Cuộc chạy đua hàng không mẫu hạm
Lần đầu tiên sau 80 năm, Mỹ chứng kiến thách thức đáng kể đối với sự thống trị về tàu sân bay của mình.
Hải quân Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay lớp Nimitz và Bush được phân chia giữa hạm đội Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, trở thành quốc gia có nhiều tàu sân bay nhất thế giới. Quốc gia có nhiều tàu sân bay thứ hai là Trung Quốc, với ba tàu. Nhưng hãy xem xét điều này: chỉ hơn một thập kỷ trước, Trung Quốc không có một tàu sân bay nào.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc theo truyền thống là một cường quốc trên bộ, nhưng khi đạt được vị thế siêu cường hải quân, họ đang hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hải quân và không quân để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình. Đó là lý do tại sao họ đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên - Liêu Ninh - vào năm 2012. Ban đầu là một thân tàu chưa hoàn thiện, rỉ sét, được mua từ một xưởng đóng tàu của Ukraina năm 1998, Liêu Ninh cuối cùng được hoàn thiện tại một xưởng đóng tàu ở Đại Liên, Trung Quốc.
Một tàu sân bay thứ hai - Sơn Đông - được chế tạo như bản sao của Liêu Ninh và chứng minh rằng Trung Quốc có thể tự mình đóng tàu sân bay. Chiếc thứ ba - Phúc Kiến - được hạ thủy năm 2022 và chứng minh Trung Quốc không chỉ đóng mà còn có thể thiết kế tàu sân bay của riêng mình.

Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc cuối cùng có thể đóng tới 7 tàu sân bay vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Trung Hoa. 7 tàu sân bay sẽ ngang bằng với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Và với hơn 370 tàu chiến, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã có nhiều tàu hơn Hải quân Mỹ, với 295 tàu. Khi hạm đội tàu sân bay mới của Trung Quốc tiếp tục phát triển để chuẩn bị cho năm 2049, giới lãnh đạo quân sự và nhà phân tích quốc phòng đang theo dõi chặt chẽ. Liệu PLA có thể bắt kịp Mỹ về số lượng, công nghệ hay cả hai?
Những khác biệt
Cả Nimitz và Liêu Ninh đều đại diện cho phần lớn tàu sân bay ở các quốc gia tương ứng. Nhóm tàu lớp Nimitz chiếm 10 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ. Trung Quốc hiện đang vận hành hai tàu sân bay: Liêu Ninh, hạ thủy năm 2012 và Sơn Đông, hạ thủy năm 2019, có khả năng gần như giống hệt nhau.
Matthew Funaiole, thành viên cấp cao của dự án China Power tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đánh giá: “Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa các tàu sân bay là ở hệ thống phóng máy bay. Lớp Nimitz sử dụng hệ thống máy phóng chạy bằng hơi nước (CATOBAR) cho phép máy bay cất cánh khi đã được tiếp nhiên liệu và trang bị vũ khí đầy đủ, tối đa hóa hiệu quả chiến đấu của chúng. Ngược lại, Liêu Ninh và Sơn Đông dựa vào đường dốc nhảy cầu, hạn chế trọng lượng cất cánh của máy bay và giảm đáng kể tải trọng nhiên liệu và vũ khí. Điều này hạn chế cả tầm bay và hỏa lực của máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc”.

Một điểm khác biệt lớn nữa giữa hai tàu là hệ thống đẩy. Tất cả tàu sân bay của Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Funaiole bình luận: “Tàu sân bay Nimitz hoạt động trong nhiều thập kỷ mà không cần tiếp nhiên liệu, trong khi tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường của Trung Quốc cần tiếp nhiên liệu thường xuyên, hạn chế phạm vi hoạt động và sức bền của chúng”.
