Đằng sau những trận đấu võ "lạ" ở Đại hội Thể thao toàn quốc

Thứ Tư, 28/12/2022, 19:36

Khó có thể nói Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 đã kết thúc tốt đẹp, đặc biệt ở các môn võ như Boxing, Kickboxing và Muay. Người hâm mộ không có dịp theo dõi những màn so tài nảy lửa, bởi không ít trận đấu được an bài kết quả mà không cần phải diễn ra!

Vận động viên lên đài quyết thắng, huấn luyện viên ở dưới... xin thua

Kết thúc môn Muay Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9, võ sĩ được nhắc đến nhiều nhất không phải Nguyễn Trần Duy Nhất. Người hâm mộ võ thuật càng không nhắc tới những nhà vô địch như Bùi Yến Ly, Lê Hoàng Đức. Họ chỉ bàn tán về Đặng Y Bon, người hiếm hoi dám lên tiếng về một trận đấu "lạ" nơi anh là nạn nhân.

Đằng sau những trận đấu võ
Kickboxing TP Hồ Chí Minh chỉ dành được 1 huy chương vàng dù lọt vào chung kết 4 trận.

Ngày 17/12, Y Bon bước vào trận tứ kết hạng cân 57kg nam môn Muay. Anh tham dự giải với vị thế đương kim vô địch quốc gia ở nội dung này. Nhưng ngay sau khi võ sĩ sinh năm 1992 bước lên đài, trọng tài ra hiệu lệnh cho anh bước xuống. Y Bon không được thi đấu vì huấn luyện viên (HLV) của anh đã xin bỏ cuộc.

"Tôi sẽ dừng mọi hoạt động ở các giải Muay vô địch quốc gia để thi đấu Muay chuyên nghiệp. Không thể chấp nhận nổi cảnh vận động viên (VĐV) muốn thi đấu nhưng lại không được đấu", Y Bon buồn bã viết trên trang cá nhân. Anh chỉ dám bấm nút đăng bài sau khi những đồng đội của mình đã thi đấu xong, vì không muốn liên lụy đến họ.

Lý giải về trận thua "lạ" của Y Bon, các thành viên Ban Tổ chức môn Muay của Đại hội cũng đưa ra nhiều lý do khác nhau. Có người nói Y Bon quá cân nên không đủ điều kiện thi đấu. Có người lại bảo HLV của Y Bon thấy anh gặp chấn thương, thể trạng không tốt nên không cho lên đài.

Tuy nhiên, để chứng minh mình hoàn toàn đủ cân nặng, võ sĩ này đã trưng ra sổ vận động viên. Vào buổi sáng trước ngày đấu, Y Bon đạt cân nặng 56,9kg, vừa đủ để lên đài ở hạng cân 57kg. Anh cho biết mình cũng không gặp phải chấn thương nào, vì thế không có lý do anh bỏ cuộc vì sức khỏe.

Đằng sau những trận đấu võ
Liên đoàn Quyền anh Việt Nam không được bổ nhiệm trọng tài làm việc tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

Đối thủ của Y Bon ở tứ kết, vì thế, giành chiến thắng mà không cần thi đấu. Người này sau đó tiếp tục vượt qua vòng bán kết, rồi bỏ cuộc ở trận chung kết, "nhường" HCV cho võ sĩ Nguyễn Quang Huy của đoàn Hà Nội. Đó chỉ là 1 trong số 9 trận đấu bị hủy ở chung kết môn Muay, vốn chỉ có 17 nội dung.

Có lẽ trong lịch sử các giải võ thuật quốc gia, chưa bao giờ xuất hiện tình trạng bỏ cuộc ở chung kết nhiều như môn Muay tại kỳ Đại hội này. Việc quá nửa số trận đấu phải hủy khiến Ban Tổ chức phải làm một việc chưa từng thấy. Họ mất chưa đầy 10 phút để công bố 11 nhà vô địch, những người không đánh mà thắng.

Trước đó ở Cúp các Câu lạc bộ Muay toàn quốc 2022, tranh cãi cũng xảy ra trong đêm chung kết. Nhiều trận đấu "lạ" xuất hiện khi võ sĩ thi đấu áp đảo hơn lại bị xử thua cuộc. Đỉnh điểm tranh cãi xuất hiện trong trận thua của Huỳnh Hà Hữu Hiếu, võ sĩ từng 2 lần giành chức vô địch thế giới.

9 tháng trôi qua kể từ trận thua của Hiếu, những trận đấu "lạ" của Muay diễn ra trầm lặng hơn. Nhiều võ sĩ giỏi bị thẳng tay loại ngay từ vòng ngoài, thay vì để lọt tới vòng trong. Những võ sĩ quá mạnh như Y Bon thậm chí không có cơ hội thi đấu, bởi VĐV muốn lên đài thì phải được HLV cho phép.

Không chiếu trực tiếp, vì sao?

Trong quá trình chuẩn bị cho môn Boxing Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9, Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) quyết định rút khỏi thành phần Ban Tổ chức vào phút chót. Có 2 lý do khiến họ quyết định như vậy. Thứ nhất, đại diện Tổng cục Thể dục thể thao không đồng ý với đề xuất bổ nhiệm trọng tài của VBF. Thứ hai, Liên đoàn không được phát sóng trực tiếp các trận đấu.

Kể từ khi nắm công tác tổ chức các giải Boxing trong nước, VBF là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát sóng trực tiếp toàn bộ các trận đấu. Bên cạnh việc phục vụ người hâm mộ, lãnh đạo VBF quan niệm, đây là cách tốt nhất để những trận đấu được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng và minh bạch.

anh4-1672159099904.jpg
Nhiều câu hỏi với môn boxing tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

"Sau mỗi hiệp đấu, máy quay sẽ lia vào bảng điện tử để khán giả xem điểm. Chúng tôi làm vậy để không có trọng tài nào dám làm sai trong quá trình chấm", một cán bộ VBF cho biết. Tuy nhiên, đề xuất phát trực tiếp Boxing Đại hội của VBF bị từ chối với lý do đây là việc lãng phí.

