Công nghệ chuẩn World Cup và bài toán cho Việt Nam

Thứ Tư, 26/10/2022, 19:41

Sau lễ bốc thăm vòng bảng World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có cơ hội chạm trán những nền bóng đá hàng đầu thế giới là Mỹ và Hà Lan. Đây là dịp để bóng đá Việt Nam tiếp cận với những cơ sở vật chất và công nghệ chuẩn World Cup mà chúng ta chưa từng thấy trong bóng đá, cho thấy chúng ta còn một bước dài để vươn tầm thế giới.

Đắt đỏ như trung tâm huấn luyện di động

Một năm trước khi World Cup 2022 chính thức khởi tranh, nước chủ nhà Qatar ra mắt công nghệ có một không hai trong thể thao. Sân vận động Qatar Foundation được ghi nhận là sân bóng di động đầu tiên trên thế giới. Đây cũng là trung tâm huấn luyện di động lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự hiện đại của phát triển công nghệ trong thể thao đỉnh cao.

anh1.jpg -0
Sân Qatar Foundation là đỉnh cao của công nghệ xây trung tâm huấn luyện di động.

Qatar Foundation Stadium được gọi là sân bóng di động bởi mọi chi tiết xây dựng nó đều có thể tháo rời, vận chuyển đến một nơi khác và lắp ghép nhanh chóng. Theo giải thích của nước chủ nhà Qatar, điều này xuất phát từ nhu cầu phù hợp của một trung tâm huấn luyện thể thao sau khi World Cup kết thúc.

Năm 1976, Thế vận hội Montreal (Canada) từng gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ bằng quy mô của sân vận động Olympic, được biết đến với biệt danh "The Big O". Nhưng trong những thập niên tiếp theo, người Canada gọi châm biếm sân vận động này bằng cái tên "The Big Owe" (món nợ lớn).

Sân The Big O gần như không được sử dụng suốt 2 thập niên qua, trong khi kinh phí bảo trì quá lớn. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với sân "Tổ chim" ở Bắc Kinh, khi công trình này dần xuống cấp theo thời gian và dần biến thành trung tâm tổ chức sự kiện, đám cưới để bù lại kinh phí.

Để tránh đi vào vết xe đổ, Qatar đã xây sân Qatar Foundation Stadium theo công nghệ trung tâm huấn luyện di động. Từ các ô cỏ trên sân đến từng hàng ghế, nhà vệ sinh và mọi thiết bị, vật tư làm nên sân bóng đều là những mảnh ghép. Trên thực tế, nếu không tổ chức World Cup, Qatar không có nhu cầu xây nhiều sân bóng đến vậy.

Ngay sau khi World Cup khép lại, Qatar Foundation Stadium được cải tạo trở thành một khu phức hợp huấn luyện thể thao. Nó sẽ có hai bể bơi trong nhà chuẩn Olympic, một khu tập luyện nhảy cầu, một sân điền kinh trong nhà cùng một sân điền kinh ngoài trời. Số ghế ngồi cũng giảm từ 40.000 xuống chỉ còn 25.000.

Có thể hiểu vì sao Qatar lại nhìn xa đến vậy trong việc xây dựng sân Qatar Foundation Stadium. Với quy mô dân số 2,8 triệu người cùng diện tích hơn 11.000km vuông, họ không có quá nhiều nhu cầu sử dụng các sân bóng đá chuẩn quốc tế. Việc tháo dỡ, cải tạo sân bóng thành một trung tâm huấn luyện thể thao di động là điều cần thiết.

Mô hình sân bóng, trung tâm huấn luyện di động của Qatar đang trở thành hình mẫu để các quốc gia khác nghiên cứu và làm theo. Thay vì xây dựng một sân bóng hoành tráng như quốc gia Arab, các nền bóng đá phát triển đã có kinh nghiệm xây dựng tổ hợp huấn luyện mini để mang theo mỗi khi đội bóng của họ ra nước ngoài thi đấu.

