Công chúa Huyền Trân - Cuộc đời và giai thoại
Công chúa Huyền Trân - vị công chúa nhà Trần được ghi nhận là người có nhiều công lao trong hành trình mở cõi, nhưng chính sử không có nhiều ghi chép. Tuy nhiên, trong dân gian lại có không ít giai thoại về bà.
Cùng với đó, nhiều di tích, điểm thờ phụng bà. Có những điểm di tích gắn liền với lễ hội lớn của một địa phương. Nhiều con đường mang tên Huyền Trân công chúa. Đến nay, sau 700 năm, cuộc đời về công chúa tài sắc nhưng cũng lắm gian truân vẫn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi, khiến hậu thế tiếp tục tốn thêm không ít giấy mực.
Thêm nhiều giả thiết về việc giải cứu công chúa Huyền Trân
Mới đây nhất, tại hội thảo khoa học “Công chúa Huyền Trân: Cuộc đời và giai thoại” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định cùng một số đơn vị tổ chức tiếp tục hé mở thêm nhiều tư liệu thú vị về công chúa Huyền Trân. Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, công chúa Huyền Trân là con gái của Phật hoàng Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1306, khi vừa tròn 19 tuổi, vâng lời vua cha, vì lợi ích dân tộc, công chúa Huyền Trân đã lên đường đến Champa (Chiêm Thành), kết hôn với vua Champa lúc đó là Chế Mân và được phong làm hoàng hậu Paramesvari.
Chỉ một năm sau, vua Chế Mân đột ngột qua đời, Huyền Trân trở về quê nhà, xuất gia thọ Bồ Tát giới với thiền sư Bảo Phác tại núi Trâu Sơn (Bắc Ninh ngày nay), lấy pháp danh là Hương Tràng. Sau đó, công chúa Huyền Trân về tu hành tại chùa Hổ Sơn (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay) cho đến khi qua đời vào năm 1340. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hành trình trở về của công chúa Huyền Trân vẫn còn khá nhiều tranh cãi.
GS.TS Đinh Khắc Thuân cho rằng, trong câu chuyện về Huyền Trân công chúa được lưu truyền rộng rãi, có một số sự kiện cụ thể được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử. Sự kiện công chúa Huyền Trân gả cho vua Chế Mân đã được ghi chép trong bộ chính sử thời Lê là Đại Việt sử ký toàn thư. Theo đó, tháng 3/1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông vân du các nơi, sang Chiêm Thành. Tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về.
Tháng 2/1305, Chiêm Thành sai Chế Bồ Đà và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến bạc vàng, hương quý, vật lạ và hai châu Ô, Lý làm lễ cầu hôn. Các quan trong triều đều cho là không nên, duy có Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành, việc bàn mới quyết. Tháng 6/1306, công chúa Huyền Trân được gả cho Chế Mân.
Về sự kiện Chế Mân chết, theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 5/1307, chúa Chiêm Thành Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì hoàng hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai Trần Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang, tính kế dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về. Thời điểm đoàn sang Chiêm Thành đón công chúa và thế tử Đa Đa về là tháng 10/1307.
Theo GS.TS Đinh Khắc Thuân, trong những sự kiện trên, duy có sự kiện Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, sau đó được đưa về nước ngay sau khi Chế Mân mất là xác thực. Những sự kiện còn lại, hầu như chưa được kiểm chứng. Chưa có cơ sở để xác nhận công chúa có bị nguy cơ đưa lên giàn thiêu. Lý do là vua Chế Mân chết vào tháng 5, đến tháng 10, khi vua Trần sai người đến cứu công chúa mà vẫn chưa tổ chức tang lễ và làm giàn thiêu là điều bất thường. Huyền Trân không phải là hoàng hậu của Chế Mân, nên không phải theo lệ lên giàn thiêu. Điều này đã được nhà nghiên cứu Việt Nam gốc Champa tại Pháp là TS. Po Dharma trong công trình của ông “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa” đã chứng minh khá cụ thể, Huyền Trân không phải là hoàng hậu, nên không có ân hạnh được lên giàn thiêu để được đi theo vua.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thuận cũng nhận định, khó có việc công chúa Huyền Trân phải lên giàn thiêu theo chồng vì Chế Mân chết tháng 5, tháng 9 sứ đoàn Champa sang thăm Đại Việt và dâng tặng voi trắng. Việc dâng voi trắng này không chắc chắn là báo tang mà có thể báo hỷ. Theo tìm hiểu của PGS.TS Trần Thuận về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ nghi của người Chăm thì ở Chiêm Thành, một người tạ thế, cho dù là dân chúng hay vua quan, thi hài cũng quàn không quá một tháng là phải hỏa thiêu.
Nhà nghiên cứu lịch sử Champa như Po Dharma hay Dominique Nguyen cũng đã khẳng định, theo luật Champa, lễ hỏa táng vua mới mất được thực hiện trong ngày đẹp nhất trong vòng một tháng sau khi vua băng hà. Như vậy, đám tang Chế Mân đã được tiến hành trong tháng 5 hoặc chậm lắm là tháng 6/1307. Đến tháng 9, cho dù người Chăm dâng voi trắng báo hỷ, đồng thời báo tang thì cũng chỉ báo tang chính thức vua Chế Mân băng hà theo nghi thức ngoại giao, còn đám tang Chế Mân, thực tế không còn xảy ra nữa. Điều này cũng có nghĩa là không có chuyện Huyền Trân phải lên giàn lửa cùng chồng.
