Công nghiệp điện ảnh Việt: Bắt đầu từ đâu?
Việc các đoàn phim quốc tế tới Việt Nam làm phim sẽ góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của mảnh đất hình chữ S tới bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiềm năng này còn chưa được khai phá triệt để nên rất cần một định hướng phát triển phù hợp.
Việt Nam trong phim quốc tế
Chỉ cần một bộ phim, một ca khúc đủ để thành phố Casablanca bên bờ biển Morocco đã nổi tiếng toàn thế giới, và trở thành một trong những thành phố du lịch hàng đầu. Một trường hợp khác, cách đây 27 năm, Liên hoan phim Busan 1995 lần đầu tiên được tổ chức rất khiêm tốn tại một thành phố không mấy nổi tiếng tại Hàn Quốc khi điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu trào lưu mới. Nhưng sự kiện đó đã đồng hành với sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc, vô số phim xuất sắc của sứ xở kim chi và các nền điện ảnh trên thế giới quy tụ về đây. Thành phố Busan giờ đã được cả thế giới biết đến, thu hút du lịch nhất nhì Hàn Quốc. Cùng với đó, hàng loạt địa điểm đã thu hút hàng triệu người chỉ bởi những thước phim điện ảnh nổi tiếng. Sức mạnh của điện ảnh là điều không ai có thể phủ nhận được trong việc quảng bá hình ảnh và con người của đất nước đến với toàn thế giới.
Đã từng có không ít lần hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam xuất hiện trong những phim bom tấn của các hãng phim Holywood hay các hãng phim nổi tiếng khác. Ra mắt hồi tháng 8/2021, “The Protégé” có rất nhiều phân cảnh quay tại Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng. Trong phim, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh cầu Rồng - đặc trưng của Đà Nẵng - xuất hiện một cách hoành tráng. Ngoài ra, phim còn có những khung cảnh quen thuộc như taxi Việt Nam, những bảng hiệu bằng tiếng Việt, sông nước... Mới đây, bộ phim Hàn Quốc “Taxi Driver 2” ra mắt đã khiến khán giả chú ý khi lấy bối cảnh ở 3 thành phố của Việt Nam gồm TP Hồ Chí Minh, Hạ Long và Đà Nẵng. Hay trường hợp bộ phim “A Tourist’s Guide to Love” mới của Netflix quy tụ nhiều ngôi sao như Rachael Leigh Cook, Scott Ly... khởi quay từ khoảng tháng 4/2022, lấy bối cảnh tại Việt Nam với 5 địa danh chính bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang.
Chưa hết, bộ phim “A Tourist’s Guide to Love” mang đến những góc nhìn tuyệt đẹp về cảnh quan, con người, văn hóa của người Việt tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Một lần nữa, hình ảnh cầu Rồng biểu tượng của Đà Nẵng xuất hiện một cách vô cùng hoành tráng và đẹp mắt trong phim. Bên cạnh đó, cảnh sông nước nên thơ, đường xá sạch đẹp, thông thoáng cũng khiến khán giả Việt tự hào với bạn bè quốc tế về cảnh quan tuyệt đẹp của mảnh đất miền Trung tổ quốc. Có thể kể thêm với tác phẩm khoa học viễn tưởng của Hollywood có phân đoạn quay cảnh bãi biển Non Nước của Đà Nẵng. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong hình ảnh từ trạm không gian quốc tế ISS, khung cảnh bãi biển Việt Nam tuyệt đẹp vẫn hấp dẫn không ít khán giả trong nước lẫn quốc tế.
Đặc biệt, phim “Kong - Đảo Đầu lâu” của Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts là bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam. Phần lớn thời lượng phim là các cảnh quay phô diễn vẻ đẹp của núi rừng Việt Nam với bối cảnh quay chính ở quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), 3 địa điểm ở Quảng Bình và vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh. Và cả 3 địa điểm này cũng đã trở thành điểm nóng thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến để khám phá, tham quan.
Đà Nẵng có trở thành “phim trường” của Việt Nam?
Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh, đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững và là kênh quảng bá hình ảnh điểm đến hữu hiệu đã được nhiều nước trên thế giới vận dụng thành công. Các địa danh nổi tiếng của Việt Nam từng xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh, phim tài liệu nước ngoài, và gần đây là những thước phim khám phá của nhiều người nước ngoài. Trong đó, Đà Nẵng là điểm đến được nhiều đạo diễn lựa chọn.
