Có chăng nhân tài thể thao bị “bỏ quên”?
Vận động viên "vô danh" Võ Thị Kim Ánh là tuyển thủ Boxing đến gần tấm vé dự Olympic Paris nhất. Nhưng con đường đến Thế vận hội của Kim Ánh cũng gặp rất nhiều gian nan, khi cô liên tục không có cơ hội lên tuyển thi đấu quốc tế vì một số lý do hậu trường.
Nhân tài ở ẩn
Trước thềm vòng loại Olympic, 3 gương mặt của Boxing Việt Nam được nhắc đến liên tục là Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và Lưu Diễm Quỳnh. Họ là những võ sĩ từng vô địch SEA Games, giành huy chương ASIAD, cũng như đại diện Việt Nam thi đấu giải vô địch thế giới. Nhưng với những người làm chuyên môn của Việt Nam, Võ Thị Kim Ánh cũng xuất sắc không kém.
So với mặt bằng chung của các võ sĩ Việt Nam, Kim Ánh nổi trội nhờ sở hữu chiều cao tốt. Thể chất mạnh mẽ cùng những cú đấm chuẩn xác giúp cô nhiều năm liền không có đối thủ ở các giải quốc gia. Điểm yếu hiếm hoi của võ sĩ người An Giang là thể lực và đấu pháp hợp lý trước đối thủ mạnh.
Ở tuổi 27, Kim Ánh có 10 năm gắn bó với các giải Boxing quốc gia trên cấp độ cao nhất. Đó cũng là khoảng thời gian cô trở thành kiện tướng quốc gia, và luôn giành huy chương tại các giải Boxing trong nước. Năm 2019, khi mới 22 tuổi, Kim Ánh đến Indonesia dự giải giao hữu President's Cup và lập tức gây ấn tượng trong mắt giới chuyên môn quốc tế.
Đối thủ của Kim Ánh trong trận bán kết President's Cup 2019 là Mary Kom, huyền thoại sống của Boxing Ấn Độ, người có 6 lần vô địch thế giới. Trước một Mary Kom dạn dày kinh nghiệm, Kim Ánh đã gây không ít khó khăn cho đối thủ. Cô chỉ nhận thất bại bằng tính điểm không đồng thuận. Đến năm 2022, Kim Ánh tiếp tục gây chú ý tại Thái Lan Mở rộng.
Với những ai theo dõi Boxing thành tích cao từ lâu, mọi người đều biết Thái Lan Mở rộng là một giải đấu rất danh giá. Còn được biết đến dưới tên gọi King's Cup, Thái Lan Mở rộng quy tụ khoảng 50% những võ sĩ hàng đầu thế giới đến tham dự. Ở một sân chơi khốc liệt như vậy, Kim Ánh đã lên ngôi vô địch một cách đầy thuyết phục.
Võ Thị Kim Ánh có thể đã bước ra ánh sáng sớm hơn. Năm 2023, sau khi Nguyễn Thị Tâm giành HCB giải vô địch thế giới, Boxing Việt Nam nhận thông tin sơ bộ về chương trình thi đấu SEA Games 32. Hạng cân nhỏ nhất của nữ tại kỳ SEA Games tổ chức ở Campuchia là 54kg. Đó là hạng sở trường của Kim Ánh, còn Nguyễn Thị Tâm sẽ phải đôn cân nếu muốn thi đấu.
Khi ấy, ban huấn luyện đội tuyển Boxing nữ Việt Nam đã tính đến phương án để Kim Ánh tham dự SEA Games. Tuy nhiên, phía bộ môn Boxing lại từ chối. Đội tuyển chỉ được chọn 1 trong 2 phương án: Đưa Nguyễn Thị Tâm dự SEA Games, hoặc phải cử một VĐV khác không phải Kim Ánh. Phán quyết này khiến Kim Ánh bỏ lỡ SEA Games, cũng như ASIAD sau đó.
Cái bắt tay lịch sử
Vào thời điểm đầu năm 2023, khi Bộ môn Boxing từ chối đề xuất để Kim Ánh tham dự SEA Games, lý do họ đưa ra là võ sĩ này không có phong độ tốt tại giải vô địch thế giới. Ở cùng một giải đấu mà Nguyễn Thị Tâm lọt vào trận đấu cuối cùng, Kim Ánh lại sớm dừng bước từ vòng ngoài. Cô không có thể lực tốt, và để thua ngược đầy đáng tiếc trước võ sĩ của Mông Cổ.