Mặt khác, ở Champa có tục lệ khi vua chết được hỏa táng và khi đưa thi hài nhà vua lên giàn lửa, hoàng hậu phải lên cùng để tỏ lòng chung thủy, nhưng “đặc ân” này không áp dụng cho tất cả các bà vợ của vua mà chỉ có bà hậu nào thỏa những điều kiện cụ thể như một chế định của triều đình. Huyền Trân là người ngoại tộc nên không phải là đối tượng “xem xét” của hoàng gia Chiêm Thành. Vì vậy, sau khi lên ngôi, Chế Chí đã chủ trương để Huyền Trân hồi hương.
Công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung
Có một điểm đáng chú ý là khá nhiều ý kiến cho rằng khó có khả năng công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung tư thông như chính sử ghi. Theo phân tích của PGS.TS Trần Thuận, chính sự ra đi đột ngột của Chế Mân mang theo những bí ẩn, để rồi nảy sinh sự nghi ngờ, suy diễn, hình thành nên các giai thoại khiến người đời sau không ít ngộ nhận đáng tiếc, trong đó có nghi án Trần Khắc Chung giải cứu và tư thông với Huyền Trân.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, người Giáp Sơn, Hải Dương, ông có công trong hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai và thứ ba, nên tháng 4/1289, ông được ban quốc tính trở thành Trần Khắc Chung và được phong chức Đại Hành khiển. Qua nhiều đời vua Trần, ông luôn giữ nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1305, Trần Khắc Chung và Văn Túc vương Trần Đạo Tái là hai vị quan trong triều tán thành việc gả Huyền Trân cho Chế Mân.
Năm 1307, khi Chế Mân qua đời, vua Trần Anh Tông đã cử Trần Khắc Chung làm trưởng đoàn sứ giả và Đặng Văn làm phó đoàn sang Chiêm Thành đón Huyền Trân về nước. Sự kiện này đã được các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư trình bày như một cuộc giải cứu và cho rằng Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa Huyền Trân trên đường về.
Theo PGS.TS Trần Thuận, thông tin công chúa Huyền Trân và Trần Khắc Chung tư thông thiếu cơ sở. Lý do là khi sứ thần Champa dâng biểu cầu hôn, cả triều thần Đại Việt phản đối, duy có hai người tán thành việc gả Huyền Trân cho Chế Mân, trong đó có Trần Khắc Chung. Nếu ông và Huyền Trân đã là người tình của nhau thì khó có việc đồng tình với việc gả người mình yêu cho người khác. Trần Khắc Chung lúc ấy đã là một đại quan trong triều, không cần tán đồng quyết định gả công chúa Huyền Trân để lấy lòng vua.
Nếu đã không có cuộc giải cứu như chính sử ghi chép thì không có động lực để Huyền Trân có thể cảm ơn cứu mạng và tình cảm đến nỗi bỏ qua tất cả để thuận tình với Khắc Chung. Chưa kể, nếu Huyền Trân sinh con cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 - thời điểm sứ đoàn Chiêm sang báo tin vui, thì tháng 10 năm 1307, lúc ấy Huyền Trân rất cần sự chăm sóc của các cung nữ. Cả đoàn sứ giả đón Huyền Trân về, không phải chỉ có thuyền nhẹ của Khắc Chung và Huyền Trân để hai người có thể tư thông.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Đinh Khắc Thuân cũng nhận định, Huyền Trân là công chúa, được giáo dưỡng thành mẫu mực phẩm giá cho thiên hạ nên cũng khó có chuyện tư thông dễ dãi, làm tổn hại thanh danh của hoàng tộc, của quốc gia.
Dân tin, dân kính nên dân thờ
Mặc dù chính sử ghi chép về công chúa Huyền Trân rất ít nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện nay, bà vẫn được thờ phụng ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, hiện nay, dưới chân núi Xuân Dương của làng chài Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng có ngôi miếu cổ, được truyền tụng là miếu thờ công chúa Huyền Trân. Hằng năm, dân làng đều cúng tế tại miếu này.
Tại vùng đất thuộc hai châu Ô - Lý, nhân dân lập nên nhiều ngôi miếu thờ tưởng nhớ công lao của công chúa Huyền Trân. Chùa Nộn Sơn (chùa Hổ Sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - PV) thờ hai vị công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo, hiện vẫn giữ 4 sắc phong của các triều đại quân chủ cho hai công chúa, trong đó có hai bản được triều Nguyễn sắc phong chung làm thần, nhân dân trong vùng thường gọi là “Sắc phong Nhị vị công chúa”.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện nay công chúa Huyền Trân được nhân dân thờ phụng tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Huế, Quảng Trị… Công chúa Huyền Trân không chỉ được thờ như một vị Bồ tát mà còn được thờ như một vị nữ thần, mẫu thần, Bà chúa Hổ, thậm chí là một vị thành hoàng làng, tổ nghề. Điều đó có thể cho thấy, trong lòng nhân dân, công chúa Huyền Trân có nhiều công lao với dân, với nước. Bà được dân tin, dân kính nên dân thờ.