Tiền nhiều, nhân lực lớn

Qatar công bố kinh phí xây dựng Qatar Foundation Stadium là 214 triệu USD, nhưng con số thực tế nhiều khả năng còn lớn hơn. Lý do bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tốc độ xây dựng và hoàn tất công trình diễn ra chậm hơn nhiều so với kế hoạch.

anh4.jpg -0
Tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp những đối thủ hàng đầu thế giới ở World Cup.

Năm 2016, Qatar tiến hành động thổ sân Qatar Foundation. Theo ước tính ban đầu của chủ đầu tư, họ sẽ kịp hoàn thành sân bóng để tổ chức trận tranh giải ba và chung kết FIFA Club World Cup 2019, giải đấu diễn ra vào tháng 12 năm đó. Đây cũng là thời điểm khánh thành sân vận động, nhưng mọi thứ không thể diễn ra hoàn hảo như ước tính của mọi người.

Thay vì 3 năm, quá trình xây dựng sân Qatar Foundation kéo dài trong 4 năm với nỗ lực không ngừng nghỉ của 5.000 công nhân thường trực tại công trình. Phải đến tháng 6/2020, công tác xây dựng sân mới chính thức hoàn tất, đi kèm hàng loạt câu chuyện gây tranh cãi kéo dài đến tận bây giờ.

Để xây dựng Qatar Foundation và các sân bóng khác ở World Cup 2022, Qatar đã sử dụng khoảng 30.000 công nhân nước ngoài. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông đến từ Ấn Độ, Nepal và Philippines.

Bên cạnh việc cố gắng đảm bảo tiến độ để kịp thời tổ chức World Cup, kinh phí cũng là một lý do khiến công nghệ xây trung tâm huấn luyện di động khó triển khai ở các nơi khác. Số tiền Qatar bỏ ra để chi cho kỳ World Cup lịch sử này có thể lên tới 500 tỷ USD, gấp 1.100 lần tổng số tiền FIFA thưởng cho các đội tham dự Cúp Thế giới.

Một vấn đề khác của công nghệ xây trung tâm huấn luyện di động là ngay cả khi có tiền, việc thực hiện có thể không diễn ra như mong muốn. Với một công nghệ tân tiến hàng đầu trong thể thao, sân bóng hay trung tâm huấn luyện di động phải được lắp đặt, vận hành bởi những chuyên gia hàng đầu.

Việt Nam tiếp nhận công nghệ thế nào?

Với các quốc gia có nền bóng đá phát triển ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ đã quen với mô hình trung tâm huấn luyện di động đơn giản. Theo đó, toàn đội thường mang theo trang thiết bị, dụng cụ tập luyện mỗi khi họ ra nước ngoài thi đấu. Dụng cụ tập đôi lúc còn được cá nhân hóa để phù hợp với từng cầu thủ.

anh3.jpg -0
Công nghệ VAR chỉ là một trong những điểm nhỏ cho thấy bóng đá Việt Nam thụt lùi về công nghệ so với thế giới.

Điều này có thể được thấy ở vòng loại World Cup khu vực châu Á, khi các đội tuyển Nhật Bản, Australia và Saudi Arabia thường mang khoảng 8-10 tấn hành lý sang Việt Nam. Phần lớn khối lượng hành lý chuyên chở là máy móc và thiết bị tập luyện chuyên dụng. Ở góc độ nào đó, có thể thấy họ chi ra không ít tiền với mục tiêu giành 3 điểm.

Trong khi cầu thủ quốc tế đã quen với thiết bị định vị GPS, máy đo huyết áp, nhịp tim và nhiều loại đồ điện tử khác được đeo trên người khi tập luyện, điều này vẫn còn khá lạ lẫm với cầu thủ Việt Nam. Điều đó được thể hiện phần nào khi đội tuyển Việt Nam liên tục bị thổi phạt đền vì VAR ở vòng loại World Cup vừa qua.

