Danh hài đón năm mới Bính Thân

Thứ Tư, 03/02/2016, 09:45
Ba danh hài, mỗi người đón Tết mội kiểu, theo cách riêng của họ. Nhưng, tất cả đều giống nhau ở một điểm, đó là lao động miệt mài trong những ngày đầu xuân để quý tặng khán giả những vở diễn, những tiểu phẩm tâm đắc nhất của mình.


NSƯT Minh Vượng: "Đêm 30 Tết, mình diễn phục vụ bộ đội"

Phóng viên (PV): Chào nghệ sĩ Minh Vượng,  chỉ còn ít ngày nữa thôi là bước sang năm mới, Tết năm nay có gì đặc biệt không chị?

NSƯT Minh Vượng: Vượng vẫn vậy,  cả chục năm nay cứ đêm 30 Tết là tất tả đi diễn gần Giao thừa mới mò về đến nhà, có những hôm tắc đường vừa về tới trước cửa, tìm được chìa khóa mở cổng, vào nhà ngồi xuống ghế, bật tivi chỉ 5 phút sau là pháo hoa tưng bừng, giờ phút giao thừa linh thiêng đã tới. Bạn thấy đấy, là người nghệ sĩ biểu diễn, những ngày này để phục vụ khán giả. Khi nào nghệ sĩ còn được biểu diễn trên sân khấu nhìn thấy khán giả ở dưới reo hò, khóc hay cười, hoặc vỗ tay là khi đấy mình hạnh phúc.

Năm ngoái Vượng diễn phục vụ cho các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ở Hà Đông. Được yêu mến, nên tối 30 Tết năm nay lại được các chiến sĩ mời vào diễn tiếp. Ở đơn vị có mấy trăm chiến sĩ trực ở đó. Vợ con của họ cũng đến để động viên tinh thần cho chồng, cho cha vào ngày cuối cùng trong năm. Vậy là Vượng biểu diễn phục vụ không chỉ cho các chiến sĩ mà cả gia đình vợ con họ. Mọi người rất vui vẻ.

PV: Chị sẽ diễn tác phẩm gì?

NSƯT Minh Vượng: Những tiểu phẩm Vượng biểu diễn phục vụ bà con công chúng hầu hết đều do Vượng tự viết kịch bản. Năm nay Vượng cũng đã chuẩn bị một kịch bản mà Vượng tâm đắc, ấp ủ từ cách đây mấy tháng. Câu chuyện xung quanh hai người đàn bà, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng đến khi về già họ cùng sống trong nỗi buồn, và tột cùng của sự cô đơn.

Trong tác phẩm đó, Vượng cũng đề cập đến thời sự nóng hiện giờ đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vượng muốn chia sẻ với mọi người về những gì Vượng trăn trở và suy nghĩ cũng mong muốn tìm được sự đồng cảm của khán giả. Vượng diễn cùng NSƯT Lan Anh.

PV: Vâng, chắc chắn rồi, những gì xuất phát từ trái tim và đến từ tâm hồn thì bao giờ cũng có sức lay động mạnh mẽ với mọi người, chúc chị có một buổi biểu diễn lý thú, và gặp được những khán giả tri âm. Khán giả sẽ được vui cùng chị trong thời gian bao lâu ạ?

NSƯT Minh Vượng: Vở diễn diễn ra trong vòng hai tiếng. Vì từ nhiều năm nay Vượng đều đi biểu diễn tối 30 Tết mà chủ yếu là vào Hà Đông chứ không biểu diễn ở thành phố, nên ngay từ 4 giờ chiều ngày cuối năm là Vượng chuẩn bị mâm cơm cúng chiều 30 Tết. Mâm cơm có đầy đủ hương vị Tết: bánh chưng, thịt đông, canh măng, hành muối… mời ông bà tổ tiên và các thần linh trong nhà xơi cỗ. Vượng làm sớm để rồi còn chuẩn bị vào Hà Đông diễn. Từ 20 giờ đến 22 giờ là xong nhưng còn nán lại trò chuyện giao lưu nghệ sĩ với chiến sĩ rồi mới tất tả về nhà.

