Cơn địa chấn “Na Tra 2”: Câu chuyện của điện ảnh Trung Quốc
Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục doanh thu với thành công đáng kinh ngạc của “Na Tra 2”. Với doanh thu trên 10 tỷ NDT, phim mở ra kỷ nguyên mới cho điện ảnh nước này. Trong khi đó, Hollywood ngày càng chật vật chinh phục khán giả đất nước tỷ dân.
“Na Tra 2” lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”
Theo HK01, tính đến hết ngày 13/2, doanh thu tại Trung Quốc đại lục của “Na Tra: Ma đồng náo hải” (hay “Na Tra 2”) đã vượt mốc doanh thu 10 tỷ NDT (gần 35.000 tỷ đồng).

Ra mắt từ ngày 29/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán 2025), mỗi ngày phim đều tạo kỷ lục mới, hiện đã phá vỡ gần 100 kỷ lục như: phim điện ảnh có doanh thu và lượng khán giả đến xem cao nhất lịch sử Trung Quốc đại lục, phim có doanh thu cao nhất toàn cầu trong năm 2025, phim đầu tiên của Trung Quốc và châu Á có doanh thu hơn 10 tỷ NDT… “Ngay cả các phim của Disney và Marvel cũng chưa bao giờ có sức hấp dẫn như vậy”, truyền thông nước này bình luận.
Trang Collider cũng phải thốt lên: “Chưa có bộ phim nào đạt doanh thu như vậy chỉ ở 1 quốc gia. Kỷ lục trước đây thuộc về “Star Wars: Episode VI - The Force Awakens”, thu về 936 triệu USD (23,835 nghìn tỷ đồng) ở Bắc Mỹ vào khoảng 1 thập kỷ trước. Phim chắc chắn sẽ vượt qua doanh thu toàn cầu 1,6 tỷ USD (40,77 nghìn tỷ đồng) của “Inside out 2” để trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Phim sẽ đạt thành tích này này mà không cần một xu nào từ thị trường quốc tế”.
Từ ngày 13/2, phim của đạo diễn Sủi Cảo chính thức ra rạp trên toàn cầu như: Úc, Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Lighthouse Professional Edition cho biết, trong ngày đầu khởi chiếu, phim đã leo lên vị trí thứ 17 trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé toàn cầu, vượt qua nom tấn “Super Mario Bros. movie” của Nhật Bản, tạm thời đứng sau “Avengers: Age of ultron”. Riêng ở Úc, New Zealand, đây là phim Trung Quốc đầu tiên trong 20 năm qua đứng đầu doanh thu phòng vé. Với đà tăng trưởng này, Lighthouse Professional Edition dự đoán phim sẽ đạt tổng doanh thu 15,338 tỷ NDT (53,44 nghìn tỷ đồng). Trang Maoyan mạnh dạn dự đoán, tổng doanh thu phòng vé của “Na Tra 2” sáng cửa vượt quá 16.000 tỷ NDT, vào top 5 doanh thu phòng vé toàn cầu.
Thành tích kỷ lục của phim cũng mang đến niềm vui cho nhà phát hành. Theo truyền thông Trung Quốc, giá cổ phiếu của Light Media - nhà đầu tư và phân phối chính của “Na Tra 2”, tăng liên tiếp trong 7 ngày giao dịch, tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm 13/2, vượt quá 203%. Giá trị thị trường của công ty hiện đã đạt 84,899 tỷ NDT (296.000 tỷ đồng), giá trị thị trường tăng khoảng 56,9 tỷ NDT (198,24 nghìn tỷ đồng).
Tài sản của Vương Trường Thiên, ông chủ đứng sau công ty cũng tăng nhanh chóng nhờ cơn sốt “Na Tra 2”, ước tính tăng hơn 20 tỷ NDT (69,68 nghìn tỷ đồng). Có thông tin, ông Vương hiện nắm giữ khoảng 35,53% cổ phần của Light Media, tương đương hơn 30,1 tỷ NDT (104,87 nghìn tỷ đồng).
Hiệu ứng của “Na Tra 2” còn thúc đẩy thị trường bán lẻ dịch vụ ở Trung Quốc. Theo CCTV các sản phẩm “ăn theo” liên quan đến phim như: vòng càn khôn, cốc nước, mô hình, túi mù… cũng ăn nên làm ra. “10 ngày qua, doanh thu sản phẩm gắn với nhân vật Na Tra của chúng tôi vượt 12 triệu NDT (42 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu từ mô hình, túi mù tăng gấp 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái”, chủ một cửa hàng cho hay.
Thấy gì từ cơn sốt “Na Tra 2”?
Thành công của “Na Tra 2” không chỉ dừng lại ở những con số doanh thu ấn tượng. Bộ phim còn được coi là một hiện tượng văn hóa, góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh Trung Quốc đặc biệt ở thể loại hoạt hình.
“Na Tra 2” là phim hoạt hình 3D Trung Quốc thuộc thể loại kỳ ảo - phiêu lưu - hài xen lẫn yếu tố chính kịch. Phim được ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2025, do Sủi Cảo làm đạo diễn kiêm biên kịch.
