Đằng sau chiến thắng của các "ông lớn" công nghệ mùa dịch

Thứ Ba, 24/08/2021, 15:35

Sức tàn phá kinh tế khủng khiếp của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty phải thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon liên tục đạt lợi nhuận kinh doanh kỷ lục, bất chấp những rào cản do đại dịch gây ra.

Những cái tên như Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft thậm chí đang ráo riết đón đầu cơ hội, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường.

Mới đây, các công ty công nghệ lớn trên thế giới đã đồng loạt công bố những khoản lợi nhuận khổng lồ trong Quý II năm 2021, cho thấy sự thống trị của họ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Amazon ngày 29-7 cho biết lợi nhuận quý của tập đoàn này đã tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 7,8 tỷ USD. Trong khi đó, Apple cho biết lợi nhuận của hãng đã tăng gần gấp đôi. Doanh thu từ việc bán iPhone đã tăng khoảng 50%, trong khi các dịch vụ khác của Apple như thanh toán kỹ thuật số, âm nhạc, truyền hình trực tuyến và chơi game cũng được thúc đẩy.

Facebook cũng đã báo cáo mức lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý vừa qua nhờ doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tăng mạnh. Tập đoàn Alphabet thậm chí còn có lợi nhuận quý tăng gần gấp 3 lần, với doanh thu từ các quảng cáo trên công cụ tìm kiếm và nền tảng video YouTube. Hãng phần mềm Microsoft cũng đưa ra thông báo tương tự.

Chiến thắng lớn

Vào tháng 4-2020, thời điểm đại dịch COVID-19 đang gây ra hơn 2.000 ca tử vong mỗi ngày tại Mỹ, Jeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon, tuyên bố Amazon sẽ chi khoảng 4 tỷ USD trong vài tháng tới để “cung cấp cho khách hàng và bảo vệ nhân viên” trong đại dịch, một khoản chi đồng nghĩa với việc xóa sạch lợi nhuận của công ty bán lẻ này.

Đằng sau chiến thắng của các

Nhiều hãng công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon vẫn ăn nên làm ra trong đại dịch COVID-19. 

Đến cuối tháng 7-2020, Amazon công bố kết quả kinh doanh hàng quý. Thay vì lợi nhuận 0 đồng như dự đoán, Amazon ghi nhận lợi nhuận hoạt động là 5,8 tỷ USD - một kỷ lục đối với công ty. Những tháng sau đó, Amazon liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Tỷ suất lợi nhuận của Amazon, đo lường lợi nhuận trên mỗi đôla doanh thu, đạt mức cao nhất trong lịch sử của công ty trụ sở tại Seattle này.

Thắng lợi kinh doanh trong đại dịch của Amazon không phải trường hợp cá biệt trong giới công nghệ. Ngay cả khi con số tử vong và lây nhiễm liên tục tăng cao tại Mỹ, số lượng các công ty phải tuyên bố phá sản đạt mức đỉnh điểm trong thập kỷ, khi các nhà hàng, hãng hàng không, phòng tập thể dục, hội nghị, bảo tàng, trung tâm mua sắm, và hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, kéo theo hàng triệu người thất nghiệp, ngành công nghệ vẫn phát triển mạnh.

Định giá thị trường chứng khoán của Apple, Alphabet, Nvidia, Microsoft, Amazon, Tesla và Facebook cộng lại đã tăng khoảng 70%, lên hơn 10 nghìn tỷ USD. Con số đó gần bằng quy mô của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2002. Thung lũng Silicon chưa bao giờ gặt hái được nhiều thành tựu như thế. Nhiều công ty tại đây huy động được nguồn vốn gấp đôi khi niêm yết cổ phiếu vào năm 2020 thay vì 2019. Forbes ước tính thế giới hiện có 365 tỷ phú công nghệ, con số này trước đại dịch là 241 người.

Công ty phân tích công nghệ Futurum Research đã đánh giá: “Sức mạnh của công nghệ rõ ràng không bị đại dịch COVID-19 trói buộc”. Chưa từng có một ngành nào có sức chi phối mạnh như vậy đối với cuộc sống con người, từ cách thức giao tiếp, mua sắm, tìm hiểu về thế giới đến tìm kiếm sự giải trí và niềm vui. Chìa khoá để các hãng công nghệ của Thung lũng Silicon kiếm lợi là họ đã tạo ra những công cụ giúp người Mỹ và nền kinh tế Mỹ sống sót trong đại dịch. Khi hàng trăm triệu người bị yêu cầu ở yên trong nhà, kết quả tự nhiên là các công ty  liên quan đến tạo điều kiện cho cuộc sống số sẽ được hưởng lợi. Sự nổi lên của công ty hội nghị từ xa Zoom có lẽ là một ví dụ rõ ràng nhất.