Hai chị em đi diễn, Lan Anh lái xe, 23 giờ đêm, mọi người ở trong nhà còn hai chị em thì đi ngoài đường ngắm phố phường vào giờ khắc cuối cùng của năm cũ. Cảm giác đấy rất lạ. Năm nào cũng vậy, vào thời khắc ấy, Vượng luôn ngồi trên xe rời chỗ diễn. Có lẽ chỉ có người nghệ sĩ biểu diễn ngày cuối năm là có cảm giác đấy mà thôi.

PV:  Vâng, thật lãng mạn và cũng có chút man mác buồn. Nghệ sĩ vốn nhạy cảm, ẩn trong con người có dáng vẻ khuỳnh khoàng của chị là một tâm hồn mong manh, dễ tổn thương. Chị có thích Tết không?

NSƯT Minh Vượng: Có chứ, Vượng yêu Tết, yêu đến mê tơi không khí và mùi vị rất đặc trưng của Tết. Những ngày trước Tết phố phường đã tưng bừng tấp nập bán mua, những cành đào Nhật Tân nở sớm tung tóe giăng mắc trên khắp con đường ở Hà Nội. Thời bao cấp cứ đến sau ngày ông Công, ông Táo chầu trời là các gia đình lại ra vòi nước công cộng rửa lá dong để gói bánh chưng, hình ảnh mọi người lần lượt đứng xếp hàng ở các cửa hàng mậu dịch để đợi mua thịt, mua đỗ.

Từ ngày đất nước đổi mới đời sống khấm khá hơn, người ta không phải xếp hàng dài để mua thịt, mua đỗ nhưng rồi cũng mất luôn những hình ảnh thân quen như rửa lá, gói bánh, bắc bếp dầu, bếp củi luộc bánh, giờ mọi người mua sẵn hết cả rồi. Thời kinh tế thị trường cái gì cũng có, chỉ cần mất  khoảng 2 tiếng đi mua đồ Tết đã đầy đủ đề huề hết cả. Năm nào cũng vậy, Vượng sắm đào từ trước Tết cả nửa tháng, mua hoa violet và hoa bướm, hoa thược dược. Nhìn ngắm những bông hoa violet tím, cánh hoa bướm mong manh mình thấy tâm hồn mình nhẹ bẫng…

PV: Những cánh hoa bướm mong manh ấy rất giống Minh Vượng, một nghệ sĩ nhạy cảm, mơ mộng. Trong những ngày Tết chị sẽ làm gì?

NSƯT Minh Vượng: Vượng cho phép mình làm con mèo lười ngủ muộn một chút, sau đó dậy sắm sửa mâm cơm cúng ngày mồng Một. Vượng sống một mình làm gì có ai ăn đâu mà bày vẽ ra nhiều. Sau đó Vượng đi chùa, cầu sức khỏe, cầu bình an, và nguyện làm cho đời được thêm những điều tốt.

Cả năm ngày nào cũng bạn bè nên ngày Tết, Vượng chỉ dành riêng thời gian cho anh chị em trong gia đình. Mọi người thăm hỏi nhau, chúc năm mới an lành. Vượng sinh trong gia đình có 6 anh chị em, Vượng là con thứ hai, trên Vượng là anh trai, sau Vượng còn có 3 em gái và 1 em trai nên chỉ mỗi ngày quay vòng đi qua đi lại nhà nhau là hết Tết.

PV: Cảm ơn chị Minh Vượng, chúc chị sang năm mới dồi dào sức khỏe và mọi điều bình an, tốt đẹp.

