Đã đến lúc thôi “xem chùa”?

Thứ Ba, 03/05/2022, 10:02

Triển lãm Tranh Phan Cẩm Thượng đang diễn ra tại The Muse Space, 47 Tràng Tiền, Hà Nội với vé vào cửa là 100.000 đồng/lượt và tiếp đón không quá 10 người/lượt. Câu chuyện có hay không nên bán vé xem triển lãm nghệ thuật? một lần nữa khiến giới mộ điệu “dậy sóng”.

Vừa làm vừa… run

Chuyện bán vé xem triển lãm tranh của họa sĩ Phan Cẩm Thượng không phải là một ngoại lệ, vài không gian triển lãm tại TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội vẫn thường bán vé vào cổng ở một số triển lãm. Tuy nhiên, giá vé cũng chỉ vài chục nghìn đồng, để bù vào chi phí tổ chức sự kiện khi kinh phí tài trợ eo hẹp hoặc phụ thu để khán giả dự triển lãm thoải mái với tiệc trà, thưởng thức thêm âm nhạc với các nghệ sĩ chơi piano, violin tăng thêm phần sang trọng…

Điều này xuất phát từ quan điểm, các tác phẩm mỹ thuật/nghệ thuật đương đại cũng là một mặt hàng, việc những người tổ chức và nghệ sĩ mong muốn khán giả có nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật trả phí là chính đáng. Đó cũng là cách công chúng thể hiện sự tôn trọng lao động nghệ thuật của nghệ sĩ.

Đã đến lúc thôi “xem chùa”? -0
Bán vé hay mở cửa miễn phí vẫn là câu hỏi khiến giới hội họa Việt Nam trăn trở

Nhìn rộng ra các nước phát triển trên thế giới, triển lãm tranh đều được bán vé. Riêng tại nước ta, hoạt động này đã manh nha từ cách đây hàng chục năm, nhưng đến giờ vẫn trong tình trạng vừa làm vừa… run. Còn nhớ, năm 2010, triển lãm Restart của một nhóm nghệ sĩ Hà Nội, đã bán vé tượng trưng 5.000 đồng/người, nhưng có “khuyến mãi” bia hơi. Giá vé chỉ bằng hai ly trà đá, nhưng người mua lại được bia hơi thoải mái. Sau đó, chương trình nghệ thuật đương đại Recycle kết hợp body art và múa của Phương Vũ Mạnh, Đoàn Minh Hoàn và Vũ Nhật Tân, đã bán vé 150.000 đồng/người vào tháng 8-2013. Kết quả, chương trình chỉ bán được 53 vé nhưng nhóm họa sĩ phải hứng chịu cơn mưa trách móc từ bạn bè và đồng nghiệp.

Đến năm 2015, giới nghệ thuật đương đại tiếp tục được phen “dậy sóng” khi phải chi 250.000 đồng/vé nếu muốn vào cửa triển lãm Filter - Nghệ thuật đương đại Việt Nam của họa sĩ Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh và điêu khắc gia Bùi Hải Sơn. Trước đó, đơn vị tổ chức đã hét mức giá 3,6 triệu đồng/cặp vé cho ngày khai mạc. Đây được cho là mức giá cao, thậm chí còn cao hơn cả vé xem phim, kịch… Theo đơn vị tổ chức, họ muốn gửi thông điệp, thưởng thức mỹ thuật không nên là sự miễn phí. Việc đến phòng xem triển lãm tranh phải được coi là một nhu cầu giải trí như đến rạp xem phim, đến nhà hát nghe nhạc.

