Cử tạ Việt Nam, những điểm sáng và bài toán tìm người kế cận
Sau SEA Games 31, cử tạ Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công ở giải vô địch châu Á. Đằng sau những tấm huy chương là điểm sáng khi một số vận động viên (VĐV) trẻ có màn ra mắt thành công, nhưng không ít nội dung của cử tạ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nguồn VĐV đỉnh cao.
Tre già măng mọc
Kết thúc SEA Games 21, cử tạ Việt Nam xếp vị trí nhì toàn đoàn với 3 HCV, 4 HCB và 4 HCĐ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cử tạ Thái Lan trở lại thi đấu các giải quốc tế. Họ khẳng định sức mạnh bằng 6 HCV, trong khi các đoàn Indonesia và Philippines cũng đưa những đô cử ở đẳng cấp thế giới đến thi đấu.
Những thành viên nòng cốt của đội tuyển cử tạ Việt Nam tranh tài tại SEA Games 31 là một số gương mặt quen thuộc như Lại Gia Thành, Hoàng Thị Duyên và Phạm Thị Hồng Thanh. 5 tháng sau SEA Games, họ tiếp tục lên đường chinh phục giải vô địch cử tạ châu Á 2022 và giành tới 9 HCV, 6 HCB, 1 HCĐ.
Điểm sáng lớn nhất của cử tạ Việt Nam tại giải vô địch châu Á vừa qua là nội dung 59kg nữ, nơi có đô cử từng tham dự Olympic Hoàng Thị Duyên góp mặt. Trong bối cảnh thành tích thi đấu của Duyên không còn như trước do chấn thương, một đàn em đồng hương với cô là Quàng Thị Tâm đã cho thấy mình sẵn sàng tiếp bước.
Quàng Thị Tâm không tranh tài tại SEA Games 31 do mỗi quốc gia chỉ được phép đăng ký 1 VĐV thi đấu cho mỗi hạng cân. Nhưng đến giải vô địch châu Á, cô đã gây bất ngờ bằng 3 huy chương các loại: HCV cử giật (93kg), HCĐ cử đẩy (115kg), HCB tổng cử (208kg). Thành tích này vượt qua con số 204kg giúp Hoàng Thị Duyên giành HCV SEA Games 31.
Còn Hoàng Thị Duyên đứng thứ 4 ở cả 3 hạng mục và không có huy chương. Thành tích của Duyên 2 năm qua đang dần đi xuống: 216kg hồi tháng 4/2021, 208kg tại Olympic Tokyo, 204kg ở SEA Games 31, và giờ chỉ còn 199kg tại giải vô địch châu Á. Duyên không còn thi đấu ổn định như trước, nhưng điều đó dường như không còn đáng lo nữa.
Một gương mặt nổi bật khác của cử tạ Việt Nam tại giải vô địch châu Á là Nguyễn Trần Anh Tuấn. Đô cử 24 tuổi tranh tài ở hạng cân 61kg nam, nơi vốn có những người đàn anh như Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh góp mặt. Ở đấu trường quốc gia, Anh Tuấn còn phải cạnh tranh với những đô cử mạnh khác là Nguyễn Ngọc Trường, Ngô Sơn Đỉnh.
Tại SEA Games 31, giống như Quàng Thị Tâm, Anh Tuấn không thi đấu. Nhưng đến giải vô địch châu Á, anh gây bất ngờ khi đạt mức tổng cử 295kg, con số đủ giành HCĐ nếu tham dự Olympic Tokyo. Vốn là VĐV thi đấu ở hạng cân 56kg được đôn lên, những gì Anh Tuấn thể hiện với hạng cân mới thực sự ấn tượng.
Cơ sở để Nguyễn Trần Anh Tuấn được dự giải vô địch châu Á chứ không phải Thạch Kim Tuấn hay Ngô Sơn Đỉnh xuất phát từ thành tích tại giải toàn quốc diễn ra hồi tháng 8. Với mức tổng cử 288kg (129kg cử giật, 159kg cử đẩy), Anh Tuấn hiện là đương kim vô địch quốc gia. Cũng tại giải này, Thạch Kim Tuấn không có thành tích tổng cử do anh thất bại ở cả 3 lần cử đẩy.
Không chủ quan vì thành tích
Tuy nhiên, 9 HCV ở giải vô địch châu Á vừa qua không thể làm cơ sở nhận định cử tạ Việt Nam đã đủ tầm vươn ra châu lục. Những cường quốc cử tạ châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa... chỉ cử những VĐV trẻ đi tham dự để lấy kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Truyền thống sử dụng VĐV trẻ dự giải châu Á và thế giới, trong khi ém quân đợi ASIAD hay Olympic là điều được các đội tuyển cử tạ châu Á thường xuyên sử dụng trong nhiều năm qua. Trên thực tế, thành tích của nhiều đô cử Việt Nam tại giải đấu cấp châu lục này cũng không bằng so với thời điểm họ tranh tài ở SEA Games.
