Đặng Đình Hưng và Văn Cao
Cha tôi ngồi lẳng lặng nhấm từng hụm rượu và hầu như không tham gia vào cuộc tranh cãi. Thân với Đặng Đình Hưng từ những năm công tác cùng nhau trên chiến khu Việt Bắc, ông hiểu rõ tài năng và tính cách của bạn mình.
Tôi lúc đó mới có 9, 10 tuổi, mải chơi hơn là học. Chỉ khi nào cha tôi có khách mới phải đi đun ấm nước sôi rót vào phích mang ra cho cha tôi pha trà và hóng hớt nghe lỏm chuyện của các cụ.
Ây là chuyện nhà thơ, họa sỹ Đặng Đình Hưng chia tay người vợ đầu là bà Nguyễn Thị Kim Thoa, rồi lấy nghệ sỹ piano Thái Thị Liên năm 1957, gây ồn ào trong giới văn nghệ sỹ thời bấy giờ. Các cụ thường tụ tập ở nhà tôi. Người bảo: “Thằng Hưng đang là Đoàn trưởng Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, nay xảy ra chuyện này thể nào cũng bị “cạo gáy” cho mà xem”. Người nói: “Đặng Đình Hưng là một thằng có tài. Thơ nhạc đủ cả, gặp Thái Thị Liên, một nghệ sỹ piano nổi tiếng học Tây về lại cùng đoàn với nhau… chúng nó mê nhau là phải. Mà đấy là chuyện riêng của chúng nó, các ông bàn làm gì. Thôi uống rượu đi cho lành”.
Nhạc sỹ Đặng Đình Hưng sinh ngày 9/3/1924. Tốt nghiệp trường Bưởi năm 1942, ông vào học trường Luật Đông Dương được hai năm thì Cách mạng tháng 8 bùng nổ. Toàn quốc kháng chiến, ông lên chiến khu theo Việt Minh làm công tác tuyên truyền, sau đó làm Đội trưởng kiêm Chính trị viên Đội Văn công Nhân dân Trung ương (sau này là Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương). Ông có hai người con với bà Nguyễn Thị Kim Thoa là Đặng Hồng Quang (sau này nguyên là Trưởng khoa Piano tại nhạc viện TP Hồ Chí Minh) và Đặng Hồng Thắng.
Nghệ sỹ piano Thái Thị Liên sinh ngày 4/8/1918 tại Chợ Lớn, Sài Gòn trong một gia đình công giáo giàu có. Năm 1946 bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Nhạc viện Paris. Tại đây bà đã gia nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Bà gặp ông Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng bí thư Trần Phú) là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp. Năm 1948 họ kết hôn với nhau và sang sinh sống tại Tiệp Khắc. Bà tiếp tục theo học tại nhạc viện Praha và trở thành người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam có bằng đại học tại Nhạc viện Praha. Năm 1951, bà cùng chồng trở về Việt Bắc tham gia kháng chiến. Năm 1952, ông Trần Ngọc Danh bị trọng bệnh và mất. Bà có hai người con với ông Trần Ngọc Danh là NSND Trần Thu Hà (nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội) và Trần Thanh Bình. Năm 1952, bà về Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương nơi nhạc sĩ Đặng Đình Hưng làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên. Tình yêu đã đến với hai con người tài năng này. Tuy nhiên cuộc tình của họ đã gặp phải rất nhiều tai tiếng. Vượt lên tất cả mọi rào cản khó khăn, họ vẫn đến với nhau và sau đó đứa con chung của hai người tài năng này đã ra đời vào năm 1958, mang tên Đặng Thái Sơn. Để rồi 22 năm sau Đặng Thái Sơn trở thành một nghệ sỹ piano nổi tiếng toàn thế giới và là người Việt Nam, người châu Á đầu tiên giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế Fresdéric Chopin lần thứ X (10/1980 tại Warsaw, Ba Lan).