Đã đến lúc thôi “xem chùa”? -0
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng bán vé xem nghệ thuật còn mới mẻ ở Việt Nam

Nhìn nhận về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thận trọng cho rằng, hoạt động bán vé xem triển lãm rất phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nếu là triển lãm phục vụ công chúng, được tổ chức bởi các bảo tàng, kinh viện hoạt động phi lợi nhuận thì vé vào cửa là nguồn thu thiết yếu để trang trải chi phí tổ chức. Trường hợp xin được đủ tài trợ từ các quỹ văn hóa sẽ không bán vé. Nếu là phòng tranh tư nhân, mục đích để bán tranh, triển lãm của nghệ sĩ do phòng tranh đại diện tổ chức đều miễn phí.

Trong khi đó, thời buổi kinh tế thị trường, các họa sĩ muốn trưng bày tác phẩm đều phải chịu chi phí từ mặt bằng cho đến bánh trái phục vụ lễ khai mạc và lễ bế mạc. Với họa sĩ bán được tranh, thì chi phí ấy không đáng kể, nhưng với họa sĩ có kinh tế không mấy khá giả thì chi phí ấy cũng phải đắn đo.

“Trở lại The Muse Space, đây là phòng tranh tư nhân, mới, tổ chức triển lãm thương mại cho một nghệ sĩ kỳ cựu như họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, việc bán vé là quyền của phòng tranh và nghệ sĩ. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể coi đây là một phép thử cho một thị trường hội họa trở nên sôi động trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định.

Vì sao triển lãm mỹ thuật dễ “ế” vé?

Xưa nay, hoạt động triển lãm mỹ thuật ở Việt Nam thường trầm lắng, hay nói cách khác đây vẫn dừng lại như sinh hoạt nội bộ trong giới. Những triển lãm thường đông vui ngày khai mạc, với bạn bè, người thân đến chúc tụng. Nhưng sau đó lại “vắng như chùa bà Đanh”. Đó là lý do khiến nhiều người than ngắn thở dài: “Có mở cửa miễn phí mời gọi cũng chưa chắc ai xem, nói gì đến chuyện bán vé”.

Đã đến lúc thôi “xem chùa”? -0
Tác phẩm sắp đặt điêu khắc của Bùi Hải Sơn lấy cảm hứng và suy tư từ mùa màng, hạt lúa tại triển lãm năm 2015

Ở một góc độ khác, việc mua vé hoặc chi tiêu cho văn hóa nghệ thuật, cũng như xa xỉ phẩm nói chung được hình thành như một thói quen. Thói quen này sẽ không giống nhau cho từng lĩnh vực, thể loại. Chẳng hạn, nghe ca nhạc, xem phim, xem triển lãm danh họa… là trừu tượng, vậy phải mua vé để vào thưởng thức. Còn ở các phiên đấu giá nghệ thuật, triển lãm thương mại, bán bộ sưu tập… mục đích chính là mua - bán tác phẩm, sản phẩm. Việc bán vé gặp nhiều vấn đề nan giải.

Việc bán vé xem triển lãm vì thế mà được coi là “chảnh”, thậm chí là không tưởng. Phần lớn công chúng Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua vé trong việc thưởng thức nghệ thuật. Chẳng vậy mà, có nhà sưu tập tranh thẳng thắn tuyên bố: “Đi mua xe hơi tiền tỷ, các cửa hàng có bán vé đâu, mua bức tranh có vài ngàn USD phải mất thêm tiền vé. Vậy họ muốn bán tranh hay bán vé?”.

Ý kiến này cũng không hẳn quá đáng. Như nhà nghiên cứu Lý Đợi, dù rất ủng hộ việc bán vé xem triển lãm nghệ thuật, nhưng ông vẫn thẳng thắn tuyên bố: “Với các tác giả đương thời, đã muốn bán tranh thì không nên bán vé, còn đã muốn bán vé thì không nên bán tranh”. Vì thực tế, không phải triển lãm nào cũng bán vé được. Không ít triển lãm tổ chức ra còn trông mong nhiều người đến xem cho vui. “Tại Sài Gòn cũng có vài không gian bán vé xem triển lãm, ý tưởng này nghe rất lành mạnh, văn minh. Nhưng do nhiều triển lãm và sự kiện chưa xứng tầm để bán vé, nên kết quả đã có không gian phải đóng cửa. Cho nên, việc bán vé xem triển lãm thương mại là một con dao 2 lưỡi, rất cần cảnh giác và tỉnh táo khi sử dụng”, nhà nghiên cứu Lý Đợi lưu ý.