Ở thời điểm hầu hết các quốc gia trên thế giới đã lắp đặt, sử dụng VAR ở giải đấu quốc nội, Việt Nam mới chỉ có 1 trọng tài được đào tạo về nghiệp vụ sử dụng VAR. Trong thời gian sớm nhất, công nghệ này chỉ bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam từ mùa giải V.League 2023-2024. Đó là bước tiến rất chậm chạp, ngay cả khi so với những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Trong câu chuyện về VAR, hay công nghệ xây trung tâm huấn luyện di động, có thể thấy VFF cần nỗ lực hơn để đổi mới. Nhưng cố gắng của một vài cá nhân xuất chúng tại VFF là chưa đủ. Điều đó được thể hiện trong quá khứ, khi nhiều HLV, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc nhưng không được tạo điều kiện phục vụ tận tâm ở vị trí của họ.

Giáo án tập luyện của châu Âu có một bài tập khá thú vị về giữ cự ly đội hình trong thi đấu. HLV buộc dây nối 4 cầu thủ phòng ngự lại với nhau, để chùng xuống một chút rồi yêu cầu họ tập luyện. Nếu một cầu thủ ở hàng phòng ngự không giữ cự ly đúng, tất cả có thể bị kéo ngã hoặc không di chuyển như ý.

Bài tập này đã phổ biến với cầu thủ trẻ quốc tế trong 3 thập niên qua, nhưng vẫn khá lạ với Việt Nam. Xu hướng chậm tiếp nhận công nghệ mới của bóng đá Việt Nam, cũng như thể thao Việt Nam nói chung xuất phát từ một điểm yếu cố hữu: Ngoại ngữ.

Việc hạn chế về ngoại ngữ khiến các HLV, nhà quản lý khó chủ động nghiên cứu tài liệu nước ngoài, dù chúng có thể tìm được khá dễ dàng trên mạng. Có lẽ, phải đến khi nhận bất lợi rõ ràng như những quả phạt đền vì VAR ở vòng loại World Cup, bóng đá Việt Nam mới nhận ra cần đổi mới công nghệ.

Bóng đá nữ "ra ngõ gặp anh hùng"

Ở lễ bốc thăm vòng bảng World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam được xếp vào bảng E cùng Mỹ, Hà Lan và đội đầu bảng A lượt trận playoff (chưa xác định, nhiều khả năng là Bồ Đào Nha). Đây là bảng đấu rất khó khăn với các cầu thủ nữ khi đội tuyển Mỹ là đương kim vô địch thế giới, còn Hà Lan là đương kim Á quân.

Tại kỳ World Cup 2019, đội tuyển nữ Mỹ từng nằm chung bảng với Thái Lan. Họ nã vào lưới đội Thái Lan tới 13 bàn. Chứng kiến cảnh bất lực nhìn đội nhà liên tiếp thủng lưới, nhiều cầu thủ nữ Thái Lan đã bật khóc. Năm đó, Thái Lan rời World Cup mà không có điểm nào. Họ chỉ ghi được 1 bàn và thủng lưới 20 lần. Một trận đấu khó khăn với đẳng cấp chênh lệch khi gặp đội tuyển Mỹ là điều được dự báo trước với các cầu thủ nữ Việt Nam. Nhưng dưới con mắt của người làm chuyên môn, huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung cho rằng đây là cơ hội tốt để cầu thủ Việt Nam học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ đội tuyển nữ thành công nhất lịch sử bóng đá thế giới.

"Không phải khi nào chúng ta cũng có cơ hội đấu với Mỹ và Hà Lan, lại còn không mất tiền mời họ đến đá cùng", HLV Mai Đức Chung nhấn mạnh. Tâm lý thoải mái cùng hiệu ứng kỳ tích lần đầu tham dự World Cup là cơ sở giúp đội tuyển nữ Việt Nam có thể làm nên nhiều bất ngờ ở giải đấu lần này, dù chắc chắn toàn đội sẽ gặp không ít khó khăn.

Đơn Ca
.
.