Cuộc khủng hoảng giá dầu và bàn cờ địa chính trị

Thứ Tư, 26/01/2022, 11:50

Các nhà máy Trung Quốc hoạt động chập chờn khi thiếu nhiên liệu và giá nhiên liệu tăng cao. Người Anh đã phải đậu xe đợi hàng dài tại cây xăng khi các trạm xăng đều cạn kiệt. Người dân Mỹ bất bình trước tình trạng giá xăng “ăn mòn” tiền lương. Và, toàn bộ Bắc bán cầu lao đao để tìm cách giữ ấm cho mùa Đông 2021-2022.

Có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay không phải do đại dịch COVID-19 năm 2020 gây ra mà là do sự sụp đổ của giá dầu năm 2014. Những ý kiến khác coi cuộc khủng hoảng giá dầu là hệ quả của quá trình chuyển đổi xanh vốn diễn ra chậm chạp và không đồng đều trên thế giới. Điều kiện khí tượng bất lợi càng làm trầm trọng thêm vấn đề cung và cầu. Ví dụ, hồi tháng 1-2020, thời tiết lạnh giá cực đoan ở phần lớn châu Á đã khiến mức tiêu thụ năng lượng của châu lục này tăng đột biến.

Trong khi đó, hạn hán ở nhiều khu vực phụ thuộc vào thủy điện, kết hợp với tốc độ gió dưới mức trung bình ở Bắc Âu, làm giảm năng lực năng lượng tái tạo của thế giới một cách bất ngờ... Nhưng, cho dù là lý do gì thì cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2021 này đã tác động đến những vấn đề mang tính địa chính trị và chiến lược của các nước lớn.

Chiến lược của các nước lớn

Giống như các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng, Nga và một số thành viên OPEC quan tâm đến lợi nhuận hơn thị phần đã phải trải qua một khoảng thời gian dài với lợi nhuận đáng thất vọng sau năm 2014. Giờ đây, những nước này đang háo hức khai thác cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại để có được tất cả doanh thu xứng đáng, bù đắp cho những gì mất mát trong thời kỳ vừa qua.

Cuộc khủng hoảng giá dầu và bàn cờ địa chính trị -0

Nếu các công ty khoan dầu đá phiến của Mỹ phản ứng với giá cao bằng cách tăng sản lượng thì Nga và OPEC sẽ có động lực để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, lần này, Nga và Saudi Arabia tự tin rằng giá dầu tăng sẽ không khiến ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phản ứng mau lẹ. Vì vậy, hai nước này cảm thấy rằng họ có nhiều thứ được hơn là mất khi để giá tiếp tục tăng trong khi “đắp chăn” năng lực sản xuất dư thừa của mình. Nga và các thành viên OPEC không thể quên những gì đã xảy ra hồi năm 2014 khi giá dầu đạt tới mức 3 con số.

Mỹ đã phải lao đao vì giá dầu tăng mà Saudi Arabia không “chìa tay cứu giúp” do quan hệ song phương vẫn căng thẳng liên quan đến vấn đề nhân quyền và vai trò của Saudi Arabia ở Yemen. Trong bối cảnh đó, Washington thông báo sẽ tung ra 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của mình trong nỗ lực hạ nhiệt giá dầu. Đây là động thái đáng chú ý vì nếu được triển khai, sẽ là đợt mở kho dự trữ dầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ. Tham gia “liên minh giải phóng kho dầu dự trữ” còn có các cường quốc châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh và đặc biệt là Trung Quốc.

Nữ nhà báo Mexico Haley Zaremba cho rằng khi lôi kéo các cường quốc kinh tế châu Á tham gia “liên minh giải phóng kho dự trữ”, ông Biden dường như sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy việc đạt được tầm ảnh hưởng và gây sức ép đối với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+). Tuy nhiên, động thái trên của Washington có thể gây ra tình trạng “gậy ông đập lưng ông” nếu OPEC+, trong đó gồm hai “ông lớn” Nga và Saudi Arabia, tuyên bố họ có thể hủy các kế hoạch tăng cường sản lượng từ các mỏ dự trữ của mình.

Trong khi đó, sự “góp sức” của Trung Quốc - một quốc gia mà Washington coi là đối địch - đặt ra câu hỏi là liệu cuộc khủng hoảng giá dầu có để ngỏ cánh cửa hiếm hoi cho hợp tác Mỹ-Trung về vấn đề năng lượng hay không.

Một nguồn tin đã tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng mặc dù Bắc Kinh chưa công khai xác nhận ý định này song Trung Quốc đang tính toán các kế hoạch để đàm phán với Mỹ. Trung Quốc cũng đang phải gồng mình trước cuộc khủng hoảng giá dầu tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp và việc phân phối điện năng. Nếu kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu này được triển khai thì đây sẽ là cái “bắt tay” hiếm hoi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo giải thích của ông Lập Học (Xue Li), Giám đốc Trung tâm Chiến lược quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh lâu nay vẫn tìm kiếm điểm lợi ích chung với Mỹ để có thể duy trì sự ổn định chiến lược ở mức độ nhất định.

