Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân”

Thứ Hai, 18/12/2023, 13:45

Tổ chức các buổi khám chữa bệnh miễn phí, tư vấn dinh dưỡng hay tổ chức các cuộc hội thảo để tặng quà, giới thiệu sản phẩm, nhưng thực chất là chiêu trò dụ dỗ bán sữa, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc của nhiều đối tượng lừa đảo mà nạn nhân vẫn chủ yếu là các cụ già. Dù đã được cảnh báo nhưng với những lời đường mật, nhiều cụ già vẫn dốc hết tiền của để mua những sản phẩm có giá vài triệu đồng.

Bán hàng khi chưa được cấp phép?

Một tuần trở lại đây, cuộc sống của người dân thôn Sinh Liên, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội bỗng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hàng ngày các cụ già trong thôn nườm nượp đến địa chỉ 241, đường Bình Minh, xã Bình Minh để tham dự hội thảo, nhận quà tặng miễn phí từ Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea. Đây cũng là trụ sở của công ty này. Theo phản ánh của nhiều người dân, các buổi hội thảo được tổ chức khá ầm ĩ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, và có dấu hiệu lợi dụng lòng tin của bà con để dụ dỗ mua hàng.

Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân” -0
Tổ chức hội thảo bán sâm ở thôn Sinh Liên, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Bà H.T trong thôn bức xúc cho biết: “Tôi không tham dự những buổi hội thảo này, vì có lần từng bị lừa mua phải một lọ sâm không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá vài triệu đồng, nhưng ở bên ngoài tôi nghe rõ những lời quảng cáo của nhân viên công ty về các loại sâm Hàn Quốc mà công ty đang nhập khẩu. Rất nhiều cụ già đến dự và sau mỗi buổi hội thảo là lại được quà mang về. Nên mỗi ngày các cụ già ở trong xã nghe tin cũng đến nhiều hơn, rất nhiều người đã đăng ký mua hàng của công ty qua lời quảng cáo”.

Theo bà H.T, qua lời quảng cáo của nhân viên bà nghe được thì một hộp sâm Hàn công ty bán với giá hơn 3 triệu, nhưng đang trong tuần ưu đãi sẽ được giảm giá còn 2,3 triệu kèm theo quà tặng là một lọ sâm khác có giá 1,9 triệu đồng. Nếu không mua trong tuần đầu thì sang tuần thứ 2 sẽ về nguyên giá và không có khuyến mãi nên rất nhiều cụ già đăng kí mua hàng với công ty. Tuy nhiên phía công ty lấy lý do hàng sâm này nhập khẩu từ Hàn Quốc, hiện công ty chưa đủ hàng cung cấp cho bà con nên sẽ “hẹn khi nào cơ quan chức năng nhập được hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam và được phân phối về kho của công ty thì công ty sẽ trả hàng cho các cụ”.

Để thực tế, phóng viên đã về thôn Sinh Liên để tìm hiểu, thế nhưng trong các buổi hội thảo, khi các cụ già đã có mặt đầy đủ, công ty cửa đóng then cài, nội bất xuất ngoại bất nhập, không cho quay phim chụp ảnh trong hội trường. Người vào phải có thẻ ra vào và phải là người cao tuổi. Kết thúc buổi hội thảo, cửa mới được mở ra và các cụ già lại nườm nượp ra về, người cầm chai mắm, chai dầu, người cầm lọ sâm Hàn... Theo ông Lê Bá Thanh, trưởng thôn Sinh Liên cho biết, dù thôn đã ra sức tuyên truyền bà con không nên tham gia các cuộc hội thảo như thế này và mua hàng của công ty nhưng vì được quà tặng miễn phí nên vẫn rất nhiều người đến và mua hàng.

Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân” -0
Dù mới gửi bản đăng ký, nhưng công ty đã tự ý tổ chức hội thảo, bán sản phẩm.

Liên hệ với ông Nguyễn Văn Thêm, Chủ tịch UBND xã Bình Minh để hỏi về việc tổ chức hội thảo bán hàng của Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea đã được cấp phép hay chưa, sản phẩm nhập khẩu đã có giấy tờ đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng… để bán hay chưa, thì ông Thêm cho biết, công ty có đầy đủ giấy tờ hoạt động cũng như nguồn gốc sản phẩm, và phóng viên không thể tiếp cận hồ sơ vì xã cũng đã gửi toàn bộ hồ sơ lên huyện. Tuy nhiên khi liên hệ với ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch huyện Thanh Oai thì ông Sáng cho biết, Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea mới gửi công văn đến UBND huyện để xin đăng ký hoạt động tập trung đông người nơi công cộng để quảng cáo sản phẩm. Còn chưa có nội dung tổ chức hội thảo bán sản phẩm. Phòng văn hóa huyện đã trao đổi với công ty về nội dung này phải báo cáo với thành phố xin cấp phép. Hiện UBND huyện đã giao Công an và Quản lý thị trường kiểm tra.

Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea mới đi vào hoạt động từ ngày 17/11 nhưng đã quảng cáo sản phẩm sâm nhập khẩu từ Hàn Quốc có nhiều tác dụng với sức khỏe của các cụ già, có hạn sử dụng đến năm 2026 nên các cụ có thể thoải mái mua về dùng. Mặc dù mới gửi đăng ký hoạt động tập trung nơi đông người để quảng cáo sản phẩm với UBND huyện Thanh Oai nhưng công ty đã tự ý tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm rồi bán sản phẩm cho người dân với giá rất cao, thậm chí thu tiền trước trả hàng sau với lý do không đủ hàng.