Dan Ives, Giám đốc điều hành của Công ty Nghiên cứu thị trường Wedbush Securities, đã đánh giá: "Có thể nói một nửa sự phát triển của các công ty công nghệ là nhờ vào may mắn, nửa còn lại phụ thuộc vào việc họ có nhận ra và nắm bắt cơ hội hay không. Đối với các lĩnh vực khác, đại dịch COVID-19 như tảng đá chắn đường, nhưng với công nghệ, đó lại là một cơ hội vàng".

Tầm ảnh hưởng quá lớn

Công nghệ giờ đây trở thành một phần quan trọng của cuộc sống trong đại dịch, chi phối cách người dùng giao tiếp, mua sắm, học tập và giải trí. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng ngày một vươn rộng, Thung lũng Silicon cũng trở thành mối lo ngại của giới chức quản lý. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu sau khi nhận thức được tầm ảnh hưởng của mình, ngành công nghệ có lạm dụng quyền lực họ đang có hay không? Đặc biệt trước những cám dỗ về lợi nhuận?

Đằng sau chiến thắng của các

Tầm ảnh hưởng của Thung lũng Silicon khiến giới chức quản lý lo ngại. 

Tại Mỹ, các cơ quan lập pháp đã bắt đầu đưa ra những quy định nhằm chống độc quyền và giảm ảnh hưởng của các công ty công nghệ. Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden cũng bổ nhiệm hàng loạt nhà lãnh đạo là những chuyên gia từng có tiếng nói chỉ trích và phê bình hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech). Các nhà lập pháp, các cơ quan quản lý ở Washington và châu Âu lo ngại tình trạng quyền lực thị trường tập trung vào các “ông lớn” công nghệ đang gây tổn thương cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn lan truyền tin giả.

Hồi tháng 7 vừa qua, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ chuẩn bị khởi kiện chống độc quyền đối với Amazon vì cho rằng tập đoàn này sử dụng sự thống trị trên thị trường thương mại điện tử để loại bỏ các đối thủ nhỏ hơn. Trong khi đó, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) bắt đầu tiến hành điều tra thương vụ Facebook mua lại Giphy.

Bên cạnh lo ngại lạm quyền từ giới công nghệ, một mối lo khác đáng nguy hại hơn là rủi ro bảo mật. Vài tuần trước đại dịch, công ty tư vấn chiến lược cho quân đội Mỹ RAND Corporation đã công bố một nghiên cứu về rủi ro hệ thống. Theo đó, khi nền kinh tế phát triển quá phụ thuộc vào lĩnh vực nào đó, vấn đề của một công ty có thể gây ra tác động lớn ảnh hưởng đến toàn lĩnh vực cũng như làm chao đảo nền kinh tế. Vào năm 2008 khi khủng hoảng tài chính diễn ra, chính phủ đã phải can thiệp để hỗ trợ một số công ty do lo ngại sự sụp đổ của những công ty này có thể kéo theo cả hệ thống tài chính đổ vỡ.

Nghiên cứu của RAND Corporation được xuất bản trong bối cảnh công ty an ninh mạng SolarWinds bị tin tặc tấn công. SolarWinds là công ty lớn và uy tín hàng đầu của Mỹ, vốn có r

ất nhiều khách hàng, bao gồm cả các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và các cơ quan liên bang. Đây là một trong những vụ tấn công mạng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Sự thống trị của công nghệ đồng nghĩa với việc rủi ro bảo mật cũng tăng cao. Những sự cố mất điện và sập mạng tại Amazon, công ty điện toán đám mây Cloudfare, Fastly đã khiến nhiều trang web bị sập.

Đẩy mạnh đầu tư

Các công ty lớn nhất trong thế giới công nghệ vẫn đang sốt sắng xây dựng nền móng cho một tương lai lớn mạnh và quyền lực hơn. Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft đang nắm giữ lượng tiền mặt khổng lồ, tổng cộng khoảng 557 tỷ USD, tức là hoàn toàn đủ điều kiện để duy trì tốc độ đầu tư và mở rộng ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đang chững lại. Đây là những doanh nghiệp nằm trong nhóm chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển trong suốt gần một thập kỷ qua, theo thống kê từ hãng kiểm toán PwC.

Đằng sau chiến thắng của các

Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft đều đang tăng tốc đầu tư trong đại dịch. 

