Đảm bảo chuỗi cung ứng - bài toán khó của châu Âu

Thứ Hai, 14/10/2024, 10:43

Chuyển đổi năng lượng, vốn được xem là yếu tố then chốt để chống biến đổi khí hậu, phải bắt đầu từ việc “phi carbon hóa” các hoạt động của loài người: từ giao thông, phương thức sản xuất, hoạt động nhà xưởng... đến xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, các hệ thống năng lượng tái tạo lại cần sử dụng đến nhiều kim loại “thiết yếu”. Và trong cuộc cạnh tranh gay gắt để bảo đảm chuỗi cung ứng những nguồn cung nguyên liệu không thể thiếu này, châu Âu “bị kẹp” giữa hai “gã khổng lồ” là Mỹ và Trung Quốc.

Cơn sốt mới?

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố tháng 5/2024, để đạt được mục tiêu phát thải khí CO2 ròng từ nay đến năm 2050, mức tiêu thụ lithium sẽ phải tăng gấp 9 lần, than chì gấp 4 lần và cobalt, nickel cùng các loại đất hiếm khác gấp 2 lần. Nhà nghiên cứu Stephanie Riché (phụ trách Chương trình Kinh tế tuần hoàn vật liệu thuộc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp - CEA), nhận định rằng quá trình chuyển đổi năng lượng này rõ ràng đang đưa xã hội loài người chuyển từ “phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch” sang “phụ thuộc vào kim loại”.

ảnh 2.jpeg -0
“Hội nghị quốc tế về pin 2024” tại Jakarta (Indonesia) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu đến từ 20 quốc gia nhằm bàn thảo những vấn đề liên quan đến hiện trạng ngành công nghiệp pin và xe điện toàn cầu.

Những tham vọng kể trên cũng đã khiến cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng trở nên gay gắt hơn nhằm bảo đảm nguồn cung đồng thời làm thay đổi sâu sắc sự cân bằng quốc tế về thị trường kim loại. Theo dự báo của IEA, thị trường các loại khoáng sản thiết yếu này hiện có giá trị khoảng 325 tỷ USD và có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Tuy nhiên, trên thực tế các khoáng sản này có giá trị cao hơn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD. Do được sử dụng để sản xuất các thiết bị quân sự tinh vi và để phát triển ngành công nghiệp xanh cũng như đảm bảo an ninh quốc gia nên các cường quốc cũng ngày càng bị phụ thuộc vào những kim loại thiết yếu này.

Vẽ lại bàn cờ địa chính trị về kim loại thiết yếu

Nhà nghiên cứu Virginie Raisson-Victor (chuyên gia về các vấn đề hệ thống và thách thức chuyển đổi năng lượng) cho rằng, một trong những yếu tố làm thay đổi sự cân bằng của thế giới liên quan đến quặng mỏ là mức độ tập trung cao nguồn cung các loại khoáng sản, không chỉ về trữ lượng mà cả trong tinh chế và xuất khẩu. Theo bà Virginie, khoảng 70% sản lượng các loại khoáng sản trên thế giới được phân bổ giữa 3, 4 hay tối đa là 5 nước, trong đó Trung Quốc gần như “hiện diện một cách có hệ thống”.

Trên thực tế, Trung Quốc có cả một kế hoạch chiến lược dài hơi do tham vọng về quyền tự chủ (thích nghi kém với quá trình chuyển đổi từ tự chủ năng lượng vào cuối những năm 1980 bởi sự phụ thuộc vào dầu hỏa). Trong khi đó, Mỹ (quốc gia từng thống trị thị trường kim loại trong những năm 1980) đã sẵn sàng nhượng lại ngành công nghiệp gây ô nhiễm và ít lợi nhuận cho Trung Quốc.

Bàn cờ địa chính trị về kim loại thiết yếu còn thêm phần nóng bỏng khi những nguồn dự trữ khoáng sản liên quan tập trung chủ yếu ở những nước mà ngày nay người ta gọi là Các quốc gia Nam bán cầu và đặc biệt là tại các nước trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và sắp tới có thêm Saudi Arabia. Ngoài việc thống lĩnh thị trường dầu hỏa, Saudi Arabia gần đây có thêm tham vọng trở thành “cường quốc khoáng sản” do có trữ lượng dồi dào về đồng, mangan, lithium, đất hiếm và nickel.

Châu Âu giữa gọng kìm Mỹ-Trung

Trong bối cảnh này, châu Âu vô tình “bị kẹp” giữa hai “gã khổng lồ”, rơi vào thế lúng túng vì không muốn bị giam hãm trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Một mặt, châu Âu đang chịu nhiều áp lực từ cả hai phía song bên cạnh đó lại vẫn muốn bám chặt vào chủ trương “tự do mậu dịch” vốn được xem là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng khối 27 nước thành viên.

Theo nhận định của bà Virginie Raisson-Victor, châu Âu khó có thể có cùng kiểu chiến lược như Mỹ hay Trung Quốc. Điểm hạn chế của châu Âu còn nằm ở việc thiếu hợp tác giữa các nước thành viên và điều này cản trở khả năng xây dựng các nền công nghiệp khoáng sản cũng như tạo thế mạnh cho “ngoại giao khoáng sản”. Đây cũng là điều mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây nỗ lực thực hiện khi thăm Mông Cổ, Kazakhstan hay Chile để đàm phán một thỏa thuận sản xuất và bán nguyên liệu.

Khó khăn thứ hai của châu Âu, theo bà Virginie Raisson-Victor, là nguồn dự trữ tài nguyên của khu vực này phân bổ không đồng đều. Việc tái khởi động khai thác mỏ rất tốn kém, cần nhiều khoản đầu tư lớn trong dài hạn. Chuyên gia Guillaume Pitron cũng cho rằng kế hoạch này đòi hỏi một chiến lược công nghiệp thực sự (phải đi từ khai thác, chế biến cho đến có được thành phẩm sau cùng). Trước hết, phải mất nhiều thời gian hơn để mở một quặng mỏ (trung bình là 16,5 năm). Thứ hai là phải tạo ra một chuỗi giá trị, vì vậy phải đưa ra một chiến lược công nghiệp mà sẽ phải mất 25 năm mới có thể đi thẳng đến việc sản xuất pin ôtô điện. Đây là quãng thời gian Trung Quốc đã mất để làm được điều này. Điều đó cũng có nghĩa là phải có nguồn nhân lực, đường xá, bến cảng, nhà máy điện để chế biến kim loại cho quá trình chuyển đổi năng lượng và điều này đòi hỏi một nhà nước, có thể không dân chủ, nhưng phải có sự ổn định để trấn an các nhà đầu tư.

Dù vậy, châu Âu cũng nỗ lực đưa ra vài sáng kiến để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thiết yếu: Kế hoạch hành động về nguyên nhiên liệu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển khả năng khai thác mỏ và phát triển công nghệ tái chế, hình thành liên minh về nguyên nhiên liệu trong nỗ lực phối hợp các tác nhân nhà nước và tư nhân tạo thuận lợi cho việc khai thác quặng mỏ trên lục địa cũng như là khuyến khích phát triển quan hệ đối tác với các nước nằm ngoài châu Âu.

Cuối cùng là đầu tư trong ngành công nghiệp tái chế.

Phan Anh
.
.