Cổ động viên Brazil quay lưng với sắc áo vàng

Chủ Nhật, 02/10/2022, 11:31

Tại Brazil, màu vàng là một thứ gì đó vô cùng trang trọng không chỉ vì quốc kỳ của họ có sắc vàng. Cũng dễ hiểu thôi khi Đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil từng “làm mưa làm gió” từ Copa America đến World Cup trong những chiếc áo vàng.

Người ta không thể nhắc đến bóng đá Brazil mà lại không nhắc đến sắc vàng trên đồng phục của họ. Thế mà trong những năm gần đây, không ai khác ngoài chính các fan cuồng nhiệt người Brazil lại đang quay lưng với những chiếc chiếc áo vàng.

Một biểu tượng bị đánh cắp

Để hiểu về giá trị của bộ đồng phục màu vàng, chúng ta phải quay trở lại kỳ World Cưp 1950. Brazil để tuột mất cúp vàng vào tay Uruguay trong trận chung kết với tỷ số 2-1 diễn ra ngay tại Rio de Janeiro. Cả cầu thủ lẫn người hâm mộ Brazil coi thất bại này là mối nhục ghê gớm. Niềm tin vào đội nhà rơi xuống mức báo động đến mức Liên đoàn Bóng đá Brazil phải mở cuộc thi thiết kế áo đấu mới cho đội tuyển quốc gia như một cách “vực dậy” người hâm mộ. Vào thời điểm đó đội Brazil mặc trang phục màu xanh và trắng. Yêu cầu duy nhất của ban giám khảo là mẫu thiết kế phải có hai màu xanh lá và vàng của quốc kỳ Brazil.

Cổ động viên Brazil quay lưng với sắc áo vàng -0
Chiếc áo phông màu vàng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất đối với Brazil.

Người thắng cuộc thi là nhà văn, nhà báo, họa sĩ Aldyr Schlee. Quê hương của Aldyr ở ngay sát biên giới Brazil-Uruguay và ông dành cả đời để viết về mối quan hệ giữa hai nước. Thất bại của đội tuyển quốc gia có lẽ ảnh hưởng đến Aldyr mạnh hơn nhiều người khác, nhưng họa sĩ đã dồn tất cả cảm xúc của mình vào mẫu thiết kế dự thi. Những ước mơ mà Aldyr muốn gửi gắm trong tấm áo chắc hẳn đã thành hiện thực vì kể từ năm 1958 đến nay, Brazil đã vô địch 5 kỳ World Cup và 9 kỳ Copa America. Nhiều huyền thoại bóng đá như Pele, Ronaldo, Ronaldino hay Romário làm nên tên tuổi cũng là trong màu áo vàng.

Higor Ramalho là một trong số hàng chục triệu người Brazil ham mê bóng đá. Những tháng gần đây là khoảng thời gian vui vẻ đối với họ vì sau 2 năm giãn cách, cuối cùng các sân vận động Brazil đã mở cửa đón khán giả. Mừng hơn nữa là điều này diễn ra vài tháng trước một kỳ World Cup 2022 tổ chức muộn hơn thường lệ, nên người hâm mộ Brazil có cơ hội được “làm nóng” bầu nhiệt huyết của mình trước kỳ chung kết thế giới.

Điều lạ lùng là Higor quyết định sẽ không mặc chiếc áo phông vàng để đi cổ vũ các trận bóng đá nữa. Anh thừa nhận rằng lần cuối cùng mình mặc chiếc áo vàng là vào năm 2018 và Higor cũng không biết mình sẽ mặc lại nó lần nữa. Anh trả lời hãng tin Reuters: “Lần đầu tiên mặc chiếc áo phông vàng đi xem bóng đá, tôi cảm giác lòng tự hào cứ cuộn trào trong mình. Chiếc áo vàng khi đó là biểu tượng của sự kiêu hãnh, đoàn kết và chiến thắng... Bây giờ, Tổng thống Bolsonaro và người ủng hộ ông ta đã biến áo phông vàng thành biểu tượng của họ. Tôi không đồng ý với tư tưởng chính trị của họ và tôi không muốn bị nhầm là một người như họ. Đấy là lý do vì sao tôi cất chiếc áo vàng đi”.

Cổ động viên Brazil quay lưng với sắc áo vàng -0
Đội tuyển bóng đá Brazil bắt đầu mặc áo vàng kể từ World Cup 1954.

Những người như Higor không hiếm. Kể từ khi ông Jair Bolsonaro thắng cuộc tranh cử tổng thống năm 2018, phong trào cực hữu tại Brazil đã lớn mạnh đến mức khó có thể tưởng tượng được. Mà bất kỳ phong trào nào cũng cần một biểu tượng. Với phe cực hữu, đó là chiếc áo màu vàng. Tìm những người mang tư tưởng cực đoan ở Brazil không khó. Bà Isabel Guedes, một người dân sống ở thủ đô Brasilia, cho biết: “Cuộc biểu tình nào do người bảo thủ tổ chức thì họ cũng mặc áo vàng và phất cờ vàng. Bạn nên tránh xa những người đó vì khi có đụng độ với cảnh sát, họ là những người đầu tiên đốt xe và ném đá vào cửa kính”.