Nghệ sĩ Minh Béo: "Mình đón giao thừa cùng mẹ"

PV: Chào NS Minh Béo, miền Bắc vào những ngày này đang rất lạnh, đã rất lâu rồi miền Bắc mới có những đợt lạnh kéo dài như vậy và nhiều nơi có tuyết phủ, còn ở Sài Gòn thì nắng vẫn vàng và mây vẫn xanh. Minh Béo có dự định thưởng thức cái lạnh của miền Bắc trong những ngày Tết Bính Thân sắp tới không?

NS Minh Béo: Minh Béo rất muốn thưởng thức cái lạnh buốt giá của miền Bắc mà ở trong này, nghe đài thông báo là miền Bắc rét đậm, rét hại, nhiều nơi xuống đến dưới 10ºC. Từ nhiều năm nay không có đêm 30 Tết nào là Minh Béo ở nhà hết, Minh Béo đi diễn ở các đài truyền hình. Tối 30 Tết năm ngoái Minh Béo diễn ở Đài Truyền hình Long An và Đài Truyền hình Hậu Giang, năm nay Minh Béo diễn ở Đài Truyền hình Long An và Đài Truyền hình Tiền Giang. Sau khi ghi hình xong, Minh Béo quay về thành phố đi trao quà từ thiện ở quận Thủ Đức rồi về nhà đón Giao thừa cùng với mẹ.

Những ngày trước Tết, trong Tết và sau Tết người nghệ sĩ lao động nhiều nhất trong năm. Tết là ngày những người con xa xứ mong về quê hương bản quán để hưởng không khí Tết cổ truyền của dân tộc. những người dân bản xứ sau cả năm bận rộn cũng muốn có chuỗi ngày nghỉ và họ thư giãn bằng cách thưởng thức những tiểu phẩm vui tươi dí dỏm ngày đầu xuân nên Minh Béo kín lịch biểu diễn.

Mỗi ngày 3 suất sáng, chiều, tối đi diễn từ  mồng Một Tết đến qua Rằm tháng Giêng ở những khu vui chơi giải trí được yêu thích như: Công viên nước Đầm Sen, Suối Tiên, Đại Nam, Bửu Long, Thảo Cầm Viên… đến buổi tối Minh Béo diễn ở Sân khấu Sao Minh Béo, rồi chạy sang các sân khấu khác. Đầu xuân năm mới các công ty bắt đầu đi làm cũng ký hợp đồng mời Minh Béo đến để biểu diễn, họ muốn danh hài tới lấy hên, coi như rước thần tài lấy lộc đầu xuân vào công ty cho cả năm may mắn.

PV: Tết đến, Minh Béo háo hức mong chờ nhất điều gì?

NS Minh Béo:  Từ ngày còn bé cho đến tận giờ, năm nào khi kim đồng hồ nhích sang năm mới, vào giờ khắc ấy là mẹ lại chuẩn bị một phong bì lì xì cho Minh Béo. Bây giờ Minh Béo đã lớn, đi làm từ lâu rồi nhưng mẹ vẫn coi mình là đứa trẻ, mẹ vẫn không quên lì xì cho con trai. Còn mình thì chuẩn bị phong bao mừng tuổi mẹ và lì xì cho cả nhà.

Ngày Tết  trong nhà Minh Béo không thể thiếu mai vàng, dưa hấu đỏ, mâm ngũ quả với 5 màu tượng trưng cho 5 hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngoài ra còn có bánh chưng, bánh tét thêm vào cho hương vị xuân. Minh Béo cũng tin vào những điều báo hiệu đầu năm nên từ nhiều năm nay cứ sáng ngày 30 Tết là Minh Béo lại tự tay ngâm giá đỗ, để qua một hôm, đến sáng ngày mồng Một Tết mình xem giá đỗ mình ngâm có ngóc đầu lên trên mặt nước hay không? Nếu giá ngóc đầu lên coi như năm đó mình gặp nhiều may mắn, sức khỏe tốt, công việc trôi chảy. Và sáng ngày mồng Một mình bổ quả dưa hấu, nếu quả dưa bổ ra mà ruột màu đỏ tươi là năm đấy mình phát tài, thuận lợi.