Chia sẻ trong cuộc Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng (thuộc khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng) mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng phát triển công nghiệp điện ảnh là xu thế giúp đóng góp về mặt kinh tế, phát triển du lịch và là điều mà Việt Nam cần làm. Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, người đứng đầu Hội Điện ảnh Việt Nam, rất nhiều nước như thuộc châu Á-Thái Bình Dương như Thái Lan, Hàn Quốc, New Zealand, Australia... đã có ưu đãi về thuế, chi phí (incentive) cho các đoàn phim nước ngoài. Chẳng hạn như Thái Lan thậm chí còn hoàn ưu đãi bằng tiền mặt, chiết khấu 15% tổng chi phí cho các hạng mục được giảm thuế, giảm thêm 5% nếu dùng nhân công địa phương và hoàn trả bằng tiền mặt. Còn ở châu Âu, ví dụ Pháp có những chính sách giúp giảm tới 50% chi phí thực tế... Pháp giảm tối đa 50% thuế phí cho đoàn nước ngoài quay tại nước mình; Thái Lan cho phép cộng dồn các ưu đãi chiết khấu, thậm chí hoàn trả bằng tiền mặt... là một vài ví dụ về chính sách ưu đãi cho đối tác quốc tế khi sử dụng dịch vụ điện ảnh tại các quốc gia này.
Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - bà Ngô Thị Kim Yến cho biết: Đà Nẵng có “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, với địa hình có đồi núi, có biển, có giao thông thuận lợi, gần với các di sản văn hóa thế giới có nền văn hóa và ẩm thực đa dạng của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đang trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của châu Á, Đà Nẵng hiện đang dần trở thành là trung tâm sự kiện lễ hội của khu vực và quốc tế. Đặc biệt Đà Nẵng đang phát triển trở lại sau đại dịch. Bên cạnh đó, có Luật Điện ảnh sửa đổi mới tạo nhiều hành lang pháp lý thuận lợi hơn và sự ra đời của liên hoan phim quy mô quốc tế.
Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết: “Thành phố mong sẽ đón nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến khảo sát và chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay, cũng như huy động các doanh nghiệp địa bàn, cơ sở lưu trú và ẩm thực, các danh lam thắng cảnh cùng góp sức để tạo cơ chế đôi bên cùng có lợi, thuận tiện cho cả nhà sản xuất lẫn các ngành công nghiệp phụ trợ địa phương. Đối với ngành điện ảnh, thành phố nhận định, đây là một ngành hết sức đặc biệt, vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế”.
Luật Điện ảnh đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa được luật vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp nhằm phát huy năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh. Đà Nẵng xác định điện ảnh sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của thành phố và góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đã và đang có những quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh về chính sách để thu hút các đoàn làm phim, nhà sản xuất lớn trên thế giới đến Việt Nam như: miễn thuế cho các đoàn khi nhập các đạo cụ sản xuất để thực hiện quay phim, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn làm phim nhanh chóng thực hiện được các cảnh quay... Nếu được đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn, địa phương có thể thu hút các đoàn làm phim. Đây cũng là một cách hiệu quả để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Mới đây, chúng ta đã sôi nổi kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam. Trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã xác định rõ 3 nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Đảng ta xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế uy tín sẽ tạo nhiều cơ hội giới thiệu, hợp tác sản xuất phim. Từ đó, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác. Việc cung cấp dịch vụ và hợp tác với nước ngoài giữ vị trí quan trọng để phát triển công nghiệp điện ảnh. Điều này thấy rõ khi có rất nhiều phim được sản xuất từ sự hợp tác, trở thành sản phẩm điện ảnh đa quốc gia. Rất nhiều nước thu lợi lớn từ các ngành du lịch và dịch vụ khi đón các phim “bom tấn” quay tại nước mình, đồng thời phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo và nâng cao kỹ năng và tay nghề, nguồn nhân lực điện ảnh tinh thông. Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn có doanh nghiệp nhỏ tham gia hoạt động sản xuất phim. Từ đó, lợi nhuận mới sẽ được tái cấu trúc vào cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á đến năm 2030, tầm nhìn 2045 thì lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua rất được quan tâm và thành phố Đà Nẵng hiện đang dần trở thành là trung tâm sự kiện lễ hội của khu vực và quốc tế. Thành phố Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nhiều di tích lịch sử có chiều sâu về văn hóa là nguồn sử liệu quý để phát triển ngành điện ảnh, cùng với đó là được sự đồng hành và hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền thành phố và người dân địa phương để trở thành “phim trường” của Việt Nam.