Đây không phải lần đầu cánh hữu Brazil sử dụng bóng đá như một công cụ chính trị. Vào những năm 1960-1970, nhà độc tài Emílio Garrastazu Médici từng can thiệp trực tiếp vào các đội tuyển bóng đá Brazil, đội nào để thua trong các trận thi đấu quốc tế sẽ phải chịu trừng phạt rất nặng vì “làm nhục quốc thể”. Đấy chính là lý do vì sao chỉ vài tháng trước khi Vòng chung kết World Cup 1970 khởi tranh tại Mexico, Đội tuyển quốc gia Brazil đã đuổi việc huấn luyện viên João Saldanha. Ông bị đuổi vì không gọi các cầu thủ ưa thích của nhà độc tài lên đội tuyển.

Emílio Garrastazu Médici là thượng cấp và “tiền bối” của ông Jair Bolsonaro trong quân đội. Không loại trừ khả năng vị tổng thống đương nhiệm đã học được việc sử dụng bóng đá vào việc chính trị từ ông Médici. Báo Zero Hora nhận xét: “Tại một đất nước mà bóng đá thắp sáng ước mơ đổi đời của hàng triệu người trẻ, phe cánh hữu chỉ có lợi khi đi “mượn” hình ảnh của bóng đá để cổ súy cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan, nạn phân biệt chủng tộc với các dân tộc thiểu số, v.v...”.

Cổ động viên Brazil quay lưng với sắc áo vàng -0
Nhiều cổ động viên bóng đá Brazil cảm thấy khó có thể tiếp tục tự hào về sắc áo vàng của đội tuyển.

Cuộc chiến vì màu cờ sắc áo

Phản ứng của giới cổ động viên bóng đá Brazil dữ dội đến mức cách đây 2 năm, nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Joao Carlos Assumpcao đề xuất ý tưởng đội tuyển bóng đá quốc gia quay trở lại bộ đồng phục màu trắng và xanh có từ trước năm 1953. Đề xuất không được chấp nhận bởi Liên đoàn Bóng đá Brazil, nhưng trước sự ủng hộ từ dư luận, họ vẫn phải công khai giải thích lý do cho sự từ chối.

Vẫn có một nhóm nhỏ cổ động viên “chiến đấu” để giành lại màu vàng từ tay phe cực hữu. Họ sử dụng hashtag #DevolvamNossaBandeira (Trả lại lá cờ của chúng tôi) trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người ủng hộ. Một nhân vật quan trọng trong nhóm cổ động viên này là nhà sử học Ademir Takara, một trong những sử gia bóng đá nổi tiếng và là người quản lý Viện bảo tàng bóng đá Brazil ở Sao Paulo. Ông Ademir trả lời hãng tin Al Jazeera: “Bóng đá dành cho tất cả mọi người. Tôi không thích người ta dùng bóng đá để cổ súy cho nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính... Những chiếc áo màu vàng có cùng mục đích với lá quốc kỳ. Chúng đều nhằm thống nhất mọi người dân, mặc cho những rào cản về giới tính, tuổi tác, sắc tộc”.

Cổ động viên Brazil quay lưng với sắc áo vàng -0
Cuộc tuần hành của những người cực hữu Brazil mặc áo vàng.

Một trong những hành động mà phong trào Devolvam Nossa Bandeira đã làm được là tổ chức tuần hành nhằm phản đối phe cực hữu. Cách đây 3 tuần, hàng chục nghìn người theo phe ông Bolsonaro đã tràn vào bãi biển Copacabana tại Rio de Janeiro nhằm mít tinh ủng hộ việc thành phố này được đăng cai World Cup 2028. Nhưng, cùng lúc đó khoảng 300 cổ động viên cũng tổ chức tuần hành phản đối Tổng thống Brazil và kêu gọi tách bóng đá ra khỏi hệ tư tưởng cực hữu. Sự kiện này đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông quốc tế và được nhắc đến trong một bài phát biểu của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.

Trong số những người ủng hộ phong trào Devolvam Nossa Bandeira có cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula, ứng cử viên được dự báo sẽ chiến thắng cuộc tranh cử tổng thống sắp tới. Trong một cuộc tuần hành do phong trào tổ chức nhân ngày lễ độc lập của Brazil, ông Lula đăng tải dòng trạng thái sau trên mạng xã hội: “Ngày 7-9 đáng lẽ ra là một ngày của tình yêu và sự đoàn kết trên khắp đất nước Brazil. Điều đáng tiếc là thực tế không được như vậy. Tôi tin rằng người dân Brazil sẽ giành lại được những chiếc áo phông vàng cùng sự công bằng và dân chủ đáng lẽ ra thuộc về tất cả mọi người”.

Lê Công Vũ
.
.