Mặc dù tàu sân bay Trung Quốc thường hoạt động gần Trung Quốc đại lục hơn so với đối tác Mỹ đi khắp thế giới, nhưng nếu họ muốn mạo hiểm ra nước ngoài xa hơn, năng lượng hạt nhân là giải pháp phù hợp. Đó không phải là hạn chế duy nhất được tích hợp vào tàu sân bay Trung Quốc. Alex Luck, một nhà phân tích hải quân độc lập viết cho Naval News, quan sát: “Tàu sân bay Trung Quốc có lượng giãn nước bằng khoảng hai phần ba tàu sân bay Nimitz. Vì vậy, chúng có một số hạn chế cố hữu về số lượng máy bay đưa lên tàu, loại máy bay nào và chúng có thể hỗ trợ phi đội của mình trong bao lâu trong các hoạt động. Ví dụ, chúng không có khả năng cảnh báo sớm trên không và khả năng kiểm soát tương tự như dòng máy bay E-2 của Mỹ, thay vào đó sử dụng trực thăng”.
Nhiệm vụ chính của tàu sân bay là triển khai sức mạnh không quân, và trái tim của tàu sân bay là phi đội máy bay, đặc biệt là máy bay chiến đấu tấn công được đưa lên tàu. Luck lưu ý rằng “Số lượng máy bay mà hai tàu sân bay Trung Quốc có thể đưa lên tàu vẫn chưa được xác nhận, nhưng chúng được nhìn thấy đang di chuyển với 24 máy bay phản lực chiến đấu trên sàn bay. Tàu sân bay lớp Nimitz thường đưa lên tàu khoảng 60 máy bay trở lên”.
Năm 2012, lớp Nimitz thường đưa vào hoạt động bốn phi đội máy bay chiến đấu tấn công, thường là hai phi đội gồm 10 đến 12 máy bay chiến đấu F/A-18C Hornet cũ và hai phi đội gồm 10-12 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, tổng cộng là 40 đến 44 máy bay chiến đấu. Liêu Ninh và Sơn Đông được trang bị máy bay chiến đấu tấn công Thẩm Dương J-15, máy bay cánh cố định duy nhất của Trung Quốc hoạt động trên tàu sân bay.
Mặc dù sức mạnh ngày càng tăng, tàu sân bay Trung Quốc nhỏ hơn và ít hữu ích hơn so với tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, quốc gia này đang áp dụng cách tiếp cận có tính toán không chỉ để đóng và thiết kế tàu mà còn xây dựng lực lượng tàu sân bay được đào tạo bài bản. Funaiole nói: “Cuối cùng, Liêu Ninh và Sơn Đông là những bước đệm cho Trung Quốc, hữu ích cho việc đào tạo và phát triển kinh nghiệm không quân hải quân”.

Phát triển thế hệ tàu kế tiếp
Tàu sân bay mới nhất của Mỹ là USS Gerald R. Ford, duy nhất không thuộc lớp Nimitz trong hạm đội và là tàu đầu tiên trong lớp của nó. Phúc Kiến (Fujian) cũng là tàu đầu tiên trong lớp của nó, một thiết kế hoàn toàn mới của Trung Quốc và là sự thay đổi đáng kể so với hai tàu sân bay đầu tiên. Funaiole giải thích: “So sánh giữa lớp Ford và Phúc Kiến thú vị hơn một chút. Nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn về khả năng. Phúc Kiến là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc trong việc chế tạo tàu sân bay hiện đại và nó đại diện cho một bước tiến đáng kể của PLA. Giống như lớp Ford, nó sử dụng hệ thống CATOBAR, nghĩa là sử dụng máy phóng thay vì nhảy cầu, cho phép phóng máy bay nặng hơn với tải trọng lớn hơn”.
Luck nói thêm: “ Phúc Kiến, giống như Ford, sử dụng máy phóng điện từ và thiết bị hãm, mặc dù được cho là có thiết kế hơi khác. Phúc Kiến có ít hơn một máy phóng (tổng cộng ba) và ít hơn một thang máy máy bay (tổng cộng hai) so với Ford, điều này có một số hậu quả đối với cách xử lý các hoạt động trên boong bay”.