Trước đó ở SEA Games 31, đề nghị phát trực tiếp môn Boxing của VBF cũng bị Bộ môn và Tổng cục từ chối vì lý do tương tự. Đài Truyền hình tỉnh Bắc Ninh thậm chí đã đưa xe màu đến tác nghiệp, nhưng cuối cùng chỉ có thể ghi hình chứ không được phát sóng. Cuối cùng, VBF quyết định phát sóng "chui" ở nhà thi đấu.

Trong bối cảnh các môn thể thao dần chuyên nghiệp hóa, đại chúng hóa; việc Bộ môn Boxing - Kickboxing (Tổng cục Thể dục thể thao) từ chối cho phát sóng trực tiếp dường như là việc làm đi ngược lại tiến trình phát triển. Một cán bộ

phụ trách bộ môn Boxing khẳng định Đại hội sẽ không có trận đấu nào gây tranh cãi, nhưng cuối cùng, mọi thứ dần vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ngày 18/12, môn Boxing bước vào các trận đấu bán kết ở nội dung của nam. Bất ngờ diễn ra ngay trận đấu thứ 2, khi Lê Hữu Toàn (đương kim vô địch WBA châu Á) để thua Sẳm Minh Phát ở hạng cân 46kg nam. Những trận đấu "lạ" sau đó tiếp tục diễn ra tại các trận bán kết hạng cân 54kg, 67kg và 86kg.

Tranh cãi ở vòng bán kết khiến ngày thi đấu cuối cùng của môn Boxing diễn ra theo cùng một kịch bản với Muay. 9/27 trận chung kết phải hủy bỏ với nhiều lý do khác nhau. Chương trình thi đấu vì thế khép lại nhanh hơn 2 giờ đồng hồ so với dự kiến, làm cho không ít người hâm mộ cũng cảm thấy bất ngờ.

Có hay không việc dàn xếp thành tích?

Võ sĩ Đặng Y Bon cho biết anh từng được mời chào nhận tiền để... xin thua ở kỳ Đại hội vừa qua.

Đằng sau những trận đấu võ
Võ sĩ Y Bon khẳng định anh đủ sức khỏe để thi đấu.

"Trước trận tứ kết, có người nói sẽ cho tôi 50 triệu đồng nếu tôi bỏ thi đấu, nhưng tôi không đồng ý. Đến khi tôi bị xử thua, có người đưa cho tôi 50 triệu nhưng tôi không nhận", Y Bon cho biết. Võ sĩ này nói anh đang khó khăn, rất cần tiền, nhưng không vì thế mà làm trái tinh thần võ sĩ.

Với Boxing, câu chuyện về tiêu cực đằng sau những trận đấu "lạ" ở Đại hội đã kéo dài dai dẳng trong nhiều năm qua. VBF bị "ra rìa" ở những giải đấu quan trọng, nơi tranh cãi nổi lên ít ngày rồi lại chìm xuống. Không ít HLV khiếu nại rồi nhanh chóng rút đơn khi mọi thứ đạt được sự thỏa hiệp.

Khép lại câu chuyện gây tranh cãi ít ngày qua, Y Bon nói, sau tất cả anh chỉ muốn tập trung rèn luyện và thi đấu. Bởi anh hiểu rõ hơn ai hết, người chịu thiệt sau mọi trận đấu "lạ" luôn là VĐV. Người thua cuộc lầm lũi rời đi trong ấm ức, còn kẻ chiến thắng cũng chẳng thể tự hào nếu họ mang trong mình niềm tự hào của võ đạo.

Muay, Boxing, Kickboxing TP Hồ Chí Minh và những dấu chấm buồn

Môn Kickboxing Đại hội khép lại, 37/39 đoàn tham dự có huy chương mang về. Môn này có 22 nội dung thi đấu, nhưng có tới 17 đoàn sở hữu VĐV giành HCV. Điều tương tự xảy ra ở môn Muay, khi có 9 đoàn giành HCV ở 17 nội dung. Tuy nhiên, bảng xếp hạng thành tích lại không thể khiến "cả làng cùng vui".

Là một trong những đơn vị đi đầu về phong trào phát triển Muay - Kickboxing, đoàn TP. Hồ Chí Minh chỉ giành được 3 HCV từ 2 môn này. Ở môn Muay, đoàn TP Hồ Chí Minh có 17 VĐV tham dự tất cả các nội dung nhưng chỉ giành được 2 HCV, 5 HCĐ; xếp dưới các đoàn Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương và Thái Nguyên.

Ở môn Kickboxing, TP Hồ Chí Minh lọt vào 4 trận chung kết nhưng chỉ giành được 1 HCV. Thành tích đó khiến đơn vị này không đạt được chỉ tiêu đã đề ra là 2 HCV. Thật khó để tưởng tượng đến viễn cảnh một đơn vị như TP. Hồ Chí Minh lại lâm vào tình trạng sa sút thành tích đến thế, dù phong trào của họ đang rất mạnh.

Ở môn Boxing, đoàn TP Hồ Chí Minh thậm chí còn để thua cả 4 trận chung kết, qua đó không giành được HCV nào. Hàng loạt biến động nhân sự ở đội ngũ những người làm chuyên môn đã khiến Boxing TP Hồ Chí Minh mất đi không ít HLV và võ sĩ giỏi.

Đơn Ca
.
.