràn lan. Điều đó giúp giải đấu thuộc cấp độ Super 100 của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) có được sự chuyên nghiệp hiếm thấy mà ít sự kiện thể thao nào sở hữu.

Chuyện từ những giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam -0
Vietnam Open để lại ấn tượng về khán giả đến theo dõi giải đấu.

Không phân phối vé trực tuyến, Ban tổ chức Vietnam Open 2022 tiến hành bán vé trực tiếp với khán giả đến nhà thi đấu, nhưng toàn bộ đều là vé điện tử. Ngoài ra, vé này chỉ có hiệu lực trong ngày và được kiểm soát qua QR code. Bộ phận an ninh ở nhà thi đấu sẽ dùng một ứng dụng trên điện thoại để soát vé, đồng thời hướng dẫn khán giả cách sử dụng vé. Để đảm bảo an ninh, Ban tổ chức không in thêm dù chỉ 1 tấm vé trong ngày cuối cùng của giải.

Ở giải Vietnam Open 2022, vé được bán ra với giá 70.000 đồng trong ngày thi đấu các vòng ngoài, và 100.000 đồng ở 2 ngày bán kết cũng như chung kết. Số tiền này không nhỏ, nhưng lượng khán giả đến xem không vì thế mà giảm đi. Trái lại, CĐV đến với Nhà thi đấu Nguyễn Du ngày một đông, qua đó biến Vietnam Open trở thành sự kiện lớn.

Bên cạnh hàng ngàn khán giả đến xem trực tiếp mỗi ngày, giải cầu lông Vietnam Open còn gây ấn tượng mạnh khi được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Từ vòng đấu tứ kết, người hâm mộ có thể xem qua sóng của Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Số lượng người xem trực tuyến còn đông hơn khán giả đến sân, và đó là tín hiệu đáng mừng.

Hiệu ứng truyền thông từ Vietnam Open, và sau đó là Vietnam International cho thấy sức hút của môn cầu lông với khán giả rất lớn. Đó là cơ sở để Việt Nam có thêm những giải đấu quốc tế trong tương lai, cũng như nâng cấp quy mô các giải lên mức cao hơn so với hiện tại. Đó cũng là điều được các tay vợt nước ngoài trông đợi.

Từ trước đến nay, Vietnam Open thường được ví như mảnh đất ươm mầm tài năng cho những viên ngọc thô của cầu lông thế giới. Không ít tay vợt hàng đầu ở thời điểm hiện tại có bảng thành tích là danh hiệu vô địch Vietnam Open. Người mới nhất chính là Kodai Naraoka, tay vợt Nhật Bản vừa vô địch nội dung đơn nam và chuẩn bị áp sát top 10 thế giới.

Người giàu, kẻ nghèo ở môn cầu lông

Ở môn thể thao cá nhân có mức độ phát triển không đồng đều giữa các quốc gia như cầu lông, khác biệt giàu nghèo có thể thấy rất rõ ràng. Những cường quốc cầu lông như Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc... đều cử huấn luyện viên (HLV) đi cùng VĐV ở các giải đấu quốc tế. Họ thậm chí còn thuê xe đưa đón cho VĐV.

anh2-1667963046132.jpg
Những vận động viên đến từ Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan luôn có huấn luyện viên đi cùng…
Chuyện từ những giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam -0
...trong khi một tay vợt Myanmar như Thet Htar Thuzar luôn đơn độc.

Với công tác hậu cần và huấn luyện chuẩn chỉnh, ở giải Vietnam Open, ngoài chức vô địch đơn nữ của tay vợt chủ nhà Nguyễn Thùy Linh, danh hiệu ở 4 nội dung còn lại đều thuộc về các cường quốc cầu lông: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia.

Cũng là một cường quốc phát triển cầu lông, nhưng Ấn Độ lại sử dụng một phương pháp khác để trau dồi tài năng cho vận động viên. Họ đưa hàng chục tay vợt trẻ đến dự giải, với số lượng chỉ thua nước chủ nhà Việt Nam. Bù lại, các tay vợt Ấn Độ không có HLV, mà phải thay phiên ngồi trong khu kỹ thuật hướng dẫn, góp ý cho nhau.

Phương pháp huấn luyện kiểu "con nhà nghèo" của người Ấn có thể khiến nhiều người cảm thấy kỳ lạ, nhưng sự thực là họ đã có nhiều tay vợt hàng đầu thế giới. Thái Lan phát triển môn cầu lông sau Indonesia và Malaysia, nhưng họ cũng sở hữu một số VĐV được xếp vị trí số 1 thế giới ở thời điểm hiện tại, cũng như trong quá khứ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các vận động viên quốc tế đến tham dự Vietnam Open và Vietnam International đều đến từ Indonesia hay Nhật Bản. Myanmar, Philippines, Lào và nhiều quốc gia khác cũng cử vận động viên tới, nhưng phần lớn trong số họ là các tay vợt thi đấu theo diện tự túc. Họ phải chuẩn bị toàn bộ từ trang phục đến nơi ăn chốn ở.

Ở giải Vietnam Open, sau đó là Vietnam International, VĐV 23 tuổi Thet Htar Thuzar, một trong những biểu tượng của thể thao Myanmar đương đại, đều thi đấu trong cảnh đơn độc. Cô không có HLV, không có săn sóc viên mỗi khi ra sân. Sẽ không lạ nếu như một khán giả nào đó nhìn thấy cô đi từ khách sạn đến nhà thi đấu bằng Grab, bởi họ được khuyên cài đặt trước các ứng dụng xe ôm công nghệ khi tới Việt Nam.