Đây là phần 2 của bộ phim "Na Tra: Ma đồng giáng thế" từng gây bão phòng vé tại Trung Quốc và quốc tế trong năm 2019. Phim kể tiếp câu chuyện cuộc sống của tam thái tử Na Tra khi xảy ra mâu thuẫn với Ngao Bính để bảo vệ người dân của mình.
Trong hành trình chống lại số phận, Na Tra lần này còn có cuộc đối đầu gay cấn dưới thủy cung, nơi cậu bé chạm trán Ngao Quảng - cha của Ngao Bính, một nhân vật quyền lực của Long Tộc.
Khi bộ phim gây sốt, giới chuyên môn quốc tế đưa ra nhiều quan điểm giải mã sức hút của phim. Tựu chung, các ý kiến đều cho rằng, phim thành công nhờ kết hợp yếu tố truyền thống và kỹ xảo hiện đại. “Thành công của bộ phim là minh chứng rõ ràng cho thấy văn hóa Trung Quốc tiếp tục phát triển thông qua sự kế thừa và đổi mới, đồng thời thể hiện sức hấp dẫn độc đáo của mình”, Thời báo Hoàn Cầu bình luận.
Đồng quan điểm, tờ China Daily bình luận rằng “Na Tra 2” là biểu tượng cho “sự tự tin ngày càng tăng về văn hóa” của Trung Quốc. Tờ báo cho biết bộ phim đã chứng minh rằng ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc đang kể câu chuyện của riêng mình, thay vì dựa vào các công ty phim phương Tây để làm phim dựa trên văn hóa dân gian Trung Quốc, chẳng hạn như “Hoa Mộc Lan” của Disney. “Na Tra 2” giành lại danh hiệu kể chuyện, chứng minh rằng không ai có thể kể lại những câu chuyện thần thoại của Trung Quốc hay hơn chính người Trung Quốc”, China Daily viết.
Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy, “Na Tra 2” chỉ phục vụ được khán giả Trung Quốc. Để nâng tầm giá trị, Sủi Cảo đã sử dụng thông điệp, ngôn ngữ mang tính toàn cầu. “Chúng tôi đã loại bỏ bối cảnh phức tạp của câu chuyện thần thoại, tập trung vào câu chuyện gia đình, tình bạn và sự phát triển của cá nhân, đó là ngôn ngữ chung của toàn nhân loại”, đại diện nhà sản xuất nói với Scol.
“Câu chuyện phát triển của Na Tra - từ nổi loạn đến trách nhiệm, từ đối đầu đến hòa giải - rất phù hợp với sự theo đuổi lòng dũng cảm và bản sắc của khán giả toàn cầu. Đây là linh hồn của “Na Tra 2” và là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách văn hóa”, Meng Dehong của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đánh giá.
Chúng tôi để các yếu tố thần thoại đối thoại với tính thẩm mỹ hiện đại, giữ lại nét quyến rũ phương Đông đồng thời tạo cảm giác mới lạ và không xa lạ với khán giả toàn cầu
Hollywood hết thời hốt bạc ở Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới và từng là “mỏ vàng” của Hollywood trong gần 3 thập kỷ qua, giúp nhiều bộ phim bom tấn đạt doanh thu kỷ lục. Khoảng 41% phim chiếu ở Trung Quốc trong 10 năm qua đến từ Mỹ, một số tựa phim có doanh thu cao hơn khi chiếu ở Mỹ. Đơn cử, “Fast & Furious 7” (2015) thu về hơn 390 triệu USD (hơn 8,97 nghìn tỷ đồng) chỉ riêng tại nước này, chiếm gần 30% tổng doanh thu toàn cầu. “Avengers: Endgame” (2019) cũng tạo cơn sốt khi hốt hơn 600 triệu USD (hơn 14,6 nghìn tỷ đồng) vào thời điểm ra mắt.

Để “chiều lòng Trung Quốc”, điện ảnh Mỹ còn có sự góp mặt đáng kể của các diễn viên Hoa ngữ như Lưu Diệc Phi, Phạm Băng Băng… trong khi giới chủ Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Hollywood.
Tuy nhiên, gió đã đảo chiều rõ ràng kể từ cơn sốt “Na Tra 2”. Hu Xijin - cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu còn tuyên bố: “Đây là bộ phim hay nhất tôi từng xem. Thời đại mà người dân Trung Quốc ngưỡng mộ, kinh ngạc trước những bộ phim hoạt hình Hollywood như “Kung Fu Panda” đã qua rồi”. Ông cho rằng quyết định mở cửa thị trường cho phim Hollywood của Trung Quốc vào những năm 1990 đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh của nước này, hiện có thể tự phát triển.