Tháng 11/1956, trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập (sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) do Giáo sư, nhạc sĩ Tạ Phước làm Hiệu trưởng. Bà Thái Thị Liên là một trong 7 người đầu tiên có công thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam tại ngôi nhà số 32 phố Nguyễn Thái Học. Tôi và Đặng Hồng Quang là hai trong những học sinh khóa đầu tiên của trường. Tôi học violon còn Quang học piano. Năm học đầu tiên cha tôi phải đèo tôi đến trường trên chiếc xe đạp “cởi truồng” không có gác-đờ-bu. Thỉnh thoảng có những hôm về sớm, cha tôi lại đưa tôi đến nhà ông Đặng Đình Hưng ở 28 phố Kỳ Đồng (nay là phố Tống Duy Tân).
Ông Đặng Đình Hưng thường ở trong một căn gác xép 4m2 giữa chỗ ngoặt của cầu thang lên gác hai. Căn buồng của ông vừa trải đủ một cái chiếu để vừa ngủ vừa tiếp khách. Xung quanh tường là những chồng sách âm nhạc, thơ văn, hội họa vừa tiếng Tây vừa tiếng ta và các loại vỏ chai lọ để đựng rượu. Đặng Đình Hưng là một người sống khép mình, ít giao tiếp với mọi người. Ông thường đóng cửa một mình đọc sách, làm thơ, đắm mình trong suy tư. Ông sống kham khổ, ăn uống đạm bạc, uống rượu với bạn chỉ với vài nhúm lạc rang húng lìu. Ông và cha tôi có thể đàm đạo với nhau hàng giờ bên chén rượu, đôi lúc họ lại trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp tôi chẳng hiểu gì, mà kể cả khi họ nói chuyện nghệ thuật bằng tiếng Việt thì tôi cũng nghe như “vịt nghe sấm”.
Căn buồng chính khoảng 22m2 trên tầng hai lúc nào cũng tràn ngập tiếng đàn, là nơi ở và dạy đàn của bà Thái Thị Liên. Trong nhiều năm tháng bà vất vả nuôi dạy 5 đứa con vừa “con anh, con tôi và con chúng ta” nên người, quả là một điều phi thường đối với một nghệ sỹ đã từng sống sung sướng gần nửa cuộc đời ở nước ngoài.
Những năm tháng đó đời sống gia đình của Văn Cao và Đặng Đình Hưng rất khó khăn. Văn Cao phải bươn chải kiếm sống, ông phải vẽ từ cái nhãn diêm đến nhãn bao bì thuốc lá rồi đến trang trí bìa sách, minh họa sách báo… để kiếm chút tiền nhuận bút còm nuôi 5 đứa con ăn học. Những tranh minh họa đen trắng của ông trên Báo Văn nghệ tạo nên một dấu ấn độc đáo trong mắt độc giả và trong giới họa sỹ. “Văn” trở thành bút danh của ông trên những bức tranh minh họa và đã được bạn bè yêu quí thân mật gọi là “anh Văn”. Hội họa đã giúp Văn Cao cầm cự để nuôi sống gia đình và giúp ông vượt qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Gia đình Đặng Đình Hưng cũng giống Văn Cao, cũng phải vật lộn nuôi 5 đứa con. Đặng Đình Hưng không có lương, chỉ có số tiền trợ cấp ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống. Giống như Phùng Quán, ông cũng phải viết thuê và dịch tài liệu thuê để tồn tại. Mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên đôi vai của người vợ - nghệ sỹ Piano Thái Thị Liên. Và trời đã không
phụ công bà. Dưới bàn tay dạy dỗ tận tình, nghiêm khắc, những người con của bà đều trở thành nghệ sỹ nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ bé Đặng Thái Sơn đã đến với cây đàn piano, với năng khiếu trời cho, dưới sự dạy bảo tận tình của mẹ, được sự khuyến khích động viên của cha, tiếng đàn của cậu bé Sơn đã chinh phục trái tim mọi người, kể cả những người khó tính nhất. Tiếng đàn của Đặng Thái Sơn đã lọt vào tai của giáo sư, nhạc sỹ dương cầm Isacc Katz. Mặc dù Đặng Thái Sơn mới học năm thứ ba nhưng giáo sư đã đề nghị nhà trường cho phép ông được trực tiếp dạy Sơn và chỉ sau đó hai năm, năm 1976, Đặng Thái Sơn đã được nhận vào học tại Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Tchaikovsky ở Moscow dưới sự hướng dẫn của giáo sư Vladimir Natanson và giáo sư Dmitri Alexandrovitch Bashkirov.
