Đà Nẵng vừa mở cửa du lịch vừa nghe ngóng… dịch
Sau hơn 2 năm gần như “tê liệt” vì dịch COVID-19, ngành du lịch Đà Nẵng đang có chuyển biến tích cực khi du khách bắt đầu quay trở lại. Cùng với các chính sách kích cầu để thu hút khách nội địa, nhiều doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng các phương án đón khách quốc tế khi đường bay từ các nước đến thành phố chuẩn bị hoạt động trở lại…
Ưu đãi để hút khách
Chiều 7-3, hai chuyến bay của Vietnam Airlines đã đưa 720 khách tham dự “Hội nghị bàn tròn triệu đô toàn quốc năm 2022” do Manulife Việt Nam tổ chức hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.
Các đoàn khách MICE thường rất đông khách và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn các đoàn khách du lịch thông thường. Do đó chính quyền TP Đà Nẵng đã có chính sách ưu đãi riêng như tặng quà và hỗ trợ cho 100 đoàn MICE với quy mô từ 50 khách trở lên trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 12-2022. Các đoàn khách MICE cũng được các đơn vị kinh doanh du lịch thành viên của chương trình MICE in Danang Fatasti City ưu đãi hấp dẫn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Đà Nẵng, chính sách MICE là ý tưởng tiên phong của du lịch Đà Nẵng từ năm 2021. Theo thống kê từ ngày 21-2 đến nay đã có 10 đoàn khách MICE đăng ký đến Đà Nẵng với lượng khách hơn 2.000 người.
Với việc chọn Đà Nẵng, đoàn khách MICE của Manulife Việt Nam được hưởng một loạt các chính sách ưu đãi của thành phố dành cho đoàn khách du lịch MICE với số lượng từ 700 người trở lên. Theo đó, du khách sẽ được hưởng 5 nhóm chính sách về đón tiếp đoàn, tặng quà lưu niệm, hỗ trợ truyền thông, ưu đãi vé tham quan, tư vấn – hỗ trợ được lãnh đạo TP Đà Nẵng chào đón, có xe cảnh sát dẫn đoàn đưa, đón từ sân bay về nơi ở.
Ngoài những chính sách hỗ trợ nói trên, đoàn khách sẽ được Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng hỗ trợ về địa điểm và các dịch vụ, đồng thời đảm bảo về ANTT khi có nhu cầu tổ chức sự kiện trên các bãi biển. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã liên kết với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 4-5 sao ven biển để hỗ trợ tối đa về địa điểm lưu trú và địa điểm tổ chức sự kiện cho đoàn du khách. Sở Ngoại vụ thành phố sẽ hỗ trợ đoàn trong việc cấp phép tổ chức sự kiện, hội nghị-hội thảo có yếu tố nước ngoài trong thời gian nhanh nhất.
Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông – Marketing Khu du lịch Núi Thần Tài cho biết, trong thời gian tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, khu du lịch đã cải tạo cảnh quan và bổ sung nhiều hạng mục mới như sân chơi thể thao, con đường tình yêu, cảnh quan khuôn viên... Đơn vị cũng “làm mới” các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như dịch vụ tắm khoáng, tắm bùn, tắm sả chanh, tắm Onsen nhằm nâng cao sức khỏe cho du khách. Hiện giá vé cũng giảm từ 25%. Tính từ thời điểm mở cửa trở lại vào ngày 8-2 đến nay, thì khu du lịch cũng đã đón hơn 10.000 lượt khách tham quan…
Không đứng ngoài sự trở lại của các đơn vị kinh doanh du lịch, từ 18-3 sắp tới, Bà Nà Hills - khu du lịch lớn nhất Đà Nẵng sẽ đón khách tham quan vui chơi vào 3 ngày cuối tuần với nhiều ưu đãi…
Kỳ vọng kiểm soát được dịch COVID-19
Từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng đã bắt đầu mở cửa đón khách trở lại. Tuy vậy, so với một số trung tâm du lịch khác thì lượng khách đến thành phố này ít hơn do Đà Nẵng không gần các thị trường khách lớn so với Đà Lạt, Mũi Né, Phú Quốc hay Sapa... Thêm vào đó, do yêu cầu phòng chống dịch nên các dịch vụ như karaoke, massage, vũ trường, vui chơi có thưởng… cũng mở cửa chậm hơn nên du khách cũng cân nhắc khi thấy dịch vụ chưa nhiều.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do lượng khách giảm mạnh. Hiện nay, chỉ cần 10-15% số cơ sở kinh doanh lưu trú, nghỉ dưỡng mở cửa là đã thừa công suất đón khách. “Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng mở cửa hoạt động trở lại. Nhưng mở hay chưa mở là bài toán về chi phí, phải dựa vào sự hồi phục số lượng du khách. Vì mở ra chi phí duy trì hoạt động rất cao, nếu không có khách thì sẽ thiệt hại nặng hơn. Mở cửa không phải là vấn đề lớn, nhân sự không phải là vấn đề lớn, vấn đề là nằm ở chủ trương của Chính phủ, chủ trương của thành phố và diễn biến kiểm soát dịch bệnh và tín hiệu phục hồi nguồn khách.