Thực tế, vài năm trở lại đây, Hollywood không còn là “con cưng” của đất nước tỷ dân. Theo thống kê của Maoyan, năm 2024, chỉ có duy nhất một phim Hollywood vào top 10 phim ăn khách nhất là “Godzilla x Kong: The new empire”. Song, bom tấn này chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng, xếp sau nhiều phim nội địa. Doanh thu của dự án cũng đáng thất vọng, chưa thể vượt qua 1 tỷ NDT, thu về 957 triệu NDT (hơn 3,3 nghìn tỷ đồng).
Các phim lớn khác như: “Deadpool 3”, “Despicable me 4”, “Dune 2” cũng không đạt doanh thu trên 5 tỷ NDT (17,4 nghìn tỷ đồng). Doanh số phòng vé của một số bộ phim như “Mad Max: Furiosa” và “Joker 2” không đạt được 1 tỷ NDT (hơn 3,4 nghìn tỷ đồng).
Trong khi đó, phim nội địa trở thành nguồn thu chủ lực. Theo Variety, thị phần của các bộ phim nhập khẩu vào “đất nước tỷ dân” trong năm 2024 đã giảm xuống dưới 15%, phim Hollywood chiếm chỉ 12%. Theo Global Times, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc vượt mốc 40 tỷ NTD (140.000 tỷ đồng) trong năm 2024.
Tờ Straits Times nhận định: “Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa”. Nhà sản xuất phim Chris Fenton cũng nhận định thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng rời xa Hollywood: “Họ không cần Hollywood để lấp đầy các hàng ghế khán giả nữa”. Tờ Variety đồng quan điểm khi khẳng định: “Khán giả Trung Quốc dường như đã không còn hứng thú với các loạt phim Mỹ và chủ nghĩa cá nhân nữa”.
Ying Zhu, một chuyên gia về phim ảnh và truyền hình Trung Quốc, tác giả của cuốn “Hollywood tại Trung Quốc”, chia sẻ với CNBC rằng, khán giả Trung Quốc đã chán ngán những cốt truyện lặp đi lặp lại của Hollywood. Nguyên nhân vì Hollywood cho thấy sự nghèo nàn về ý tưởng, khai thác quá mức về vũ trụ điện ảnh, đặc biệt là siêu anh hùng. CNBC dự đoán, năm 2025, số lượng phim ăn theo các thương hiệu nổi tiếng chỉ tăng chứ không giảm, ước chừng chiếm khoảng 50 - 70%
Trên CNBC, các chuyên gia cho biết “Trung Quốc đã học được tất cả những gì họ có thể từ Hollywood. Bây giờ, họ tự làm những bom tấn với kinh phí lớn, những bộ phim hoạt hình với hiệu ứng rất tốt, có chất lượng không kém thậm chí vượt trội Hollywood”.
Không những vậy, chính phủ nước này cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển điện ảnh. Theo Variety, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa vào năm 2035, trong đó ngành điện ảnh phải tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để hiện thực hóa điều này, Cục Quản lý điện ảnh Trung Quốc đưa ra kế hoạch 5 năm (từ 2021 đến 2025) lần thứ 14, bao gồm các mục tiêu như: Nỗi năm ra mắt 50 phim có doanh thu tối thiểu 15,7 triệu USD; Mỗi năm ra mắt ít nhất 10 phim "vừa nổi tiếng vừa có chất lượng cao”; Phim nội địa chiếm 55% doanh thu phòng vé mỗi năm; Tăng lên 100.000 rạp vào năm 2025; Thành lập “phòng nghiên cứu phim công nghệ cao cấp quốc gia”; Tăng chất lượng tổng thể của hiệu ứng hình ảnh thông qua sự lớn mạnh của dòng phim khoa học viễn tưởng.
“Ngành công nghiệp điện ảnh cũng được thúc đẩy nhờ chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế đang suy thoái. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thường kéo dài 1 tuần, năm nay chính phủ cho người dân thêm 1 ngày nghỉ, có thêm thời gian đến rạp xem phim. Ngoài ra còn có các chương trình giảm giá vé xem phim, trợ cấp và các ưu đãi khác”, China Times cho biết thêm.
Từ thành công của “Na Tra 2”, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, để điện ảnh Trung Quốc vươn tầm quốc tế, không nên dừng lại ở “phép màu phòng vé” mà phải bắt đầu từ những câu chuyện văn hóa mang tính toàn cầu. “Khi ngày càng nhiều phiên bản của “Na Tra 2” sử dụng công nghệ như một con thuyền và văn hóa như một cánh buồm để tiến về phía biển xanh thẳm của lịch sử điện ảnh thế giới, những câu chuyện Trung Quốc mới có thể vượt qua ngôn ngữ và vùng miền và trở thành tài sản tinh thần chung của nhân loại”.
Trên Global Times, PGS Zhang Peng của Đại học Sư phạm Nam Kinh cũng lưu ý thêm, tiềm năng thành công của phim tiếng Trung ở nước ngoài vẫn bị hạn chế bởi các kênh phân phối. Do đó, việc tăng số lượng buổi chiếu và cải thiện phương thức phân phối là những yếu tố quan trọng để bộ phim đạt được những đột phá hơn.