Các công ty này gia tăng hoạt động mở rộng kể từ tháng 3-2020 khi các lệnh phong tỏa bắt đầu được áp đặt trên khắp nước Mỹ. Microsoft đã tung ra dịch vụ họp video trực tuyến Teams sau khi chứng kiến sự vươn lên đột phá của Zoom. Hãng này cũng nhanh chóng thâu tóm ba công ty dịch vụ điện toán đám mây chỉ trong vài tháng gồm Affirmed Networks, Metaswitch Networks và Softomotive, để cung cấp thêm dịch vụ công nghệ cho các khách hàng. Google cũng nâng cấp các sản phẩm hỗ trợ cho mô hình làm việc từ xa. Google tung ra công cụ họp video trực tuyến Google Meet, cài đặt sẵn trong cửa sổ Gmail và cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai có tài khoản Google.

Trong khi đó, Amazon sau giai đoạn đầu bị quá tải với lượng đơn hàng tăng vọt cũng như chịu áp lực  về vấn đề an toàn sức khỏe cho các nhân viên nhà kho, đã tuyển dụng thêm 175.000 lao động để đáp ứng nhu cầu cao điểm trong đợt dịch. Kể từ đó, Amazon liên tục đầu tư mạnh mẽ hơn. Trong khi ngành hàng không đắp chiếu gần như toàn bộ máy bay trong giai đoạn cao trào của dịch bệnh, Amazon cho biết đã thuê thêm 12 máy bay Boeing 767 để tăng đội máy bay vận chuyển hàng hóa lên hơn 80 chiếc. Amazon cũng đang đàm phán mua Zoox, một startup đang phát triển xe tự lái có mức định giá 2,7 tỷ USD.

Với lượng tiền mặt lên đến 192 tỷ USD, trong thời gian qua, Apple đã chi mạnh để mua ứng dụng dự báo thời tiết DarkSky, Công ty thực tế ảo NextVR, Công ty phần mềm nhận dạng giọng nói và trợ lý số hóa Voysis và startup trí tuệ nhân tạo Xnor.ai.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến năm ngoái, Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook, đã khẳng định: “Tôi luôn tin rằng, trong những thời kỳ suy thoái kinh tế, điều đúng đắn cần phải làm là duy trì đầu tư để xây dựng tương lai. Khi thế giới thay đổi nhanh chóng, mọi người cần các nhu cầu mới và điều đó có nghĩa là có nhiều thứ mới cần phải xây dựng”.

Lớn mạnh hơn sau đại dịch

Khi tăng tốc đầu tư trong thời kỳ kinh tế tổn thương, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang đi theo một hình mẫu phát triển đã có tiền lệ từ trước đó. Trong các cuộc suy thoái trước đây khi nền kinh tế đang trong tình trạng dễ tổn thương nhất, những công ty công nghệ dám đầu tư quyết liệt thường trỗi dậy mạnh mẽ sau đó.

Vào thập niên 1990, IBM đã tận dụng  suy thoái kinh tế để tái định hướng kinh doanh từ một công ty phần cứng thành một công ty dịch vụ và phần mềm. Google và Facebook vươn lên mạnh mẽ sau khủng hoảng bong bóng dot-com bùng nổ cách đây 20 năm. Đây là bong bóng thị trường cổ phiếu khi giá cổ phiếu của các công ty công nghệ bị đẩy lên cao.

Apple cũng hưởng lợi khi tăng mạnh ngân sách nghiên cứu và phát triển trong hai năm trong thời kỳ suy thoái kinh tế vào đầu thập niên 2000. Chính chiến lược này đã giúp Apple, vốn bên bờ vực phá sản vào cuối thập niên 1990, bước vào thời kỳ tăng trưởng bùng nổ nhờ liên tiếp ra mắt các sản phẩm và dịch vụ đình đám, ban đầu là máy nghe nhạc iPod, cửa hàng âm nhạc iTunes và cuối cùng là iPhone, kho ứng dụng App Store.

Ranjan Roy, một nhà bình luận công nghệ của trang tin The Margins, cho rằng hiện nay, các ông lớn công nghệ rõ ràng không ngần ngại hành động quyết liệt hơn. Theo chuyên gia này, nếu không gặp phải trở ngại đáng kể nào, các “ông lớn” công nghệ gần như chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Rất nhiều khía cạnh trong đời sống hàng ngày sẽ trở nên phụ thuộc vào sản phẩm của các hãng công nghệ.

Tuy vậy, John Paul Rollert, Giáo sư ở trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, cho rằng các ông lớn công nghệ cũng đang chấp nhận rủi ro khi ồ ạt chi tiêu trong thời kỳ bất ổn, bởi luôn có khả năng những khoản đầu tư này không thu về được lợi nhuận như mong muốn.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.