Trong trường hợp của Nguyễn Trần Anh Tuấn, ban đầu anh được đăng ký tham dự hạng cân 55kg nam, nhưng sau đó đôn lên hạng 61kg theo chuẩn Olympic. Thành tích tổng cử 295kg anh đạt được là con số ấn tượng, nhưng vẫn thua kém khá nhiều so với một gương mặt không được xếp hạng ở giải vô địch quốc gia vừa qua: Trịnh Văn Vinh.
Tại giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ toàn quốc 2022 diễn ra hồi tháng 8, người có thành tích tổng cử tốt nhất ở hạng cân 61kg nam là Trịnh Văn Vinh. Anh đạt mức tổng cử 300kg (130kg cử giật, 170kg cử đẩy. Tuy nhiên, Vinh chỉ tham gia theo diện kiểm tra thành tích bởi anh vẫn đang bị cấm thi đấu. Phải đến đầu năm 2023, đô cử này mới có thể chính thức trở lại đấu trường đỉnh cao.
Ở giải vô địch cử tạ châu Á, nếu như Nguyễn Trần Anh Tuấn trực tiếp thi đấu thì Trịnh Văn Vinh đến theo diện "quan sát viên". Anh nhận nhiệm vụ đánh giá các đối thủ có thể là đối trọng với mình tại những giải đấu sắp tới. Nhưng ở giải đấu cấp châu lục này, những đô cử hàng đầu như Li Fabin (Trung Quốc) và Eko Yuli (Indonesia) lại không tham dự.
Trịnh Văn Vinh được cử đến giải vô địch châu Á như một phần thưởng vì đã kiên cường tập luyện chờ ngày trở lại suốt gần 4 năm qua. Tuy nhiên, điều đó cũng gây không ít tranh cãi. Tại sao VĐV không trực tiếp thi đấu vẫn được cử đi? Đây dường như là sự bất công với những người phải ngồi nhà theo dõi như Thạch Kim Tuấn và Ngô Sơn Đỉnh.
Trước đó, để tuyển chọn thành viên cho đội tuyển cử tạ quốc gia tham dự SEA Games 31, hai đô cử kỳ cựu là Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền đã không thể góp mặt. Họ thậm chí còn không nắm được thông tin về thời điểm diễn ra giải tuyển chọn ở Thanh Hóa vào tháng 12/2021, từ đó bỏ lỡ kỳ SEA Games 20 năm mới có một lần.
Khó tìm VĐV kế cận và xã hội hóa
Giống như nhiều môn thể thao đỉnh cao khác tại Việt Nam, cử tạ chỉ có 3 giải đấu ở cấp quốc gia trong 1 năm: Giải vô địch quốc gia, Giải vô địch các Câu lạc bộ quốc gia (giải Cúp), và 1 giải đấu dành cho các VĐV trẻ. Những VĐV được gọi lên đội tuyển có cơ hội thi đấu thêm 2-3 giải đấu quốc tế mỗi năm ở cấp độ khu vực, châu lục hoặc thế giới.
Việc thiếu vắng các giải đấu ở cấp độ quốc gia khiến VĐV ở cấp địa phương ít có dịp cọ xát, nâng cao trình độ. Với chế độ ăn của một VĐV cử tạ, họ khó có thể đảm bảo mức sống với thu nhập bình quân chỉ vào khoảng vài triệu đồng mỗi tháng. Vì lý do đó, phần lớn VĐV cử tạ đều sinh ra trong gia đình nghèo. Thạch Kim Tuấn mồ côi mẹ và phải bỏ học từ cấp 2 để theo cử tạ. Hoàng Thị Duyên có cha mẹ làm lao động tự do, chật vật mưu sinh mỗi ngày.
Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng thừa nhận khó khăn trong việc phát triển cử tạ ở địa phương, nhưng đây là điều bất khả kháng. Phần lớn nguồn thu của Liên đoàn đến từ hoạt động xã hội hóa trong môn thể hình, còn cử tạ gần như không có. Giai đoạn 2018 - 2019, cử tạ thậm chí không ký được một hợp đồng tài trợ nào.
Khác với thể hình, cử tạ không phải môn thể thao "đẹp" trong mắt công chúng. Hình ảnh một VĐV vất vả nâng tạ nặng gấp 2-3 lần trọng lượng bản thân, bị tạ đè, sái tay, móp xương quai xanh... mới là hiện thực của môn thể thao khốc liệt này. Những gia đình trung lưu trở lên không muốn con vất vả theo nghiệp cử tạ. Doanh nghiệp cũng không mặn mà với một môn thể thao không có khả năng quảng bá.
"Tập thể hình chỉ có khối cơ đẹp thôi, nhưng nâng tạ hiệu quả hay không thì... chưa chắc". Lời chia sẻ của một đô cử giấu tên đã khắc họa phần nào sự khó khăn trong việc xã hội hóa môn cử tạ, cũng như tìm lứa VĐV kế cận. Thế nên với các huấn luyện viên, cách tốt nhất để tìm VĐV cử tạ tiềm năng vẫn là đi đến những nơi thâm sơn cùng cốc, tìm các em nhỏ nghèo khó giàu ý chí vươn lên để bồi dưỡng.