Cân nhắc mô hình linh động

Theo khảo sát, phần đông giới họa sĩ, chuyên gia, nhà sưu tầm tranh thừa nhận, việc bán vé xem triển lãm nghệ thuật là một trong những chỉ dấu cho thấy sự chuyên nghiệp hóa thị trường nghệ thuật. Giám tuyển Ace Lê cho rằng, điểm hay của việc bán vé là ấn định sự tôn trọng với tác giả - tác phẩm và định vị nghệ sĩ ở một hạng mức xứng đáng.

Đồng thời, việc này cũng như một cách sàng lọc khán giả, đảm bảo số lượng người xem vừa đủ và không gian có tính tĩnh, phù hợp với phong thái tranh. “Hơn nữa, bán vé cũng là một chiến lược truyền thông tốt - chỉ riêng việc chúng ta phải bàn tán về nó cũng là một thành công”, nhà nghiên cứu Ace Lê cho hay. Song, không phải vì thế mà chúng ta có thể sao chép các công thức ở các mô hình triển lãm như các nước trên thế giới một cách máy móc.

Đã đến lúc thôi “xem chùa”? -0
Giám tuyển Ace Lê khẳng định bán vé cũng là một cách truyền thông

Giám tuyển Ace Lê gợi ý, với các triển lãm thương mại được đầu tư tử tế, để cân bằng nhu cầu hòa vốn tổ chức và quyền lợi khán giả, các phòng tranh, không gian tư nhân nên cân nhắc mô hình mang tính linh động. Chẳng hạn, vài ngày đầu, có thể mở cho những nhà đầu tư cụ thể (private sales), đặc biệt dành cho các khách quen và tiềm năng của phòng tranh tới xem. Phần lớn các ngày triển lãm sau đó thì bán vé như dự định. Vài ngày cuối thì mở cửa miễn phí, phục vụ các đối tượng công chúng yêu nghệ thuật khác như học sinh, sinh viên…

Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Tuấn – người có gần 10 làm công tác tổ chức triển lãm cho rằng với những khách hàng tranh tiềm năng, có thể đưa vào danh sách VIP để chăm sóc từ đầu. Hoặc mỗi kỳ triển lãm, dành ngày khai mạc mời khách tới xem, để có không gian riêng tư đúng chất nhà sưu tầm thích. “Với các đối tượng như sinh viên, học sinh… có thể làm tour tham quan riêng, đăng ký trước về số lượng, có thể có   curator (người phụ trách tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong bảo tàng) và nghệ sĩ cùng tham gia”, ông Tuấn cho hay.

Đã đến lúc thôi “xem chùa”? -0
Tác phẩm “Nàng ấy” – màu tự nhiên trên giấy dó tại triển lãm mới đây của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Nhìn xa hơn, họa sĩ Lương Xuân Đoàn thừa nhận, rất khó để có một giải pháp thỏa đáng, khi thị trường mỹ thuật trong nước vẫn chưa thật sự lớn mạnh và thói quen mua vé xem tranh của khán giả chưa nhiều. Việc bán vé hay không ở một triển lãm cũng là thách thức. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta khước từ một hướng đi mới cho mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Hay nói như họa sĩ Lê Kinh Tài: “Đã đến lúc cần thay đổi cách nghĩ vào bảo tàng, xem phim, xem ca nhạc… thì phải mua vé, nhưng xem triển lãm ở gallery lại miễn phí. Bỏ tiền mua vé xem tranh cũng là một biểu hiện trân trọng và có trách nhiệm với các giá trị mới trong sáng tạo”.

Thảo Dung
.
.