Đâu là lý do khiến một Kim Ánh vốn yếu thể lực ở giải vô địch thế giới lại có thể vô địch Thái Lan Mở rộng, cũng như lọt vào rất sâu ở vòng loại Olympic? Câu trả lời xuất phát từ môi trường tập luyện. Giống như cây non cần có đất tốt để lớn lên, Kim Ánh cũng cần có những đồng đội, bạn tập tốt xung quanh để giúp cô tiến bộ từng ngày.
Bước ngoặt của Kim Ánh đến vào năm 2022, khi cô tập luyện cùng đội tuyển Boxing nữ tại Hà Nội. Sang năm 2023, vận động viên (VĐV) này lên tuyển, nhưng lại được yêu cầu tập tại TP Hồ Chí Minh. Phong độ của Kim Ánh, vì thế, đi theo đồ thị hình sin. Chỉ đến khi trở lại Hà Nội tập luyện trước vòng loại Olympic, cô mới đạt thể trạng tốt nhất như bây giờ.
Huấn luyện viên (HLV) của một đơn vị rất mạnh tại khu vực phía Nam nhận xét: "Boxing là môn cần khổ luyện để thành tài. Ở điểm này, đội tuyển tập luyện tại Hà Nội sẽ tốt hơn, vì tuyển thủ quốc gia có cơ hội chạm trán với nhiều đối thủ. Đội tuyển Boxing nữ, cũng như Hà Nội nữ còn có nhiều HLV hỗ trợ, cũng như chuyên gia nước ngoài ở đẳng cấp rất cao".
Ai cũng biết Hà Nội là "thủ đô" của Boxing nữ, với dàn VĐV đông đảo và có nhiều tuyển thủ đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, VĐV được gọi lên đội tuyển nữ quốc gia lại chỉ có một vài người tập luyện tại Hà Nội. Điều này vô tình khiến cho nhiều VĐV không thể vươn tầm. Họ an phận với thành tích trong nước, thay vì nghĩ đến sân chơi thế giới.
Nhưng mọi thứ giờ đã khác. Trong giai đoạn chuẩn bị cho các ĐTQG năm 2024, Kim Ánh ban đầu được xếp tập luyện tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi Liên đoàn Boxing Việt Nam trực tiếp trao đổi cùng lãnh đạo bộ môn, tất cả đã thống nhất để Kim Ánh ra Hà Nội tập luyện. Đây có thể được xem như cái bắt tay lịch sử giúp mở ra trang sử mới cho Boxing Việt Nam.
Sau nhiều năm hoạt động riêng rẽ, Liên đoàn Boxing Việt Nam và bộ môn Boxing đã dần tìm được tiếng nói chung. Thành công của Kim Ánh trở thành minh chứng rõ ràng nhất cho thấy trái ngọt từ sự hợp tác chặt chẽ. Những VĐV như Kim Ánh cần có môi trường tốt để nâng tầm, thay vì tự chôn vùi tài năng.
Nhà vô địch không lên tuyển
Võ Thị Kim Ánh không phải VĐV duy nhất của khu vực phía Nam được Liên đoàn Boxing Việt Nam đề xuất tập huấn tại Hà Nội đầu năm 2024. Một gương mặt khác cũng được đề cập là Nguyễn Thị Thanh Hảo, đương kim vô địch quốc gia hạng cân 57kg nữ. Thanh Hảo có tố chất, thể hình tốt để thi đấu quốc tế. Nhưng vì một số lý do ngoài lề, Thanh Hảo không được lên tuyển.
Năm 2023, khi tham dự giải vô địch thế giới, Thanh Hảo từng lọt vào vòng 1/8. Cô chỉ nhận thất bại trước Irma Testa, người sau đó bước lên ngôi vô địch. Thanh Hảo đã thể hiện khả năng rất tốt, nhưng vì một số lý do ngoài chuyên môn (và sai sự thật), cô bị loại khỏi đội tuyển quốc gia. Người thay thế cô thi đấu ở hạng cân này là một võ sĩ kém hơn.