Đến với nhau vì tình yêu, và rồi vì cuộc sống, họ lại chia tay. Ly hôn với bà Thái Thị Liên, Đặng Đình Hưng buồn lắm. Ông dọn đến ở nhờ dưới gầm cầu thang nhà của một người bạn tại số 9 phố Nguyễn Thượng Hiền, gần nhà tôi. Cha tôi thương ông lắm, nên thường động viên và khuyến khích ông tiếp tục sáng tác và hoàn thiện tập thơ “Ô mai” - một tác phẩm tâm huyết có nhiều tìm tòi mới lạ mà ông thường đọc cho cha tôi nghe. Cha tôi thường rủ Đặng Đình Hưng ra quán rượu nhỏ đối diện Rạp xiếc Trung ương bây giờ uống rượu mỗi khi có tiền nhuận bút. Nhiều khi không có tiền, cha tôi phải chịu tiền bà chủ quán. Cái thời đó rượu bị cấm nên phải mua chui, bán chui. Người bán phải luôn cảnh giác sợ bị bắt. Đặng Đình Hưng quê ở làng Thụy Hương, Chúc Sơn thuộc huyện Chương Mỹ cách Hà Nội 20km nên ông thường đạp chiếc xe thiếu nhi Liên Xô (mọi người thường gọi vui là xe Pơ-zô con vịt) về quê mang rượu lên bán lại cho bà chủ quán xiếc, kiếm tý lãi để sống và chống chọi với bệnh tật.
Tháng 10 năm 1980, Đặng Thái Sơn đoạt giải piano quốc tế. Văn Cao rất vui, ông nói với mọi người: “Thằng Hưng được cứu sống rồi”.
Nhờ có giải thưởng ấy, Đặng Đình Hưng được đưa đi bệnh viện và được giáo sư Tôn Thất Tùng mổ lấy ra một khối u trong phổi. Ông được cứu sống và được nhà nước phân cho một căn hộ ở khu tập thể Giảng Võ, sống sung túc bằng tiền của con từ nước ngoài gửi về. Căn phòng của ông bỗng chốc trở thành nơi tụ hội của mọi người cả trẻ lẫn già. Họ đến thăm ông, chúc mừng ông có nhà mới, chúc mừng thành công của con ông và… uống. Ông vui lắm, sướng lắm, rượu uống tràn cung mây. Bây giờ không lo thiếu rượu nữa.
Bẵng đi vài tháng, một hôm Đặng Đình Hưng quần áo nghiêm chỉnh, chễm chệ ngồi xích lô đến thăm cha tôi. Ngồi chưa nóng chỗ, ông lên giọng kẻ cả: “Sao lâu nay không thấy cậu đến tớ uống rượu? Cứ đi xích lô đến, mình trả tiền cho”. Cha tôi ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Ông nheo mắt nhìn Đặng Đình Hưng rồi nghiêm mặt nói: “Này Hưng! Mày là thằng có tài, có nhiều tác phẩm tâm huyết đã ấp ủ từ lâu, nay có điều kiện để viết ra, sao không tự làm giá trị của chính mình mà lại sống nhờ vào ánh hào quang của con… Mày đâu có phải là thằng vô tích sự như bố của Paganini (Paganini (1782 - 1840) là một nhà soạn nhạc người Ý, một nghệ sỹ violon vĩ đại nhất trong lịch sử). Tao thất vọng vì có thằng bạn như mày”.
Ít lâu sau, Đặng Đình Hưng đã hoàn thành tập thơ “Ô Mai” và quay sang vẽ. Cha tôi mừng lắm, hai ông lại đến với nhau tranh cãi và luận bàn… bên chén rượu.
Đặng Đình Hưng mất ngày 21/12/1990. Ông đã để lại 6 tác phẩm thơ chính, trong đó 3 tập thơ và 3 bài thơ dài: “Khóc Mỵ Châu”; “Bến lạ”; “Ô mai”. Năm 1991 tập thơ “Bến lạ” được NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản giới thiệu “như là thể nghiệm thơ của Đặng Đình Hưng.” Tiếp đó, tập thơ “Ô mai” được NXB Hội Nhà văn phát hành vào năm 1993. Những năm cuối đời ông vẽ nhiều và để lại cho đời hơn 300 bức tranh.