Khác với Thet Htar Thuzar, Goh Jin Wei sinh ra tại Malaysia. Tuy nhiên, việc tách khỏi Liên đoàn Cầu lông nước này và trở thành VĐV độc lập khiến Goh giờ đây phải tự túc chi tiêu ở mỗi giải mình tham dự. Một trong những cách cô nghĩ ra để có thêm nguồn thu là quay Vlog ở nơi mình đến thi đấu, bao gồm cả Việt Nam.

Khác biệt của quốc tế

Những giải cầu lông như Vietnam Open và Vietnam International là cơ hội hiếm hoi để người hâm mộ chứng kiến đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, các tay vợt Việt Nam cũng được trải nghiệm phong cách thi đấu của VĐV nước ngoài. Việc các tay vợt quốc tế giành phần lớn danh hiệu ở các giải cầu lông Việt Nam không còn là điều quá lạ lẫm.

Chuyện từ những giải cầu lông quốc tế ở Việt Nam -0
Zhang Beiwen là minh chứng rõ nhất cho một tay vợt nghèo.

Với lợi thế sân nhà, các tay vợt Việt Nam chiếm số đông khi tham dự Vietnam Open hay Vietnam International. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đều bị loại sớm ngay từ vòng ngoài. Những người hiếm hoi trụ lại đến vòng đấu cuối thường là những cái tên quen thuộc: Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang và Nguyễn Thùy Linh.

Có nhiều nguyên nhân khiến cầu lông Việt Nam đã phát triển rất mạnh ở cấp độ phong trào nhưng chưa có ai vươn ra biển lớn sau kỷ nguyên Tiến Minh. Một trong những lý do khách quan là bởi Việt Nam thuộc khu vực "ra ngõ gặp biển lớn" trong môn thể thao này. Đông Nam Á chỉ có 11 nước, nhưng có đến 3 cường quốc cầu lông: Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Việt Nam vẫn như một ốc đảo phát triển cầu lông với những quy định cùng mức treo thưởng không giống ai, phá vỡ mọi nguyên tắc của thể thao nhà nghề.

Là giải quốc tế có cấp độ thấp nhất của cầu lông chuyên nghiệp, Vietnam International trao mức thưởng 400 USD cho nhà vô địch theo quy định của BWF. Tuy nhiên, một số giải cầu lông phong trào ở Việt Nam lại trao thưởng vô địch tới 8.000 USD, và cho phép các đơn vị tham dự được mời VĐV chuyên nghiệp đến thi đấu theo diện "lính đánh thuê".

Mức chênh lệch đáng kể đó khiến không ít tay vợt Việt Nam có tài năng nhưng không thể vươn ra biển lớn. Tại sao phải cần mẫn thi đấu tích lũy điểm số và tiền thưởng trong 3-5 năm để thi đấu các giải lớn, trong khi họ có thể kiếm số tiền lớn hơn nhiều nếu mang mác VĐV chuyên nghiệp thi đấu phong trào và mang thành tích về cho địa phương?

Không có quy định nào cấm VĐV chuyên nghiệp thi đấu phong trào theo hợp đồng ngắn hạn. Cũng không ai có thể ngăn cản một vài ông bầu nào đó treo thưởng cho chức vô địch giải cầu lông phong trào lớn hơn cả giải chuyên nghiệp. Nhưng tầm nhìn ngắn, cùng những niềm vui ngắn hạn như thế chính là bức tường ngăn cản cầu lông Việt Nam bước ra thế giới.

Vận động viên cầu lông quốc tế cũng nghèo như Việt Nam

Nếu xét về những khó khăn khi sống với môn cầu lông, vận động viên quốc tế cũng không khá khẩm hơn những đồng nghiệp Việt Nam. Thet Htar Thuzar hay Goh Jin Wei đều rất thành thạo cách đặt vé máy bay, đặt phòng trên các ứng dụng như Traveloka hay Booking. Goh thậm chí còn cài đặt Grab trước khi sang Việt Nam để nghiên cứu cách sử dụng thành thạo.

Là VĐV người Malaysia gốc Hoa, Goh Jin Wei luôn tính toán rất kỹ ở mỗi giải đấu mình tham dự để cân đối thu chi. Cô cho biết nếu tham dự các giải Super 300 trở lên, nếu không lọt vào đến vòng tứ kết thì chuyến đi đó chắc chắn lỗ. Vietnam Open là giải đấu hiếm hoi Goh có lãi lớn khi cô giành ngôi Á quân và ẵm 2.850 USD tiền thưởng.

Có sự nghiệp lận đận hơn cả Goh Jin Wei là Zhang Beiwen. Sinh ra ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Zhang chuyển sang Singapore sinh sống và thi đấu cho đội tuyển quốc gia nước này năm 17 tuổi. Nhưng 4 năm sau, hợp đồng giữa Zhang và Liên đoàn Cầu lông Singapore đáo hạn. Đôi bên không ký mới hợp đồng, do đó Zhang phải tìm một quốc gia khác để đăng ký thi đấu.

Điểm đến tiếp theo được Zhang lựa chọn là Mỹ. Rắc rối về vấn đề quốc tịch khiến cô không thể tham dự Olympic Rio. Đến kỳ Thế vận hội Tokyo, Zhang được phép tham dự với tư cách thành viên đội tuyển cầu lông Mỹ. Tuy nhiên, cô phải đến Nhật Bản theo diện tự túc, không được hỗ trợ đồng nào do Mỹ xác định cầu lông không phải môn thể thao trọng điểm.

Đơn Ca
.
.