Năm nay, Thanh Hảo chuẩn bị bước sang tuổi 24, độ tuổi chín của một võ sĩ. Nhưng thay vì triệu tập cô lên tuyển và tập cùng các VĐV giỏi nhất, Boxing Việt Nam lại để Thanh Hảo ở lại địa phương. Ở chiều ngược lại, người thay thế Thanh Hảo thi đấu quốc tế là Nguyễn Huyền Trân lại liên tục được tạo điều kiện, dù thành tích rất đáng quên.
Thất bại ở vòng loại Olympic Paris là trận thua thứ 4 liên tiếp của Huyền Trân tại các giải đấu quốc tế. Một số người có trách nhiệm đã lên tiếng, nói Huyền Trân du đấu bằng kinh phí của địa phương (Tiền Giang) bỏ ra, chứ không phải Cục Thể dục Thể thao (TDTT). Nhưng đây chỉ là một nửa sự thật.
Theo Quyết định số 1121/2023 của Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT), Huyền Trân nằm trong số các VĐV hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù 480.000 đồng/người/ngày. Trong thời gian chuẩn bị vòng loại Olympic từ ngày 1/2 đến ngày 5/6, Huyền Trân cũng hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày, chưa kể tiền công tập tính theo chấm công hàng tháng.
Sau Thanh Hảo, một gương mặt khác có thể tiếp tục bị gạt khỏi cuộc chơi vòng loại Olympic là Nguyễn Thị Tâm. Có thông tin cho thấy Nguyễn Thị Tâm đã nhận được "tối hậu thư", nếu để thua ở vòng loại 1 thì cô sẽ không được dự vòng loại 2. Một cựu lãnh đạo từng quản lý bộ môn Boxing còn lên mạng xã hội nói Nguyễn Thị Tâm nên cân nhắc giải nghệ sau khi thua ngay trận đầu tiên "để nhường chỗ cho đàn em cọ xát", dù người đánh bại cô là một võ sĩ rất mạnh.
Phải chăng, đó là điều nên nói với một tuyển thủ quốc gia đang gánh vác trên vai sứ mệnh giành vé dự Olympic?
Kim Ánh tập xuyên Tết giữa tiết trời 8 độ C
Trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì về quê sum họp bên gia đình, Võ Thị Kim Ánh, Nguyễn Thị Tâm, chuyên gia Tawan Mungphingklang và một số thành viên khác thuộc đội tuyển Boxing nữ quốc gia quyết định ở lại Hà Nội. Họ chỉ về thăm nhà ít ngày trước Tết, rồi "cắm trại" cùng đội tuyển để thực hiện sứ mệnh quốc gia.
Kim Ánh và Nguyễn Thị Tâm là tuyển thủ hàng đầu, nhưng điều đó không có nghĩa họ được ưu ái hơn những VĐV khác. Bài tập của cả hai bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng. Ngay cả khi tiết trời tại khu vực phía Bắc tụt xuống mức 8 độ C, họ vẫn dậy đúng giờ và đến nhà thi đấu để tập luyện. Những tuyển thủ khác cũng làm điều tương tự.
Việc chiêu mộ HLV Tawan Mungphingklang làm chuyên gia của Boxing nữ Hà Nội cũng là một câu chuyện ly kỳ. Bởi, ông Tawan là HLV trưởng đội tuyển Boxing Thái Lan, đã giúp quốc gia này giành 4 vé tham dự Olympic từ Á vận hội Hàng Châu. Nhưng cuối cùng, sau nhiều lần cân nhắc, ông Tawan vẫn nhận lời đến Việt Nam, nơi ông trước đó có 8 năm làm việc.
Ít ai biết, đội tuyển Boxing nữ Việt Nam đến Italia dự vòng loại Olympic mà không có bác sĩ đội. Người giúp đội tuyển kết nối với bác sĩ của ban tổ chức, cũng như của các đội tuyển khác là HLV Nguyễn Như Cường và ông Tawan. Bằng một cách nào đó, bộ đôi này luôn tìm được tiếng nói chung trong công việc.