Luck giải thích: “Phúc Kiến, cũng khác về hệ thống đẩy và kích thước. Tàu lớp Ford, giống như tàu lớp Nimitz trước đó, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Phúc Kiến chạy bằng năng lượng thông thường, tương tự như Liêu Ninh và Sơn Đông. Tàu sân bay Trung Quốc có lượng giãn nước nhỏ hơn một chút, khoảng 85.000 tấn so với 100.000 tấn của Ford. Tuy nhiên, Phúc Kiến nhìn chung giống Ford hơn nhiều so với Liêu Ninh và Sơn Đông so với lớp Nimitz ”.Funaiole chỉ ra: “Phúc Kiến sẽ cần tiếp nhiên liệu thường xuyên, hạn chế khả năng tiến hành các hoạt động liên tục”. Luck đồng ý và chỉ ra một nhược điểm khác trong thiết kế của tàu sân bay Trung Quốc: “Được cung cấp năng lượng thông thường, Phúc Kiến sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tàu tiếp tế và có thể không thể lưu trữ nhiều đạn dược và nhiên liệu cho phi đội không quân (không đoàn) của mình so với Ford”. Phi đoàn không quân được giao cho Ford về cơ bản giống với phi đoàn không quân năm 2012, với một ngoại lệ lớn: máy bay chiến đấu F/A-18C Hornet cũ đã được thay thế bằng máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, tạo nên một sàn bay toàn Super Hornet.
Đối với tàu sân bay mới của Trung Quốc, Luck giải thích: “Chúng tôi vẫn chưa biết quy mô phi đoàn không quân của Phúc Kiến. Tôi ước tính quy mô của phi đoàn không quân trên tàu Liêu Ninh hoặc Sơn Đông gấp đôi, nhưng ít máy bay hơn so với khả năng xử lý tối đa của Ford”. Phúc Kiến có thể sẽ vận hành máy bay chiến đấu J-15, ít nhất là cho đến khi máy bay J-35 mới sẵn sàng ra khơi.

Không đoàn trên tàu sân bay
Đến năm 2045, cả tàu Ford và Phúc Kiến đều vẫn đang hoạt động (nếu không chiếc nào bị đánh chìm trong giao tranh). Mặc dù các tàu vẫn giữ nguyên, nhưng đã có những thay đổi đáng kể đối với máy bay chở theo cả hai tàu, khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vào những năm 2030, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đưa vào sử dụng một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mới, Next Generation Air Dominance (NGAD). NGAD của Hải quân, tách biệt với chương trình của Không quân cùng tên, là cơ hội để lực lượng này khắc phục một số thiếu sót về thiết kế của F-35, cụ thể là thiếu tầm bay và tải trọng vũ khí tương đối nhỏ. Do đó, NGAD của Hải quân Mỹ có thể sẽ tạo ra một máy bay chiến đấu tương đối lớn cho sàn bay của tàu sân bay; một máy bay có thể cung cấp cho tàu sân bay một cú đấm tầm xa, vượt xa vũ khí chống hạm của Trung Quốc. NGAD sẽ thay thế chiếc Super Hornet cuối cùng, tạo ra một sàn bay kết hợp giữa máy bay chiến đấu F-35C và NGAD.
Năm 2045 cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn trên boong tàu bay của Phúc Kiến. Shenyang J-35, lần đầu tiên được tiết lộ vào năm 2012, đã bị kìm hãm trong hơn một thập kỷ do công nghệ động cơ kém hơn, nhưng có vẻ như nó sẽ hướng đến các tàu sân bay của Trung Quốc vào cuối thập kỷ này. Ngoài J-35, một máy bay mới đã được phát hiện vào tháng 12/2024, được gọi tạm thời là “J-XX”. Nó chỉ được nhìn thấy một lần, nhưng ít nhất một chuyên gia hàng không nổi tiếng tin rằng nó có thể là một máy bay trên tàu sân bay. Nếu vậy, nó có thể theo sau J-35 vào đầu những năm 2030. Đến năm 2045, Trung Quốc cũng sẽ vận hành máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không Tây An KJ-600, phiên bản của E-2D Hawkeye, giúp tăng cường khả năng kiểm soát máy bay chiến đấu ở tầm xa.
Lần đầu tiên sau 80 năm, Mỹ chứng kiến một thách thức đáng tin cậy đối với sự thống trị của tàu sân bay. Chỉ trong vòng 13 năm, Trung Quốc đã tăng từ không có tàu sân bay lên 3 tàu, và không ai biết chính xác họ sẽ triển khai bao nhiêu tàu sân bay nữa. Trung Quốc càng có nhiều tàu sân bay, họ càng thách thức khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của Mỹ - và có thể giành lấy quyền kiểm soát đó trong một cuộc chiến tranh lớn.