PV: Cảm ơn Minh Béo, chúc cho năm nay Minh Béo lại tiếp tục gặp nhiều điều may mắn, thành công nữa nhé.

Danh hài Vượng "râu": "Nghỉ diễn từ 29 Tết đến mồng 3"

Vượng vẫn vậy, tóc dài, râu ria xồm xoàm, vẫn thích khăn đóng áo the dài, sinh năm 1982 mà cứ lụ khà lụ khụ trông như ông lão 60. Có lẽ với dáng vẻ tất tưởi kỳ khôi tự nhiên của mình mà thoạt trông người ta đã mắc cười. Vượng bảo dù bận đến đâu cũng cố làm tròn ngày Tết. Dù nghèo hay giàu nhưng đó là ngày để đoàn tụ, hiếu kính tổ tiên, cây có cội, sông có nguồn. Đó là phong tục ngàn đời của người Việt.

Ngay từ trước Tết 2-3 tháng Vượng chuẩn bị sắm sanh hương thơm, đèn nến, giấy mã tiền vàng để lễ. Bánh chưng Vượng cho gói cả trăm cái chứ chả ít. "Sao gói nhiều thế?". Vượng bảo: "Cỗ bàn phải trang nghiêm đầy đặn, không thể qua quýt búi xùi". Í ới thuê người đến gói, hì hụi đi ra đi vào trông nồi bánh chưng, mong đến lúc vớt ra mùi bánh thơm phức tỏa khắp nhà. Hoa lan thì trang hoàng khắp sân, tọa ngự tỏa hương sắc trên ban thờ.

Chăm chỉ thành kính nhang khói ông bà tổ tiên nhưng cũng không quên kiếm tiền. Vượng tranh thủ ký hợp đồng với các cơ quan đoàn thể, làng xã. Vượng bảo: Tết là lúc để danh hài kiếm tiền.  Nhưng Vượng bảo với bên ký hợp đồng, muốn trả bao nhiêu, diễn cái gì cũng phải trừ ra ngày 29 Tết cho đến hết mồng 3 Tết để Vượng còn ở nhà hương khói kính lễ nơi đền phủ.

Sang mồng 4 thầy trò nhà Vượng “râu” lại khăn gói lên đường. Vượng đa tài đa nghệ. Vừa hầu đồng nơi đền chùa, đình miếu, lại hát mừng thọ các cụ cao niên ở các làng, các xã. Vượng hát xẩm, hát văn, hát chèo ở các hội chợ. Năm nay, theo như lịch hẹn, mồng 4 Tết Vượng sang vùng đất quan họ Bắc Ninh diễn xướng. Kịch bản diễn là do tự Vượng xây dựng cốt truyện, viết kịch bản. Cứ tung tẩy khắp các nơi, Sóc Sơn, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa… chỗ nào cần người ta gọi, họ có lòng mình có sức.

Vượng cười hì hì ra chiều khoái trá kể: "Có những nơi 2-3 tháng trước Tết đã đến ký hợp đồng, mình nhận với họ, nhưng họ cứ ép mình phải cầm tiền trước cho họ yên tâm. Có những lúc lưu diễn dăm ba người, có lúc lưu diễn cả chục người hoặc hơn, tùy theo yêu cầu của đối tác, thích tiết mục như thế nào. Đầu xuân người yêu ta chuộng những tiểu phẩm vui, để mọi người cùng hoan hỉ. Chẳng ai thích tiểu phẩm buồn đầu năm làm gì, nhưng âm nhạc dân tộc thì cứ man mác buồn những làn điệu chèo, bài hát xẩm, hát văn tình tứ, trắc ẩn dễ đánh động thao thức lòng người". Vượng bảo, một nghệ sĩ biểu diễn hạnh phúc là được mang lời ca tiếng hát, mang tiểu phẩm làm vui cho mọi người, chúc phúc mọi người. Và mong cả năm được diễn kín lịch.

Mỹ Trân
.
.