Cuộc khủng hoảng giá dầu và bàn cờ địa chính trị -0
Giàn khoan dầu của Nga ở Bắc Cực

Ở góc độ khác, bà Amy Myers Jaffe, chuyên gia về chính sách năng lượng và khí hậu tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, giải thích: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chuỗi cung ứng toàn cầu thiết yếu bị đứt gãy vì cuộc khủng hoảng năng lượng này”. Nữ chuyên gia nhận định, sự phối hợp này, nếu được hiện thực hóa, sẽ phát tín hiệu đến các nước xuất khẩu dầu mỏ rằng việc thao túng giá năng lượng quá mức nhằm đạt được lợi ích địa chính trị và kinh tế sẽ không được dung thứ. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ thận trọng trong những cam kết của mình vì kho dự trữ dầu của họ chỉ ở mức độ khiêm tốn so với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc không có sức mạnh để gây ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng thế giới.

Ông Kevin Book, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu chính sách năng lượng ClearView Energy Partners, cho rằng một “nhân tố chính” khác quyết định việc thực hiện hóa cam kết giải phóng kho dự trữ là liệu các quốc gia châu Á khác có sẵn sàng chung tay với Bắc Kinh trong nỗ lực mở kho dự trữ chiến lược quốc gia hay không. Theo ông Book, việc nhiều nước “đồng tâm hợp lực” nhiều lần huy động nguồn dầu trong kho dự trữ với mức cam kết lớn sẽ là tạo ra mối đe dọa có sức thuyết phục đối với những nhà sản xuất dầu mỏ. Tuy nhiên, cũng theo ông, việc này khó mà xảy ra theo đúng ý tưởng ban đầu.

Còn một vấn đề khác mà cả thế giới cần phải tính đến. Đó là, nếu kế hoạch kêu gọi của Washington thành hiện thực thì các kho nguyên liệu ấy, một khi đã xả ra thì sẽ phải tích lại. Và đến lúc ấy, có ai dám đảm bảo rằng thế giới sẽ không rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp theo, thậm chí còn trầm trọng hơn bây giờ không?

Tác động địa chính trị-địa kinh tế

Việc OPEC+ và Nga quyết không nhượng bộ Mỹ buộc Washington phải mở một phần kho dự trữ chiến lược cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga và nhóm này trên thị trường. Ông Richard Bronze, Trưởng bộ phận đánh giá địa chính trị của công ty tư vấn về lĩnh vực năng lượng Energy Aspects, bình luận: “Đây chắc chắn là giai đoạn mà OPEC cũng như OPEC+ thấy rằng họ đã có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường dầu mỏ”.

Cuộc khủng hoảng giá dầu và bàn cờ địa chính trị -0
 Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ

Bình luận về những động thái nói trên của Mỹ và Saudi Arabia, ông Jeff Colgan, phó giáo sư về khoa học chính trị, các vấn đề quan hệ quốc tế và công cộng tại Đại học Brown (Mỹ) cho rằng về cơ bản, việc Mỹ mở kho dự trữ dầu phản ánh mối quan hệ căng thẳng mới giữa Washington và Riyadh đã lan sang cả lĩnh vực năng lượng. Theo phân tích của ông Colgan, trong những năm trước đây, Mỹ đã có thể yêu cầu Saudi Arabia bơm thêm dầu để ổn định thị trường. Tuy nhiên, do mối quan hệ căng thẳng hiện nay, Riyadh đã không chìa tay hợp tác với Washington. Điều này đã trao cho Riyadh vai trò và tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với địa chính trị và địa kinh tế.

Giá dầu tăng có thể là một quân “át chủ bài” cho Saudi Arabia trong bối cảnh Mỹ và Iran đang tiến hành đàm phán trực tuyến về Thỏa thuận hạt nhân Iran. Là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới, Saudi Arabia không hứng thú với Thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực cứu vớt. Nếu Tehran và Washington đạt được thỏa thuận hạt nhân, dù tạm thời, thì nhiều khả năng Iran sẽ “tái hợp” với OPEC, phá vỡ thế cô lập mà nhóm áp dụng đối với Iran hồi năm 2018 sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận ký với Iran hồi năm 2015.

Đây là điều mà Saudi Arabia không mong muốn. Bởi xét về khía cạnh địa kinh tế, là một nước có tiềm lực tài chính mạnh mẽ trong nhóm các thành viên OPEC, lâu nay Riyadh luôn ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ thị phần hơn là tăng nguồn thu từ giá dầu cao hơn. Còn xét về khía cạnh địa chính trị, Saudi Arabia và Iran là hai bên đối địch và đang cạnh tranh quyết liệt để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông. Vì vậy, khi giá dầu trong cơn khủng hoảng lúc tăng phi mã lúc trượt đà giảm sâu, Saudi Arabia sẽ đưa ra quyết định dựa trên những tính toán trong mối quan hệ của nước này với Iran và Mỹ cũng như tính đến tình trạng quan hệ giữa Washington và Tehran. Điều này giải thích vì sao Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng khai thác khi giá dầu “lao dốc” và từ chối tăng sản lượng khi giá dầu phi mã.

Trong cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay, OPEC+ nói chung, Nga và Saudi Arabia nói riêng có thể là bên nắm lợi thế với sức mạnh địa chính trị và địa kinh tế lớn hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, sức mạnh này sẽ thay đổi. Sức mạnh của Saudi Arabia và Nga có thể suy giảm hơn nữa khi các nhà sản xuất Mỹ lấy lại đà và lực sản xuất vào năm 2022. Dù vậy, về lâu dài, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của OPEC+ có thể gia tăng, nhất là khi cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu khiến các nước cắt giảm sản lượng khai thác dầu do sức ép của các nhà tài trợ hoặc dự đoán xu hướng giảm cầu.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.