Cũng như nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú ven biển Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng 5 sao TIA Wellness Resort đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như giảm 30-50% tiền phòng, giảm 25% các dịch vụ ẩm thực, miễn phí cho trẻ dưới 12 tuổi, tặng các gói massage trị liệu và miễn phí đưa đón sân bay. Tuy nhiên, lượng khách hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn.
Ông Thân Đức Tiết, đại diện TIA Wellness Resort cho biết vào các ngày cuối tuần, khu nghỉ dưỡng 5 sao này đã có khách đặt phòng trở lại, còn những ngày khác trong tuần thì rất ít, hầu như chỉ có một vài phòng. Khách chủ yếu từ các địa phương khác đến, trong đó có nhiều khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. “Dù chỉ một phòng có khách thì chúng tôi cũng phải có nhân viên, cũng lo phục vụ bếp núc, nhà hàng. Buổi tối cũng phải bật đèn sáng hết sân vườn chứ không thể tắt. Mở cửa lúc này thu không đủ bù chi, nhưng tôi vẫn chấp nhận để duy trì hoạt động, vì không hoạt động thì phòng ốc, thiết bị cũng xuống cấp, hư hỏng”- ông Tiết chia sẻ.
Các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng rất trông đợi vào việc mở cửa ngành du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và đơn giản hóa các thủ tục để đón khách du lịch quốc tế từ 15-3. Tuy nhiên, các doanh nghiệp băn khoăn, lo ngại các quy định về cách ly, xét nghiệm đối với du khách do Bộ Y tế dự kiến. Theo đó, trong vòng 24 giờ đầu khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú ngay cả khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính; đồng thời đưa ra khuyến cáo khách quốc tế không ra khỏi nơi cư trú trong vòng 72 giờ. Trường hợp ngày thứ 2 và 3 cần rời khỏi nơi lưu trú, khách phải làm xét nghiệm COVID-19...Nếu áp dụng quy định này, nhiều du khách quốc tế sẽ không đến Việt Nam mà chọn các địa điểm “thoáng” hơn nên cần được xem xét để thay đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Ngay cả khi những quy định này được điều chỉnh để tạo thuận lợi hơn cho việc mở cửa đón du khách quốc tế, đồng thời mùa cao điểm du lịch sắp đến, nhưng theo đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chưa thể nào kỳ vọng lượng khách bật tăng trở lại ngay khi dịch chưa được khống chế. Nhiều thị trường truyền thống, có lượng khách lớn đến Việt Nam những năm trước giờ cũng đang đương đầu với dịch bệnh và nhiều vấn đề phức tạp khác. Cộng đồng doanh nghiệp hi vọng đến tháng 6, dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt và nguồn khách trong nước và quốc tế sẽ tăng mạnh trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin, ngành du lịch thành phố đã xây dựng thêm các sản phẩm và triển khai nhiều biện pháp nhằm sớm phục hồi, thu hút khách gồm các sản phẩm du lịch đô thị gắn với kinh tế đêm; sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch đường thủy; sản phẩm du lịch vui chơi giải trí…
Năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu tổng lượng khách lưu trú đạt 3,5 triệu lượt, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,6 lần, khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6.7000 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, những mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được.