Cảnh giác với chiêu trò tặng quà tri ân

Thực phẩm chức năng là những sản phẩm có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm trên thị trường đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng với giá cao, gây hại cho sức khỏe cho người dùng.

Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân” -0
Một công ty sữa tổ chức tư vấn dinh dưỡng nhưng mục đích bán sữa cho người dân nông thôn.

Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến là tổ chức các buổi “hội thảo” ở nhà dân với chiêu thức “tặng quà” kết hợp rao bán thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm gia dụng. Sau thời gian vắng bóng, thì gần đây các “hội thảo” tặng quà hay khám chữa bệnh miễn phí kết hợp giới thiệu, bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tái diễn. Sản phẩm được quảng cáo như thần dược chữa bệnh, hỗ trợ phục hồi sức khỏe. Đối tượng hướng đến chủ yếu là người lớn tuổi, phụ nữ. Với chiêu trò “tặng quà”, nhiều người dân đã rủ nhau tìm đến. Lúc này, các đối tượng thông tin “ai được tặng quà nên mua thêm 1-2 sản phẩm nữa sử dụng mới phát huy công hiệu”. Từ đó, người dân bỏ ra số tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin thành phần. Sau khi thu được món tiền lớn, nhóm đối tượng lạ mặt nhanh chóng rời đi.

Điều đáng nói nạn nhân đều là những cụ già. Dù đã được con cháu cảnh báo nhưng nhiều cụ vẫn dốc những đồng tiết kiệm cuối cùng để mua sữa, mua thực phẩm chức năng với giá vài triệu đồng thậm chí cả chục triệu đồng.

Một thủ đoạn mới của các đối tượng gần đây là tổ chức các buổi khám chữa bệnh, tư vấn dinh dưỡng miễn phí sau đó bằng những lời đường mật dụ dỗ các cụ già mua sữa, mua thực phẩm chức năng. Các đối tượng thường tổ chức ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi bà con thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, thông tin văn hóa, nên chỉ cần có lời quảng cáo “khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà miễn phí” là người nọ sẽ kéo người kia đến để nhận quà tặng và sau đó là mua hàng.

Còn nhớ tháng 6/2023, một người tụ xưng là nhân viên phòng khám đa khoa Việt Đức có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã liên hệ với Hội sinh vật cảnh tỉnh Nam Định mời tham gia hoạt động khám bệnh tri ân. Kết quả có hàng trăm người ở Nam Định tham gia nhưng thực chất phòng khám chỉ khám qua loa rồi bán thực phẩm chức năng với giá gấp vài lần đến gần 10 lần.

Mới đây, ngày 12/12/2023, Trung tâm Xét nghiệm y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng (trụ sở ở 173 Nguyễn Chí Thanh) vừa bị xử phạt 9,5 triệu đồng về hành vi bán thực phẩm chức năng không niêm yết giá. Trước đó, người dân phản ánh Trung tâm xét nghiệm y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng tổ chức khám bệnh từ thiện, lấy máu xét nghiệm miễn phí cho người già, neo đơn tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân” -0
Trụ sở Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea cửa đóng then cài để tổ chức hội thảo.
Đằng sau chiêu trò “khám bệnh miễn phí, tặng quà tri ân” -1
Kết thúc cuộc hội thảo của Công ty TNHH Thương mại Tín Phát Korea.

Trung tâm có xe đưa đón người bệnh và hỗ trợ ăn 2 bữa miễn phí/ngày nhưng chỉ nhận chở những người đi khám khi không có người thân bên cạnh. Tuy nhiên, sau khi khám, nhiều người được nhân viên trung tâm tư vấn mua sản phẩm tinh dầu thông đỏ Royal với giá 2,5 triệu đồng. Người mua càng nhiều thì càng được giảm giá và nếu không có tiền thì ghi nợ, trả trong vòng 3 tháng.

Nhận phản ánh, Phòng Y tế quận Hải Châu, Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tại Trung tâm xét nghiệm y khoa kỹ thuật cao VSK Đà Nẵng. Đại diện cơ sở này giải trình, trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm miễn phí cho người dân Quảng Nam, các nhân viên nhà thuốc có tư vấn bán sản phẩm tinh dầu thông đỏ, nhưng việc tư vấn không đầy đủ dẫn đến hiểu nhầm cho khách hàng.

Quá trình kiểm tra đột xuất thực tế tại trung tâm, đoàn liên ngành phát hiện cơ sở này không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở.

Hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) qua hình thức “hội thảo”, khám chữa bệnh miễn phí, bán hàng trực tuyến, gọi điện thoại cho người tiêu dùng… rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình trạng lừa đảo bán thực phẩm chức năng ngày càng phổ biến, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi của mình. Khi mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin thành phần, hạn sử dụng và giấy phép lưu hành của sản phẩm; tránh những lời quảng cáo không thực tế, không có căn cứ khoa học. Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện những trường hợp lừa đảo, gian lận để xử lý kịp thời và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

N.Trâm  - N.Anh
.
.