Đằng sau việc Trung Quốc cấm cửa Micron Technology, Inc.

Thứ Hai, 29/05/2023, 20:02

Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 21/5 ra thông báo cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này giao dịch với công ty chuyên sản xuất chip nhớ Micron Technology, Inc. (Micron) của Mỹ, với lý do sản phẩm của hãng này “không đáp ứng các chuẩn mực an ninh”, có thể gây rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, cũng như rủi ro bảo mật đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Động thái của Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi Nhóm G7 nhất trí tìm cách “giảm thiểu rủi ro, chứ không tách rời” khỏi Trung Quốc, như là lời cảnh cáo Bắc Kinh gửi đến chính quyền Tổng thống Joe Biden, rằng kể từ nay Mỹ không thể đơn phương quyết định đóng băng hay hạ nhiệt các mối quan hệ.

1.jpg -0
Micron Technology, Inc. đã trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Giới quan sát cho rằng việc cấm giao dịch với Micron là đòn chính trị của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ đang lôi kéo đồng minh siết chặt giao dịch với Trung Quốc và không che giấu mục tiêu “phong tỏa” Trung Quốc bằng công nghệ cao khi liên tục đưa ra các biện pháp ngăn chặn các tập đoàn Trung Quốc mở rộng hoạt động bằng các quy định ngày càng “chặt chẽ”. Quyết định của Bắc Kinh cho thấy chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn có thể sẽ “khốc liệt hơn” và Bắc Kinh đã chuyển sang thế tấn công.

Quyết định trừng phạt Micron sẽ đem lại 2 lợi thế cho Trung Quốc. Thứ nhất, răn đe các nhà sản xuất không nên chống lại lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai, tạo điều kiện cho các hãng sản xuất nội địa trỗi dậy. Đây sẽ là “cú đấm đau điếng” của Trung Quốc vào hệ thống trị của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ.

Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang cảnh báo ngành công nghệ Mỹ sẽ phải “chịu thiệt hại lớn” nếu bị loại khỏi thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường quan trọng, chiếm khoảng 1/3 thị phần công nghệ Mỹ. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc hiện đang bắt đầu tự chế tạo chip của riêng mình để cạnh tranh với các công ty Mỹ như Nvidia. Ông Huang cho biết: “Nếu (Trung Quốc) không thể mua từ  Mỹ, thì họ sẽ tự sản xuất. Vì vậy, Mỹ phải cẩn thận. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với ngành công nghệ (Mỹ)”.        

Tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong đã đến Washington ngày 23/5. Một số phương tiện truyền thông và chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng sự xuất hiện của Tạ Phong là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ song phương đang căng thẳng. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng việc quan hệ hai nước được cải thiện hay không phụ thuộc vào Washington có sửa chữa những hành động sai trái và ngừng khiêu khích Bắc Kinh trong các vấn đề lợi ích cốt lõi hay không.

Tạ Phong tới Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, liên quan đến căng thẳng thương mại, vấn đề Đài Loan và sự cố khinh khí cầu hồi tháng 2/2023. Tạ Phong được coi là một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung, có nhiều kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến Mỹ. Phó giáo sư Điêu Đại Minh, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh cho rằng việc Tạ Phong đến Mỹ thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc trong xử lý quan hệ Mỹ-Trung và hướng đến ổn định quan hệ song phương.

Trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng, việc hai bên có động thái khôi phục quan hệ cấp cao là một dấu hiệu tích cực. Theo đó, cuộc gặp giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Vienna hồi đầu tháng 5 vừa qua được cho là đã mở ra cơ hội để hai nước tháo gỡ những vướng mắc và xoa dịu căng thẳng. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng đã tới Mỹ và gặp người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo trong tuần này. Một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng Lầu Năm Góc đang tìm cách thúc đẩy một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Singapore trong tháng 6.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc thúc đẩy quan hệ cấp cao thường xuyên sẽ ngăn quan hệ song phương tiếp tục đi xuống, nhưng sẽ không có tiến triển lạc quan đáng kể nào đối với quan hệ Mỹ-Trung bởi những đánh giá chiến lược cơ bản của Chính quyền Biden về Trung Quốc không thay đổi. Ngô Tâm Bá, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán cho rằng Mỹ nên ngừng khiêu khích Trung Quốc nếu muốn chứng kiến sự “tan băng” trong quan hệ Mỹ-Trung. Phó giáo sư Điêu Đại Minh nhấn mạnh để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Mỹ nên thiết lập sự hiểu biết đúng đắn về Trung Quốc, ngừng hình thành tâm lý bè phái cũng như ngừng thổi phồng về “mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Đối với Trung Quốc, vấn đề kinh tế chính là vấn đề an ninh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố an ninh kinh tế là “nền tảng” trong “khái niệm an ninh toàn diện” và tiếp tục khẳng định “an ninh là nền tảng của phát triển” tại kỳ họp Lưỡng hội hồi tháng 3/2023. Do đó, việc cải thiện tầm vĩ mô trong quan hệ Mỹ-Trung cần được bắt đầu bằng việc tái định hình vấn đề. Cần nhìn nhận rằng kinh tế và an ninh là 2 vấn đề đan xen chặt chẽ.

Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với những thay đổi lớn về nhân khẩu học và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, phát triển công nghệ được coi là động lực bền vững cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài. Do đó, mọi chính sách cố gắng ngăn chặn sự phát triển công nghệ đều được coi là sự xâm phạm lợi ích quốc gia đối với Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc chọn cách “hành động và trả đũa”, đáp trả bằng các biện pháp cưỡng chế tương xứng. Do đó, để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Mỹ cần có những hành động thực tế hơn, xem xét vấn đề kinh tế và an ninh một cách đồng bộ, mở đường cho tiến bộ thực sự trong quan hệ Mỹ-Trung.

Ngân Hoàng (Tổng hợp)
.
.